LẠI BÀN VỀ “CÀ PHÊ ĐƯỜNG TÀU”

    “Lại bàn” là bởi câu chuyện “cà phê đường tàu” ở Hà Nội đã được bàn tán khá nhiều, cả trên báo chí chính thống và mạng xã hội. Vài năm trước đây, do qui định chống dịch covid-19 và những biện pháp kiên quyết của ngành đường sắt và chính quyền sở tại, những quán cà phê này hạn chế hoạt động và dư luận cũng tạm yên. Nhưng gần đây loại hình dịch vụ này lại “hồi sinh”, ngành đường sắt và chính quyền địa phương lại thực thi những biện pháp ngăn cấm và dư luận lại tiếp tục những ý kiến trái chiều...

Spot 09 - 74 Đường Phùng Hưng

Ngược thời gian thì từ lâu, “cà phê đường tàu” đã trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với du khách trên một đoạn đường sắt đi qua khu phố cổ của Hà Nội. Loại quán cà phê độc đáo này gắn liền với một địa danh có tên gọi dân gian là “xóm đường tàu” ở quận Hoàn Kiếm, đoạn từ phố Phùng Hưng đến phố Cửa Nam. Theo cảm quan thông thường thì những quán cà phê “lộ thiên” sát bên hành lang đường sắt thật quá nguy hiểm. Nhưng với những ai đã quen với cành tượng mỗi khi có đoàn tàu lao rầm rầm trên đường sắt, cửa nhà bàn ghế rung chuyển, các thực khách mà đa phần là “khách tây” lại reo hò phấn khích và tranh thủ chụp ảnh, thì sẽ thấy đó là một cảnh tượng độc đáo hiếm có ở thủ đô Hà Nội. Nghe nói, cảnh tượng này cũng đã từng được đài truyền hình danh tiếng CNN ghi lại trong một phóng sự về những trải nghiệm mạo hiểm thú vị ở Việt Nam. Là bởi, khách du lịch “Tây ba lô” rất khoái cách thức phục vụ và nhất là “cảm giác mạnh” khi thưởng thức cà phê ở các quán này. Họ truyền tai nhau về “cà phê đường tàu” và “xomd đường tàu” dần dần trở thành một điểm đến không thể bỏ qua mỗi khi đến Hà Nội. Không chỉ khách du lịch “Tây ba lô” đi lẻ, mà cả khách đoàn của nhiều nước cũng đưa địa chỉ “cà phê đường tàu” vào tour khám phá của mình. Nhiều trang du lịch nổi tiếng trên thế giới cũng giới thiệu “cà phê đường tàu” Hà Nội như là một điểm đến đặc sắc! Bởi vậy, mỗi khi có chiến dịch dẹp bỏ “cà phê đường tàu”, không ít  du khách nước ngoài đã cảm thấy ngạc nhiên và tiếc nuối khi không được trải nghiệm điểm cà phê và check-in độc đáo của Hà Nội.

       Những người nuối tiếc và ủng hộ “cà phê đường tàu” còn cho rằng: suốt hàng chục năm trời kể từ khi manh nha hình thành cho đến lúc đông đúc thành tụ điểm, “cà phê đường tàu” chưa từng xảy ra vụ tai nạn đường sắt nào đáng kể! Họ còn liên hệ với khu chợ đường tàu nổi tiếng Maeklong ở Thái Lan. Đây là một khu chợ bán đủ thứ, dài khoảng 500 mét dọc theo đường tàu hỏa. Tại đây, hàng hóa khi không có tàu đi qua, người ta bày cả trên đường ray xe lửa. Mỗi khi sắp có tàu qua, cảnh sát hú còi, mọi người lại tự động dọn dẹp gọn ghẽ. Tàu qua lại bày bán tiếp. Rất nhịp nhàng. Chính vì vậy mà đã hơn một trăm năm tồn tại, khu chợ này chưa từng có vụ tai nạn đường sắt nào xảy ra, mặc dù hàng ngày có tới 16 chuyến tàu băng qua! Và khu chợ Maeklong đã trở thành một điểm đến check in, mua sắm, ăn uống không thể thiếu của du khách khi đến Thái Lan…

laib-ban-1724720369.jpg
 

       Chẳng rõ có phải vì những “phản biện” trên đây hay không, mà tháng 6-2023, một quán kiểu “cà phê đường tàu” mang tên Hỏa Xa, đã được cấp phép hoạt động. Nằm tại ga Long Biên, quán cà phê Hỏa Xa này được bài trí theo phong cách Pháp cổ với những ô cửa kính rộng. Nó được thiết kế như một phòng đợi tàu, đồng thời hỗ trợ và phục vụ hành khách đi tàu. Nơi đây cũng bày bán các đồ lưu niệm cho khách đi tàu và những người muốn tham quan ga Long Biên. Góc ngắm tàu 360 độ của quán cà phê này đã thu hút nhiều du khách nước ngoài, cho phép họ dễ dàng chiêm ngưỡng cảnh tàu chạy chậm qua ga...

