CHUYỆN LÀNG QUÊ, HƠI THỞ NỒNG ẤM TỪ CUỘC SỐNG

Với 524 trang sách khổ 14,5×20,5cm, 137 tác phẩm của 104 tác giả, CHUYỆN LÀNG QUÊ (tập 1) gửi đến độc giả hơi thở nồng ấm của tình yêu văn chương, tình yêu làng quê tha thiết. Đây là những bài viết được chọn lọc từ hàng ngàn bài viết trên trang Chuyện làng quê, một trang mạng xã hội có hơn100.000 thành viên, mỗi ngày dâng hiến cho bạn đọc hàng chục bài viết.
chuyen-lang-que-1719124999.jpg
 

1. Phần lớn số tác phẩm trong tập sách này khắc họa chân dung làng quê, với khung cảnh thanh bình, tuy nghèo mà ấm áp, nồng nàn tình nghĩa

Ở làng quê ấy, những sản vật của đất quê đã nuôi sống con người và nuôi dưỡng tâm hồn con người, trở thành ký ức sâu sắc của mỗi người khi phải xa quê. Đậm đà nhất là những hoài niệm về các món ăn của nông thôn. Đây cũng là điều dễ hiểu. Bởi, “có thực mới vực được đạo”, những món ăn quê đã nuôi dưỡng những con người nhà quê để họ tồn tại và phát triển. Ở những trang sách này, mô tả những món ăn dân dã, mà chỉ nhắc đến tên, cũng đã thấy ấm lòng: Cơm. Tương. Mắm. Rau má. Cá đồng. Rạm. Bánh khúc. Canh cua. Nấm mối. Da trâu khô gói giò. Lá lằng hoang dại. Sứa tươi. Dưa mùng muối chua. Rau mồng tơi. Me. Điều. Ốc bươu. Sim. Hoa gừng... Các bài viết về ẩm thực thường miêu tả kỹ vị ngon của món ăn, cách thức chế biến và những kỷ niệm ấm áp gắn liền với các món ăn ấy. Ngoài các món ăn phải gieo trồng, chăn nuôi, người quê còn được thiên nhiên ban tặng những món ăn tự nhiên, như con cá, quả sim, lá lằng… Thực trạng ấy cho ta thấy một nền nông nghiệp tự cấp tự túc, người nhà quê tự nuôi sống mình bằng sản vật do chính mình tạo ra hoặc tận dụng của trời đất. Chính cái nguồn gốc tự cấp tự túc này làm nên bản tính chịu thương chịu khó, tự lực cánh sinh của người nhà quê. Dưới bàn phím của các tác giả, món ăn không còn là thứ ẩm thực thông thường, mà chứa đựng trong đó hồn quê. Bây giờ, cuộc sống thay đổi, nhiều món ăn đã lùi vào dĩ vãng, nhưng hơi ấm, vị bùi ngọt của các món ăn ấy vẫn in đậm trong ký ức con người. Để có các sản vật ấy, người nhà quê phải lao động cật lực. Trong nhiều bài viết, cảnh lao động ở nông thôn hiện lên mới sôi động, cuốn hút làm sao: Cầy cấy, gieo trồng, gặt hái. Cất vó. Úp nơm. Làm hàng xáo. Săn thú rừng. Nướng cá. Bắt sứa. Làm mũ nan. Hái cà phê… Mỗi loại hình lao động có một phương pháp riêng, nhưng đều thấm đẫm mồ hôi nước mắt của người nông dân, gợi cho người đọc sự biết ơn đối với những con người “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Qua những trang viết, dường như mọi âm thanh, mùi vị, mầu sắc của quê hương hiển hiện lên, thẩm thấu sâu vào cảm quan của người đọc.

Trong môi trường nông thôn ấy, các bài viết đã làm nổi bật lên tính chất người nhà quê. Hầu như bài nào viết về cuộc sống nông thôn, cũng nói rằng quê minh nghèo lắm. Thế nhưng, qua các câu chuyện, người đọc nhận ra rằng, dù quê nghèo, người nhà quê không bao giờ chê quê, mà có một tình yêu đằm thắm, chung tình với quê hương. Người nhà quê ăn chắc mặc bền, cần cù, cam chịu, tình làng nghĩa xóm đằm thắm, nương tựa vào nhau mà đi lên trong cuộc sống đầy gian truân.

