LÁ ĐỎ – VỞ NHẠC KỊCH NỒNG ẤM TÌNH ĐỒNG ĐỘI, CAO THƯỢNG ĐỨC HI SINH

 LÁ ĐỎ - Âm nhạc: Đỗ Hồng Quân.  Dựa trên kịch bản thơ của Nguyễn Thị Hồng Ngát.  Chỉ huy Âm nhạc: Honna Tetsuji.  Đạo diễn và dàn dựng Âm nhạc: Đỗ Hồng Quân.  Đạo diễn sân khấu: NSDN Phạm Anh Tú.  Biên đạo múa: NSND Phạm Anh Phương.  Thiết kế mỹ thuật: NSƯT Nguyễn Đạt Tăng.

                                                                                                             

la-do-bom-roi-ipce-1720392955.jpg
 

Tối 25 tháng 5 năm 2016, vở nhạc kịch LÁ ĐỎ đã được trình diễn thành công tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Đây là kết quả lao động kiên trì, nhẫn nại, đầy trí tuệ và tâm huyết của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân (tác giả nhạc kịch), nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát (tác giả kịch bản thơ) cùng 130 nghệ sĩ suốt thời gian 3 năm qua. LÁ ĐỎ có thể được coi là vở Opera “thuần việt” đầu tiên kể từ sau 1975 đến nay của nghệ thuật sân khấu Việt Nam.

Lấy cảm hứng từ ca khúc LÁ ĐỎ (Nhạc Hoàng Hiệp, Thơ Nguyễn Đình Thi) và dựa trên những hiểu biết, cảm xúc của mình về sự hi sinh dũng cảm của 8 Thanh niên xung phong trong cuộc chiến tranh vệ quốc, Nguyễn Thị Hồng Ngát đã viết kịch bản thơ LÁ ĐỎ. Được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đặt hàng, từ năm 2013, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân bắt tay vào thực hiện dự án nhạc kịch với kịch bản văn học này của Nguyễn Thị Hồng Ngát. Đến tháng 9/2014, Lá đỏ đã hoàn thành trên văn bản và bắt đầu quá trình dàn dựng để đưa lên sân khấu với tính chất một vở Opera 2 hồi 6 cảnh và vĩ thanh. NSND Phạm Anh Tú với vai trò đạo diễn sân khấu, NSND Phạm Anh Phương với vai trò biên đạo múa cũng góp phần quan trọng cho vở diễn được hoàn thành.

Với vai trò đạo diễn kiêm dàn dựng âm nhạc vở LÁ Đỏ , nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân phải trải qua một quá trình lao động công phu, nghiêm túc, tuân thủ các quy trình khắt khe của nghệ thuật, từ kịch bản văn học chuyển thành nhạc kịch, soạn cho dàn nhạc giao hưởng, rồi chuyển tiếp ra Piano để các diễn viên tập hát theo giai điệu, tiếp đó là phần múa, ánh sáng, tiếng động. Đỗ Hồng Quân được đào tạo bài bản về sáng tác – chỉ huy ở Liên Xô trước đây– đất nước của âm nhạc cổ điển – đã vận dụng sáng tạo cách viết Opera vào viết nhạc kịch Việt Nam, để cho tác phẩm vừa đảm bảo những yêu cầu của nghệ thuật Opera, vừa gần gũi, dễ hiểu với công chúng Việt Nam. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho biết: “Trong vở diễn, các diễn viên đều phải hát thật, không sử dụng micro và độ to - nhỏ đều do chỉ huy dàn nhạc chỉ đạo trong từng phần diễn. Tuy nhiên, Việt Nam hiện không có đạo diễn Opera thực thụ nên trong quá trình dàn dựng, chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn. Hy vọng trong tương lai, chúng ta có những người được đào tạo bài bản và tâm huyết để trở thành những đạo diễn Opera, giúp phát triển loại hình nghệ thuật này”.

Kinh phí dàn dựng cho Lá đỏ vào khoảng hai tỷ đồng. 80 diễn viên của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam kết hợp với 50 nghệ sĩ của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam do nhạc trưởng người Nhật – Honna Tetsuji – dẫn dắt. Vở diễn kéo dài hơn hai giờ, mỗi màn vào khoảng 55 phút. Tố Loan – giải nhất Sao Mai 2011 dòng nhạc thính phòng – đảm nhận vai chính (Hương) của vở diễn.

