NGÂN VANG MÃI GIAI ĐIỆU TỔ QUỐC

“Ngân vang mãi giai điệu Tổ quốc” là cuốn sách được nhà văn, nhà báo Phạm Việt Long dành nhiều thời gian nghiên cứu với tất cả tâm huyết của mình.
ngan-vang-mai-1718936524.jpg

Sự thẩm thấu qua một quá trình dài, những tác phẩm âm nhạc của các nhạc sĩ Việt Nam như một kho tàng giai điệu nhiều sắc thái, một bức tranh âm thanh đầy màu sắc về Tổ quốc thâm sâu trong tâm trí ông ngay từ những ngày thơ bé, cộng với niềm đam mê âm nhạc đã giúp ông hoàn thành cuốn sách quý.

Sách in 1000 cuốn, với gần 400 trang, khổ 14,5x20,5cm do Nhà xuất bản Dân trí phát hành quý IV năm 2018.

“Ngân vang mãi giai điệu Tổ quốc tôi” được chia làm bốn phần: ba chương và vĩ thanh.

Chương 1: Từ chiến khu Việt Bắc tới Thủ đô Hà Nội

Chương này là những hồi ức của tác giả về những năm tháng khói lửa của dân tộc. Đó là quãng thời gian nhà văn còn nhỏ, giặc tràn vào cả nhà phải đưa nhau đi tản cư lúc thì ở Phú Thọ, khi lại lên Tuyên Quang. Nhưng đó cũng là quãng thời gian gắn liền với những kỉ niệm khó quên của tác giả. Mỗi kỉ niệm gắn liền với một giai điệu bài hát ăn sâu vào tiềm thức nhà văn: “ Trùng trùng quân đi như sóng, lớp lớp đoàn quân tiến về…”, rồi “Giải phóng Điện Biên…”. Đến khi trưởng thành, đã là sinh viên tình yêu đất nước của nhà văn được mở rộng ra với những giai điệu viết về quê hương, đất nước, con người mọi miền Tổ quốc “ Trên đất mẹ nắng hồng như lụa – Trải nghìn năm gắn bó hai miền”. Và rồi chính những giai điệu ấy nâng bước chân nhà văn để đến năm 1968 ông viết đơn tình nguyện là phóng viên chiến trường đi vào chiến trường miền Nam.

Chương 2: Tiếng hát át tiếng bom.

Chương này tác giả ghi lại dấu ấn không khí tấn công và nổi dậy của quân dân miền Nam trào dâng như sóng thần cuốn đi bao đồn bốt Mỹ - Ngụy. Khắp nơi vang lên những khúc ca hào hùng, kêu gọi “ Quả pháo ơi đi đường xa có mỏi – Suốt cả ngày đã đói hay chưa..” hay “Tiếng súng vang lừng khắp non sông – Giục ta ra tranh đấu…”. Có thể nói cuộc sống ở chiến trường gian khổ, ác liệt nhưng chính những lời ca, tiếng hát đã làm cho họ thêm động lực, năng lượng để người chiến sĩ cách mạng vượt qua gian khổ, khó khăn, ác liệt, sống trong một tâm thế vui tươi, lạc quan.

Chương 3: Bài ca xây dựng

Nếu như hai chương trước tác giả viết về 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ thì chương này là những giai điệu gắn với thời kì mới của dân tộc. Chiến tranh qua đi, đất nước bước vào thời kì hòa bình xây dựng. Bao nhiêu vấn đề được đặt ra. Không phải chỉ xây dựng cơ sở vật chất, mà quan trọng là cùng với đó cần xây dựng đời sống tinh thần của đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Và đương nhiên phần không thể thiếu đó là âm nhạc. “ Ôi xinh đẹp Tổ quốc của ta – Anh lắng nghe bao lời ân ái, những bài tình ca…”, “Anh sẽ đi về khắp làng quê xây những ngôi nhà tương lai – Dòng sông mát xanh vòng quanh phố phường …

Vĩ thanh: Ngày Âm nhạc Việt Nam.