Bố tôi, Phạm Đức Hóa – Người đặt nền móng cho trường Đại học Ngoại ngữ

Bây giờ, Trường Ngoại Ngữ đã phát triển thành trường Đại học Hà Nội, nhưng những người coi trọng truyền thống vẫn nhắc đến ông – Phạm Đức Hóa, cựu chỉ huy quân đội, người đặt nền móng cho ngôi trường danh giá này.

ong-pham-duc-hoa-1624205572.jpg

Ông Phạm Đức Hóa (bên trái)

Tôi nhớ rõ vào khoảng năm 1959, khi tôi đang học dở dang lớp 5, ông Phạm Đức Hóa – tức là bố tôi - được phân công đi xây dựng trường Ngoại ngữ, để đào tạo giáo viên, phiên dịch viên, đồng thời bồi dưỡng ngoại ngữ cho học sinh và cán bộ được tuyển chọn đi học đại học ở nước ngoài, nên phải gửi tôi và anh tôi cho người quen ở Trường Đại học Sư phạm (Cầu Giấy), để mẹ và các em tôi sang Gia lâm cùng ông kiến tạo ngôi trường. Khi ấy thiếu thốn trăm bề, đội ngũ cán bộ khung của trường phải ở làm 2 nơi, trong đó bố tôi và một số cán bộ khác ở nhờ nhà dân tại các thôn Gia Thượng, Gia Quất (Gia Lâm). Bố tôi thường đạp xe đạp lóc cóc đi khắp nơi – từ Bộ Giáo dục tới trường này, địa phương nọ để xin địa điểm. Do mối quan hệ cùng quân ngũ trước đây, bố tôi xin được mấy dẫy nhà tre nứa của Trường văn hóa quân đội làm trụ sở. Lãnh đạo trường lúc ấy chỉ có 5 người: Ông Phạm Đức Hóa là Hiệu trưởng. Ông Đào Đức An là Hiệu phó và 3 vị trưởng phòng. Bắt đầu một “chiến dịch chiêu quân”, một đội ngũ giáo viên đã đầu quân cho trường Ngoại ngữ, với biên chế đầu tiên là 180 người. Tất cả đều phải làm từ đầu, kể cả chương trình, giáo trình giảng dạy. Vậy mà chỉ sau 2 tháng, Trường đã dựng đủ lớp học. Tới cuối tháng 10, nhà trường đã tiếp nhận hơn 1.000 học viên, học tiếng Nga, tiếng Trung. Khóa ấy, Trường đã hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ: hơn 1.000 học viên đạt tiêu chuẩn ngoại ngữ đã lên đường sang học tập ở các nước bạn. Nhà trường bình bầu được 6 chiến sĩ thi đua và 40 lao động tiên tiến.Từ niên học 1960 – 1961 chính thức hình thành trường Chuyên tu với tên gọi là Trường Bổ túc Ngoại ngữ.

Qua 3 năm vượt mọi khó khăn, Trường Bổ túc ngoại ngữ đã bồi dưỡng về chính trị và chuyên tu ngoại ngữ cho 3.599 lưu học sinh và nghiên cứu sinh đi học ở Liên Xô, Trung Quốc, CHDC Đức và từ năm 1961 – 1962 là tất cả các nước trong phe XHCN.

Do những thành tích xuất sắc về xây dựng Nhà trường và đào tạo cán bộ cho đất nước, mới chỉ sau ba năm hoạt động, trường Bổ túc Ngoại ngữ đã được Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Ba cho Hiệu trưởng Phạm Đức Hóa.

