Anh cả tôi, anh Phạm Mạnh Đức, đã về cõi vinh hằng, làm sống dậy trong tôi những kỷ niệm êm đềm của tinh ruột thịt.
Anh và tôi chỉ cách nhau 1 tuổi, gọi là “trứng gà trứng vịt”, nên quấn quýt với nhau từ tấm bé.
Bố tôi là bộ đội, gia đinh tôi theo kháng chiến nên chịu bao cảnh cùng cực khi chạy máy bay, lúc tản cư… Tôi nhớ có lần phải tản cư từ Tuyên Quang sang Phú Thọ, tôi và anh được mẹ, bả gánh đi, mỗi người một bên thúng. Đôi quang đong đưa, chúng tôi thú vị lắm, còn nhún nhảy thêm, không biết đến nỗi nặng nhọc của mẹ, của bà phải gánh nặng.
Khi ở Phú Thọ, hai anh em thường bày ra đủ trò chơi cho vui.
Trò đầu tiên là bắt con cồ cộ. Đó là loại côn trùng giống nhưng lớn hơn ve sầu, rất đẹp. Chúng tôi kiếm nhựa mít, quấn đầy một khúc tre đã được chẻ nhỏ thành nhiều nan, rồi buộc vào một cái sào. Cồ cộ đậu tít trên ngọn cây cau, cao lắm. Tôi lanh chanh, vội vàng đẩy sào lên rõ nhanh, nhưng gần đến nơi thì sào đổ! Anh Đức tính điềm tĩnh, cầm sào từ từ đưa lên, khe khẽ dí sát con cồ cộ, khiến cánh nó dinh chặt vào đầu sào. Bắt được thì đem xuống cho nó quanh quẩn ở sân, rồi lại gỡ nhựa, thả nó đi. Không biết ở cái thời ấy, anh em chúng tôi đã bắt được bao nhiêu con cồ cộ rồi lại thả đi, nhưng chính việc làm ấy, với sự điềm tinh của anh, khiến tôi chững chạc, khéo léo hơn.
Trò thứ hai là xoáy bi. Đó là cách lấy những viên đá, đẽo gọt, rồi dùng sắc sờ (bộ phận tiếp đạn của súng liên thanh, bằng thép, rất sắc và cứng) xoay cho nó thành viên bi. Công việc này đòi hỏi sự kiên trì, khéo léo. Anh Đức thường chọn loại đá xanh, rất cứng chứ không chọn loại đá vôi, rất mềm. Anh bảo: Loại đá vôi bồm bộp, bi xấu và không chắc, đá xanh tốt hơn. Hình như muốn tạo được một viên bi bằng đá, chúng tôi phải hì hụi cả ngày trời. Bi của anh bao giờ cũng tròn xoe, ánh lên vân đá xanh, đẹp sánh được với những viên bị thủy tinh người ta chế tạo hồi đó. Cũng nói thêm rằng, hồi đó, thỉnh thoảng chúng tôi được mẹ cho mấy viên bi thủy tinh, đẹp lắm, nhưng anh em tôi vẫn thích làm bi đá hơn. Chọi nhau, bi thủy tinh sứt mẻ vì những viên bi đá xanh của anh Đức.
Trò thứ ba là đẽo quay. Nói đến chơi quay, chắc không ai là không biết, nhưng đẽo quay, có lẽ ít người làm. Thứ trò chơi này buộc anh em chúng tôi phải tự tạo ra con quay mà chơi. Quay có hai loại. Loại binh thường có củ to, xuôn xuống, rồi khấc xuống thành chân, đóng đinh vào. Loại thứ hai cái chân lại ở trên đầu, dùng để quấn dây vào khi đánh. Cả hai đều đòi hỏi phải đẽo khéo léo, thật nhẵn, thật cân đối thì mới “ngủ” lâu (quay tít một chỗ). Anh Đức thường chọn loại gỗ rất chắc, như gỗ mít, đẽo lâu nhưng khi bị đối thủ bổ vào, ít bị thương tích. Một hôm buổi trưa, chả hiểu vì sao hai anh em trốn mẹ ra vườn đẽo quay. Mẹ tôi rất nghiêm ngặt chuyện ngủ trưa cho nên chuyện trốn ngủ trưa là bất thường. Có lẽ vì sợ mẹ phát hiện, không tập trung, tôi đẽo phải ngón tay trỏ của bàn tay trai, máu ra đầm đìa. Anh tôi xanh mặt, cuống cuồng đi tìm lông cu ly (loại tơ của một củ rừng) dịt rồi buộc lại cho tôi. Hai anh em vứt cả quay, len lén vào buồng. Tôi đau lắm, nhưng vốn tính rất gan, vẫn coi như không. Còn anh Đức thì cứ nhổm lên nhổm xuống xem tôi thế nào. Bởi vậy, mới bị lộ. Mẹ tôi, phát hiện ra, nhưng lạ quá, không mắng mỏ gì. Mẹ đun nước pha muối và bảo anh đi lấy hộp bông băng lại để mẹ rửa vết thương, băng cho tôi. Vết thương lớn lắm, banh hẳn một mảng thịt ra, khi khỏi để lại cái sẹo hằn sâu ở ngón tay trỏ của tôi, bây giờ vẫn thế.
