“TRÍ TUỆ DÂN GIAN” TRONG TIỂU THUYẾT HIỆN ĐẠI CỦA PHẠM VIỆT LONG - GIÃ TỪ

Nhà thơ Huy Cận đã nói “rất thơ” về một vấn đề lý luận: “Văn nghệ dân gian là văn nghệ Mẹ, từ đó nẩy sinh những vườn hoa trái xanh tươi”. Tác giả của Giã từ đã bắt được nguồn mạch này, vì vậy tạo nên những nét đẹp đặc sắc riêng có của tác phẩm. Nó mở ra  cánh cửa vào một kho tàng ngôn ngữ dân gian lấp lánh; mở ra một thế giới kỳ lạ, thế giới tâm linh và đem đến phương pháp nghệ thuật hiện thực huyền ảo.

                   

phann-dang-nhat-1719163365.jpg
 

Trí tuệ dân gian được dịch từ tiếng Anh folklore, folfknowledge có hàm nghĩa rộng hơn văn nghệ dân gian và văn hóa dân gian.

Bài này bàn về trí tuệ dân gian trong tiểu thuyết hiện đại, dựa vào trường hợp của Phạm Việt Long với tiểu thuyết Giã từ (NXB Dân trí, H, 2011), theo kiểu một “nghiên cứu trường hợp” (cas study).

                                                         *

          Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo với Trăm năm cô đơn

          Trăm năm cô đơn (TNCĐ), tiểu thuyết tiêu biểu của Grabriel Garcia Marquez, đồng thời cũng là tác phẩm tiêu biểu của  chủ nghĩa hiện thực huyền ảo châu Mỹ La tinh, tác phẩm này hiện đã có mặt trên khắp hành tinh, là tác phẩm đưa tác giả lên giải văn chương Nobel 1982.

Giá trị đặc sắc tạo nên sự hấp dẫn của TNCĐ là phương pháp khái quát nghệ thuật kể cả hiện thực và huyền ảo. Bên cạnh hiện thực thì huyền ảo bao gồm:

          - Cái có thực mang tính chất kỳ diệu

          - Cái có thực được huyền thoại hóa đẩy tới mức phi thường hoặc quái dị, kể cả những sự kiện thẩm mỹ đẹp, ví dụ trường hợp cô “Rêmêđiot-người đẹp bay lên trời”; lẫn sự kiện xấu, như vụ thảm sát 3000 người.

          - Cái không có thực được huyền thoại hóa, tiêu biểu là người có đuôi lợn của dòng họ Buênđya.

          Trí tuệ dân gian Việt Nam-kho tàng vô tận

Điểm qua lịch sử văn hóa từ mấy thế kỷ trước, các thiên tài thơ văn, các nhà văn hóa lớn của dân tộc, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Dữ, Nguyễn Du,…  như những cây cổ thụ khổng lồ, tỏa bóng nghìn năm, nhờ đã cắm sâu rễ xuống tầng đất phì nhiêu, trí tuệ dân gian của dân tộc.

Chữ nôm thường được tính là ra đời thừ cuối thế kỷ 13, nhưng người nâng thơ nôm thành một giá trị văn học đến đỉnh cao ngời sáng  là Nguyễn Trãi, thế kỷ 15.

“Thơ nôm Nguyễn Trãi đã tiếp thu nhiều thành tựu của văn hóa dân gian. Củ khoai, quả ổi, bè rau muống, luống dọc mùng,… vốn rất xa lạ với văn chương bác học đã được Nguyễn Trãi đưa vào văn chương của mình một cách rất tự nhiên.Tục ngữ, thành ngữ, ca dao, những  đặc điểm thanh điệu tiếng Việt, tất cả những thứ ấy của ngôn ngữ dân gian đã được Nguyễn Trãi khai thác một cách tài tình…” (Võ Nguyên Giáp)

Thơ nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm hiện tìm được 180 bài, mang rõ dấu vết khẩu ngữ hàng ngày của nhân dân. Nhiều khi có thể thấy những câu tục ngữ, thành ngữ được sử dụng tinh tế và linh hoạt,… xét về mặt ngôn ngữ văn học, là một bước tiến, là một gạch nối giữa thơ nôm thế kỷ 15 và thơ nôm thế kỷ 17 (Đinh Gia Khánh)

Nguyễn Dữ được coi là “thiên cổ kỳ bút”, ngọn bút kỳ tài nghìn thu không có; có thể sánh ngang Tùng Linh, đời Thanh với bộ Liễu Trai, viết toàn truyện thần tiên yêu quái. Như vậy là nhờ ông đã sử dung tài tình nghệ thuật thần kỳ, một phương pháp nghệ thuật đặc biệt của thần thoại, cổ tích thần kỳ và sử thi/anh hùng ca.

