“CHÀO BUỔI SÁNG” - CHÀO AI?

Có một hiện tượng tưởng chừng nhỏ, nhưng đang tác động hàng ngày đến đời sống văn hoá của chúng ta, đó là tiêu đề cuả một chương trình rất quen thuộc: “Chào buổi sáng”. Mỗi lần xem chương trình này, tôi thường tự hỏi: Chương trình này nói là chào, nhưng chào ai đây? Sao mà nó xa lạ với cách chào của người Việt chúng ta đến thế. Nó là lối chào giả cầy, Tây chẳng ra Tây, Ta chẳng ra Ta!

chao-nhau-photoroom-1718926263.png

AI

 

Lối chào của người phương Tây không hướng vào đối tượng cụ thể, mà chỉ là một lời chúc chung chung gắn với thời điểm diễn ra cuộc gặp, như "Buỏi sáng tốt lành, buổi tối ngủ ngon..."

Còn lối chào của người Việt, bao giờ cũng hướng vào đối tượng cụ thể mà không quan tâm đến thời điểm diễn ra cuộc gặp. Dù gặp nhau lúc nào, người Việt cũng chào cụ thể đối tượng, như "Chào ông, chào bà, chào anh, chào chị..." Lối chào ấy thể hiện quan hệ cụ thể giữa người chào và người được chào, vừa tỏ rõ sự tôn trọng, vừa nói lên sự gần gũi giữa hai đối tượng. Lối chào ấy thống nhất với lối xưng hộ cụ thể trong ngôn ngữ người Việt, cũng rất khác với lối xưng hô chung chung của người phương Tây. Lối xưng hộ của người Việt biểu hiện cụ thể mối quan hệ giữa hai đối tượng, như “con” và “bố, mẹ”, “anh, chị” và “em”, “chú, bác” và cháu” chứ không phải là lối xưng hô chung chung "tôi – ông (bà)". Tương ứng với lối xưng hộ cụ thể ấy là lối chào cụ thể, như tương ứng với quan hệ mẹ – con, thì có lối chào “Con chào mẹ!”, “Mẹ chào con!”... Ở đây, tôi không có ý định khen lối xưng hô của ta là hay, chê lối xưng hô của nước ngoài là dở, mà muốn nói đến sự khác nhau giữa hai cách xưng hô, tương ứng là hai lối chào, cũng thể hiện sự khác nhau giữa biểu hiện văn hoá của mỗi dân tộc. Nhiều biểu hiện cụ thể như vậy sẽ làm nên cốt cách văn hoá của một dân tộc. Như thế, muốn giữ gìn bản sắc của dân tộc, cần phải biết giữ gìn từng biểu hiện cụ thể, đặc trưng của dân tộc ấy. Ngược lại, nếu coi thường những cái gọi là nhỏ nhặt, cụ thể hàng ngày, xoá nhoà những biểu hiện đặc trưng cụ thể của văn hoá dân tộc, tiếp nhận vô nguyên tắc những biểu hiện văn hoá của dân tộc khác, tất yếu sẽ làm phai mờ bản sắc dân tộc. Cứ thử hình dung xem, một ngày nào đó, chúng ta quen kiểu “Chào buổi sáng”, khi cha gặp con, vợ gặp chồng, cháu gặp bác đều chào mỗi một kiểu “Chào buổi sáng!” hay “Chào buổi tối!” thì sẽ đáng buồn đến thế nào?

Từ ý cụ thể trên, tôi muốn đề cập tới một vấn đề bao quát, là báo chí cần góp phần bảo vệ ngôn ngữ dân tộc. Ngôn ngữ, đó chính là một phần di sản văn hoá phi vật thể quý giá của dân tộc. Thật vậy, một trong những yếu tố góp phần bảo vệ dân tộc không bị đồng hoá trong suốt nghìn năm Bắc thuộc, trăm năm đô hộ của thực dân Pháp và Mĩ là ngôn ngữ. Trong suốt trường kỳ lịch sử, chúng ta vẫn có ngôn ngữ riêng của dân tộc mình, điều đó làm cho chúng ta không bị lẫn với dân tộc khác. Cho dù vốn từ có được du nhập từ phương Bắc hay phương Tây, thì khi gia nhập kho tàng ngôn ngữ người Việt, chúng cũng được sử dụng theo phong cách người Việt. Tức là, ngôn ngữ người Việt đã tiếp thu có chọn lọc ngôn ngữ quốc tế, làm giầu cho bản thân mình nhưng không bị tha hoá, luôn luôn xứng đáng là công cụ biểu hiện tư tưởng, tình cảm của dân tộc. Báo chí là phưong tiện truyền thông gần gũi với đời sống xã hội, tác động hàng ngày, hàng giờ vào tư tưởng, tình cảm của nhân dân, cho nên báo chí có ảnh hưởng rất lớn đến ý thức của con người. Nếu báo chí qua các bài viết, chương trình thể hiện rõ ý thức xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thì báo chí sẽ góp phần tích cực làm cho chủ trương lớn ấy của Đảng thấm sâu vào đời sống xã hội, thành tấm gương cho nhân dân học tập, làm theo. Ngược lại, những khiếm khuyết của báo chí cũng sẽ dễ dàng và nhanh chóng lây lan vào xã hội. Rất tiếc rằng gần đây, trên báo chí xuất hiện khá nhiều lỗi về ngôn ngữ. Những lỗi thông thường như sử dụng sai chức năng của từ, dấu (như ngoặc đơn thay cho ngoặc kép - báo Lao động hay dùng nhất), viết sai chính tả (như lẫn lộn giữa dànhgiành), sai ngữ pháp (như viết sai nguyên tắc đối với câu phức hợp, làm mất chủ ngữ), cho đến lối viết tắt cẩu thả, không theo nguyên tắc nào (viết tắt cả tên riêng), rồi đến những lỗi lớn về phong cách như lạm dụng việc sử dụng ngôn ngữ lời nói trong ngôn ngữ viết, tiếp thu vô nguyên tắc ngôn ngữ nước ngoài (như kiểu "Chào buổi sáng") xuất hiện thường xuyên trên mặt báo sẽ kéo theo sự “hưởng ứng” của biết bao độc giả, làm cho tiếng Việt của chúng ta ngày một kém trong sáng đi! Vậy là vô hình chung, do những lỗi nhỏ, thông thường, do cách sử dụng ngôn ngữ tuỳ tiện, lai căng, mà báo chí sẽ góp phần làm tha hoá ngôn ngữ dân tộc, cũng là làm biến dạng vốn di sản văn hoá dân tộc. Vậy là, báo chí bên cạnh hoạt động nghiệp vụ đưa lên dư luận những nội dung bảo vệ văn hoá dân tộc, thì chính bằng cách sử dụng ngôn ngữ, cũng góp phần bảo vệ hoặc phá hoại nền văn hoá ấy. Vai trò của báo chí đối với việc bảo vệ, phát huy truyền thống văn hoá dân tộc vậy là đã rõ, nó to lớn biết nhường nào! Cũng chính vì vậy, một trong những việc mà những người làm báo cần đặc biệt quan tâm, là phải học tập, rèn kuyện để sử dụng thành thạo ngôn ngữ dân tộc. Có như vậy, thì những tư tưỏng lớn của các nhà báo mới được biểu hiện một cách cụ thể, chính xác và sinh động, có sức thuyết phục cao!