Đến thời bình (từ 1954), gia đinh tôi chuyển về Hà Nội. Mẹ tôi vẫn luôn luôn bảo chúng tôi phải ngủ trưa. Hồi ấy, nơi chúng tôi ở là Việt Nam học xá (Bách khoa bây giờ), còn hoang vu lắm. Người ta đang đổ đất cát san các bãi hoang, ao hồ thành đất bằng. Vào mùa hè, lũ chim sẻ non tập bay đầy trên bãi này. Vào buổi tưa, nếu ra đuổi, chúng bay rã cánh là bắt được. Bị hấp dẫn bởi lũ chim sẻ ra ràng, hôm ấy hai anh em đợi mẹ ngủ rồi len lén chuồn đi bắt chim. Nắng chang chang. Lũ chim bay khắp bãi, kêu chiêm chiếp thật hấp dẫn. Hai anh em chọn những con bay yếu, chạy bổ đến. Chúng bay loạn xạ. Kiên trì đuổi, chỉ một hồi là tóm được một chú. Không may cho chúng tôi, lúc ấy anh Đức nghe tiếng nhạc từ loa phát thanh cất lên vang vang. Anh hô: “Đến giờ dạy rồi, chạy về mau”. Chả là, cứ vào 13 giờ 45 là chiếc loa ở khu học xã phát đi bản nhạc như để báo thức mọi người. Hai anh em cuống cuồng vứt hết mấy con chim vừa bắt được, chạy thục mạng về nhà. Ôi chao, anh Đức nghe nhầm, vẫn chưa đến giờ dậy, bố mẹ vẫn đang ngủ trưa. Hai anh em nhẹ nhàng leo lên giường, vừa thở xả mệt, vừa nghe ngóng xem có bị mẹ biết không, tiếc đứt ruột mấy con chim!
Chuyện trò chơi của trẻ con thì nhiều lắm, nào là đấu “voi”, đánh đáo, đánh khăng, ô ăn quan, thả diều, trốn tìm, Thả đỉa ba ba, Rồng rắn lên mây… Chúng tôi đều trải qua. Những trò chơi ấy đem lại niềm vui mộc mạc cho anh em chúng tôi, tưởng vô bổ, nhưng rất hữu ích, vì nó rèn tính kiên trì, khéo léo cho anh em chúng tôi. Và đặc biệt, là trong các trò chơi chia phe, hai anh em đều đứng về một phe chứ không chịu tách sang phe đối địch. Sau này, khi đã học cấp ba, một lần duy nhất hai anh em trở thanh đối thủ là thi đấu bóng bàn của trường Nguyễn Gia Thiều. Vào đến vòng trong, không may là tôi và anh lại phải đấu loại trực tiếp. Anh bảo: “Tinh thần thể thao, cứ thoải mái!” Hôm ấy không hiểu thế nào mà tôi đánh lên tay quá, loại anh ra để minh vào chung kết. Tôi biết, khả năng tôi có hạn, mà đối thủ là Thanh, luôn luôn tập luyện ở nhà và ở Câu lạc bộ Long Biên, trên tài tôi, nên tôi đánh “vung xích chó”! Trời đất, tôi tiu phát nào vào mép bàn phát ấy, Thanh chỉ còn nước đi nhặt bóng! Tôi trở thành “Nhà vô địch” bóng bàn toàn trường Nguyễn Gia Thiều mới lạ chứ. Anh tôi mừng lắm, khen tôi hết lời, cho đấy là thắng lợi tất yếu!