Trong cuốn sách Trường Đại học Ngoại ngữ, 45 năm xây dựng và phát triển (1959 – 2004), có ghi như sau:

“Ông Phạm Đức Hóa (1916 – 1984) xuát thân là một sĩ quan trí thức. Vốn sẵn lòng yêu nước và lòng căm ghét thực dân Pháp, lại được các đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương giác ngộ, ông sớm tham gia Cách mạng Tháng Tám năm 1945, gia nhập lực lượng vũ trang của Đệ tứ chiến khu Đông Triều, Quảng Ninh, công tác dưới sự dìu dắt của một số vị về sau trở thành những tướng lĩnh nổi tiếng như Nguyễn Bình, Hoàng Minh Thảo, Lê Quang Hòa. Tháng 3 năm 1947, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, từng được giao giữ những trọng trách từ Trưởng Ban Tác huấn Quân khu Mười trong chiến dịch Thu – Đông năm 1947, Tham mưu trưởng Quân khu Mười, rồi Quân khu Tây Bắc. Sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, ông được chuyển ngành, sang công tác giáo dục, làm giảng viên chính trị, phụ trách xây dựng Trường Ngoại ngữ ngay từ những ngày đầu. Với trình độ văn hóa sâu rộng (Tú tài triết học, thông thạo các thứ tiếng Pháp, Anh, tự học được các tiếng Nga, Trung Đức), lại được rèn luyện một bản lĩnh chính trị nhạy bén, một tác phong công tác nghiêm túc mà năng động, một cách ứng xử có nguyên tắc mà rộng lượng, được mọi người mến phục, ông Phạm Đức Hóa đã hoàn thành xuất sắc vai trò lãnh đạo, đặt nền móng cho một cơ sở đào tạo ngoại ngữ lớn của nước nhà. Ông là Hiệu trưởng duy nhất được tặng thưởng Huân chương Lao động sau 3 năm đương chức…

Năm nay kỷ niệm 45 năm thành lập Trường cũng là tròn 20 năm Hiệu trưởng Phạm Đức Hóa vĩnh biệt chúng ta. Mấy dòng ngắn ngủi này trong lịch sử nhà trường là nén tâm nhang của các đồng chí và đồng nghiệp tưởng nhớ Ông".

Ngày 15 tháng 12 âm lịch là ngày giỗ bố tôi. Cứ đúng ngày này hàng năm, chúng tôi tụ hội về căn nhà xưa, nơi bố mẹ tôi sinh sống, để tưởng nhớ bố mẹ - có lần đủ cả 8 con trai, gái và các dâu rể, cháu chắt, kể cả người ở xa nhất tận Úc châu cũng có mặt. Mấy hôm trước, tôi tìm tư liệu để viết về bố, nhưng quá hiếm hoi. Bố tôi quá khiêm nhường, không bao giờ nhắc đến mình trong các sự kiện lịch sử, cho dù mình có tham gia. Ngay cả chiến dịch Sông Lô lẫy lừng mà bố tôi trực tiếp tham gia khi ông là Trưởng Ban Tác chiến Quân khu 10 trong chiến dịch Thu – Đông 1947, để sau này ông cùng ông Đỗ Chí viết cuốn sách Chiến thắng Sông Lô (NXB Quân đội nhân dân), ông cũng không nhắc tới bản thân mình. Tôi đã “soi” rất kỹ cuốn sách này, nhưng tuyệt nhiên không thấy dấu vết gì của ông, cho dù chỉ là một lời nói rằng tác giả đã tham gia Chiến dịch đó.

Tuy nhiên, ông luôn luôn hiển hiện trong cuộc đời. Trong lòng bạn bè, đồng chí. Trong lòng con cháu. Trong các chứng tích lịch sử.

Đối với con cái, ông không giáo huấn, ép buộc. Ông chỉ định hướng, khuyên nhủ và tôn trọng các quyết định của con cái. Được thừa hưởng nền giáo dục tử tế thời ấy, được sự định hướng đúng đắn và noi gương lối sống chuẩn mực của ông, anh em chúng tôi đều chọn được cho mình nghề nghiệp phù hợp và đều trở thành người tử tế. Trong mỗi con người chúng tôi bây giờ, đều có một phần của ông. Khi tôi quyết định không học Đại học mà theo học lớp phóng viên TTXVN, ông chỉ hỏi tôi đã suy nghĩ kỹ chưa, chứ không khăng khăng bắt tôi học Đại học theo thói thường. Khi tôi xung phong đi chiến trường miền Nam làm phóng viên chiến tranh, ông động viên, khuyên nhủ tôi nhiều điều. Suốt 7 năm ở chiến trường gian khổ, ác liệt, tôi có tình yêu thương của gia đình, trong đó chủ yếu là bố, mẹ tôi làm nên sức mạnh vượt qua mọi thử thách. Qua thư gửi tôi, ông thể niệm niềm tự hào có đứa con biết hiến thân cho Tổ quốc. Xin trích mấy lá thư của ông gửi cho tôi như sau:

Hà Nội, ngày 25/12/1968

Con thân yêu của bố mẹ!

