PHONG LAN VỀ TRỜI - TẬP TRUYỆN ĐẦY BI HÙNG, ĐẪM BẢN SẮC NHÂN VĂN

  Phong lan về trời là tập truyện mới nhất của nhà văn Phạm Việt Long (NXB Dân Trí - 2020). Tập truyện chỉ với 270 trang, nhưng, theo nhà báo Mai Nhung, nó “có sức nặng đáng kể - sức nặng của ký ức chiến tranh cùng những thao thức, dằn vặt trước cái xấu, cái ác trong cuộc sống thời bình. Bằng lời văn giàu hình ảnh, nhà văn đã đưa ta qua nhiều cảm xúc khác nhau, khi thì gần gũi, giản dị như trong đời sống thực, khi lại pha chút gì như cổ tích, liêu trai”.
phong-lan-ve-troi-1719054828.jpg
 

   Là người cùng thời tham gia cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc thống nhất đất nước, tôi gặp Phạm Việt Long vào đầu 1972 ở Ban Tuyên Huấn tỉnh uỷ Bình Định.

   Vào thời điểm này, anh đã vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu với tư cách là một Phóng Viên của TTXVN.

   Với 3 năm (1968- 1970) ở căn cứ của Khu uỷ V, Quảng Đà đầy bi tráng của cuộc kháng chiến, nhà báo Phạm Việt Long có đầy ắp hiện thực để anh có những tự truyện làm nên một “vị thế” riêng trong nền văn học hiện đại. Đó là dòng “văn học phi hư cấu” đã được nhiều nhà báo, nhà văn xác định trên diễn đàn văn học cả nước!

    Phong lan về trời là tập truyện mới nhất của nhà văn Phạm Việt Long (NXB Dân Trí - 2020). Tập truyện chỉ với 270 trang, nhưng, theo nhà báo Mai Nhung, nó “có sức nặng đáng kể - sức nặng của ký ức chiến tranh cùng những thao thức, dằn vặt trước cái xấu, cái ác trong cuộc sống thời bình.

    Bằng lời văn giàu hình ảnh, nhà văn đã đưa ta qua nhiều cảm xúc khác nhau, khi thì gần gũi, giản dị như trong đời sống thực, khi lại pha chút gì như cổ tích, liêu trai”.

    Ở tập Phong lan về trời, có những truyện vừa như Hơi ấm rừng Chò, hay Nàng, anh phóng viên Thông tấn này đã viết nó không phải bằng mực mà bằng “máu tim” mình!

   Quả là như vậy! Bởi nhà văn thực thụ, chân chính nào mà chẳng viết bằng “máu tim” mình!

   Như Nguyễn Thi đã có truyện ngắn “Mẹ vắng nhà” (nói về Mẹ Út Tịch) mà báo Văn nghệ Khu V lúc bấy giờ đã bình “Nguyễn Thi đã viết Mẹ vắng nhà không phải bằng mực mà là bằng máu mình khi nói về cháu bé ở nhà một mình trong “bom đạn” vẫn tìm cách giúp Mẹ vững dạ chiến đấu.

    Còn với  “Nàng” và “ Hơi ấm rừng Chò” trong tập truyện “ PHONG LAN VỀ TRỜI “ thì Ts.  Phạm Việt Long đã viết “cân não” và “cốt tuỷ” hơn! Bởi nhà báo - nhà văn này được “dầm” trong cuộc chiến khốc liệt, lâu dài chưa từng có trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc ta và của cả thế giới! Bởi vậy, anh đã cảm nhận trước để mà có NÀNG và HƠI ẤM RỪNG CHÒ  “đẫm chất anh hùng ca” như thế!

Nhà báo Mai Nhung viết về Nàng: “Với Nàng, hiện thực pha lẫn huyền ảo tạo nên một hình tượng phụ nữ quả cảm, thông minh, vượt qua mọi thử thách khắc nghiệt của cuộc sống với thái độ trầm tĩnh, được “âm phù dương trợ”, khiến người đọc vừa thương cảm, vừa mến phục”.

pham-thanh-trai-1719054828.jpg

Nhà thơ Phạm Thành Trai cùng vợ

 

   Và đây, ta hãy đọc một đoạn của “trường ca bi hùng ấy “ :

“Trước khi lìa đời, chàng Thi sĩ đã kịp trao lại mầm sống nơi Nàng.