Khi tôi ở chiến trường, thư của gia đinh luôn là nguồn động lực lớn lao giúp tôi vượt qua mọi thử thách. Anh Đức ít viết thư, nhưng khi viết thì tâm sự chân thực, thổ lộ tất cả những gì có trong anh, đồng thời đưa ra những ý kiến nhận xét giúp tôi vững tin hơn trên con đường cống hiến. Trong mấy là thư anh viết, tôi trích ra như sau:
“Tết năm nay lại thiếu Việt nữa. Ăn tết, cả nhà đều nhắc đến Phúc, đến Việt, đến em. Nay mỗi em một nơi, đến khi nào đất nước toàn thắng, các em đều về sum họp được thì cái tết mới thực sự vui vẻ”. Đây là dự cảm của anh, đã thành hiện thức vào 30 tháng 4 năm 1975.
“Long thân! Qua những thư từ em viết về, biết em đã có rất nhiều tiến bộ trong công tác và trưởng thành nhiều về mặt chính trị, anh rất mừng. Nhất là bố thì rất hãnh diện về điều đó, thường vẫn nói đến những tiến bộ lớn đó của em với các chú, các bác bạn bố, bố rất mừng về điều đó.
Đấy là phần trả ơn, trả nghĩa rất lớn của em đối với bố mẹ”. Đây là đánh giá của anh về quan hệ giữa đất nước và gia đinh, việc chung và việc riêng, trong đó khẳng định làm việc nước thật tốt cũng là trả ơn nghĩa với gia đình, giúp tôi yên tâm nơi chiến trận.
“Thư vừa rồi em có giới thiệu với gia đình về người con gái mà em thương yêu. Anh cũng đồng ý rằng ở hoàn cảnh công tác như em, không thể làm khác được. Mà ở tuổi như anh em mình thì việc lo nghĩ đến chuyện đó là điều tất nhiên. Anh cũng tin rằng em đã suy nghĩ và cân nhắc đầy đủ rồi, vì ở lứa tuổi của chúng ta thì sự suy nghĩ cũng đã chín chắn, không còn bồng bột, sốc nổi như ngày xưa nữa. Anh có lời mừng cho em, mong cho hạnh phúc của em được trọn vẹn, cho anh gửi lời hỏi thăm Thuý Ngân nhé. Bảo với Ngân rằng gia đình ta là một gia đình đoàn kết thương yêu nhau, bất cứ ai là thành viên trong gia đình cũng đều sẽ được quý mến như nhau”. Đây lại là điều tuyệt vời đối với tôi và Ngân, anh sớm ủng hộ tình yêu của chúng tôi và sớm làm cho Ngân tự tin khi trở thành thành viên gia đinh họ Phạm. Tới bây giờ, vợ tôi vẫn là một thanh viên máu thịt của họ Phạm, dù bố mẹ qua đời khá lâu rồi, nhưng anh em vẫn quấn quýt bên nhau.
Trong thư, kể về minh, anh bộc lộ tất thảy những điều thầm kín, trong đó có chuyện yêu đương, những vấp váp khi yêu ở nước ngoài bị coi là vi phạm kỷ luật, khi phải chia tay người yêu vì không còn hợp nhau nữa…
May mắn may, cuộc đời đã đưa anh đến một bước ngoặt, anh viết: “Sau chuyện này, anh muốn nghỉ ngơi một thời gian, giải phóng đầu óc khỏi những chuyện hao phí tinh thần đó: anh đi học đàn ghita, một thứ đàn anh rất yêu thích. Anh cũng không thể biết được rằng chính ở nơi đây anh đã tìm được hạnh phúc. Một tối nọ đang giờ học, chợt có người mở cửa, một cô gái còn rất trẻ bước vào với một nụ cười thật đáng yêu. Vì sao mà anh lại thấy rung động trong lòng vậy? Cô gái bước vào không nhìn ai, gặp thầy giáo (anh Tạ Đắc, em Tạ Tấn, anh Đắc còn là đấu thủ bóng bàn loại cứng, Long còn nhớ chứ) rồi về ngay. Về nhà anh cứ thấy vấn vương: chỉ một cuộc gặp gỡ tình cờ như trăm nghìn cuộc gặp gỡ khác, hay đây chính là hạnh phúc? Thế rồi qua hỏi thăm, qua những lần tới nhà trò chuyện, anh càng thấy có nhiều điểm, rất nhiều điểm trùng hợp nhau. Rồi hạnh phúc đã đến, cô gái ấy sau một