       Để bảo đảm an toàn chạy tàu và tính mạng thực khách, ở vị trí tiếp giáp giữa quán cà phê trên đây và đoạn đường sắt đang sử dụng, Chi nhánh Khai thác đường sắt Hà Nội là đơn vị quản lý ga Long Biên đã lắp đặt hàng rào và bố trí nhân viên bảo vệ để nhắc nhở du khách về quy định an toàn. Quán cà phê Hỏa Xa này có cổng chính phía đường Trần Nhật Duật và cổng phụ ở phía ga Long Biên, do bảo vệ ga phụ trách đóng và mở. Không chỉ đơn thuần là một nơi để khách uống nước và ngắm tàu, quán còn mang đến một không gian thoải mái và tiện nghi cho hành khách trước khi lên tàu. Với phong cách Pháp cổ, nơi đây tạo ra một không gian sang trọng và độc đáo. Khách hàng có thể ngồi trong quán, ngắm nhìn cầu Long Biên và tàu chạy theo các khung giờ trong ngày. Đây là trải nghiệm độc đáo và hấp dẫn, đặc biệt là với du khách nước ngoài muốn khám phá vẻ đẹp và cuộc sống bên trong ga Long Biên nói riêng và Hà Nội nói chung. Dự án này được Tổng công ty Đường sắt Việt Nam triển khai nhằm đa dạng hóa các loại hình dịch vụ hỗ trợ vận tải và nâng cao chất lượng phục vụ. Mục tiêu của Công ty là tạo ra những "điểm đến" độc đáo tại các tỉnh, thành có đường sắt đi qua. Quán cà phê Hỏa Xa tại ga Long Biên chính là một ví dụ điển hình cho việc đa dạng hóa dịch vụ và mang đến những trải nghiệm mới mẻ cho hành khách sử dụng đường sắt.

Chuyến tàu đặc biệt tham quan Nhà máy Xe lửa Gia Lâm

       Thiết nghĩ, quán cà phê Hỏa Xa của ngành đường sắt là một gợi ý thiết thực để thành phố Hà Nội có những giải pháp phù hợp hơn đối với hình thức “cà phê đường tàu”. Hà Nội là Thành phố vì Hòa bình, thành phố xanh, thành phố thân thiện... thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, công bằng mà nói, Hà Nội còn có quá ít những “điểm đến” hấp dẫn để cho du khách vui chơi sau khi đi thăm thú vài danh lam thắng cảnh quanh khu phố cổ, phố cũ, Hồ Gươm, Văn Miếu – Quốc tử giám... Đi du lịch là đi chơi, là tiêu tiền, là tìm kiếm và trải nghiệm các cảm giác khác lạ. Mặt khác, Hà Nội có tỉ lệ hộ kinh doanh dịch vụ du lịch khá đông. Mọi chủ trương liên quan đến lĩnh vực này không chỉ ảnh hưởng đến sự nghiệp phát triển du lịch của thành phố, mà còn liên quan đến miếng cơm manh áo của một bộ phận nhân dân. Vì vậy theo quan điểm của chúng tôi, thay vì ra lệnh đóng cửa tuyệt đối vì vấn đề an toàn, chính quyền sở tại nên phối hợp với ngành đường sắt và đại diện các hộ gia đình kinh doanh cà phê trong “xóm đường tàu”, nhằm tìm ra hình thức phù hợp để giữ sinh kế cho hàng trăm hộ gia đình, đồng thời cũng là nguồn thu ngân sách đáng kể cho địa phương. Điều quan trọng hơn là xây dựng “cà phê đường tàu” thành một điểm đến hấp dẫn, an toàn với du khách trong và ngoài nước khi đến Thủ đô.

       Chẳng hạn, chính quyền chỉ đạo các ngành chức năng tổ chức lại các quán cà phê sao cho gọn đẹp và cơ động, không xây dựng hay làm bất cứ điều gì vi phạm lâu dài đến hành lang chạy tàu. Hàng ngày, ngành đường sắt phối hợp với chính quyền thông báo chính xác giờ các chuyến tàu đi qua khu này. Đồng thời lắp đặt hệ thống cảnh báo toàn tuyến như tại các nút giao đường sắt với đường giao thông; thậm chí là bố trí nhân lực là nhân viên ngành đường sắt hoặc cảnh sát khu vực phụ trách việc cảnh báo hàng ngày khu vực này. Kinh phí để duy trì các hoạt động trên đây có thể do các quán “cà phê đường tàu” cùng nhau thỏa thuận đóng góp. Đó là những điều hoàn toàn khả thi và nên làm ngay để tạo điểm nhấn cho du lịch Thủ đô.