Không ngờ trong chuyến về thăm quê vợ sau gần 4 năm xa cách, tôi lại được gặp bao bạn bè thời kháng chiến gian lao để cùng nhau ôn lại ký ức hào hùng, thấm đấm tình đồng chí, đồng bào, được chứng kiến sự đổi thay diệu kỳ của một vùng đất từng xơ xác vì chiến tranh biến thành một vùng đất xanh tươi, ngời ngời mầu no ấm, rồi được gặp một người bạn mới trên môi trường ảo, bàn nhau phát triển trang mạng xã hội của thời đại bốn chấm không.
1. Bạn đồng hành
Lái chiếc xe ô tô 4 chỗ chở chúng tôi từ Đà Nẵng về Quảng Nam là Trâm, một cô gái Quảng Nam, Quế sơn. Sinh năm 1973, cao 1m70, da ngăm ngăm, Trâm khỏe khoắn và cởi mở. Cô bảo rằng chuyện trò cho đường đi ngắn lại. Tuy hay chuyện, nhưng Trâm vẫn tập trung vào đường đi, có đôi tay lái lụa, xử lý khéo, tạo cảm giác an toàn cho khách. Có lẽ vì thế mà vào nghề từ năm 2007, qua bao thăng trầm, kể cả 2 năm cao điểm đại dịch Covid_19, Trâm vẫn trụ vững. Hai năm đại dịch, Trâm đăng ký được vào "luồng xanh" nên vẫn có việc làm, đủ sống, đồng thời góp sức chống dịch. Khi Đà Nẵng đăng cai hội nghị quốc tế, Trâm được huy động vào lực lượng xe phục vụ đại biểu. Cực lắm, khách quốc tế nhiều việc, chạy ngày đêm, Trâm phải ở Đà Nẵng, ăn vạ vật, ngủ gầm cầu thang... Nhưng mà vui, mà tự hào. Suốt 15 năm cầm lái rong ruổi Quảng Nam - Đà Nẵng và khắp nẻo Quảng Nam, Trâm đã làm vui lòng không biết bao hành khách, và cũng làm cho đời sống của mình khá lên. Bây giờ, Trâm có 3 xe chở khách, 2 vợ chồng đều chạy xe. Trâm còn mua thêm một căn nhà nhỏ ở Đà Nẵng để khi phục vụ dài ngày ở thành phố, có chỗ ấm thân. Trâm tâm sự: "Cháu không biết gì về chính trị, về Đảng, nhưng cháu thấy đất nước bình yên như thế này là sướng lắm, cháu không thích những người nói xấu đất nước, quậy phá".
Tôi viết về Trâm đầu tiên, bởi cô là người đồng hành với vợ chồng tôi suốt chuyến thăm quê, và cô có những nét điển hình của người dân lao động chân chính xứ Quảng.
2. Tình đồng đội thắm thiết
Vợ tôi, Kim Ngân (trước gọi là Thúy Ngân), có người bạn thân là Hoàng Lan (trước gọi là Lan Men). Hai người là đồng đội với nhau thời kháng chiến, ở căn cứ khu V, lúc mới 16 tuổi. Tham gia kháng chiến sớm, bởi Lan lên căn cứ ở với ba, mẹ. Ba Lan là một chỉ huy quân Giải phóng. Khi ba mẹ ra Bắc, Lan đã lớn, không chịu đi theo, mà ở lại vì "thích chiến đấu". Còn Ngân, vì là con liệt sĩ, được đưa ra Bắc. Trên đường đi, bom đạn ác liệt quá, kẹt lại mãi, rồi bị sốt rét triền miên, mục tiêu miền Bắc trở nên vô vọng.
Tình cờ, Lan và Ngân được học lớp y tá ở bệnh viện của Trung đoàn 230 Cục Hậu cần Quân khu V, rồi cùng làm việc với nhau một thời gian. Tuy cùng sống với nhau chỉ ít thời gian, nhưng thân nhau như ruột thịt, có với nhau đầy ắp kỷ niệm.
