SƯ MINH TUỆ

Nước ta đang xuất hiện hiện tượng tu hành của sư Minh Tuệ. Xung quanh sự kiện này có rất nhiều ý kiến khác nhau theo nhận thức chủ quan của mỗi người. Người khen có, người chê có, có người thấy như một hiện tượng lạ, khó lý giải.
minh-tue-1720176067.jpg
 

1. XUẤT XỨ

Sư có gia đình, có quê hương, có nghề nghiệp, có anh em, có bạn bè, đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Sư đi tu, chọn pháp tu là quyền của sư, được pháp luật cho phép. Không ai có quyền ngăn cấm và càng không ai được cản trở, gây khó khăn cho việc tu hành của sư. Đó là quyền tự do tín ngưỡng và quyền tự do không tín ngưỡng của mỗi người, được pháp luật Việt Nam hiến định.

2. HẠNH ĐẦU ĐÀ

Trong Phật giáo có 8 vạn 4 ngàn pháp môn. Hạnh đầu đà là pháp môn tu khổ hạnh, đòi hỏi người tu hành phải có bản lĩnh, có chí khí, có nghị lực, dày công khổ luyện và quyết tâm rất cao, hiểu biết phật pháp sâu sắc.

Sư dùng 1 bát, 3 y, ngày ăn một bữa trước giờ ngọ, đi chân đất, để đầu trần, ngủ ngồi ngoài nghĩa địa hoặc gốc cây. Đó là giáo luật của pháp tu 13 Hạnh đầu đà.

3. TU THÂN

Ông tu từ 2017 đến nay đã gần 8 năm, 3 lần đi bộ từ Nam ra Bắc và ngược lại, cũng đủ cho người đời kính phục, ngưỡng mộ, tán thán.

Trong lịch sử 2648 năm có ngài Ca Diếp đã từng từ bỏ cuộc sống nhung lụa, chọn pháp môn này, trở thành người đầu tiên của pháp môn Hạnh đầu đà. Tiếp theo có một số ít người nữa.

Sư Minh Tuệ là người kế tiếp pháp tu của ngài Ca Diếp. Ông xuất hiện ở Việt Nam, vì vậy ông trở thành vị sư nổi tiếng không những ở trong nước mà cả ngoài nước. Trong giai đoạn hiện nay, thậm chí cả tôn giáo bạn như Công giáo, Tin lành, Cao đài, Hòa hảo… nhiều Linh mục, Mục sư, Giảng sư… đã có lời tán thán, không có lý gì đồng đạo lại chê ông.

Chỉ cần nhìn thấy hàng ngày có người tự giác trải hoa, quét rác, nhặt sỏi, dẹp đường, đảnh lễ, cúng dường, hàng ngàn người rớt nước mắt… mong muốn được gặp ông một lần trong đời, được ông nhận cho một lần cúng dường để tạo phước là may mắn lắm rồi. Cũng đủ thấy người đời quý trọng ông đến nhường nào.

4. TÍCH ĐỨC

Ông giao tiếp nhẹ nhàng, nói năng khiêm tốn, ông tự coi mình là người đang học Phật. Ông không thuyết pháp, ông không nhận tiền và vật phẩm khác, không xưng thầy với bất kỳ ai. Ông coi mọi người là cha mẹ mình. Ông dặn cha mẹ đẻ hãy mở cửa đón khách để tỏ lòng kính trọng muôn dân. Những lời nói tưởng như ngây ngô ấy lại chứa chất bên trong đầy Phật tính, càng làm cho người đời nể phục. Những vị phàm tu thì không nói làm gì, nhưng những vị đức cao vọng trọng vẫn còn kiệm lời.

5. TẤM GƯƠNG CHO TUỔI TRẺ

Tuổi trẻ có đạo nhìn thấy sư, bớt đi tính xa hoa, kiêu ngạo, học đòi. Tuổi trẻ học ở ông ý chí và nghị lực để tự vươn lên trong cuộc sống. Ấy là tôi mới nói đến tuổi trẻ có đạo chứ chưa dám nói đến người khác.

Dù ai quyết chí tu hành Chưa từng khổ hạnh chưa thành được đâu? Muốn cho giác ngộ được mau Tư duy, hành động, nói nhau nhẹ nhàng Như thầy Minh Tuệ, tâm an Ba y một bát, đàng hoàng quá duyên.

6. TỪ BI HỶ XẢ

Gần đây ông chuyển lên núi tu (mọi người cứ đi theo ông làm mất an ninh nơi công cộng). Chính là ông tôn trọng nhân gian, không muốn làm phiền người khác, cho nên ông lặng lẽ bỏ lên núi để ẩn tu. Lòng từ bi đã tới đỉnh.

Vì vậy người đời hãy tôn trọng và bảo vệ ông, để cho ông được nhất tâm tu hành. Hình ảnh của sư không những làm tôn thêm vẻ đẹp của Phật giáo Việt Nam mà còn tôn thêm cả vẻ đẹp về ý chí của dân tộc Việt Nam vừa giản dị, khiêm nhường nhưng trong sáng lạ thường.