Người xem rất xúc động với vở nhạc kịch vừa mang tính bi hùng, vừa có tính lãng mạn, huyền ảo, trên một sân khấu ước lệ. Trong bối cảnh chiến tranh khốc liệt, các nhân vật của vở nhạc kịch không bị chìm mờ bởi khói lửa, đạn bom, mà vẫn hiển hiện lên với khí phách dũng cảm và tâm hồn cao đẹp, đằm thắm yêu thương. Những góc sâu của tình cảm riêng tư, và trách nhiệm với đất nước được các tác giả khắc họa sinh động qua hành động kịch và qua các khúc hát trữ tình tha thiết. Trong kịch bản này, Nguyễn Thị Hồng Ngát đã bỏ qua một số motip mà chị từng sử dụng, như sự hóa điên, ẩn ức bản năng… khiến cho các nhân vật của chị thanh thoát hơn, bay bổng khỏi hiện thực khắc nghiệt, đến với những biểu tượng nồng thắm của tình người. Mối quan hệ giữa con người với con người trong tình đồng chí, tình yêu lứa đôi được khắc họa rõ nét, sinh động. Chị đưa vào kịch bản thơ Phạm Tiến Duật, khi thì cả bài, như “Lửa đèn”, khi thì mấy câu, như “Em ở Thạch Kim sao lại lừa anh nói là Thạch nhọn” trong bài thơ “Gửi em, cô thanh niên xung phong”… rất đắc địa, tạo sức biểu cảm lớn. Đỗ Hồng Quân cứng tay khi vận dụng cách viết nhạc kịch cổ điển vào sân khấu Việt Nam, đã Việt hóa Opera bằng các chất liệu âm nhạc dân gian Việt Nam, trong đó có một số làn điệu ví dặm Nghệ Tĩnh, dân ca Thanh Hóa, và cả một số trích đoạn ca khúc đã “đi cùng năm tháng”, như “Bước chân trên giải Trường Sơn”, “Tiểu đội xe không kính”, “Lá đỏ”... Bài thơ “Tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật được anh phổ nhạc gần như nguyên vẹn, tạo sức gợi cảm mạnh mẽ. Có thể nói, đây là cách mà Nguyễn Thị Hồng Ngát và Đỗ Hồng Quân vận dụng sáng tạo phương pháp sử dụng điển tích, điển ngữ trong văn học cổ điển, nhờ đó mà mở rộng được không gian, thời gian và dung lượng của câu chuyện.

 Cha của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – nhạc sĩ Đỗ Nhuận – từng là tác giả của vở Opera “thuần Việt” đầu liên - Cô Sao - vào năm 1965. Sau đó có một số vở ra đời nhưng giai đoạn từ năm 1975 đến nay, các vở nhạc kịch Opera biểu diễn tại Việt Nam đều là phiên bản của nước ngoài. Do vậy, LÁ ĐỎ có thể được coi là vở Opera “thuần việt” đầu tiên kể từ sau 1975 đến nay của nghệ thuật sân khấu Việt Nam.

Người xem có thể cảm nhận giá trị của vở LÁ ĐỎ qua mấy tuyến nghệ thuật như sau:

- Tuyến chung: Thể hiện hình tượng lính công binh, nữ thanh niên xung phong, lái xe. Qua các bản đồng ca hoặc tốp ca cùng với hành động kịch và múa, họ thể hiện tình đồng chí gắn bó, tinh thần dũng cảm, vượt mọi gian khổ, ác liệt để thực hiện nhiệm vụ. Phần ca ở đây chủ yếu là đồng ca với nhịp điệu hùng mạnh, giai điệu hào sảng.

- Tuyến nhân vật nữ Thanh niên xung phong: 8 cô gái mỗi người một quê, nhưng chung một ý chí vì Tổ quốc, thương yêu nhau như ruột thịt, trụ bám nơi túi bom để đảm bảo giao thông thông suốt từ hậu phương vào chiến trường. Bên cạnh các khúc Aria là những ca khúc cho tốp ca, giai điệu mượt mà, trữ tình, gần với dân ca Thanh – Nghệ – Tĩnh. Trong thời gian thực hiện nhiệm vụ chung, nhân vật Hương gặp Sơn (lĩnh công binh) và hai người nảy sinh tình yêu.