Mang thai, sinh đẻ trong hoà bình đã vất vả muôn phần, vậy mà Nàng đã nuôi mầm sống ấy đến ngày khai hoa trong hoàn cảnh vô cùng ác liệt, gian khổ của chiến trường. Tôi đã thấy Nàng dùng khăn quấn chặt bụng, trên vai mang gùi gạo nặng năm mươi cân, kiên nhẫn lần từng bước đường rừng đầy vắt, vượt những con dốc dựng đứng, trơn tuột, hoàn thành nghĩa vụ gùi cõng lương thực như một cán bộ bình thường.

.... Sau bao thay đổi của cuộc sống, bất ngờ, tôi gặp Nàng ở Hà Nội. Đứa bé đỏ hỏn nơi chiến khu ngày nào, nay đã trở thành một thanh niên cao lớn, với mái tóc dày, xoắn tít giống như Thi sĩ - bố cháu. Cháu đã đỗ đại học và chuẩn bị nhập trường. Nàng đã trở thành một thiếu phụ với dáng đậm hơn, đằm thắm, mặn mà hơn hồi thanh xuân “.

    Và, cũng với “mầm sống” cho đời, cho Cách Mạng như thế, ở “Hơi ấm  rừng Chò”  cây bút tài hoa sâu sắc thấm đẫm hiện thực kháng chiến đã nêu lên một tình huống đặc biệt, mà ở Bình Định, một vùng đất trung dũng kiên cường của Khu V, tôi cũng  đã có lần “suýt” trở thành “ nhân vật” trong tình huống này của “Phong lan về trời”! Đó là những lần đi công tác vào làng dân tộc, với đêm “tép bù lú” (ngủ chung chạ - Tiếng H’Re) hay “cui ba dùm” (ngủ đoàn kết - Tiếng Ba Nar) với các “mai, các mí” cạnh bếp lửa ấm hay trong một góc Nhà Rông rộng thênh thang!

Cho nên tôi rất thông cảm với Giáo, một thanh niên lên rừng theo Cách mạng với sức trẻ căng cứng, đành phải “ vi phạm kỷ luật”!

“Giáo toát mồ hôi hột. Người bí thư Chi bộ, đội trưởng sản xuất này biết mọi chuyện rồi, ngay cả chuyện cái thai đang lớn dần trong Nhơn! Trời ơi, Giáo hạnh phúc biết mấy khi được sống giữa những người đồng chí thân thương như thế này!”.

   Và cuối cùng cái đỉnh cao của bản xô - nát lãng mạn Cách Mạng: NÀNG và HƠI ẤM RỪNG CHÒ của nhà văn Phạm Việt Long vẫn phải hoà chung vào bản giao hưởng kháng chiến bi hùng và hoành tráng nhất trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta!

   Mấy dòng văn sau đã khắc hoạ ý nghĩa trên: “Hoài vừa ngỡ ngàng, vừa vui sướng, lại vừa ngậm ngùi. Thế là nguyện vọng trở thành một Đảng viên, ước muốn được đi tuyến trước, sống cùng đồng bào trong cuộc chiến đấu giành độc lập dân tộc để viết nên những bài báo, những tác phẩm văn chương, đã đến lúc trở thành hiện thực. Nhưng, sẽ phải xa em, xa rừng Chò ấm áp, thân thương ...”.

   Do đó mà tập truyện Phong lan về trời và “đậm đà”, nhất là Nàng và Hơi ấm rừng Chò đã lấy đi khá nhiều nước mắt của bạn đọc, ít ra là của tôi, là người Bình Định, nơi mà Phạm Việt Long đã gắn bó máu thịt với quân dân ở đây và với cả miền đất Quảng Đà để sau Ngày Giải thống nhất đất nước, với Tiểu thuyết BÊ TRỌC đã được dựng thành phim và nhận Giải thưởng văn học của Hội LH VHNT Việt Nam!

