THĂM NHÀ THƠ THANH THẢO

Vào Quảng Ngãi, phần vì công việc, phần quan trọng là để thăm nhà thơ Thanh Thảo (Hồ Thành Công) sau mấy hẹn hò. Anh là sinh viên khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội khóa 1965-1969, ra trường về ngay Đài TNVN (Đài Giải phóng A, CP90) ở 58B Quán Sứ, đi B năm 1970. Lứa SV chúng tôi hậu bối của anh (1977-1981) rất thần tượng anh, nhất là sau khi tập thơ "Dấu chân qua trảng cỏ" 77 bài của anh được giải thưởng rất cao năm 1978.
ky-1719282248.jpg
 

Một số bài và đoạn thơ chúng tôi thuộc nằm lòng lúc đó "Đất nước có sông Hồng rồi anh có em/Ngày mây trắng cuộn giữa vùng nước xoáy/Anh chợt nghĩ tới điều đơn giản ấy/Tình yêu đậm màu qua mỗi ngấn phù sa/Hai bờ trông nhau sao giống hai ta/Dòng sông rộng như cuộc đời ở giữa/Em cứ nhận phần em bên lở/Phù sa bãi bờ anh là tất cả của em thôi !..." (Tình yêu - Sông Hồng) hay "Gia đình mình đã sơ tán chưa em/Chiều thứ bảy em có về phố nhỏ/Có ngập ngừng trước khi mở cửa/Lá sấu rơi xúc động bên thềm/Ngỡ chúng mình chỉ cách nhau một khung cửa tình yêu..." (Dòng chữ cho em)...

Anh và chị Ý Nhi đón tiếp chú em thật thân tình. "Vô đây em, khách quý và thân tao đón ở phòng bếp". Vài món nhậu giản đơn nhưng chai Whisky phiên bản Nhật thì quá khủng. "Mày mở hộ, tay tao yếu". Mình không nỡ uống, giả vờ xoay xoay rồi đăt xuống "Chặt quá anh ạ, em thích quốc lủi hơn". "Xạo, mày sợ tao hết rượu quý. Con gái đâu, mở hộ ba !". Tay con gái mở dễ ợt. Mình cười. Anh chị lườm mình. Anh Thanh Thảo tiếp "Này, tao gốc họ Hồ Nghệ An đấy". Mình cười, "Thì còn gì nữa, con trai Nghệ khá thông minh, tài hoa, đa tình, nhưng gàn, đôi khi dở chứng, chán chết. Vợ không đuổi là may ! Cả chủ khách cười xòa...

THAM KHẢO (WIKIPEDIA TIẾNG VIỆT)

THANH THẢO (NHÀ THƠ)

Hồ Thành Công, thường được biết đến với bút danh Thanh Thảo (sinh ngày 16 tháng 2 năm 1946), quê ở xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Là một nhà thơ kiêm nhà báo người Việt Nam. Tốt nghiệp khoa ngữ văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Thanh Thảo vào công tác ở chiến trường miền Nam.

Từ mấy thập niên trước, Thanh Thảo đã được công chúng chú ý qua những tập thơ và trường ca mang diện mạo độc đáo viết về chiến tranh và thời hậu chiến: Những người đi tới biển (1977), Dấu chân qua trảng cỏ (1978), Những ngọn sóng mặt trời (1981), Khối vuông ru-bích (1985), Từ một đến một trăm (1988)...Đặc biệt, bài thơ Đàn ghi ta của Lorca trong tập thơ Khối vuông ru-bích (1985) của ông được biên soạn vào giảng dạy trong chương trình văn học trung học phổ thông toàn quốc.

Hiện ông là Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ngãi, phó chủ tịch Hội đồng thơ Hội nhà văn Việt Nam. Thanh Thảo đã nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1979, giải thưởng Ban Văn học Quốc phòng An nình, Hội Nhà văn Việt Nam năm 1995, giải thưởng Nhà nước (đợt 1) về văn học nghệ thuật năm 2001 và Giải thưởng Văn học Đông Nam Á năm 2014.