Vì lẽ trên đây, trên đường về quê, chúng tôi tới thăm Lan, ở lại đó 3 đêm 2 ngày. Hai người bạn ríu ran ôn lại kỷ niệm. Ngân vẫn nhắc đến chuyện thường được Lan chăm chút, dành riêng cho, khi thì bánh lương khô, lúc lon sữa, lạng đường (ba Lan là chỉ huy nên có tiêu chuẩn nhu yếu phẩm cao hơn). Đáng nhớ nhất là cái lần hai bạn được phân công cùng trực bệnh xá. Chiều hôm đó, một bệnh binh tên là Đầy qua đời vì sốt rét ác tính, đúng vào phiên trực của Lan và Ngân. Gần tối rồi, không kịp chôn cất. Định quàn tạm anh ngoài lán, nhưng sợ hổ báo rình mò, đành đưa anh vào lán trực. Ngân, Lan cột võng một bên. Bên kia là võng thi hài anh Đầy. Đêm lặng lẽ trôi. Ngân đang ngủ, bỗng giật mình choàng dậy vì tiếng thét của Lan. Chiếc võng thi hài anh Đầy đung đa đung đưa. Hóa ra, Lan ra ngoài lán, khi trở vào định đùa, ôm choàng võng Ngân, lại ôm nhầm võng thi hài, cứng đờ và lạnh ngắt. Hai cô bé 16 tuổi ôm lấy nhau mà vẫn cứ run.... Ở bệnh xá này, Ngân có một kỷ niệm không thể phai mờ. Cũng chuyện một bệnh binh qua đời. Ngân vác xẻng, hai anh khiêng thi hài tử sĩ lên đồi tìm nơi mai táng. Hì hà hì hục đào mãi, tới khi đủ độ sâu, thì nước ở đáy đùn lên... Không thể để đồng đội ngâm mình trong nước, lại khiêng tử sĩ lên cao hơn. Đất rắn quá, đào toát mồ hôi, trầy bàn tay mới được một cái huyệt tạm đủ sâu. Làm gì có quan tài! Ngân cùng hai anh lấy võng quấn thi hài, hạ huyệt, lấp đất, tạo nên một nấm mồ, nhưng vẫn lo canh cánh vì rừng nhiều thú dữ, liệu anh có được mồ yên mả đẹp!
Hòa bình, Ngân cùng tôi ra Hà Nội, Lan về công tác tại quê nhà và xây dựng gia đình với một đồng chí cùng Trung đoàn xưa. Là một cán bộ có tinh thần trách nhiệm cao, Lan được đề bạt chức Phó Giám đốc bệnh viện Quế Sơn và đảm nhận tốt chức trách đó tới lúc nghỉ hưu. Cô Trâm, tài xế mà tôi đã giới thiệu ở phần đầu, khoe với tôi rằng, nhân viên bệnh viện luôn luôn khen ngợi cô Lan, người lãnh đạo liêm chính, thương yêu đồng nghiệp, hay lam hay làm.
Nhà Lan ở trung tâm Thị trấn Đông Phú, Quế Sơn, trên mảnh đất rộng 700 mét vuông. Ngôi nhà lầu khang trang nằm về một bên, bên còn lại, Lan trồng hoa, cây cảnh, cây ăn quả, ngô, cà, rau... Phía sau nhà, có một vườn chuối um tùm. Đúng là một người chăm chỉ, Lan luôn luôn hoạt động: lau nhà, nấu ăn, tưới bón cây cối... không chịu ngơi. Cả hai con gái Lan đều là bác sĩ, chồng con đề huề, sống ở Đà Nẵng, đều khấm khá. Vậy mà, hàng tuần, Lan ra thành phố, đùm túm đủ thứ nông sản, từ con gà, thịt heo, tới nải chuối, mớ rau của nhà làm ra, "tiếp tế" cho hai con. Được cái, hai con, dù sung túc, nhưng vì quý yêu mẹ, nên không chê bai quà quê, mà luôn khen đó là thứ thực phẩm an toàn.