   Và, vợ chồng tôi là người được anh sớm gửi tặng những tác phẩm hay của anh viết trong hoà bình dựng xây.

  Nay, với Phong Lan về trời, tôi phải nghiền ngẫm để thấm chất triết lý nhân sinh, phẩm chất nhân văn trong từng truyện mà ở tuổi đời vượt xa ngưỡng “cổ lai hy”, mà nhà báo, nhà văn, nhạc sĩ và cả tiến sĩ ngữ văn thật yêu quý của chúng ta, Phạm Việt Long, vẫn phải củng cố lại cho mình và cho đời!

 Như đọc trong “Âm bản”, bạn đọc nào mà không thấm thía lời của nhân vật Bình nói với con gái của mình: “Thật ra, mỗi người đều có một âm bản cuộc đời, nhưng không phải làm một lần là thành được. Cứ phải làm dần và phải đến lúc nhắm xuôi tay, bức chân dung cuộc đời mới hoàn thành!”.

Và, “Con hãy tin rằng bức chân dung cuộc đời bố không ai bôi bẩn được, nó mãi mãi là LƯƠNG THIỆN!”.

Và những truyện ngắn khác trong dựng xây hoà bình cũng đều chứa đựng một triết lý nhân bản, như trong truyện “Phong lan về trời” dùng làm tên cho cả tập truyện vẫn dẫn ra một triết lý sống rất nhẹ nhàng đầy tính nhân văn sâu sắc: “Hoá ra, loài thảo mộc cũng cần có bạn tâm giao!”.

Chỉ câu này thôi, Ts Phạm Việt Long, TBT tạp chí Văn hoá & Phát triển, đã nhắc nhở, khơi dậy trong ta biết bao điều nhân bản mà nhân loại phải vươn lên thực hiện phần NGƯỜI cao cả trong Cõi Nhân sinh. Và đồng thời lại nghe vang trong ta câu ca “Ngày sau sỏi đá vẫn cần có nhau” của Ns Trinh Công Sơn, và cả câu: “Từ đây người biết thương người và từ nay người biết yêu người” của Ns Văn Cao.

Và người đời đã bảo những tư tưởng lớn, những tâm hồn vĩ đại thường gặp nhau. Có lẽ 3 vị này đã gặp ở tư tưởng nhân sinh cao cả và vĩnh hằng của cuộc sống thế gian.

Xin mượn lời nhà báo Mai Nhung để kết bài viết như sau:

“Nhà văn Phạm Việt Long đã từng viết nhiều về chiến tranh, được bạn đọc đón nhận và yêu thích, như Bê trọc hay các truyện ngắn khác. Đọc Hơi ấm rừng Chò ta thấy nhà văn tiếp tục thành công với những hồi ức chân thực của người từng trải qua chiến tranh suốt những tháng năm tuổi trẻ. Tác phẩm càng có giá trị khi tác giả không mô tả bằng giọng văn hào sảng như ta thường thấy. Chiến tranh trong  “Hơi ấm rừng Chò” vì thế mà có tiếng nói riêng, mùi vị riêng, nỗi buồn riêng của nó.

Vậy là, với những đề tài khác nhau, dù nói về chiến tranh hay thời bình, tác giả “Phong Lan Về Trời” đều tụng ca cái cao cả, cái đẹp, tình yêu thương con người, thiên nhiên, nỗi khao khát hoà bình và những tình cảm trong sáng, chân thành trong cuộc sống. Nhiều chi tiết đầy tính ẩn dụ và có chủ ý ở một số truyện, ngòi bút của Phạm Việt Long đã phơi bày, truy đuổi đến tận cùng cái xấu, cái ác. Tất cả đều lôi cuốn người đọc bởi sự hấp dẫn và đầy sức thuyết phục của tác phẩm”.

Và lần nữa, xin gửi đến Tiến sĩ ngữ văn Phạm Việt Long mà trước hết là người bạn kháng chiến, cùng nghề báo chí trên mặt trận tư tưởng và văn hoá của Đảng, lời chào thân ái và chúc thượng thọ!

 

Quy Nhơn, 21 h ngày 19/11/ 2021