Ngày 2-2-1965 tức Mồng một Tết Ất Tỵ Bác Hồ đã về thăm và chúc tết công nhân vùng mỏ. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Thọ Chân đã tặng Bác "Hòn than đầu tiên của kế hoạch năm 1965 Vì miền Nam ruột thịt". Ảnh: NSNA Công Vượng, Báo Quảng Ninh
Vùng mỏ luôn luôn đón những cái Tết đặc biệt. Cả đêm giao thừa Ất Tỵ, Hòn Gai và Cẩm Phả không ngủ, ba giờ sáng đã ra xe để về Hòn Gai. Tất cả chỉ biết rằng, đi dự lễ mừng công hoàn thành kế hoạch năm năm lần thứ nhất (1960-1965). Năm giờ sáng ngày mùng một Tết, Đài truyền thanh phát ra từ cái loa kim treo trên tường: "Bác Hồ về ăn tết với công nhân mỏ", thế là một số người không kịp đi xe từ sớm, vội vã chạy bộ. Hợp, Bình, Hạnh và ba chị em Vân ý ới gọi nhau, mang theo bánh chưng, bánh dầy, vượt Đèo Bụt sang đến Hà Tu thì trời sáng rõ. Dọc ven đường, các nhà nổ pháo xông nhà rồi túa ra đường chạy theo. Cánh thanh niên trẻ như thằng Thắng, thằng Xa, thằng Bằng, bạo dạn nhảy lên xe gấu chở than, bám chặt vào thùng xe, vượt ba chục cây số về Hòn Gai để được nhìn thấy Bác Hồ.
Sân trường cấp ba Hòn Gai đông kín người, từ trên lễ đài Bác giơ tay vẫy chào. Bác khen ngợi vùng than Đông Bắc đã hoàn thành hai mươi vạn tấn than của chiến dịch sản xuất than "Điện Biên Phủ" và kế hoạch năm năm lần thứ nhất. Chăm lo tốt đời sống công nhân, nhà ăn Than Trụ mỏ Đèo Nai là điển hình nhà ăn năm tốt. Bác phê phán cán bộ còn quan liêu, phải đi sâu, đi sát tham gia lao động, đẩy mạnh công tác quản lý xí nghiệp để tạo ra nhiều năng suất cao hơn nữa. Sang năm mới phải làm thật nhiều than cho Tổ quốc, đẩy mạnh phong trào thi đua "Vì miền Nam ruột thịt". Sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc, mỗi người thợ mỏ là một chiến sĩ diệt Mỹ. Phải có thật nhiều chiến sĩ thi đua, tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa và anh hùng lao động.
Nhân dịp này Bác tặng cho công nhân mỏ lá cờ thi đua luân lưu. Hàng năm đơn vị nào xuất sắc thì được thêu tên vào, cứ vào dịp Tết Bác tặng cho đơn vị xuất sắc lẵng hoa tươi. Cả rừng người vỗ tay reo mừng, hứa quyết tâm thực hiện...
2
Trên đường về, các cô gái Cẩm Phả nhẩn nha đi bộ. Những ngày đẩy xe than trên tầng, chạy năm mươi, sáu mươi cây số là bình thường. Hôm nay có ba chục cây, ăn nhằm gì! Vừa đi vừa kể chuyện lại vui, thật hiếm có cuộc gặp gỡ như thế này. Chẳng mấy chốc đã đến đỉnh Đèo Bụt. Đã nhiều lần nghe kể về rốn ông Bụt, nay mới được tay sờ, mắt thấy. Hợp láu lỉnh, nghịch ngợm, liền lấy quả cam trong túi buộc thêm đồng xu mới được mừng tuổi thả xuống lấy may. Mất hút, tất cả hét ầm lên, chia nhau đi tứ phía truy lùng. Hợp, Bình chạy xuống chân đèo. Hạnh, Tuất và mấy đứa trẻ khỏe, đi đến phía hang. Mãi chẳng gặp được nhau, thế là lạc. Chị Cẩm, chị Vân đứng trên đỉnh đèo gọi ầm lên, chỉ thấy tiếng vang vào núi rồi dội lại oang oang. May sao có ông già người Sán Dìu nhà gần đó dẫn đường, tìm thấy quả cam và một xâu tiền xèng của ai đó đang lững lờ trôi ra biển. Vớt lên, cả bọn ôm nhau cười rúc rích, ăn cam, chia tiền lộc. Ông già Sán Dìu vui vẻ nói:
"Các cháu năm nay là phúc đức lắm. Tục của làng chúng tôi, sáng mùng một Tết, các nhà mang lễ vật ra lễ Ông Bụt, rồi thả xuống rốn này. Lễ vật vào hang bụt rồi trôi ra biển, ai đón được đầu tiên, vạn sự may mắn."