Các tác giả phản ánh mối quan hệ giữa người với người trong gia đình, làng xóm một cách chân thực, theo xu hướng lạc quan, có hậu. Thời đói khổ, cha mẹ nhịn cơm dành cho con cái. Xuất hiện những người luôn luôn nói dối “Ăn no rồi”, thực ra là nhịn miệng nhường chồng con. Các bậc cha mẹ luôn luôn hi sinh vì con, “cá chuối đắm đuối vì con”. Đói dài đói rạc, phải đi mót củ giong, xin nước luộc lòng của Hợp tác xã về cho qua bữa nhưng vẫn nhường nhau từng miếng ăn… Đứa con mồ côi tưởng rằng sẽ như đứa trẻ lạc loài, lại được cô dì chú bác bao bọc. Ngay cả chuyện người đàn ông có con riêng, sự phản ứng của người vợ cũng không gay gắt, mà lặng lẽ, hờn tủi trong sự thông cảm với người chồng và niềm thương đứa bé. Chú bé bán hương nghèo nhưng hiểu biết, không tham lam. Cậu bé 13 tuổi đánh cá trên sông, bị lật thuyền, nhớ và làm theo lời dạy của người lớn mà thoát chết. Mối tình chung thủy giữa hai vợ chồng già, ông mất, con cái giấu không cho bà biết, để bà luôn luôn mong đợi ông trong niềm hi vọng khắc khoải và rồi bà cũng theo ông, trọn nghĩa vẹn tình. Trai Hà Nội lấy vợ nhà quê, gắn bó, quý trọng nhà vợ. Đứa trẻ nghèo làm mọi cách để có bánh trung thu mà không được, cuối cùng được bạn cho một mẩu bánh, đó là sự chia sẻ ngọt bùi của những người nghèo với nhau. Người hàng xóm tốt bụng can ngăn hai vợ chồng đang cãi nhau. Vợ chồng già, xử lý mọi chuyện theo cách nhẹ nhàng, nhường nhịn. Gái làng lấy chồng Tây, tưởng rằng sẽ tạo ra mâu thuẫn giữa truyền thống và hiện đại, nào ngở chàng rể Tây lại vô cùng thú vị và tôn trọng phong tục tập quán của làng quê Việt Nam! Ông phó cối đi đóng cối cho các cô gái trẻ, được cả tình lẫn tiền. Đó là những chuyện xảy ra thường ngày ở nông thôn, nhưng qua các bài viết, cuộc sống, con người nhà quê mới đáng yêu, đáng trọng làm sao!

Trong ký ức của nhiều tác giả, có bao chuyện vui của tuổi thơ nơi làng quê thanh bình. Lắng nghe từ các trang sách, ta có thể cảm nhận được tiếng xạc xào tâm sự của các loài cây dân giã: xấu hổ, xuyến chi, bìm bìm, mần trầu, thài lài, cứt lợn…  Ta cũng có thể cảm nhận được tiếng rao bán Cà rem và thấy hình ảnh những đứa trẻ háo hức đem dép nhựa cũ, vỏ đạn… ra đổi kem, kỷ niệm của tuổi thơ mà hầu hết chúng ta đều có. Từ các trang sách, cũng rộn lên tiếng cười của những đứa trẻ tinh nghịch làm giả rùa bằng mo cau để trêu bạn, tiếng kèn thổi bằng tổ sâu, tiếng bì bõm lội nước của mấy đứa trẻ bắt trộm cá. Cây ổi thì rung rinh khi có đứa bé trèo hái trộm quả… Thật bất ngờ, trong những kỷ niệm ấy, nhiều tác giả kết thúc bài viết bằng hình ảnh người chủ vườn, chủ ao tốt bụng, không những không đánh đứa trẻ hái trộm ổi, câu trộm cá… mà còn cho quà, khuyên răn cẩn trọng kẻo ngã cây hoặc đuối nước.