Trên chuyến xe đi về Tiên An, hai bạn thân vẫn không ngớt nhắc lại kỷ niệm xưa. Ngân nhắc lại Lan nhanh nhẹn, chăm chỉ và rất có ý thức kỷ luật, chu đáo với bạn và cũng xinh đẹp, có nhiều chàng lính vây vo. Ba của Lan treo thưởng: Ai là chiến sĩ thi đua liền 3 năm, ăn sắn được liền 3 năm, sẽ được làm con rể! Vậy mà có một chàng lính thực hiện được đúng thử thách. Nhưng so với Lan, chàng ấy già quá, nên đành "bội ước". Khi Ngân chuyển sang Tuyên huấn, Lan cho Ngân 2 chiếc áo mới của mình. Lan cũng nhớ chuyện Ngân suýt bị tàu rọ bắn chết. Hôm ấy, Ngân cùng mấy anh chị em đi cõng gạo từ đồng bằng lên thì bị tàu rọ phát hiện. Nó sà xuống, vãi đạn về phía nhóm gùi cõng. Chạy tán loạn. Một cô gái trúng đạn, hy sinh tại chỗ. Một cô bị thương, tàu rọ "kít" (hạ) xuống bắt lên tàu. Ngân chạy bán sống bán chết, nhảy ào vào bụi tre, vậy mà thoát. Khi máy bay rời đi, Ngân không tài nào chui ra khỏi bụi tre. Anh em phải dùng dao phát mãi, mới mở được lối cho Ngân ra.
Trong chuyến đi, Lan cùng về quê Ngân với chúng tôi. Lan toàn tranh trả tiền. Chúng tôi ngăn, thì Lan trưng ra một xấp tiền, bảo chả thiếu đâu mà sợ. Đó là tiền lương hưu, tiền con cái chu cấp mà chả tiêu gì mấy.
3. Quê vợ nay ngan ngát một mầu xanh yên bình, no ấm
Quê vợ tôi – Quảng Nam, Tiên Phước
Đất núi đồi, mưa chưa thấm đã khô
Dòng sông Tiên uốn khúc lững lờ
Tắm mát quê hương nhà bằng câu hát “Lý thương nhau”!
Đó là đoạn mở đầu ca khúc tôi viết riêng cho quê vợ tôi. Trên đường về quê, câu ca ấy cứ ngân lên trong tôi, dẫn dắt tôi liên tưởng đến bản chất vừa ngoan cường, vừa nhân hậu của người dân quê vợ tôi, cùng những đổi thay đến bất ngờ của một vùng đất đã trở nên thân thương với tôi.
Chúng tôi về Thôn 4 Tiên An (trước gọi là Phước An), Tiên Phước, Quảng Nam bằng ô tô, do Trâm lái. Xe bon bon trên con đường bê tông quanh co, có khi gấp khúc, nhưng vẫn êm ro vì đường tốt, lái xe thạo. Vun vút hai bên đường là mầu xanh mướt mát của vườn tược, rừng cây.
Nhớ thời trước, về quê vợ là cả chặng đường gian nan. Đi từ Hà Nội vào bằng xe lửa, mất 2 ngày đêm. Có con nhỏ, tôi phải đem theo chiếc chiếu, trải ở phần sàn trống cuối toa, giáp nhà vệ sinh, để có chỗ nằm qua đêm. Từ Đà Nẵng về Tiên Phước có thể đi ô tô, xe máy. Nhưng từ Tiên Phước về Tiên An, có đoạn phải đi bộ. Có lần, tôi phải cõng đứa con gái đầu lòng đi bộ hàng giờ đồng hồ mới về được nhà cậu Huệ, em vợ tôi. Bây giờ, đường trải bê tông nhẵn thín, tỏa đi mọi xóm ngõ. Nhà cậu Huệ ở tận xa, trên đồi, mà đường ô tô vẫn chạy ngang qua, ô tô vào tận sân.
Gia đình vợ tôi tan đàn xẻ nghé vì chiến tranh. Người bị gom vào khu dồn hoặc lang bạt xứ người, kẻ bị bắt lính, cha Ngân là liệt sĩ, ông nội trúng đạn pháo giặc, qua đời. Khi giải phóng, những người lang bạt trở về, xác xơ nghèo túng. Đất ở lại hoang vu, loang lổ vết bom đạn, cây cối tiêu điều, đồng ruộng um tùm cỏ dại. Mọi người ra sức phục hóa, cấy trồng lúa ngô, khoai sắn, tiêu, quế. Dần dần, cuộc sống dễ thở hơn. Cho đến hôm nay, nhìn đâu cũng thấy mầu xanh của cây trồng.