Truyện Kiều trở nên “thiên thu tuyệt diệu từ”, trở thành “tiếng thương như tiếng mẹ ru”, trở thành dân tộc,…cái chính đó là tiếng nói của văn hóa dân gian, của ca dao, tục ngữ, của quan họ. phường vải, lời ăn tiếng nói của bà mẹ Việt Nam nâu sồng, áo vải.

Văn hóa dân gian- nền tảng của Truyện Kiều- không phải chỉ ở lời. Tất cả đạo đức, tình cảm ứng xử, thế giới bên trong của nhân vật Truyện Kiều được hình thành trên cơ sở của nền văn hóa dân gian, triết lý của Truyện Kiều cũng vậy.

Chính Nguyễn Du đã nói rõ, ông đã học được tiếng nói của nhân dân qua dân ca:

Thôn ca sơ học tang ma ngữ

Dã khốc thời văn chiến phạt thanh”

Trong tiếng hát nơi thôn dã, ( ta) học được lời của người trồng dâu, trồng gai; Trong tiếng khóc nơi đồng nội, (ta) nghe tiếng dội của chiến tranh.

(Hải ngoại phiếm đàm.com)

Trí tuệ dân gian trong Giã từ

          Một nét riêng của Giã từ là trong câu chuyện về xã hội hiện đại, thời đổi mới, đã được “cài đặt” tài tình trí tuệ dân gian: huyền thoại, tục ngữ, thành ngữ, lời hát nhại,…

                          Huyền thoại đầm Bạch Liên

Truyện kể rằng:

          Liên là một cô gái rất xinh đẹp và nết na. Trong vùng đầm có hai chàng trai cùng yêu nàng: Lực và Điền. Cha mẹ yêu cầu cô chọn một. Cô chọn bằng cách thử tài diệt con thủy quái trong đầm. Bố Liên thửa hai lưỡi câu lớn và hai ngọn giáo giao cho hai người. Cuộc thi tài diễn ra giữa đầm vào một đêm giông tố mịt mùng. Kết quả là chỉ một mình Lực trở về và nói là thủy quái đã nuốt mất Điền.

          Ít lâu sau trước nhà Liên xuất hiện một người chột mắt, cùng một cây nhị hát bài trường ca não nề “Mặt đầm và lòng người”. Nghe bài ca, suy ngẫm, cô biết người hát rong là Điền và Lực đang là chồng cô, đã mưu sát bạn,  chính cô đã gây nên câu chuyện bi ai đó.  Cô bèn lặng lẽ chèo thuyền ra chỗ vực sâu nhảy xuống. Nơi cô tự vẫn mọc lên một cây sen trắng. Đầm có tên là Bạch Liên từ đấy”.

          Truyện Đầm Bạch Liên thực sự là một huyền thoại cổ kính, với các môtip truyền thống như: thi tài chọn chồng, diệt trừ thủy quái, kẻ xấu cướp công, người hiền bị hại,…Ta nghe đâu đây như có chàng Thạch Sanh xuống hang cứu công chúa, rồi thản nhiên ra ngồi gốc đa đánh đàn “Tích tịch tình tang”.

          Đầm Bạch Liên quấn quít với tiểu thuyết Gĩa từ. Người ta lấy tên đầm đăt tên cho một công ty. Và sự gian lận, phản trắc, tốt xấu liên tục diễn ra ở công ty này như được chiếu ra từ kẻ lừa đảo, mưu giết bạn để cướp vợ trong huyền thoại. Huyền thoại Bạch Liên không những mở đầu mà còn kết thúc tác phẩm.

          Thùy Dương nhận ra sự xấu xa cùng cực của chồng là Lê Đản đã đổ xăng vào mình đốt cháy, từ trên ban công nhảy xuống đầm Bạch Liên như một ngọn đuốc khổng lồ.

          Thùy Dương và Lê Đản, Liên và Lực, huyền thoại xa xôi và cuộc đời hiện đại hình như chung một lời giải, chung đáp số; chẳng khác gì cái đuôi lợn của dòng họ Buênđya: là sự vật chất hóa, bản thể hóa về thói sống ích kỷ của loài người, đã đánh mất bản chất người, trở thành thú vật (Nguyễn Trung Đức).

