BÀ MƠ

Ngày 12 tháng 11 năm 1936 tại Hòn Gai - Cẩm Phả đã diễn ra cuộc Tổng bãi công của ba vạn thợ mỏ. Báo Le Travail đã viết: "Lần đầu tiên ở Đông Dương, giai cấp vô sản đã giành thắng lợi rực rỡ. Lần đầu tiên kỷ luật, đồng tâm đã thắng sự kháng cự của bọn chủ mỏ và tay sai". Ngày nay đã trở thành ngày Hội Truyền thống của Công nhân mỏ. Tiểu thuyết lịch sử "Bể than Đông Bắc", nhà văn Đặng Huỳnh Thái đã viết về tinh thần đấu tranh kiên cường bất khuất của thợ mỏ để dành lại quyền sống và làm việc. "Than có thể đốt cháy tất cả, nấu thép thành nước, nhưng không thể đốt cháy trái tin những người thợ Mỏ"

vung-mo-1730212205.jpg

"Người trần gian làm việc âm phủ" ảnh Báo tàng Quảng Ninh

 

Trên bãi cát rộng ở tha ma Khe Cát, chùa Hòn Hai dựng đàn, mở khóa lễ "Mông sơn thí thực", trang trí uy nghiêm, trong ánh nến tâm linh với tinh thần từ bi hỷ xả của Đạo Phật,

Chung quanh đàn bày lễ vật đồ chay, bỏng ngô, khoai luộc, bánh đa, bán đúc, cơm nắm... Bà Vấn, Đào và cô Trâm, cô Tơ lo việc nấu nướng, mua sắm mấy ngày nay. Từ ngoài cổng đi vào hai bên mép đường và nhiều nơi trên bãi cát là những chiếc lá đa cuộn theo hình phễu, đựng cháo trắng có que cài cắm xuống đất. Hoa quả được bày trong những chiếc nong lớn để khắp nơi. Theo quan niệm Phật giáo và sách Luật tâm thức, thế giới cõi âm có vô vàn cô hồn không nơi nương tựa, và lạc lối về khi chết đột tử, tai nạn, đuối nước, sập hầm...Lập đàn thí thực để thể hiện uy linh Phật pháp, cứu độ chúng sinh, cứu vớt cô hồn tại chốn Phật đường.

Phía trước lễ đàn là chín mươi bẩy hài cốt của chín mươi bẩy thợ lò ngập nước trong hầm lò Sơn Dương, phủ vải vàng, ánh nến đỏ rực rỡ, bát hương nghi ngút khói, sau gần nửa thế kỷ mới tìm được.

 Người đến dự đông nghịt, ngồi đầy bãi cát, trên đầu họ là những vành khăn tang. Cả một vùng trời, vùng đất trắng xóa khăn tang. Cô Trâm, cô Thịnh, bà Thấn, cô Huệ "lò chợ" từ Khe Danh về, cùng các bà, các chị ở Lán Chờ Chồng, ngồi trước chín mươi tám tiểu cốt phủ khăn vàng. Khóa lễ cầu siêu cho tất những linh hồn lạc lối khắp mọi nơi trong bể than Đông Bắc, đã chết oan, chết nghiệt bao năm nay dưới roi vọt, kìm kẹp của chủ mỏ thực dân Pháp. Ai ai cũng đến bàn viết sớ nhờ chú Soạn, và anh Sự viết cho đầy đủ tên tuổi chồng con mình đã mất vì roi vọt của cai Tây. Một bà tận trên Uông Thượng nói với hai ông thầy viết sớ:

- Nhờ hai bác viết cho tôi lá sớ.

Chú Soạn hỏi lại:

- Bà cho biết ông nhà ta tên gì ạ?

Bà ta chần chừ trả lời:

- Không ạ, tôi viết cho cháu.

- Vâng, tên gì!

- Bác ơi, tôi chưa kịp đặt tên.

- Thế là bà cô, ông mãnh, thiêng lắm bà ạ.

- Không phải, chắc cháu còn sống...

Thấy bà này ngẩn ngơ, chú Soạn nhắc:

- Ý bà thế nào, để tôi còn viết cho người khác đây?

- Chưa chết, thôi vậy!

Bà lặng lẽ lẩn vào đám đông.

Chú Soạn than phiền với Sự:

- Từ ngày nghỉ hưu làm nghề viết sớ đến giờ chưa có ai dở hơi như bà này.

- Chắc có chuyện gì, căm giận và day dứt cả cuộc đời, đang tìm ra lối thoát.

Cả hai chú cháu thở dài rồi cặm cụ viết, chữ nho xếp  hàng dọc, nét vẩy lên, nét vẩy xuống, nét nằm ngang, nét cúi rạp, như bao con người quằn quại trong cõi đời này.