 Có khá nhiều bài viết về chuyện dì ghẻ, bố dượng, con riêng. Có lẽ, đây là vấn đề nóng của xã hội, khi cấu trúc gia đình, bởi nhiều lý do, mà bị rạn vỡ. Các tác giả, nhìn thẳng vào sự thật qua thấu kính nhân văn, vẫn tìm ra lối thoát để hàn gắn các mối quan hệ phức tạp bị rạn nứt kia. Cách xử lý vấn đề của các tác giả phản ánh sự thay đổi trong quan niệm về một số mối quan hệ “bất bình thường” đã khác xưa. Dì ghẻ không còn ác độc với con chồng nữa. Cha dượng bây giờ giống như cha đẻ. Con rể không còn “là khách” mà giống như con trai. Mối tình tan vỡ vẫn để lại dư vị ngọt ngào. Một bé gái, khi mẹ qua đời, được cha đẻ đón về sau bao năm bố mẹ li hôn, đã quyết định ở lại với cha dượng, người đã nuôi dưỡng mình từ tấm bé. Cách xử lý này của tác giả là sự tiếp thu quan niệm truyền thống của người Việt: Công sinh không bằng công dưỡng. Mẹ Cả, một người chưa từng một ngày làm vợ thực sự của bố, vẫn được các con nâng niu, trọng thị. Mẹ chồng nàng dâu, tuy bên ngoài ngủng ngoẳng nhưng bên trong lại quan tâm chăm sóc nhau. Các mối quan hệ gia đình ấy được nối kết với nhau bằng sợi dây ân tình, cho nên chặt chẽ và bền vững.

Tuy vậy, trong làng quê cũng có những mảng mầu xám. Một số bài đã nhìn thẳng vào sự thật để phê phán bằng ngôn từ nhẹ nhàng mà chí lý. Đó là tục nợ miệng – do sự bày vẽ cỗ bàn theo hủ tục chưa dứt được. Hoặc thói gian dối khi làm ăn buôn bán. Sự biến dạng về môi trường khiến chúng ta xót xa: một người con xa quê lâu ngày, háo hức trở về để “Úp mặt vào sống quê”, nào ngờ sông bị ô nhiễm nặng, đem lại sự hẫng hụt khó cân bằng. Nặng nề hơn, là quá trình đô thị hóa không những làm biến dạng cảnh quan nông thôn mà còn làm cho con người biến chất, bị bần cùng hóa: một người nông dân có nhiều đất, bỗng nhiên nơi đó biến thành khu đô thị mới. Sau khi bán đất, được nhiều tiền, nền nếp gia đình thoái hóa, ăn tiêu bừa bãi, cuối cùng cả nhà không còn chốn nương thân…

Các bài viết trong tập sách này đã chỉ ra 3 biểu hiện tiêu cực mới nảy sinh trong quan hệ gia đình: Thứ nhất, là sự ngược đãi của con cái đối với cha mẹ, sau khi cha mẹ bán đất ở quê, cho con tiền xây nhà và ở chung với con. Bài học là không chia hết tài sản cho con khi mình còn sống. Thứ hai là rạn nứt mối quan hệ anh chị em trong nhà vì tranh giành của cải sau khi bố mẹ qua đời, trong đó thường thường người em út hoặc người nghèo hơn lại bị chèn ép, bất công. Mâu thuẫn này, các tác giả xử lý theo lời khuyên từ truyền thống: “Một điều nhịn chín điều lành”. Thứ ba là tình trạng mẹ lên thành phố trông cháu, bố ở nhà đơn côi. Đây là thực trạng đang diễn ra hàng ngày và khá phổ biến thời nay, không những trông cháu ở trong nước, mà còn phải ra nước ngoài. Từ đó, gia đình chịu cảnh chia đôi, ông bà sống đến cuối đời lại phải chia xa! Giải quyết vấn đề này vô cùng khó khăn, tế nhị, cho nên các tác giả chưa chỉ ra được lối thoát, trừ một trường hợp, người chồng lập mẹo giả cặp bồ để kéo vợ về!

2. Từ làng quê, nhiều người con đã lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc

Các bài viết trong cuốn sách này không kể về những chiến công trên mặt trận (trừ một bài nói về chiến sĩ bắn rơi máy bay Mỹ), mà chủ yếu nêu lên những tâm trạng, những cảnh huống cảm động khi những người trai trẻ lên đường tòng quân hoặc những mối tình chớm nở của nam nữ thanh niên nông thôn khi người con trai ra trận. Tình yêu dang dở, không đi đến đâu, nhưng là những kỉ niệm đẹp của thời mới lớn. Nhiều bài viết kể về hai người bạn thân ở quê, khi tòng quân ở cùng đơn vị, hỗ trợ nhau trong chiến đấu. Hòa bình, một người hi sinh, một người trở về. Thương cảm cảnh vợ đồng đội góa bụa, khó khăn, người bạn đã kết hôn với chị, bỏ qua những người phụ nữ trẻ khác cũng sẵn sàng đến với anh. Không ít câu chuyện được xây dựng theo mô típ này, có thể vì đó là hiện trạng khá phổ biến ở nông thôn chăng?