Con ơi con! Hàng ngày bố mẹ hướng về miền Nam trông chờ tin tức, chờ tin con, chờ tin thắng trận. Thư con gửi tháng 8/1968 đã đến tay bố mẹ, đến tay cô Chung và các bà. Đọc thư con, lòng của mẹ hồi hộp. Các em con đều im lặng ngồi nghe. Mẹ rơm rớm nước mắt, phần thì thương con gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm, phần thấy mình lại được vinh dự có con tham gia tiền tuyến, bõ công nuôi dưỡng con từ nhỏ tới lớn…

Bố vẫn vậy, vẫn gắng đem hết sức mình ra để cống hiến cho cách mạng. Có điều con ạ, bố cảm thấy cũng yếu hơn trước vì tuổi đã 53 rồi, tuy vậy, bố vẫn cố gắng vượt mọi khó khăn mệt nhọc để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng. Con đã phấn đấu rất nhiều. Bố đọc thơ con cũng hình dung được con bố đã vượt được bao khó khăn nguy hiểm, con bố đã bước đầu thể hiện được Chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Bố cảm thấy như con đang mở đầu một bản anh hùng ca. Con ạ! Cố gắng lên nữa, bố mong con đem hết nghị lực, ý chí, và quyết tâm để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cách mạng đã giao phó cho con. Viết thư cho con, bố nhớ con lắm, hình dung lại cả lúc con còn thơ ấu quấn quýt với bố, hình dung lại hiện nay con đã trưởng thành và đang gắng sức cống hiến thật nhiều cho cách mạng.

Con ơi! nhớ con lắm lắm, mong con hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, ngày càng được gần Đảng và mong ngày thống nhất được gặp con..

Bố. Phạm Đức Hoá.

Hà Nội, ngày 1 tháng 7 năm 1970

Con yêu dấu!

Mỗi lần cầm bút viết thư cho con, bố lại đặt câu hỏi: liệu thư này có đến tay con không và bao giờ gia đình lại nhận được thư của con? Có thể nói không tháng nào gia đình, bố mẹ không biên thư cho con và từ 7/1969 đến nay 7/1970 bố mẹ chỉ nhận được 2 thơ của con. Có lẽ gia đình, nhất là mẹ con, được gặp con, nói chuyện với con trong giấc mơ nhiều hơn, sau những ngày mong mỏi tin tức của đứa con yêu dấu! Bức thư dịp Tết của con gửi về khu sơ tán của trường, sau một thời gian đi nơi này nơi khác, cuối cùng mới đến tay bố mẹ. Gia đình được thư của con sau 5,6 tháng lo nghĩ, bố mẹ và các em con rất phấn khởi. Các em con thay phiên nhau đọc thơ của con, vì đứa nào cũng muốn đọc trực tiếp thơ của anh Long của nó. Con sống, lao động, công tác trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, mà vẫn giữ vững được ý chí phấn đấu, tinh thần lạc quan cách mạng, bố mẹ và các em rất vui mừng…

Bố mẹ vẫn công tác với hết khả năng của mình, dĩ nhiên cùng với thời gian, có già hơn trước, nhất là sau 3, 4 năm sơ tán, nhưng rất phấn khởi vì các con mau chóng trưởng thành. Gia đình, nhất là mẹ con, nhớ con và thương con nhiều lắm. Câu hỏi thường đặt ra là: "Bao giờ con trở về với gia đình?". Lẽ dĩ nhiên là bao giờ con hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ, và có thể là đến ngày Nam Bắc thống nhất. Mong con về, tuy cũng không mong con về quá sớm mà chưa hoàn thành nhiệm vụ cách mạng...