2

Hồi ấy bà còn trẻ, xinh xắn nhất tầng hai mươi Núi Trọc, thằng cai Phất coi tầng rất thèm muốn, lúc thì nịnh hót ve vãn, lúc thì cho cái kẹo, tấm bánh. Một lần hắn sai thằng phu người Tàu rủ bà đi hái Sim, rồi hắn thưởng cho ba mươi chuyến xe than khống, bằng một công đi làm. Đi một đoạn, bất ngờ cai Phất xô ra đè nghiến bà xuống gốc sim, hiếp, chống cự không được, ngất xỉu, căm giận, có thai. Đẻ con, không thèm nuôi một thằng con tay sai cho Pháp. Bà lấy kim khâu chọc năm lỗ nhỏ trong lòng bàn tay, bôi than, than hòa vào máu, máu nhuộn than đen, mãi mãi khắc sâu trong da thịt, không tài nào tẩy rửa sạch. Gói trong bị cói, Bà mang đặt đúng gốc sim ấy, bỏ đi biệt.

3

Hai bác sĩ Đáp và Tống, thay mặt bệnh viện gặp gỡ các bệnh nhân trước khi ra viện. Gọi là bệnh nhân, chứ toàn người nhà, anh em, bạn bè, đồng cam cùng khổ trong những năm tháng đen tối. Mấy hôm trước một cơn bão to ập đến, lở tầng, lấp các  thiết  bị và  mười ba  người ở dưới moong sâu. Cấp cứu, điều trị hôm nay ra viện.

Ông Tăng, đến đón con, ôm chặt bác sĩ Tống và Đáp, cảm động nói:

- Chúng tôi đều từ cõi chết trở về! Cám ơn Bệnh viện và các y bác sĩ.

Bà Vấn mẹ của anh lái xe Tô Văn Tố, vừa cười vừa khóc, chấm những giọt nước mắt đang trào ra, không nói lên lời.

Cô Vân kéo lại giây băng đeo cánh tay bó bột cho chồng Tô Văn Tố.

Hướng đi bên Sơn, mải mê đọc cuốn sách "Phương pháp khai thác xuống sâu" đang dịch dở.

Tốn dìu Vang đi từng bước bên mẹ Bầu.

Mẹ Trâm tay xách đôi nạng, Mẹ Thịnh cõng Yến, vừa đi vừa nũng nịu.

Chầm chậm, chầm chậm, im lặng, nhè nhẹ bước, nhưng trong lòng mỗi người chìm sâu niềm vui vô tận. 

Hôm trước trên bãi biển Bến Do đã cùng nhau ôn lại bao chặng đường của cuộc đời. Hứa hẹn viết tiếp những hợp đồng tương lai tươi sáng.

Bất chợt, cô y tá làm tan loãng không gian, vội vã  thưa với bác sĩ Đáp:

- Thưa, có bệnh nhân xin gặp!

Hai bàn tay dơ cao, run  run, lao về phỉa  trước, người đàn bà lắp bắp:

- Dừng lại...cho tôi...thưa chuyện.

Bà Vấn nhận ra, chạy lại đỡ:

- Có phải chị bán mơ đây không?

- Thưa bà tôi đây ạ!

Chú Soạn cũng hỏi:

- Hôm lễ "Mông sơn thí thực", bà xin sớ...

- Vâng đúng, ông đã không viết cho tôi mà.

Bà Vấn ôm chặt, cho bà ta khỏi run, nói:

- Sao bà lại ở đây?

Bà ta vẫn run:

- Tôi tìm thấy con rồi. Bà ơi!...

vung-mo1-1730212545.jpg
 

Khai trường khai thác Lộ thiên ở Cẩm Phả

          Ảnh: Album được lưu giữ tại Bảo tàng thuộc địa Pháp

 

4

Bà không có tên thật, chỉ gọi là bà Mơ, sống ở trong rừng mơ, xa lánh nỗi đau cuộc đời. Chỉ ước mơ gặp lại đứa con trai, tình thương của mẹ. Bệnh án cũng ghi là bà Mơ. Từ Bệnh viện, qua đồi vào rừng mơ. Rừng mơ Thượng Yên Công, Yên Tử mênh mông bát ngát, mùa xuân hái quả. Rượu mơ Yên Tử nổi tiếng khắp vùng. Mứt mơ không thể thiếu trong các món ăn ngày tết. Cứ mùa mơ về, bà Mơ lại lẽo đẽo gánh mấy bị cói đầy quả, ngồi bán trước cửa nhà bà Vấn ở chợ Lán Nam. Thân nhau, bà Mơ tâm sự:

- Chẳng dấu gì chị! Em ngồi đây để tìm cháu.       

- Bị lạc sao, mấy tuổi rồi? Bà Vấn hỏi lại.

- Không phải đâu chị ạ!

Bà Mơ kéo vạt áo chấm những giọt nước mắt, kể:

- Thằng cai Phất hiếp xong, em vùng dậy lấy hòn than to giáng vào đầu, chết tươi. Hoảng quá, em bỏ việc, lang thang trong rừng kiếm ăn. Đẻ xong, em bế cháu đặt đúng gốc sim ấy, cầu Trời cầu Phật cứu giúp. Rồi đi biệt cho đến ngày hòa bình.