Thế là âm dương tố hảo. Vừa được nghe lời vàng ngọc của Bác Hồ, giờ lại được lộc trời đất ban cho.
Ngồi ngay dưới tán cây rừng, Hợp lôi trong tay nải ra đủ thứ: Bánh chưng, bánh dầy, hoa quả. Mấy người khác cũng góp thêm phần của mình vào. Bây giờ các cô mới thực sự đón Tết. Thật vui, thật tự do thoải mái, tranh nhau kể về những gì đã nghe, đã thấy "Râu Bác dài, tóc Bác bạc phơ". Lại cái Hợp lanh chanh nói trước:
- Chen mãi, gạt phăng mấy lão có vẻ cán bộ to, tao nhảy tót lên hàng ghế thứ ba ngồi nhìn thấy Bác, rõ ơi là rõ.
Tuất thêm vào:
- Cháu cũng thấy rõ. Nhìn Bác cầm hòn than, lại nhớ ông cháu quá! Ngừng một lát Tuất nói tiếp. Giá như ông cháu còn sống thì đã tạc tượng, kính tặng Bác, chứ không phải hòn than như hôm nay.
Thì ra vậy, Tuất là cháu nội của ông Vũ Văn Mão, khoảng năm 1952 đã bí mật tạc tượng Bác Hồ bằng than gửi ra chiến khu kính tặng Bác nhân ngày sinh nhật 19-5. Thời gian đã qua đi, nhưng tấm lòng kính yêu Bác Hồ của những người thợ mỏ luôn luôn khắc sâu trong lòng.
Cháu Tuất chầm chậm kể:
- Hồi ấy sợ lắm, không khéo mật thám bắt được thì nó bỏ tù luôn. Bà cháu kể rằng: Tạc tượng xong ông gói trong một tấm khăn đỏ, xếp xuống đáy thúng trên để rất nhiều hoa quả, oản, bánh...lộc Phật. Bà mặc bộ quần áo nâu, đi lễ chùa về. Qua bốt Cẩm Phả, chúng cho qua. Đến đền Cây Quéo, trạm này là ranh giới giữa hai vùng, ác ôn nhất. Mấy thằng tay sai của tên Ray chánh mật thám, xô ra giữ lại. Thấy toàn đồ lễ, bà phát cho mỗi đứa một phẩm oản ăn nhồm nhoàm, cho qua, thoát nạn. Còn cái thư của Bác gửi về, lúc đầu chả ai đọc được, về sau chú Soạn đọc cho mọi người nghe, rồi giấu kín dưới bệ tượng Phật Quán Thế Âm. Mãi đến ngày giải phóng mới mang ra trao cho Bảo tàng tỉnh trưng bày.
Chị Vân ra dáng hiểu biết hơn, nói:
- Bận trăm công nghìn việc, thế mà đã mấy lần Bác về thăm vùng mỏ và những người thợ mỏ rồi đấy.
Chị Cẩm thêm vào:
- Hồi đi học Trường Đảng Nguyễn Văn Cừ, chị đã được nghe giảng. Từ những tháng năm còn bôn ba đi tìm đường cứu nước, Bác đã thấu hiểu sự bần cùng, lầm than của công nhân mỏ. Người đã có nhiều bài viết, bài báo và báo cáo gửi Bộ Phương Đông Quốc tế Cộng sản nói về tình hình thợ mỏ chúng ta...