Những năm gần đây, Thanh Thảo vẫn tiếp tục làm thơ đồng thời viết báo, tiểu luận phê bình và nhiều thể loại khác, nhưng đóng góp quan trọng và đặc sắc nhất của ông vẫn là thơ ca.

Với các học sinh lớp 12 ở Việt Nam, ông nổi tiếng qua tác phẩm "Đàn ghi-ta của Lor-ca" nằm trong sách giáo khoa Ngữ Văn 12, tập 1. Mặc dù không có tài liệu nào nói rằng Lor-ca (Federico Garcia Lorca) biết chơi đàn ghi-ta nhưng ông vẫn nổi tiếng với các bạn học sinh Việt Nam qua hình ảnh người nghệ sĩ.

NGUYỄN THẾ KỶ

Nguyễn Thế Kỷ (sinh ngày 25 tháng 8 năm 1960) là PGS,TS, Nhà Văn, Nhà báo, một chính khách Việt Nam, quê huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Ông nguyên là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII, hiện là Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết và Hợp tác Á - Phi - Mỹ Latinh; nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.

Ông có học hàm, học vị: Phó Giáo sư - Tiến sĩ Ngữ Văn. Ông còn là một nhà thơ, nhà viết kịch, nhà viết tiểu thuyết, nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật.

Trước khi được điều động giữ chức vụ Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam vào tháng 3 năm 2016, ông từng giữ các chức vụ Phó Giám đốc Đài Phát thanh Truyền hình Nghệ An (1994-2000); Tỉnh ủy viên, Tổng biên tập Báo Nghệ An kiêm Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An (2000-2003); Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Nam Đàn, tỉnh Nghệ An (2003-2005); Vụ trưởng Vụ Báo chí thuộc Ban Tư tưởng-văn hóa Trung ương (2005-2008), Vụ trưởng Vụ Báo chí-Xuất bản thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương (2008-2010), Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (từ tháng 8 năm 2010; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương (từ tháng 1 năm 2016). Ông Nguyễn Thế Kỷ còn kiêm nhiệm Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương (2011-2015); Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học Nghệ thuật Trung ương (từ năm 2016 đến nay).

Các tác phẩm tiêu biểu: "Chuyện tình Khau Vai", cải lương, 2013; "Mai Hắc Đế", cải lương, 2014; "Hừng Đông", cải lương 2016 và dân ca Nghệ Tĩnh 2017; "Thầy Ba Đợi", cải lương 2017; "Hoa lửa Truông Bồn", kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh, 2017; "Huyền thoại Gò Rồng Ấp", kịch nói, 2019; "Ngàn năm mây trắng", kịch hát (gồm chèo, cải lương, xẩm, ca Huế), 2019; Cải lương-Dân ca "Nợ nước non", năm 2022.

Về Tiểu thuyết có: "Chuyện tình Khau Vai", NXB Văn học, 2019; "Hừng Đông", NXB Văn học, 2020. Bộ tiểu thuyết 5 tập về Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã xuất bản 3 tập: T1 "Nợ nước non" (2022), T2 "Lênh đênh bốn biển" (2023), T3 "Từ Việt Bắc về Hà Nội" (2024), 02 tập còn lại sẽ ra mắt bạn đọc trong năm 2025.

Về Thơ có "Trở lại triền sông", NXB Văn học, 2017; "Nhớ thương ở lại", NXB Kim Đồng, 2019.

Về Lý luận, phê bình có "Lý luận văn hóa, văn nghệ Việt Nam - Nền tảng và phát triển", 2 tập, NXB Văn học 2017 và 2019.

Về Báo chí và Truyền thông có "Nói năng, giao tiếp trên đài truyền hình", NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2010; "Báo chí và truyền thông Việt Nam - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn", 02 tập, NXB Thông tin và Truyền thông, 2016 và 2020...