Huyền thoại không thật một  cách trần trụi nhưng  chứa đựng những cổ mẫu (archétype) tiềm ẩn, có sức mạnh thông báo sâu sắc cho từng cộng đồng, từng dân tộc. Phạm Việt Long đã biết khai thác thế mạnh đó.

Ma hiện hình

Khi xuống xe, bước qua cổng nhà bà lang, bỗng lão Phu đứng sững lại. Lão giơ hai tay lên trời, rồi sụp người xuống lạy. Vừa lạy, lão vừa cầu khẩn:

- Lạy ông “địa” (địa chủ) Nguyên! Ông tha tội cho con! Ông đừng bắt con đi theo ông!

Bà vợ bị bất ngờ, cũng sụp xuống cùng lão Phu. Hối đã cất xe ngoài góc bãi. Đi vào thấy thế liền đỡ bố mẹ vợ dậy. Nhưng lão Phu không chịu đứng lên mà chỉ ngước cặp mắt đờ đẫn nhìn về phía trước. Từ nãy đến giờ chỉ chú ý tới bố mẹ vợ, Hối không hiểu lão Phu nhìn thấy gì mà sợ hãi đến thế. Bây giờ, nhìn theo hướng mắt của lão Phu, Hối cũng giật nẩy mình. Phía ấy có một vườn cây thuốc xanh rì, ở giữa vườn nổi bật lên hình hài một người nông dân cao to lừng lững, quần áo “âm lịch”, đứng chống nạnh nhìn ra. Ánh nắng buổi sáng rực rỡ chiếu chênh chếch khiến cho khuôn mặt ấy bừng lên với nụ cười hiền hậu cùng cái nhìn nghiêm nghị. Định thần một lúc, Hối mới nhận ra đó là một bức tượng đá to gấp rưỡi người thật. Lão Phu nhìn vào bức tượng run rẩy nói:

- Địa chủ Nguyễn Nguyên đấy. Ông ta dang hỏi tội bố tố điêu đấy. Lạy đi con!

Lão Phu là Hoàng Phu, vốn có tên thằng Tèo. Trong y có hai tố chất: chất nhanh nhẹn, sắc sảo là di truyền của một nhà giàu do mẹ y hoang thai; chất thứ hai là gian ngoan, xảo quyết, lừa đảo, đấm đá, ăn chơi trụy lạc, được đào luyện  trong cải cách ruộng đất. Ngày đó thằng Tèo đã vu cho ông Nguyên đủ tội: bóc lột, đánh đập, hành hạ,…, do đó ông Nguyên bị quy địa chủ, bị lấy hết tài sản nhà cửa. Thằng Tèo sung sướng về hậu quả của việc nó vu oan, và suốt  đời  lão đã khai thác tận lực tính gian giảo, xảo trá được Đội cải cách dạy cho từ thời trẻ con. Nhờ đó lão đã bước lên đến bậc thang danh vọng vào loại cao của xã hội ngày nay.

Ngoài huyền thoại, Giã từ còn còn sử dụng nhiều chất liệu khác của trí tuệ dân gian.

Tục ngữ, thành ngữ mới:

-Thật thà thẳng thắn thường thua thiệt

Lỗi lầm, luồn lọt lại lên lương

-Đi nhẹ, nói khẽ, hay cười

Chuyện đâu bỏ đó là người lên cao

-Chôn thây ma, sinh ra nghĩa địa

Đi với ma có ngày ra nghĩa địa

-Chai rượu mà biết nói năng

Thì đôi Đản-Lặng, hàm răng chẳng còn

-Nhiều đít, ít ghế

-Ăn mắm mút giòi

-Sờ béo ngoéo gầy

Lời hát nhại:

-Một chiều, anh Sáu Dân

Phôn cho anh Trần Hoàn

Anh bảo rằng, dù kinh tế có nhiều thành phần

Thì văn hóa chỉ một thành phần, không thể nào chia ra

Dân cần vui

Ta chiều dân

Ta tiếc gì dọng hát câu ca

Hát vang lừng trời Việt Nam ta…

(Bài hát nhại “Lời người ra đi” của nhạc sỹ Trần Hoàn)

Tục ngữ, ca dao mới cũng như cũ, kể cả bài hát nhại, đều đã được dân chúng sáng tạo, gọt rũa, điều chỉnh, nên có sự sắc sảo và sâu nặng nhất định trong việc khắc họa hiện tượng và nhân vật. Khi nhà văn sống hòa trong dân chúng, nắm bắt được bản chất của các sản phẩm trí tuệ dân gian, để đưa nó vào một cách nhuần nhuyễn trong tác phẩm hiện đại thì giá trị nghệ thuật được nâng cao. Phạm Việt Long đã làm được điều này trong Giã từ

Tóm lại

Trí tuệ dân gian là kho tàng và là ngọn nguồn vô tận của sáng tạo văn hóa nghệ thuật, thế giới cũng như dân tộc ta, xưa cũng như  nay.

