Giới thiệu

 TÁC GIẢ PHẠM VIỆT LONG

 Tiến sĩ, nhà văn Phạm Việt Long sinh ngày 1 tháng 7 năm 1946 tại Ngô Khê, Bắc Quang, Hà Giang, nguyên quán Phúc Am, Gia Viễn, Ninh Bình.

SỰ NGHIỆP CHÍNH

Từ năm 1966 đến 1968, sau khi hoàn thành lớp lý luận tân văn tại Việt Nam Thông tấn xã, ông làm phóng viên tại Hà Nội, Hải Dương và Sơn La. Từ năm 1968 đến 1975, ông xung phong đi chiến trường, làm phóng viên Thông tấn xã giải phóng tại Bình Định, Quảng Nam, Đà Nẵng và biên tập viên tại Thông tấn xã giải phóng Khu V, phụ trách Tiểu ban Thông tấn xã giải phóng giai đoạn 1973 – 1975. Năm 1975, ông trở về miền Bắc và công tác tại Thông tấn xã Việt Nam. Từ năm 1977 đến 1981, ông học đại học tập trung tại khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Từ năm 1981 đến 1992, ông làm việc tại Văn phòng Bộ Văn hóa, giữ các vị trí từ chuyên viên đến Trưởng phòng Tổng hợp. Từ năm 1992 đến 1998, ông là Phó Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa Thông tin. Từ năm 1998 đến 2003, ông là Chánh Văn phòng Bộ, kiêm Chủ nhiệm - Tổng biên tập mạng CINET; trong thời gian này, ông hoàn thành luận án tiến sĩ với đề tài: Tục ngữ, ca dao về quan hệ gia đình. Từ năm 2003 đến 2006, ông là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty Phát hành sách Việt Nam (sau này là TCT Sách Việt Nam). Từ năm 2006 đến 2007, ông là Tổng Biên tập Tạp chí Văn Hiến Việt Nam.

Sau khi nghỉ hưu, ông vẫn hoạt động trên lĩnh vực báo chí, xuất bản, nghiên cứu:

  • 2009: Đồng sáng lập, Chủ tịch công ty TNHH MTV Nhà Xuất bản Dân trí.
  • 2011: Sáng lập, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Văn hiến Việt Nam.
  • 2018: Sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Viện nghiên cứu Văn hóa và Ngôn ngữ, nay là Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển.
  • 2021: Sáng lập, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.

Ông Phạm Việt Long đã nhận được nhiều phần thưởng, trong đó có Huân chương Kháng chiến hạng ba, Huân chương Lao động hạng nhì (2007) và Huân chương Lao động hạng ba (2001), cùng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Ngành (2003).

TÁC PHẨM CHÍNH

A. TÁC PHẨM VĂN HỌC

1- B. trọc (Tiểu thuyết), NXB Thanh niên, 1999, NXB Văn học tái bản 3 lần. Giải B Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, 2000, Giải B Trương Hán Siêu Uỷ ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình, 2002. Đã được chuyển thể thành phim truyện truyền hình dài 4 tập Nhật ký chiến trường.

2- Âm bản (Tập truyện), NXB Hội nhà văn, 1999, NXB Văn học tái bản, 2004.

3- Du khảo Hoa Kỳ sau thảm họa 11 tháng 9 (Ký sự), NXB Văn học, 2002.

4- Ngờ vực (Tập truyện), NXB Thanh Niên, 2006.

5- Lãng mạn và hiện thực Vũ Tuyên Hoàng (Bút ký), Văn nghệ Trẻ số 39 năm 2008. Giải khuyến khích cuộc thi bút ký, phóng sự “Việt Nam, Tổ quốc tôi” do báo Văn Nghệ tổ chức, 2007 – 2008.

6- Giã từ (Tiểu thuyết), NXB Dân trí, 2011.

7. Bi Bi và Mặt Đen (Bộ truyện cổ tích thời hiện đại), NXB Dân trí, 2016. Giải ba sách hay Giải thưởng sách Quốc gia lần thứ nhất, 2018

8- Phong lan về trời (Tập truyện), NXB Dân trí, 2020.

B. TÁC PHẦM NGHIÊN CỨU

1- Vận dụng một số yếu tố văn hoá dân gian vào việc xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở, NXB Văn hoá Thông tin (Chủ biên)

2- Khía cạnh văn hoá trong thương mại điện tử, NXB Chính trị Quốc gia, 2003 (Chủ biên).

3- Tục ngữ - Ca dao về quan hệ gia đình, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, 2004, Giải 3 B Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, 2004.

4- Hát mãi Trường Sa ơi, NXB Dân trí, 2016, Giải Nhất Hội Nhạc sĩ Việt Nam, 2016.

5- Ngân vang mãi giai điệu tổ quốc, NXB Dân trí, 2019. Giải khuyến khích, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, 2019.

6- Tín ngưỡng thờ Mẫu – Từ góc nhìn văn hóa NXB Dân trí, 2024

C. TÁC PHẨM ÂM NHẠC:

1. Ba Album ca nhạc với 43 ca khúc sáng tác trong giai đoạn 2004 - 2007:

  • Mơ hình bóng quê nhà: Nhà xuất bản Âm nhạc, 2005.
  • Mai Hoa và những bản tình ca mới: Công ty cổ phần nghe nhìn Thăng Long, 2006.
  • Giàn thiên lý: Công ty cổ phần nghe nhìn Thăng Long, 2007.

2. Nhớ một thời: Chương trình biểu diễn ca nhạc, 2009.

3. Nhạc và ca khúc cho phim truyện truyền hình: Cõi thiêng của Huyền (Đài truyền hình Việt Nam, 2007 (Phần nhạc viết chung với Phạm Ngọc Khôi).