Bố của con

Phạm Đức Hoá.

Hà Nội ngày 1/11/1971

Con yêu dấu của bố mẹ!

…Chắc con cũng được tin về trận lụt vừa qua ở ngoài này. Dù trận lụt lớn chưa từng có, song dưới sự chăm sóc của Đảng và Chính phủ, nhân dân ta ở ngoài này đang mau chóng khắc phục hậu quả do nạn lụt gây ra, đồng thời tranh thủ và sử dụng tốt viện trợ của các nước bạn. Gia đình ta bình yên, mạnh khoẻ.

Bố mới được tin trong đó có bão lớn gây nhiều thiệt hại cho nhân dân Trung bộ, kèm theo sự khủng bố dồn dân của giặc Mỹ, Thiệu. Bố đau xót với cái đau khổ của nhân dân trong đó, đồng thời nghĩ đến con, đứa con tiếp tục sự nghiệp cách mạng của bố. Chỗ con ở chắc cũng bị ảnh hưởng của trận bão lớn. Thiệt hại có nhiều không con? Bố cũng thấy lo cho con và các bạn, song bố tin ở tinh thần cảnh giác, kinh nghiệm đấu tranh của con và của các bạn, những cán bộ đã được rèn luyện trong đấu tranh chống địch, chống thiên tai…

…Mọi người mong tin con, và mong ngày gặp mặt, sum họp gia đình đông đủ trong không khí chiến thắng của toàn dân.

Bố của con

Phạm Đức Hoá

Hà Nội, ngày 9/9/1972

Việt Long yêu dấu của bố mẹ.

…Bố rất vui vì có đứa con tiếp tục được sự nghiệp cách mạng của cha, nối tiếp được truyền thống cách mạng của dân tộc. Bố thường nói với các em con, anh Long có lý tưởng cách mạng rõ rệt, có tinh thần quyết tâm vượt khó khăn gian khổ để thực hiện lý tưởng đó và có phương hướng mục tiêu phấn đấu rõ ràng. Bố cũng hình dung được những gian khổ, khó khăn con vừa trải qua, góp phần bé nhỏ vào thắng lợi lớn lao của Bình Định kiên cường…

…Bố chúc con khoẻ mạnh, vượt mọi gian khổ khó khăn, linh hoạt, sáng tạo, thận trọng trong công tác cách mạng, đạt nhiều thành tích mới…

Bố của con

Phạm Đức Hoá.

Lấy việc nước làm trọng, ông dám làm, dám chịu trách nhiệm. Nhiều người còn nhắc lại những việc làm của ông với thái độ biết ơn, khi họ thuộc diện trí thức tuy giỏi nhưng “có vấn đề về lý lịch”, chẳng hạn như con gia đình quan lại thời xưa, không cơ quan nào chịu tiếp nhận, thì bố tôi tìm đón họ về trường, để rồi họ trở thành giáo viên giỏi, tận tụy với sự nghiệp trồng người cho đất nước. Biết bao nhiêu nhân tài đã được ngôi trường ấy nâng bước đi lên để trở thành các nghệ sĩ lớn, các nhà văn, nhà khoa học, nhà lãnh đạo. Có trường hợp một người tên là Trung thi đỗ vào Trường, nhưng bị liệt đôi chân, khó được tiếp nhận. Bố tôi đã chạy lên Bộ Giáo dục mấy lần thuyết phục lãnh đạo Bộ và cuối cùng anh Trung đã được vào học. Sau này, anh trở thành cán bộ nghiên cứu của Bộ Ngoại giao và bây giờ vẫn là nhà hoạt động xã hội tận tình. Tôi nhớ có nhiều lần, vào dịp giao thừa, anh ngồi xe lăn đến thắp hương tưởng nhớ người thầy của anh, bố của tôi. Nhiều người cũng nhắc ông, một Hiệu trưởng nghiêm khắc mà lại xuề xòa, yêu thể thao, văn nghệ. Chiều chiều, ông thường mặc quần áo thể thao đá bóng với giáo viên, học sinh. Ông còn tập hợp những giáo viên, học sinh giỏi đàn hát, lập thành đội văn nghệ nhà trường.