Nhà cậu Huệ, khi mới về phải dựng lều ở tạm. Hồi đó vợ chồng tôi đem về một số đồ dùng thiết yếu, cậu Huệ thích nhất là mấy cái màn, vì muỗi nhiều như trấu, đêm xúm vào hút máu, không ngủ nổi. Bây giờ, Huệ có nhà xây khang trang trang, có giếng nước với máy bơm, không phải leo đồi xuống suối chật vật gánh từng gánh nước lên như trước kia.
Nhà Huệ, cũng như phần lớn gia đình ở đây, có đủ các phương tiện sinh hoạt, như ti vi, tủ lạnh, xe máy, có nhà còn có ô tô. Không ai phải lo chạy bữa nữa. Tất cả đều do mồ hôi nưóc mắt con người nhỏ xuống, cây cối hoa trái từ đất vươn lên. Tiên Phước có 2 đặc sản là hạt tiêu và quế. Bây giờ có thêm trầm. Tiêu, quế có giá trị tới mức, xưa kia Trần Lệ Xuân cho làm hẳn một con đường ô tô là đường 14 lên phía Tây Quảng Nam để khai thác. Thứ gì mà người nông dân cần, thì quê vợ tôi có cả: lúa ngô, khoai, sắn, mè, đậu phộng, rau xanh… phục vụ bữa ăn hàng ngày. Còn đặc sản như quế, tiêu, trầm thì phục vụ nhu cầu nâng cao đời sống. Tuy giá các loại này xuống thấp hơn trước, nhưng bù lại là số lượng làm được lại tăng lên, cuộc sống vẫn dễ chịu.
Giá như nhà cậu Huệ ít con, thì đời sống sẽ khá hơn. Nhưng đông con quá, tới 10 đứa, nên có lúc cũng chật vật. Hỏi rằng đẻ nhiều thế, chính quyền không xử phạt à? Được trả lời rằng đây là vùng đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ, chiến tranh đã cướp đi phần lớn trai trẻ, cả phụ nữ nữa, như nhà Ngân chết 4 người, có nhà chết quá nửa, nên phải ưu tiên phát triền nguồn nhân lực. Ai có cặp có đôi thì thỏa sức sinh nở. Chị nào nhỡ thì quá lứa thì xin con của những người đàn ông vùng khác. Như người chị của Ngân, có 1 con "tự túc" từ thời chiến, 1 con xin của đồng đội trong một lần gặp lại nhau ở Đà Nẵng. Hoặc người em họ cũng có một đứa con xin như vậy. Việc xin con không bị làng xóm dị nghị, cũng không bị chính quyền bắt bẻ, trái lại, được chính quyền cấp giấy khai sinh đàng hoàng. Lứa con xin ấy, sau này trở thành những người lao động khỏe mạnh, góp phần khai hoang phục hóa, tạo nên của cải cho quê hương và gia đình. Chính những người mẹ đi xin con ấy, được vui vầy khi còn trẻ, có người nuôi dưỡng lúc về già. Đáng mừng hơn, là con cái của những đứa "con xin" ấy trở thành lớp người kế tiếp, được học hành tử tế, rất nhiều người thành đạt.