Nhiều câu chuyện nói lên tình quân dân thắm thiết, hoặc phẩm chất tốt đẹp của người chiến sĩ quân đội. Đó là tình cảm khăng khít của một chú bé với anh bộ đội, qua hàng chục năm vẫn nhớ như in những chuyện tâm tình của anh bộ đội cùng với kỷ vật là 2 viên bi. Nhiều chàng thanh niên nông thôn rời quê, trở thành người chiến sĩ quân đội, vẫn giữ bản tính chân thật, đứng đắn. Có một trường hợp hơi lạ: Một nữ chiến sĩ nhờ các chiến sĩ nam, vốn là họa sĩ, vẽ cho bức tranh khỏa thân để giữ lại tuổi thanh xuân, vì sợ cái đẹp của thân thể sẽ bị hủy hoại bởi công việc thời chiến nặng nhọc. Truyện này cho thấy, người thôn nữ rất biết quý trọng, gìn giữ cái đẹp, nhưng dám hi sinh cái đẹp để phụng sự đất nước.

Trong thời bình, nhiều người rời quê hương, ra ngoại tỉnh hoặc ngoại quốc làm ăn. Họ đem theo cái chất phác, nhân hậu, phong tục tập quán của người nhà quê, tỏa hơi ấm con người ra những miền xa lạ. Họ vẫn giữ “Đất lề quê thói”, như: cúng rằm theo phong tục quê, không làm 2 lần bát cơm quả trứng cúng người chết… Người lính sau giải phóng miền Nam, làm nhiệm vụ xây dựng đất nước, giữ tác phong chuẩn mực, được dân ở vùng mới giải phóng quý mến. Anh nảy nở mối tình với nữ sinh áo trắng Sài Gòn. Cuộc tình không kết theo kiểu có hậu nhưng nồng ấm và lành mạnh. Người ở quê đi lấy chồng, kinh tế khá giả, ứng xử chu đáo với anh em, láng giềng. Đôi vợ chồng thời hậu chiến, do hoàn cảnh khó khăn, phải bán đi nhiều kỉ vật quý; cho đến ngày khá giả, đã tìm lại được những kỷ vật ấy; tuy nhiên, suốt cuộc đời, họ luôn luôn giữ nguyên bản chất tốt đẹp của mình, không bao giờ phải đi tìm lại chính mình. Cô gái nhà quê đi tỉnh, bay dần hương đồng gió nội, nhưng vẫn giữ được hồn cốt người nhà quê - chung tình, chăm lo con cái, thân thiết với hàng xóm láng giềng.

Nhà quê chính là nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm cho thành phố. Những gánh hàng quê đã tạo nên một âm thanh đặc trưng nơi đô thị: Tiếng rao! Đó là tiếng rao của những người gánh hàng rong đem bán các nông sản với giá rẻ khắp các phố phường, ngõ ngách của đô thị, trở thành thứ âm thanh chứa nhiều kỷ niệm mà người đô thị ghi khắc mãi vào ký ức của mình.

