Ai muốn trở lại tuổi thơ không mất tiền mua vé, thì hãy đọc tập truyện "Phong Lan về trời” của tác giả Phạm Việt Long. (Tôi không có nhã ý quảng cáo sách của tác giả Phạm Việt Long mà chỉ là bản năng của người không thể không chia sẻ những điều thú vị sau khi đọc bất cứ một truyện nào hay và thích).
Đó là truyện "Chó săn, cáo và mèo", truyện “Người mẹ và con chó nhỏ" - đây có thể là những câu chuyện đậm nét liêu trai, thoáng nét kinh dị và khoa học viễn tưởng... thể hiện đậm nét sự quan sát tinh tế của tác giả, sự am tường về thế giới động vật, nên hiểu được nội tâm của các loài vật, qua cách dùng từ rất độc đáo và dễ thương... Những chuyện dành cho người lớn để suy ngẫm như truyện “Chiếc đĩa hát và sợi dây chuyền", truyện “Âm bản", truyện “Ngờ vực"v.v... Còn có truyện “Nàng" - một truyện ngắn có bút pháp lạ, mang tính khái quát nghệ thuật cao, đó là câu chuyện về một cô gái là lính chiến trường, có nét đặc trưng rất đặc biệt, chính là giọng nói. Chúng ta hãy nghe giọng nói của Nàng, tùy theo những cung bậc cảm xúc, cảm nhận của tác giả và thực tế hoàn cảnh khác nhau. Nó được phát ra khi đoàn cán bộ vượt từ vùng Đông lên căn cứ, khi vượt dốc, khi chui qua ống cống để sang đường, khi ngồi trên con đò vượt sông, dòng nước băng băng trôi do lũ thượng nguồn đổ về, khi chàng thi sĩ là người yêu bị sông Tranh nuốt gọn và cuối cùng là khi ru con : “giọng nói của Nàng ấm, dầy và hơi sâu, có hình khối, màu sắc, có sức nóng, có vị ngọt đậm đà của thứ đường bát được nấu từ mật mía nguyên sơ, tinh khôi của xứ Quảng. Giọng nói ấy là kết tinh của những gì mà chúng tôi, những người sống ở chiến trường cần có. Đó là nghị lực sống, biểu hiện một tình yêu mãnh liệt. Giọng nói của Nàng là tiếng ru con, khi vượt khỏi mái lều nhỏ, lan tỏa trong rừng, gặp những tán cây dội lại, tạo nên một thứ âm thanh diệu kỳ, luôn ở cung trầm, êm đềm, bả lả, ngọt ngào, luồn lách, thấm đẫm vào gan ruột người nghe...". Thông thường, thay vì nhận xét một ai đó có sự "quan sát tinh tế" thì đối với tác giả Phạm Việt Long, đó là "sự cảm nhận tinh tế ". Tùy theo cách khai thác và viết của mỗi nhà văn, họ có thể viết trần trụi những gì họ nhìn thấy, hoặc dùng hình tượng góc cạnh để diễn đạt, còn đối với tác giả PVL - đó là cảm xúc và cảm nhận.
Cuối cùng là truyện "Hơi ấm rừng Chò". Có lẽ đây là truyện mang đậm nét văn học nhất. Đành rằng trong văn học có quyền hư cấu với điều kiện được độc giả chấp nhận nhưng ở đây khó lòng nhận biết dấu hiệu của việc hư cấu trong truyện. "Hơi ấm rừng Chò" đã thực sự mang lại cho độc giả có cơ hội được trải nghiệm cuộc sống với những phong tục tập quán của người dân tộc thiểu số: được ăn thịt chuột, thịt voi, sắn nướng, uống nước đoác, rượu cần, cúng thần linh... tác giả đã chọn cách đứng bên ngoài để viết, vừa có tính khách quan, vừa có sức thuyết phục. Có thể nói đây cũng là trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, đó là sự gian khổ, thử thách, khốc liệt và sự hi sinh... Tình cảm, tình yêu của những người con trai, con gái - theo bản năng thông thường, cũng phải tuân thủ nguyên tắc nghiệt ngã của chiến trường, (đó là trường hợp của anh Giáo và chị Nhơn...)
Câu chuyện đã khép lại với một cái kết chuẩn mực và có hậu, phần nào làm cho người đọc bình tâm.Truyện hay vì sự chân thực và sống động.
_________________
Phong lan về trời