Chúng tôi thăm mộ cha mẹ, ông bà… Ngân, cũng đi bằng ô tô. Một con đường nhỏ thôi, nhưng trải bê tông vững chắc, hai bên đường trồng đầy hoa – được xén tỉa gọn gàng, đua nhau khoe sắc. Hỏi ra thì được biết, đây là Tuyến đường tự quản Thanh Niên -Phụ nữ: Sáng-xanh-sạch-đẹp, thuộc khu dân cư Nông thôn mới kiểu mẫu - thôn 4 Tiên An, chính thôn của gia đình vợ tôi. Con đường dài 400 m, hai bên đường trồng Hoa và 500 cây cau, có 7 bóng điện thắp sáng. Hóa ra, Tiên An là đơn vị xã xây dựng và đã về đích Nông thôn mới từ năm 2020. Hội nông dân xã Tiên An đã phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, năng động sáng tạo của hội viên nông dân xã nhà trong lao động sản xuất, đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền hội viên tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. Trong năm 2020, Hội nông dân xã phối hợp cùng Mặt trận các đoàn thể và các ngành của xã tổ chức vận động hội viên nông dân và nhân dân hiến đất, cây cối hoa màu để làm bê tông các tuyến đường như: Khu tái định cư thôn 2 đi Nà Rường dài 1260m với tổng kinh phí 1.065.187.000 đồng, nhân dân đóng góp 106.519.000 đồng. Tuyến đường ông Chương đi ông Thanh thôn 3 dài 130m, kinh phí 72.423.000 đồng, nhân dân đóng góp 7.242.000 đồng, tuyến ông Đức đi bà Huyên dài 157 m, kinh phí 139.043.000 đồng, nhân dân đóng góp 9.240.000 đồng. Tuyến bà Xướng đi ông Kim dài 231m, kinh phí 105.213.000 đồng, nhân dân đóng góp 9.240.000 đồng, tuyến nhà sinh hoạt cộng đồng thôn 4 đi ông Nam dài 154m, kinh phí 71.280.000 đồng, nhân dân đóng góp 6.160.000 đồng. Ngoài ra trong năm 2020 còn đầu tư một số tuyến có độ dài 1.897m, kinh phí 891.566.000 đồng, nhân dân đóng góp: 89.157.000 đồng. Ui cha cha, những con số khô khan mà sao có hồn vậy, tôi nhẩm cho thuộc lòng để thỏa nỗi tự hào về lòng dân quê vợ tôi, xưa kháng chiến không quản ngại hy sinh, nay hòa bình không tiếc công của cống hiến cho quê hương yên vui, giầu đẹp thêm.
Thấy tôi quan tâm nhiều đến công cuộc xây dựng nông thôn mới, cháu vợ tôi rỉ tai: “Dượng khỏi ghi chép. Dượng vào Trang thông tin điện tử của Tiên An là có rất nhiều tinh hình!”. Lại một ngạc nhiên đến mừng rơn, rơi nước mắt nữa: cách mạng 4.0 đã thực sự đến với vùng quê vợ tôi, nơi hẻo lánh xa xôi, nơi đã thoát khỏi những khó khăn thời hậu chiến, đang vươn lên bằng chính nội lực của mình để có một cuộc sống không chỉ no đủ, mà còn hiện đại, văn mính!
Đất Tiên Phước là đất văn, có nhiều người đỗ đạt cao, nổi tiếng về văn chương. Cụ Huỳnh Thúc Kháng chính là người Tiên Phước. Chúng tôi đã ghé thăm khu lưu niệm của cụ. Nơi đây, trong khu vườn xanh mát có ngôi nhà ngói bình dị, đặt bàn thờ cụ. Chúng tôi vào thắp nén nhang tỏ lòng kính trọng cụ, cầu xin cụ phù hộ độ trì cho đất nước bình yên và phát triển, nhân dân ấm no, hạnh phúc.
4. Đà Nẵng, điểm hẹn phát triển
Ngày cuối ở xứ Quảng, tôi gặp nhiều đồng chí hồi kháng chiến, chuyện vui như pháo nổ. Có vợ chồng Huề - Thùy, cùng TTX với tôi. Có anh Kim Tuấn ở tiểu ban Tuyên truyền. Có Lợi, xưa đánh máy ở Văn phòng Ban. Có anh Tính, ở C9 (nhà in).