Cuộc sống không chỉ có niềm vui, sự sung sướng, mà còn có nỗi buồn, nỗi đau. Một số bài viết nói thẳng, nói sâu về những tai họa do chiến tranh đem lại. Câu chuyện gây ám ảnh nhất trong cuốn sách này nói về bi kịch của một nữ cựu chiến binh. Trong chiến tranh, chị đã “xin” nam đồng đội một đứa con. Nhưng, do nhiễm chất độc da cam, chị đẻ ra đứa con thiểu năng, dị dạng. Bản thân chị cũng lâm bệnh nan y. Lúc ấy, nam đồng đội mới biết là mình có con với chị. Người vợ của anh không những không dằn hắt, mà còn động viên anh đi tìm chị cùng đứa con, rồi đón nhận nó như con của mình. Một chuyện tương tự, nhưng cái kết lại ánh lên niềm vui: Có hai vợ chồng cựu chiến binh. Người chồng bị ảnh hưởng của chất độc da cam, bất lực chuyện phòng the, nhưng hai vợ chồng khao khát có một đứa con. Chị và anh đều đồng tình nhờ người đồng đội của anh “giúp sức”. Người bạn ấy không thể thực hiện nghĩa cử khó khăn này. Cuối cùng, người vợ bị hãm hiếp và đẻ ra đứa con trai. Cho tới phút lâm chung, người chồng vẫn một lòng lo cho đứa con trai ấy. Sau bao năm, cậu con trai đã trưởng thành, trở thành một sinh viên đại học Y. Lại có chuyện vợ một chiến sĩ nhờ một chiến sĩ khác “bồi” cho chắc ăn (thụ thai) vì chồng chỉ ở nhà một đêm, hôm sau đã ra mặt trận, người vợ sợ không chắc thụ thai.  Chồng chị hy sinh, nhưng chị đã có một cậu con trai nhờ cái đêm  ấy. Một câu chuyện cũng gây xúc động mạnh mẽ: Người thương binh nặng gặp lại người yêu cũ trên một chuyến tàu. Chị đã trở thành vợ của một người giầu, còn anh thì cả khuôn mặt bị biến dạng vì bom na pan! Nhìn chung, viết về nỗi buồn, đau, các tác giả trong tập truyện không đem lại sự bi quan, chán nản, mà gợi cho người đọc lòng căm thù chiến tranh xâm lược, niềm tin ở lòng tốt của con người; chính tinh yêu thương, sự tha thứ là cứu cánh để con người vượt qua mọi khổ ải của cuộc đời.

3. Với bản chất tốt đẹp như vậy, người nhà quê nhất định sẽ xây dựng được quê hương ngày một giầu đẹp, đàng hoàng hơn

Một số bài viết đã miêu tả sinh động bước chuyển mình của nông thôn với tương lai tươi sáng. Nông thôn có điện, chuyện bây giờ đã là binh thường, nhưng thực sự là chuyển biến vượt bậc của nông thôn, tạo tiền đề cho việc phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sinh hoạt. Người đàn bà lưu lạc nhớ về cố quốc và lúc ấy, mới thấy quê hương mình tốt đẹp biết bao. Nhiều bài phản ánh về những người nông dân đã tìm ra phương thức sản xuất mới, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

4. Về nghệ thuật, các tác phẩm trong tập sách này đều viết theo phương pháp hiện thực

Có một số tản văn, truyện ngắn, dựa trên hiện thực, có hư cấu, các tác giả dẫn độc giả đi sâu vào cảm xúc với thiên nhiên, con người, lắng lại suy nghĩ về nhân tình thế thái. Phần lớn còn lại, là viết về những chuyện người thật việc thật, đó thực sự là những bài báo phản ánh. Với cách hành văn mạch lạc, ngôn từ mộc mạc, các tác giả vẽ nên bức tranh làng quê chân thực và sinh động, tạo được sự tin cậy và xúc cảm mạnh mẽ nơi người đọc.

Đáng nói hơn, là những điều phi nghệ thuật lại có tác động rất lớn về nghệ thuật. Đó là sự góp mặt của các tác phẩm và cách sắp xếp chúng trong tập sách này. Một tập sách tập hợp 137 tác phẩm của 103 tác giả, nếu không khéo, sẽ thành một mớ tạp nhạm, tản mát. Thế nhưng, các tác phẩm này đã liên kết với nhau, tạo nên những chủ đề lớn, từ đó tạo ra thông điệp của cả cuốn sách. Ta có thể nhận thấy rõ: Từ chỗ có rất nhiều tác phẩm vẽ nên chân dung làng quê, làm rõ bản chất tốt đẹp và khả năng bảo vệ, xây dựng đất nước của người nhà quê, tác phẩm đã cho người đọc thấy tương lai tươi sáng của làng quê, của đất nước. Một thông điệp không cần phát ngôn mà được toát lên từ toàn bộ tập sách, giúp người đọc thêm yêu mến, tin tưởng ở làng quê Việt, những người nhà quê Việt và ở tương lai rạng rỡ của đất nước. Trong dòng chảy xô bồ của hoạt động xuất bản hiện nay, với vô vàn thể loại và xu hướng, thì dòng chảy hiện thực, nhân văn rất đáng trân trọng!