“Công ty mỏ than tổ chức ra những cửa hàng bán thực phẩm và các vật dụng khác. Thợ bắt buộc phải mua hàng ở đấy, giá đắt hơn thị trường. Người thợ chỉ được lĩnh một ít tiền mặt và mãi 15 ngày hay một tháng sau mới được lĩnh tiếp; chính bằng cách này mà Công ty ngăn được thợ thuyền bỏ trốn. Theo lời thú nhận của Toàn quyền Đông Dương thì đời sống của thợ mỏ quá khổ cực và công việc của họ quá nặng nề nên không ai sống đến 60 tuổi. Và bọn tư bản thuộc địa cũng lại viện cớ đó để từ chối không tổ chức quỹ hưu bổng cho thợ thuyền bản xứ!”*.
Các cô xúm quanh Chị Cẩm năn nỉ:
- Chị ơi! Sao chị biết nhiều thế? Hôm nào kể cho bọn em nghe đi.
- Nhất định rồi!
Nhưng cái Hợp lại so bì:
- Cứ như cái Hạnh mà không sướng à. Bác nêu danh Nhà ăn Than Trụ đấy.
Hạnh thanh minh:
- Em chỉ nắm than thôi, chứ có được chạy bàn đâu mà.
- Gì thì gì cũng là tổ viên tổ Lao động xã hội chủ nghĩa rồi .
Chị Cẩm khuyên:
- Thôi không tranh luận, bây giờ phải làm tốt những lời Bác dạy, thanh niên phải đầu tầu, gương mẫu, hoàn thành kế hoạch để được ghi tên vào Cờ thưởng luân lưu đã chứ...
3
Để được ghi tên vào cờ thưởng luân lưu và nhận lẵng hoa tươi của Bác Hồ là cả một cuộc đua tài quyết liệt giữa các công ty, các xí nghiệp, mỗi cá nhân, tổ đội, phân xưởng.
* Trích “Công lý”. Tuyển tập Hồ Chí Minh
Vùng mỏ dấy lên một phong trào thi đua mới...
Tháng trước Tết cánh cán bộ thi đua chạy đôn, chạy đáo để nắm tình hình các đơn vị, bình chọn xem đơn vị nào xuất sắc, rồi làm báo cáo trình Bộ, trình Văn phòng Chủ tịch nước. Ngày hai mươi chín Tết năm ấy anh Lê Đình Ất - Trưởng ban Thi đua Công ty than Hòn Gai và Văn Chuân đạp xe đạp từ Hòn Gai về Hà Nội để nhận Lãng hoa của Bác cho Nhà máy Cơ khí Cẩm Phả đã hoàn thành kế hoạch sản xuất trước thời hạn.
Anh Lê Đình Ất là người có thâm niên trong nghề thi đua. Sau tiếp quản vùng mỏ, anh là cán bộ Thị đoàn Thanh niên Lao động Cẩm Phả. Khi dấy lên phong trào thi đua phá kỷ lục "dành cờ đỏ, bỏ cờ xanh" anh năng nổ, đề ra nhiều biện pháp mới để mọi người đạt thành tích cao nhất. Rồi sơ kết, tổng kết, bình chọn, khen thưởng, thế là trở thành cán bộ thi đua lúc nào không hay. Hàng ngàn Lao động Tiên tiến, hàng trăm Tổ đội Lao động xã hội chủ nghĩa, rồi Chiến sỹ thi đua và các Anh hùng Lao động đều do anh gây dựng. Thế mà anh lại chẳng có một danh hiệu nào, nhiều người hỏi vui, anh lặng lẽ trả lời: "Làm ơn không nên kể ơn. Mọi người đẹp, vui, là mình vui rồi. Anh thợ cạo có bao giờ gọt được đầu cho mình đâu"...
Bản báo cáo gửi lên, Bác ghi bút tích: "Bác Hồ đã nhận được báo cáo công tác quý 1 của nhà máy. Bác rất vui lòng về những thành tích nhà máy và ngành than đã đạt được và mong cán bộ và công nhân cố gắng hơn nữa. Phát huy tốt những ưu điểm và sửa chữa những nhược điểm để dành nhiều thắng lợi hơn nữa."