Huề nhắc tới chuyện hồi 1972, cùng tôi, anh Hồng Phấn và mấy anh em khác đi chuyển gạo từ dốc Bình Minh về căn cứ Dốc Voi. Đi và về hết 5 ngày đường, nhưng mỗi người chỉ được phát 5 lon gạo. Khi ấy, Huề mới từ miền Bắc vào, mới khỏi sốt rét, cõng yếu, dù cõng số gạo chỉ bằng nửa chúng tôi, vẫn đi tụt lại phía sau. Ba anh em dắt díu nhau đi, bụng đói, chân chồn. Huề lại lên cơn sốt. Ba người càng chậm chân, tụt hậu. Ngó quanh, thấy rẫy sắn của bộ đội, đánh liều vào đào trộm một gốc sắn, lấy củ luộc, làm một bữa no. Chuyến ấy về, họp chi bộ, tôi và Hồng Phấn bị Bí thư Tiến phê bình một trận gắt máu. Riêng Huề, chưa phải đảng viên niên thoát kiểm điểm. Nói đến chuyện ăn, Thùy nhắc lại chuyện tôi nướng con rết để ba anh em ăn khi ở sông Trà Nô! Lúc ấy, một chút chất đạm có thể nâng cao thể lực trông thấy, vì thiếu thốn quá mà!
Với Lợi, tôi có kỷ niệm đặc biệt. Hồi đó Lợi trắng trẻo, đẹp trai, làm đánh máy cho Văn phòng Ban. Vào năm 1974, tôi và Ngân cưới nhau. Lúc ấy làm gì có ai làm giấy giá thú (Chứng nhận kết hôn). Nghĩ xa, sợ sau này phiền phức, tôi nhờ Lợi đánh máy Giấy chứng nhận kết hôn. Mặc dù trình bày trên máy chữ rất khó, không như trên máy tính bây giờ, Lợi vẫn cặm cụi trình bày rất đẹp, có cả hình đôi chim bồ câu bên nhau. Nhờ tờ giấy pơ luya mỏng manh, có dấu của Ban Tuyên huấn Khu V, tôi đã dễ dàng xin được giấy Chứng nhận kết hôn theo chuẩn hành chinh, không như mấy đồng đội của tôi chật vật vẫn chưa có giấy kết hôn!
Anh Kim Tuấn nhắc lại chuyện tôi và anh chuyển 1 tấn gạo qua sông Trường. Hồi đó, gạo được chuyển qua sông về Ban. Vì anh em không biết bơi, gạo bị chất lại bên bờ sông. Chỉ có tôi và anh Tuấn biết bơi nên phải liên tục bơi qua bơi lại chuyển từng bao gạo bọc kín ni lông sang sông. Tôi không nhớ là hai anh em chuyển bao nhiêu chuyến, bơi và dìu bao gạo như thế nào, mất bao nhiêu lâu mới đưa hết 1 tấn gạo sang bờ để anh em cõng về Ban. Vui chuyện, ông già 85 tuổi này công bố một chuyện động trời, giữ kín mấy chục năm qua: một lần dìu cô Lương, y sĩ Ban, qua sông. Lúc này vào mùa khô, nước sông trong leo lẻo. Cô Lương khá cao, khá mập, da trắng. Khi tới gần bờ, bỗng Lương buông tay anh Tuấn, ngồi thụp xuống. Lại nghe tiếng cười vang trên bờ sông và tiếng nói oang oang của anh Tân, một cán bộ nhiếp ảnh, tính hay bông đùa: "Ha... ha... nhìn thấy hết rồi!". Tuấn ngoái lại, mới thấy quần của Lương đã bị nước lột sạch, cuốn trôi. Anh vội vàng đuổi theo dông nước, lấy lại quần cho Lương, may mà nó bị mắc ở bụi rù rì gần đó. Chúng tôi hỏi đùa: "Khai thật đi, anh có nhìn thấy gì không?". Tuấn hóm hỉnh, trả lời nửa vời: "Nước trong vắt mà...".