Nhường nhịn là lối ứng xử mà bố tôi thường thể hiện trong mọi trường hợp. Khi trước, lương không lên theo niên hạn như bây giờ, mà lên theo chỉ tiêu, chẳng hạn đơn vị A năm nay được 3 chỉ tiêu lên lương. Năm nào bố tôi cũng nhường số chỉ tiêu lương ít ỏi ấy cho cấp dưới. Đến nỗi, là Hiệu trưởng, từng là Tham mưu trưởng Quân khu Tây Bắc, biết 4 – 5 ngoại ngữ, mà khi về hưu, ông chỉ là chuyên viên bậc 3 (lúc ấy chuyên viên có 6 bậc). Rồi chuyện nhà cửa, phân phối này nọ, ông đều nhường nhịn, đều lùi lại phía sau...

Ấy vậy mà bố tôi giầu có vô cùng. Con cháu của ông phương trưởng, tử tế, đó là thứ của quý của cuộc đời dành cho ông và ông tặng cho cuộc sống. Sự tôn trọng mà cuộc đời dành cho ông, đó là sự giầu có mà nhiều người dẫu có núi vàng cũng không thể có được. Khi biết chúng tôi là con ông bà Hóa, ai ai cũng dành cho tình cảm trân trọng và quý mến. Đó là thứ tài sản vô giá mà ông để lại cho chúng tôi. Tôi nhớ, khi tôi làm Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm về làm việc với Bộ. Trong cuộc họp, tôi thấy có lúc Phó Thủ tướng nhìn mình với vẻ trìu mến. Tan họp, vốn ghét thói xu nịnh cấp trên, tôi ra bằng cửa phụ. Khi ấy, Phó Thủ tướng từ cửa chính đi vòng sang, đưa tay tươi cười: “Bắt tay Chánh Văn phòng cái nào!”. Sau này, do công việc, gần gũi Phó Thủ tướng hơn, tôi biết ông đã học qua trường Ngoại ngữ và ông bảo rất quý Thầy Hiệu trưởng Phạm Đức Hóa, rằng trông tôi cứ ngờ ngợ như đã quen thân – vì tôi rất giống bố tôi.

Giờ phút này, anh em, con cháu đã tập họp đầy đủ tại gia làm giỗ cho ông, đơn giản về vật chất nhưng đầy ắp về tinh thần. Viết bài này, tôi kính dâng lên hương hồn người bố của tôi, người chiến sĩ vệ quốc, người cán bộ tận tụy năm xưa, không phải chỉ với tư cách một người con viết về người bố, mà còn với tư cách một người làm báo tôn vinh một tấm gương cần kiệm liêm chính, chí công vô tư mà cuộc đời cần ghi nhận và noi theo!

Nguyễn Hồng Long: Không ít hơn 2 lần, khi kể về những bước gian nan đời mình cho tôi nghe, thầy Duc Man Le (Lê Đức Mẫn) đã nhắc đến thầy hiệu trưởng Phạm Đức Hóa. Để thành lập trường ĐH Ngoại ngữ thầy Hóa chỉ đạo cho thầy Vũ Thế Khôi đến các trường có đào tạo Ngoại ngữ tìm cho được 20 người có bằng cử nhân ngoại ngữ, mà tiêu chí duy nhất là giỏi ngoại ngữ. Sau đó thầy Hóa giao cho phòng Tổ chức chọn 10 người trong số 20 người này, không lấy ai ngoài danh sách (để tránh gửi gắm, chèn người quen, COCC ...). Khi ấy thầy Mẫn đang thất nghiệp vì lí lịch (bố là công chức chính quyền cũ, nhà giàu ...) may mắn nằm trong danh sách 10 người này. Chính nhờ có tư duy không phân biệt giai cấp này của thầy Hiệu trướng Phạm Đức Hóa mà chúng ta có thầy Duc Man Le, nhà giáo ưu tú, nhà biên dịch nổi tiếng hôm nay, đóng góp to lớn cho nền giáo dục, dịch thuật nước nhà .