Bản Báo cáo có bút tích của Bác đã được Thủ tướng Phạm Văn Đồng về trao cho cán bộ công nhân Nhà máy.
4
Sáng sớm ngày ba mươi tết các phóng viên báo chí và các đơn vị đã túc trực ở Văn phòng Chủ tịch Nước. Khi anh Lê Đình Ất và Văn Chuân nhận lẵng hoa xong trời đã về chiều, hai người cấp tốc phi về Cẩm Phả. Cố gắng về trước giao thừa, đường thì dài phải qua năm con phà. Về đến gần Nhà máy Sứ Hải Dương thì máy bay Mỹ ném bom, hai người xuống hầm trú ẩn ven đường, chờ báo yên, vội vã qua phà Hàn rẽ sang đường năm bê cho an toàn. Không ngờ đến phà Cầm, Đông Triều, một chiếc máy bay đuổi theo bắn hai quả tên lửa, nổ ngay phía trước hơn một trăm mét. Bất ngờ, hoảng sợ cả hai người bật tung xuống ruộng, hai xe đạp và lẵng hoa cũng lao theo. Lấy lại hồn vía, dựng xe lên, lẵng hoa đầy bùn, vài cành gẫy, hoa nhàu nát. Anh Lê Đình Ất kêu lên: "Trời ơi!" Rồi gào khóc, như bị mẹ đánh đòn. Văn Chuân tưởng anh Ất bị thương, kéo lên bờ, sờ nắn khắp người, không sao, anh Ất nghẹn ngào nói:
- Nát hết hoa rồi, làm gì bây giờ Chuân ơi?
Chuân cũng sụt sịt không nói lên lời.
Biết làm sao được giữa đêm khuya, đồng không mông quạnh này. Hai người đành ngậm đắng nuốt cay, dù có tội với Bác Hồ, có lỗi với cán bộ công nhân mỏ cũng xin cúi đầu van lạy. Nuốt nước mắt, nén nỗi buồn dồn xuống hai bàn chân đạp thục mạng, xe lăn còng cọc trong đêm ba mươi không trăng sao, không ánh đèn. Thi thoảng pháo sáng và máy bay Mỹ ùng ục trên trời...
Mười giờ thì về đến Nhà máy Cơ khí Cẩm Phả sơ tán trong hang Hòn Một.
5
...Hang Hòn Một hay còn gọi là hang Đá Chồng, ghi dấu một câu chuyện tình, đau thương và lãng mạn của đôi trai gái thợ lò, Bạch Tường và Vi Hoa; đẹp như những nhành hoa phong lan Phi điệp tím. Hôm nay không còn là nơi hoang vu lạnh lẽo, Hòn Một đang mang trong lòng Nhà máy cơ khí Cẩm Phả anh hùng. Đèn hoa rực rỡ, sáng trưng chen lẫn với những nhành hoa phong lan trong "Vườn thượng uyển". "Cõi tiên" của Bạch Tường và Vi Hoa trước khi Bạch Tường chia tay lên đường ra chiến khu. Vi Hoa vĩnh biệt cuộc đời, tay cầm hai bông sen trắng, tóc cài nhành phong lan tím. Sau ngày giải phóng vùng mỏ, Bạch Tường trong đoàn quân chiến thắng trở về. Tuyết Lan người bạn thân thiết đã mang cả "Vườn thượng uyển" trong hang Hòn Một về nhà để chăm bón, theo lời dặn của Vi Hoa trước khi nhắm mắt. Đợi chờ. Thời gian trôi đi, tuổi thanh xuân qua nhanh, hằn những vết nhăn trên má. Hai người ôm nhau trong tiếng nấc, trong những giọt nước mắt, mặn chát như nước biển của hàng vạn phu mỏ, kìm nén bẩy mươi năm dưới gông cùm nô lệ...