Chính kho tàng văn học dân gian sơ khai, nguyên thủy đó là nền tảng vững chải, là ngọn nguồn trong mát đầu tiên của lịch sử văn học dân tộc (Studies info/ Nguyễn Đình Chú)

Nhà thơ Huy Cận đã nói “rất thơ” về một vấn đề lý luận: “Văn nghệ dân gian là văn nghệ Mẹ, từ đó nẩy sinh những vườn hoa trái xanh tươi”.

Tác giả của Giã từ đã bắt được nguồn mạch này, vì vậy tạo nên những nét đẹp đặc sắc riêng có của tác phẩm. Nó mở ra  cánh cửa vào một kho tàng ngôn ngữ dân gian lấp lánh; mở ra một thế giới kỳ lạ, thế giới tâm linh và đem đến phương pháp nghệ thuật hiện thực huyền ảo./.

 P.Đ.N.

Thân thế

Phan Đăng Nhật sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước và cách mạng tại xã Hoa Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Ông là cháu ruột của nhà cách mạng Phan Đăng Lưu.

Sự nghiệp

Thập niên 1950, ông từng là giáo viên cấp 2 ở Nghệ Tĩnh. Từ những năm 1970, ông được điều chuyển công tác và làm giáo viên cấp 3 và cán bộ nghiên cứu ở Sở Giáo dục Tây Bắc.

Phan Đăng Nhật dành nhiều thời gian để nghiên cứu về văn học, văn hoá dân gian với nhiều công trình nghiên cứu khoa học và nhận nhiều giải thưởng của Nhà nước. Ông là một trong những thành viên đầu tiên của Ban Văn hóa dân gian.

Từ năm 1991 – 1994, ông giữ chức Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Dân gian (nay là Viện Nghiên cứu Văn hóa, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn hóa dân gian (nay là Tạp chí Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam).

Từ năm 1995, sau khi nghỉ hưu, Phan Đăng Nhật thành lập và là Giám đốc Trung tâm Bảo trợ Văn hóa và Kỹ thuật Truyền thống (thuộc Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam).

Công trình nghiên cứu

Phan Đăng Nhật là một trong những chuyên gia hiếm hoi tại Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu văn học dân gian các dân tộc thiểu số, được giới nghiên cứu văn hóa tôn vinh là nhà nghiên cứu hàng đầu về sử thi. Ông có đóng góp quan trọng trong hướng nghiên cứu về sử thi các dân tộc thiểu số, nhất là các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Ông đã dày công nghiên cứu về sử thi Mường, huyền thoại Mường và rồi đọng lại ở sử thi các dân tộc thiểu số Tây Nguyên với luận án Tiến sĩ Những đặc điểm cơ bản sử thi - khan ở Việt Nam (bảo vệ ở Bungari năm 1989) và cuốn sách Sử thi Êđê (1991), sử thi Tây Nguyên (1999)[2]. Với hai công trình này, lần đầu tiên ông đã giới thiệu được toàn diện và có sức thuyết phục về sử thi Êđê ở Việt Nam, được các nhà khoa học trong nước và các nhà khoa học ở một nước Đông Âu có truyền thống nghiên cứu folklore thừa nhận.

Ngoài ra, ông còn nghiên cứu đến nhiều lĩnh vực khác như: Nghiên cứu về Luật tục dân tộc Gia Lai, Chăm, Raglai... Công trình đồ sộ Kho tàng ca dao người Việt mà ông là đồng soạn giả đã trở thành bộ sách công cụ có giá trị và là dấu mốc quan trọng không thể không nhắc đến trong lịch sử sưu tầm và biên soạn ca dao người Việt. Đặc biệt, các chủ đề nghiên cứu về lễ hội dân gian, sinh hoạt văn hóa dân gian, phương pháp nghiên cứu văn học dân gian đều được ông quan tâm và công bố những bài viết có giá trị.

Phan Đăng Nhật đã xuất bản 6 cuốn sách in riêng về văn hoá dân gian của các dân tộc thiểu số và hơn 120 bài viết trên các báo, tạp chí uy tín.

Giải thưởng

Giải thưởng Nhà nước năm 2005[3]: Cụm công trình về Sử thi Tây Nguyên[4] và Cụm công trình sử thi Êđê.

Kho tàng Ca dao người Việt (đồng tác giả)