Anh Tuấn còn được anh em nhắc đến là người hiệu trưởng đầu tiên của trường bồi dưỡng cán bộ. Hôm ấy, anh cùng anh Sâm, trưởng Ban Tuyên huấn khu đang đi trong rừng thì nghe tin đã ký Hiệp định Pa ri, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Anh nói với anh Sâm: "Tình hình mở ra, rất cần cán bộ, cho nên mình cần tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ". Anh Sâm tán thành bằng câu nói: "Thành lập trường, hiệu trưởng đây!". Trường hình thành và nhanh chóng đi vào hoạt động. Dạy bổ túc văn hóa. Dạy chính trị. Dạy công tác tổ chức. Biết bao cán bộ đã được đào tạo bồi dưỡng qua trường này, trở thành cán bộ khung cho bao tổ chức chính quyền sau giải phóng. Rất nhiều cán bộ được tín nhiệm giao nhiệm vụ bí thư, chủ tịch quận, huyện, trưởng các ban của tỉnh. Có đồng chí làm Bí thư Tỉnh ủy. Trong lớp đào tạo đầu tiên, có anh chàng Tạo "mắc tội" yêu cô giáo. Anh ta viết thư tình đặt trong cuốn vở bài tập gửi cô giáo. Cô giáo trẻ từ Hà Nội mới vào, hoảng quá, đem báo cáo Hiệu trưởng, khóc sụt sùi. Hiệu trưởng động viên cô yên tâm làm nhiệm vụ. Rồi Hiệu trưởng Tuấn gọi Tạo lên, “đì” cho một trận, dặn phải chấm dứt yêu đương và giữ kín chuyện. Anh chàng Tạo gác lại mối tình sét đánh, học hành tấn tới. Sau giải phóng, Tạo về Quảng Ngãi, làm Bí thư một huyện. Tiếc rằng, Tạo bị tai nạn giao thông, qua đời, dở dang sự nghiệp.
Thật may mắn, những đồng chí của tôi đây đều có cuộc sống dễ chịu. Nhà cửa đàng hoàng. Thu nhập ổn thỏa. Con cháu phương trưởng. Gia đình thuận hòa. Tuy vậy, tôi biết, không ít đồng chí của tôi ở Đà Nẵng này có cuộc sống bất ổn thời hậu chiến. Có anh không có nghề gì, được phân công trông xe, để mất xe, không có tiền đền. Có chị được phong Anh hùng, nhưng không có tiền đãi đồng đội một bữa mừng danh hiệu vẻ vang. Có chị, cao tuổi rồi, vẫn phải ngồi đầu ngõ cặm cụi may vá quần áo kiếm sống. Ngay những đồng chí ngồi đây, đâu phải thuận buồm xuôi gió cả! Thùy - Huề trải bao sóng gió, khi Huề bị trọng bệnh, con trai lại phải thay thận. Anh Tuấn mất cả vợ con do một vụ hỏa hoạn. Mãi sau này, anh mới đi bước nữa.
Anh Tuấn là một người vác tù và hàng tổng vĩ đại. Cao tuổi, hưu lâu rồi, anh vẫn làm Trưởng ban liên lạc hưu trí Tuyên huấn Khu ủy Khu V. Nhờ anh tích cực tổ chức, vận động mà Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu V được tuyên dương Anh hùng và biên soạn, xuất bản được cuốn sách mang tính lịch sử của Ban. Cũng nhờ anh kết nối mà đã có cuộc gặp mặt trọng thể, thân tình của Ban Tuyên giáo Trung ương với cán bộ Ban Tuyên huấn khu V. Thân già da cóc chẳng quản ngại vào Nam ra Bắc cả chục chuyến, anh Tuấn bỏ tiền túi lo tàu xe. Biết chuyện, chính Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa chỉ thị cho Văn phòng Ban mua vé máy bay cho anh Tuấn đi lo công chuyện. Anh lấy vinh dự của cả Ban, niềm vui của đồng đội làm động lực cho mọi "việc làng" của mình. Có lẽ, do tâm thiện như vậy mà anh khỏe lắm. Người gầy gầy, dù đã 85 tuổi, anh vẫn sống khỏe, vui. Hôm nay, anh phóng xe máy tới cuộc vui gặp mặt chúng tôi, tay lái còn vững vàng, xử lý còn nhạy bén lắm.
*
Tại Đà Nẵng, tôi gặp một người bạn mới nhưng đã cộng tác với nhau qua mạng xã hội khá lâu. Đó là anh Trương Thành Sơn, người sáng lập và quản trị trang fb Chuyện làng quê, Chuyện quê.