Chiến tranh leo thang bắn phá miền Bắc của đế quốc Mỹ, vùng mỏ bước vào thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu, tay búa tay súng. Bạch Tường được điều về làm Phó Giám đốc nhà máy phụ trách quân sự, tổ chức di chuyển toàn bộ máy móc thiết bị của nhà máy vào hang Đá Chồng. Trong dẫy núi đá này có rất nhiều hang thiên nhiên, thuận tiện cho việc đặt máy móc và đảm bảo an toàn cho công nhân sản xuất dưới làn bom đạn hủy diệt của giặc Mỹ. Các hang hướng tây nam gồm mười bẩy hang là khu vực sản xuất, nằm trong hệ thống vòng cung núi đá với chu vi gần hai cây số. Có hang lớn lắp đặt các thiết bị, máy móc sản xuất như (phay, bào, doa, mài, tiện...). Có hang lắp ráp các loại động cơ, có hang làm việc cho văn phòng, y tế, nhà trẻ và nhiều gia đình sơ tán.
Nhà máy đã bỏ ra hàng nghìn ngày công, bóc đi hai vạn mét khối đất đá, cải tạo hang, làm hầm hào giao thông, di chuyển hàng nghìn tấn thiết bị máy móc vào hang để sản xuất tốt trong mọi tình huống.
Mấy ngày nay cả nhà máy mong tin vui, đón nhận lẵng hoa của Bác Hồ. Hai cha con Bạch Tường và Tuyết Vi, tất bật chuẩn bị.
"Vườn thượng uyển" hang Hòn Một xưa, nay là nơi đặt các máy khoan, máy tiện...
của Nhà máy Cơ khí Cẩm Phả. Ảnh: NSNA Đoàn Đạt
Cháu Tuyết Vi là tên ghép của mẹ Tuyết Lan và Vi Hoa đặt cho con gái, bây giờ đã vào nhà máy học việc. Cháu mang tất cả giò phong lan ở nhà vào đây để trang trí "Vườn thượng uyển". Dù khổ đau, vui buồn, hoa luôn mang lại cho con người niềm tin bất tận! Cám ơn đất trời.
6
Các vị lãnh đạo nhà máy và đông đảo cán bộ công nhân đã tề tịu trước cửa hang. Giám đốc Nhà máy Huỳnh Như Ngôn ôm chầm anh Lê Đình Ất, mừng mừng tủi tủi:
"Về được đến đây là vui rồi. Những cánh hoa lấm lem khói súng, bom đạn là giá trị cao cả của lòng dũng cảm, của tình người, mãi mãi sử sách của Những người Thợ mỏ phải ghi nhớ công ơn này".
Cả hội trường trong hang lặng im, chùng xuống, nín thở, rân ran những tiếng nấc, rồi bùng lên hàng loạt tràng vỗ tay. Ngoài cửa hang, những bánh pháo dài hàng mét nổ vang. Giám đốc Huỳnh Như Ngôn và Thư ký Công đoàn Đoàn Văn Thép thân mật "mở tiệc" chiêu đãi Lê Đình Ất và Văn Chuân bữa phở "không người lái" (tên gọi phở không có thịt, lúc bấy giờ là sang lắm). Đói. Một đêm vật lộn với bom đạn, ngã lên ngã xuống, mấy cái bánh "cuốn thừng" mang theo từ Hà Nội ướt nhèm, hai người ăn một mạch, tấm tắc khen ngon hơn cả sơn hào hải vị. Ông Thép thư ký Công đoàn, bắt để chiếc xe đạp cọc cạch lại, cho ô tô chở hai người và mỗi người một cái bánh chưng về nhà cho kịp đón giao thừa cùng vợ con.
7
Suốt đêm ấy, lẵng hoa được Tuyết Vi phục chế lại tươi đẹp, rực rỡ.
Sáng mùng một Tết, hàng trăm công nhân cán bộ ca hát, hò reo, giương cao lá cờ thưởng luân lưu và lẵng hoa của Bác Hồ, tưng bừng, phấn khởi trong muôn ngàn tiếng bom đạn và máy bay của giặc Mỹ gầm rú ngoài cửa hang...
________________________
* Trích trong Tiểu thuyết "Bể than Đông Bắc" của Nhà Văn Đặng Huỳnh Thái