- Tuyến đôi lứa yêu nhau: Hai nhân vật Hương (nữ TNXP do Đào Tố Loan đóng) và Sơn (lính công binh, do Trịnh Thanh Bình đóng) đã vượt trên hiểm nguy, gian khổ để xây dựng nên tình yêu đôi lứa giản dị, nồng thắm. Đỗ Hồng Quân đã dành cho đôi lứa này những khúc ca cao vút, bay bổng, trong sáng như tình yêu và khát vọng của họ. Vở nhạc kịch trở nên trữ tình hơn, đồng thời tạo được xung đột, mâu thuẫn qua hai nhân vật này. Quan hệ của họ dựa trên tình đồng chí mật thiết, đồng cam cộng khổ, sát cánh chiến đấu, và dựa trên tình yêu đôi lứa trong sáng, lành mạnh. Đặc biệt, khi người yêu lâm nạn, Sơn đã phải trải qua cả quá trình đấu tranh nội tâm dữ dội, có lúc yếu lòng, nhưng rồi anh lại đứng dậy được, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ phá bom và tìm biện pháp cứu người yêu cùng 7 bạn gái. Với những khúc ca dành cho giọng nam cao, nữ cao, hai nghệ sĩ đóng hai vai này đã có đất để “khoe tài”. Khi họ song ca đến đoạn cao vút để kết thúc, cả khán phòng nín thở vì được dẫn dắt theo khát vọng cháy bỏng về tình yêu, hạnh phúc, niềm tin mãnh liệt vào tương lai của đất nước, và cũng vì đoạn này rất khó hát, đòi hỏi kỹ thuật thanh nhạc điêu luyện – khán giả lo cho diễn viên. Rồi, sân khấu sáng bừng lên, tiếng hát vang lừng, đem lại xúc cảm thẩm mỹ mạnh mẽ cho khán giả. Có thể nói, đây là phần cao trào, đòi hỏi nghệ sĩ vừa phải xúc động thật sự, hóa thân vào vai diễn, vừa phải vận dụng triệt để kỹ thuật thanh nhạc, mới diễn tấu được, và thực tế là hai nghệ sĩ đã hoàn thành xuất sắc vai diễn.

- Tuyến đơn xuyên suốt tác phẩm: Thần Núi (do Vũ Mạnh Dũng đóng). Đây là nhân vật vừa dẫn dắt câu chuyện, vừa tham gia các hành động ca kịch với giọng nam trầm khỏe và ấm. Nguyễn Thị Hồng Ngát, Đỗ Hồng Quân và nhóm tác giả rất thành công khi xây dựng được một nhân vật như vậy, vừa giúp các tác giả dẫn dắt câu chuyện đi theo những mạch nghệ thuật khúc triết, vừa là yếu tố giúp chuyển đổi tính chất vở diễn, từ hiện thực nghiêm ngặt sang hiện thực huyền ảo, pha chút tâm linh. Nhờ vậy, cái kết của vở nhạc kịch từ chỗ bi thương bỗng chuyển sang lạc quan, hùng tráng. Hình ảnh tám cô gái hóa thành Tiên nữ Trường Sơn trở về với đồng đội sau khi Thần Núi luyện đan và niệm chú, vừa có tính huyền ảo, lại vừa có tính hiện thực, bởi những người đã hi sinh thân mình cho Tổ quốc mãi mãi sống trong lòng đồng đội, nhân dân.

Bên cạnh những yếu tố trên đây, ánh sáng và những chiếc lá đỏ cũng là những yếu tố nghệ thuật được sử dụng một cách tinh tế, hiệu quả. Đặc biệt, hình ảnh của những chiếc lá đỏ xuất hiện xuyên suốt tác phẩm, khi là những chiếc lá được thả rơi rơi, khi là hình ảnh trên phông nền sân khấu, lúc lại ở những câu ca, hành động của nhân vật, có sức biểu cảm lớn. Đến phần kết, với khúc ca "Trường Sơn lộng gió, ào ào lá đỏ" cùng với “trận mưa” lá đỏ, vở kịch tạo nên một không gian nghệ thuật vừa thực, vừa ảo, dẫn người xem tới khung cảnh hào hùng của những đoàn quân đi rầm rập để tới ngày chiến thắng, cũng khiến người xem hình dung tới sự đâm chồi nảy lộc của cuộc sống sau những mất mát, hi sinh. Người xem liên tưởng tới lực lượng TNXP trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, giữa túi bom, vẫn yêu đời, chịu gian khổ, vất vả và dám cháy hết mình như những chiếc lá đỏ để làm nền cho những mầm xanh vươn lên.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Nhạc kịch là hình thức tổng hợp của âm nhạc, múa, văn học hội họa. Tác phẩm viết theo thể loại lớn thường có giá trị và tín hiệu tổng hợp phong phú hơn. Nếu tác phẩm viết hay và truyền cảm, nó sẽ có tác dụng không chỉ kể lại câu chuyện bằng hình thức âm nhạc mà còn có giá trị về thẩm mỹ, đánh thức sự thưởng thức của khán giả, giúp khán giả có thêm sản phẩm tinh thần, văn hóa.