- Tội nghiệp!

- Cai Phất bốn năm đời vợ, ai đi qua đời nó cũng thân tàn ma dại, huống chi con mình.

- Tôi nhớ ra rồi. Bà Vấn tiếp lời. Có người bế cháu về nuôi, chị ta lại đẻ thêm một đứa con nữa. Chồng chết vì sập lò. Một nách hai con, dịch thổ tả chị ấy cũng chết. Hai anh em ngày ngày cõng nhau đi hái sim và đội than cho cai thầu, kiếm lấy củ khoai củ sắn...

Bà Vấn không nói được nữa, bà Mơ nức nở.

- Rồi sao? Chị kể cho em nghe đi".

- Đau lòng lắm bà ạ. Bà Vấn cố gắng mới nói được hết câu. Nó cõng em trên lưng, ai cũng tưởng thằng bé ngọe đầu ra ngủ, nào ngờ đi qua lán thợ xuống bãi tha ma Khe Cát, bới huyệt chôn em...

5

Bác sĩ Đáp dừng lại hỏi:

- Thưa bà tôi nghe đây! Xin bà bình tĩnh.

Bà Mơ quỳ trước mặt Đáp, không nói lên lời. Tất cả ngạc nhiên, Đáp lúng túng:

- Bà không được động mạnh, cột sống đang bó bột.

Cơn bão vừa qua đã quyét một vệt dài theo dẫy núi dọc Bể than Đông Bắc, từ Đông Triều ra tận Cù lao Cái Bầu. Bà Mơ đang hái mơ, trong rừng mơ, gió quật từ trên cây mơ ngã xuống đất. Bất tỉnh, các bác sĩ Bệnh viện Thụy Điển, ra sức cứu chữa. Sáng, hồi tỉnh, mở mắt ra bà giật mình. Nắm chặt tay Đáp bà hét lên: "Con". Đáp nhẹ nhàng thưa: "Vâng! Bà đỡ sốt rồi ạ!"...

Bà Mơ nói trong hơi thở:

- Con ơi! Mẹ đây. Ngày ấy mẹ không biết đặt tên. Con đặt ống nghe lên tim mẹ. Mẹ nhìn thấy trong lòng tay trái con...

Bác sĩ Đáp ngạc nhiên, xèo lòng bàn tay trái ra, Bà Mơ úp mặt vào khóc nức nở!

Lòng bàn tay trái của bác sĩ Đáp có năm chấm đen chìm dưới da. Than hòa vào máu, máu nhuộn than đen, mãi mãi khắc sâu trong da thịt. Hận thù muôn đời của Bà Mơ đối với bọn tay sai chủ mỏ thực dân Pháp.

- Bà có nhầm không ạ?

- Con, mẹ đây mà! Năm nốt kim châm trong lòng bàn tay con là do mẹ...

- Bà bỏ tôi ngàn ấy năm ở gốc sim sao?

- Không phải thế mà. Thằng cai Phất chết. Mẹ phải chết hoặc con phải chết. Trời đất rộng bao la, trời đất ước mơ của mẹ chỉ là con thôi!

- Tôi không có mẹ tàn nhẫn như vậy!

- Con ơi! Sau ngày hết Tây hết giặc, ăn bát măng rừng, lẽo đẽo gánh mơ, mẹ đi tìm con.

- Cái gì đã kết thúc, không làm lại được từ đầu đâu. Chỉ có tôi mới chịu trách nhiệm cuộc đời mình, không ai thay thế được.

- Hãy tha thứ cho mẹ đi con! Con là con trai của mẹ và mẹ mãi mãi là mẹ của con mà!

- Mẹ tôi chết rồi! Trước lễ Mông sơn thí thực, tôi đã xây mộ cho mẹ và em tôi để những linh hồn lạc lối có chỗ trở về trú ngụ. 

- Trời ơi! Mẹ đã có con, con lại bỏ mẹ, thế là hết! Cơ sự này, mẹ sống làm gì hở con ơi?

Bà Mơ gào khóc như điên dại, cào cấu thân mình và lớp bột trên lưng.

Mọi người hoảng hốt, dìu bà vào phòng bệnh. Bác sĩ Tống và Bác sĩ Đáp vội vã làm nhiệm vụ. Thầy thuốc...

5

Tay cầm mũ trắng, đặt lên ngực trái, Bác sĩ Tống lặng lẽ cúi đầu: "Bà Mơ đã qua đời sau cơn nhồi máu cơ tim".

Bác sĩ Đáp, phủ phục bên thi thể bà Mơ trùm tấm khăn trắng muốt.

Cảm xúc đau lòng, bật ra khỏi lồng ngực, đồng loạt, mọi người nấc lên tiếng khóc. Chia ly! 

Ông Tăng chắp tay trước ngực: "Nhân quả là nền tảng của mọi chân lý. A di đà Phật".

                                                                              ĐHT

         ----------------------

       *Truyện ngắn trong Tiểu thuyết "Bể than Đông Bắc" của Đặng Huỳnh Thái