thời gian hiểu anh, hiểu gia đình ta, được ý kiến đóng góp vào của bố mẹ cô gái ấy, của các anh con ông bác, đã nhận lời yêu anh. Anh kể sơ qua cho em biết về cô gái ấy nhé: tên là Hoà, sinh năm 1954, quê ở Vân Đình - Hà Tây. Hoà người nhỏ nhắn, trắng hồng, học sư phạm 10+3 về nhạc, hiện dậy ở trường cấp II Tân Trào ngay ở phố Hàng Bông - Nhuộm. Tính Hoà rất dịu dàng kín đáo và hay e thẹn, một tâm hồn còn rất trong trắng và thơ ngây. Hoà còn 3 em: 2 gái, 1 trai, em trai út 6 tuổi. Cha mẹ Hoà đều còn sống và còn làm việc. Bố Hoà làm ở Bộ Văn hoá (phụ trách vật tư), mẹ Hoà làm ở cửa hàng Mậu dịch may mặc (số 4), nhà Hoà cũng nghèo, sống giản dị, chân thành. Cả bố mẹ và các em Hoà đều rất quý mến anh, đó là điều thuận lợi rất lớn. Nhà Hoà cũng từ kháng chiến ở Việt Bắc trở về, có nhiều điểm giống với gia đình mình. Trước khi đặt vấn đề với Hoà, anh có rất nhiều điều phải đắn đo. Anh đã từng trải nhiều, còn Hoà là một cô gái hoàn toàn còn ngây thơ trong trắng, như vậy liệu anh có xứng đáng với tình yêu của Hoà không? Nhưng rồi anh tin rằng với những vấp váp đã qua, với những kinh nghiệm đã trải, anh sẽ đảm bảo cho Hoà một cuộc đời hạnh phúc, không chịu một thiệt thòi gì trong tình yêu dù anh không thể dành cho Hoà mối tình đầu được nữa. Tất cả những điều ấy anh cũng đều đã nói với Hoà, không dấu Hoà điều gì. Có vậy thì tình yêu mới bền chặt được, phải không? Anh và Hoà cũng rất nhất trí với nhau về một số điểm cơ bản: hoàn toàn bình đẳng về mọi mặt, tôn trọng nhau, tôn trọng những tình cảm riêng mà mỗi người yêu quý.
Chắc rằng với những sự phù hợp, với những thuận lợi về mọi mặt như vậy thì ngày cưới cũng sẽ không còn xa lắm. Có điều duy nhất Hoà còn đang e ngại: Hoà còn trẻ quá, trẻ nhất lớp mà lại cưới trước các bạn khác thì xấu hổ chết!”. Bây giờ, anh đã xa biền biệt, những chắc chắn rằng những ngày đẹp trên đây vẫn còn theo anh mãi…
Cuối thư, anh viết: “Anh gửi lời hỏi thăm anh em, đặc biệt là thăm Ngân, chúc hai em hạnh phúc" – vợ tôi, người con gái phương Nam xa xôi, đã luôn được anh quan tâm, chờ đón về gia đinh!
Thời hậu chiến, biết bao khó khăn. Về Hà Nội ít lâu, vợ tôi đi học văn hóa ở Mai Dịch. Chỗ ở không có, anh Đức liền bảo chúng tôi lên ở tạm nhà anh. Khi ấy, có những người can anh chị, vì sợ rằng người ở nhờ hay chiếm đoạt nhà của gia chủ. Nhưng anh chị không chút băn khoăn, bố trí cho chúng tôi ở buồng ngoài trong căn hộ hai buồng nhỏ xinh của anh chị. Sau đó, tôi kiếm được chỗ ở trong khu tập thể Văn công Mai dịch. Trước khi chúng tôi đi, anh chị không lấy tiền ăn, còn cho thêm một chiếc phích nước loại to và một cái bếp dầu!
Người ta nói “Anh em kiến giả nhất phận” (khi đã có gia thất thì chủ yếu ai lo phận nấy, dù cho có là anh em cũng không thể cưu mang nhau mãi như hồi chưa có gia thất), nhưng khi anh tôi đổ bệnh thì câu này không còn phù hợp. Cùng với vợ con anh, các em lăn xả vào cứu giúp. Từ vật chất dến thời gian, tinh thần, các em làm tất cả để mong cứu anh. Nhất là mấy cô em gái, không quản ngại sớm trưa mưa nắng, thay nhau túc trực chăm sóc anh!
Nhưng, số phận đã định rồi, anh Đức mãi mãi ra đi! Các em anh chỉ còn biết cầu mong cho anh siêu thoát và được đoàn tụ với bố mẹ nơi suối vàng!