Có thể nói, Chuyện làng quê thuộc loại đông thành viên nhất, với diện phủ rộng toàn quốc. Bài vở trên trang đạt tiêu chí chuẩn mực về nội dung, phong phú về đề tài và hình thức thể hiện. Sự cộng tác với anh Sơn giúp Tạp chí mà tôi làm Tổng Biên tập có thêm bài với chất lượng tốt, cũng giúp cho trang Chuyện làng quê được lan tỏa mạnh hơn. Nói cách khác, nhờ sự liên kết chặt chẽ giữa tạp chí và Chuyện làng quê, những giá trị nhân văn, vì sự phát triển cộng đồng qua các bài viết được phát huy mạnh mẽ hơn trong xã hội. Nhận được thông tin tôi báo, hai vợ chồng anh mau mắn tới khách sạn gặp vợ chồng tôi. Mới gặp nhau lần đầu mà sao thấy gần gũi vậy.
Anh Sơn cho biết: Khi nghỉ hưu, nhàn rỗi cho nên hay la cà, rượu chè. Một hôm, uống rượu say quá, anh bị tai nạn giao thông, tưởng chừng không qua khỏi. Nhờ sự tận tình cứu chữa của các thầy thuốc và sự chăm lo chu đáo của vợ con, anh thoát khỏi cơn nguy kịch, phục hồi dần. Lúc ấy, mới thấy quý cuộc sống vô cùng, không thể giao phó mạng sống cho ma men. Anh đọc mạng xã hội, thấy có những trang rất hay, bổ ích. Ý tưởng tự lập một trang mạng xã hội hình thành. Anh miệt mài đọc sách, đọc mạng, học hỏi cách tổ chức trang nhóm, rồi mạnh dạn lập nên trang Chuyện làng quê vào năm 2019. Được sự cộng tác của một số bạn, nhất là Huỳnh Hồng Điệp, Chuyện làng quê nhanh chóng phát triển. Tới hôm nay, nhóm đã có gần 100 ngàn thành viên, là nơi kết nối những người có chung sở thích, quan điểm trong một sân chơi lành mạnh, bổ ích, thường xuyên có bài mới với những nội dung theo đúng tôn chỉ mục đích, góp phần thúc đẩy cuộc sống phát triển.
Cả bốn chúng tôi chuyện trò cởi mở, thân tình như bạn tri kỷ từ lâu.Biện pháp giúp các tác giả công bố tác phẩm thuận lợi hơn, phát huy nhanh, rộng hơn những tác phẩm có giá trị được chúng tôi bàn bạc kỹ lưỡng. Cuối cùng, chúng tôi nhất trí sẽ chọn những bài tiêu biểu trên hai trang Chuyện làng quê và Chuyện quê để làm bộ sách tuyển đầu tiên mang dấu ấn Chuyện làng quê.
*
Lan quyến luyến, gặp bằng được Ngân trước khi chúng tôi ra sân bay. Cùng đi với Lan có Thanh, cùng Trung đội cơ động, cùng trang lứa. Riêng chị Kỳ, cũng Trung đội Cơ động, nhà ở xa quá, đến muộn, chỉ kịp bắt tay, nói vài câu rồi chia tay. Thanh và Kỳ đều có cuộc sống dễ chịu. Riêng Thanh, hết sức chịu khó học hành, do vậy, dù nghỉ hưu vẫn không hết việc làm của một Luật sư!
*
Vậy là, trong chuyến về quê vợ, tôi đã tiếp nhận được biết bao điều bổ ích. Trước hết, là trọn nghĩa vẹn tình với gia đình vợ. Tiếp đến là được gặp lại nhiều bạn bè từng chung lưng đấu cật thời chiến, như được tiếp thêm nguồn năng lượng để vững bước trong cuộc sống. Và cuối cùng là được gặp người mới quen biết mà thân tình như cố nhân, cùng nhau quyết định một bước đi mới cho trang mạng xã hội đầy uy tín Chuyện làng quê, Chuyện quê.
Cuộc sống cứ tiếp diễn, nhưng những người xưa không muôn năm cũ, mà luôn tự đổi mới mình để thích ứng với nhịp sống mới trong khi vẫn trân trọng những giá trị mà mình vun đắp được trong quá khứ. Quá khứ vinh quang trở thành điểm tựa xây tương lai!
Hà Nội, tháng 7 năm 2022 – PVL