Trong một bức thư gửi vào chiến trường cho tôi, bố tôi viết:
“… Chắc con cũng được tin về trận lụt vừa qua ở ngoài này. Dù trận lụt lớn chưa từng có, song dưới sự chăm sóc của Đảng và Chính phủ, nhân dân ta ở ngoài này đang mau chóng khắc phục hậu quả do nạn lụt gây ra, đồng thời tranh thủ và sử dụng tốt viện trợ của các nước bạn. Gia đình ta bình yên, mạnh khoẻ.
Bố mới được tin trong đó có bão lớn gây nhiều thiệt hại cho nhân dân Trung bộ, kèm theo sự khủng bố dồn dân của giặc Mỹ, Thiệu. Bố đau xót với cái đau khổ của nhân dân trong đó, đồng thời nghĩ đến con, đứa con tiếp tục sự nghiệp cách mạng của bố. Chỗ con ở chắc cũng bị ảnh hưởng của trận bão lớn. Thiệt hại có nhiều không con? Bố cũng thấy lo cho con và các bạn, song bố tin ở tinh thần cảnh giác, kinh nghiệm đấu tranh của con và của các bạn, những cán bộ đã được rèn luyện trong đấu tranh chống địch, chống thiên tai.
Ở ngoài này, sinh viên các trường Đại học đang về các nơi bị lụt, tham gia lao động, khắc phục mọi hậu quả do lụt gây ra. Khó khăn có nhiều, nhưng đời sống được ổn định. Giá các hàng tiêu dùng được hạ dần, đời sống cán bộ viên chức ngày được nâng cao”
Trên trang youtube VIỆT SỬ GIAI THOẠI có một phim tài liệu phản ánh rất sinh động trận lụt lịch sử này, trong đó nêu bật tinh thần kiên cường của miền Bắc và tình nghĩa của đồng bào miền Nam, trong đó có nghệ sĩ Kim Cương, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, mặc dù sống trong vùng địch kiểm soát, vẫn quyên góp giúp đỡ đồng bào miền Bắc.
Trong phim này, đoạn mở đầu có nhầm lẫn : Số người bị tử nạn là 594 người chứ không phải là 100.000 người như phát thanh viên đọc. Thực ra, con số 100.000 người là số người bị ảnh hưởng của cơn bão
Còn trên trang Wikipedia - Bách khoa toàn thư mở, đã viết như sau:
“Trận lụt đồng bằng sông Hồng năm 1971 (hay còn được biết đến với tên gọi Đại hồng thủy 1971) là một đợt lũ lụt rất lớn xảy ra ở các tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào giữa tháng 8 năm 1971.
Trong khi kế hoạch kinh tế năm 1971 của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đang bắt đầu thực hiện dưới điều kiện tương đối thuận lợi, do Mỹ đã tạm ngừng phá hoại miền Bắc trong Chiến tranh Việt Nam, thì trận lụt lớn xảy ra đã gây hậu quả nặng nề.[9] Tác động của trận lũ khiến 13 tỉnh thành phía Bắc vỡ đê lớn.[8] Ngày 19 tháng 8, nước lũ tràn vỡ các đê ở hạ lưu sông Lô, sông Đà và tả ngạn sông Hồng thuộc huyện Vĩnh Tường, đê bối Thanh Trì phía hữu ngạn sông Hồng. Đến ngày 20, vỡ đê Lâm Thao; sang ngày hôm sau thì vỡ đê Vĩnh Lại và đê Cao Xá. Nhiều đoạn đê khác cũng đã bị vỡ với chiều dài đoạn bị hỏng là tương đối lớn. Vỡ đê đã gây ngập lụt diện rộng trên khu vực đồng bằng Bắc Bộ.[7] Chỉ tính riêng 4 tỉnh Hải Hưng, Hà Bắc, Vĩnh Phú, Hà Tây, trận lụt đã làm 1062 xã của 94 huyện với 2,9 triệu hộ gia đình bị ngập lụt nặng, tương đương với trên 40% tổng số hộ gia đình.[10]
Trận lụt đã khiến khoảng 594 người thiệt mạng, cộng thêm 100.000 người bị ảnh hưởng nặng do sống ở những xã bị ngập hoàn toàn,[11][nb 1] ảnh hưởng khoảng 2,7 triệu người,[12] và thiệt hại lên đến con số 70 triệu đồng theo thời giá lúc bấy giờ (năm 1971) tương đương với 10.000 tỉ đồng theo thời giá năm 2015 (nếu tính đến năm 2023 thì tương đương bằng 13.802 tỉ đồng).[11][nb 3] Trong đó, phần tài sản do Nhà nước quản lý vào khoảng 44.225.000 đồng. Tổng số trên 120.000 công trình liên quan đến nhà cửa, kho tàng bị ngập và trôi. Thiệt hại về công nghiệp ước tính khoảng 3.670.000 đồng, về nông nghiệp ước tính lên đến 1.140.100 đồng. Về công trình thủy lợi thì thiệt hại do lũ gây ra được ước tính vào khoảng 8.884.200 đồng. Về giao thông và bưu điện thì con số là vào khoảng 10.025.000 đồng. Ngoài ra, thiệt hại của nhân dân và các địa phương bị ảnh hưởng từ lũ lụt, dịch bệnh, ngừng trệ sản xuất sau mưa lũ là rất lớn.[7]
Do lo sợ cây cầu Long Biên huyết mạch bị nước lũ cuốn trôi, ngành giao thông của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã phải đưa một đoàn tàu chất nặng đá hộc lên nằm yên trấn giữ mặt cầu.[13] Đồng thời thì các tỉnh có đê bị vỡ trong trận lũ đã tổ chức hàn khẩu lại hệ thống.[7] Việc hàn khẩu đã sử dụng đến 10.000 m3 đá hộc, 1,4 triệu bao tải đay, 34.000 rọ thép và đặc biệt đã phải đánh đắm 19 sà lan (riêng cho đê Nhất Trai).
Trận lũ lịch sử năm 1971 diễn ra đúng vào thời điểm tại miền Nam Việt Nam, cuộc Chiến tranh Việt Nam đang bước vào giai đoạn ác liệt nhất.[14][15] Theo đánh giá của Cơ quan Quản trị Hải dương và Khí tượng Hoa Kỳ (NOAA) thì đây là 1 trong những trận lũ lụt lớn nhất của thế kỷ 20 trên thế giới.[16] Mức độ thảm khốc của nó được xếp thứ 2 sau trận lụt xảy ra năm 1931, làm chết hàng triệu người ở sông Dương Tử, Trung Quốc.[2][17] Đây được xem là trận lũ lớn nhất trong vòng 250 năm qua ở miền Bắc,[6][11] và 100 năm qua ở khu vực sông Hồng.[18] Con số người chết tương đương so với mức của trận lũ tại miền Trung năm 1999 và trận lũ năm 2000 tại miền Nam.[19] Năm 2007, Chính phủ Việt Nam đã ban hành "Quy hoạch phòng, chống lũ hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình" nhằm có những giải pháp đối phó với những trận lũ lớn tương tự như năm 1971.[20]”.