Mỗi hình thức đều có mặt mạnh và lối tiếp cận với công chúng. Tuy nhiên, để xây dựng được tác phẩm nghệ thuật âm nhạc đỉnh cao, chắc chắn nó sẽ có chất lượng và có cơ hội làm cầu nối trao đổi nền âm nhạc với nước khác. Những tác phẩm có nội dung hay sẽ có cơ hội được các nhà hát nước ngoài dựng lại. Cũng giống như chúng ta dựng lại những vở của các nhà hát khác Marem Butterfly, Con đầm bích,…

Về âm nhạc, trong khi Việt hóa Opera bằng cách lồng vào các khúc ca những làn điệu dân ca, Đỗ Hồng Quân vẫn vận dụng triệt để tính bác học của nó, bằng cách viết các phần nhạc không lời, nhất là đoạn ouverture, rất dày dặn, đa thanh, phức điệu. Gây ấn tượng nhất là Đỗ Hồng Quân đã sử dụng sáng tạo phức điệu ở phần thể hiện chủ đề của toàn thể vở nhạc kịch qua khúc nhạc LÁ ĐỎ (Hoàng Hiệp), song hành với sự thể hiện chủ đề nhỏ của cảnh diễn qua đoạn xướng âm của giọng nữ. Hai giai điệu này song song diễn tấu, mỗi giai điệu một kiểu, không phụ thuộc vào nhau, nhưng nghe lại rất hòa hợp. Đỗ Hồng Quân cũng tạo ra khoảng cách về âm vực để thể hiện tính cách nhân vật: Trong khi các nhân vật Người thường hát ở cung bậc cao, thậm chí rất cao, thì nhân vật Thần được hát ở cung bậc trầm. Có lẽ, sự tương phản này hướng công chúng tới tính chất thần thánh của các nhân vật Người, họ đứng vững trên nền của đất nước, được nhân cách hóa qua Thần Núi.

Công lao lớn tạo nên thành công cho đêm diễn phải kể đến dàn nhạc và dàn diễn viên. Họ là những người được đào tạo bài bản, có kỹ thuật, lại có xúc cảm, biết trình diễn, chuyển tải được cái hồn của tác phẩm vào từng vai diễn, từng cảnh, từng hành động, đặc biệt là qua giọng hát, tiếng nhạc giàu sức truyền cảm của mình. Với mức bồi dưỡng luyện tập ít ỏi, giữa môi trường nghệ thuật thấm mầu thị trường, hành nghề được như họ, quả là đáng khâm phục.

Nếu có điều đáng tiếc trong đêm diễn đầu tiên này, là mấy hàng ghế VIP dành cho quan chức hầu như không có người ngồi, lãnh đạo Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (Bộ chủ trì công trình nghệ thuật hoành tráng này) đều vắng mặt. Đến nỗi, nhân viên của Nhà hát Lớn phải linh hoạt “tháo khoán” cho mọi người lên ngồi lấp chỗ trống! Tuy nhiên, người yêu nghệ thuật bác học của chúng ta còn nhiều, cho nên Nhà hát vẫn kín khán giả, kể cả trên tầng 2, tầng 3. Có những đoạn, khán giả vỗ tay kéo dài, điều đã trở nên hiếm hoi trong thời buổi nghệ thuật pha tạp này. Thậm chí, buổi diễn kết thúc, đông đảo khán giả còn nán lại để chụp ảnh kỷ niệm với diễn viên, hoặc đơn thuần chỉ để lắng lại trong không khí nghệ thuật của nhà hát.  LÁ ĐỎ xứng đáng là dấu son ghi nhận bước phát triển mới của nghệ thuật âm nhạc – sân khấu Việt Nam!

TOÀN BỘ VỞ DIỄN LÁ ĐỎ