Hương tết về, những cánh hoa đào, hoa mai nở phủ khắp đất trời. Một màu lên đẹp quá, hoa mai vàng ấm như những tia nắng mà mọi người mong đợi trời Đông. Hoa đào, lại ôm một màu hồng gần gũi thân thương giàu tình cảm. Hương tết càng nhiều nỗi nhớ mong trong tôi càng sâu lắng. Sao tôi nhớ tết tuổi thơ đến vậy. Nhớ hình bóng mẹ, bên cạnh giếng nước rửa từng tàu lá dong. Mái nhà tranh đơn sơ, mà tết về lại vui lên tiếng cười gần gũi. Cơi bình đựng vôi trầu mang hình ảnh của bà. Nhà ấm hương tết thật, ngoài đường thì rộn rã tiếng nói cười của mọi người đi sắm tết. Trẻ con nô đùa vui vẻ, chờ mong được tấm bao lì xì nhỏ.
Hương tết, một mùi hương mà chẳng ai thiếu được trong tim. Còn nhớ những ngày tháng Chạp ở quê tôi trước đây, hầu như nhà nào cũng tự làm bánh mứt tết với đủ các loại: bánh nổ, bánh thuẫn, bánh mì xốp, bánh in, mè cây - bánh bảy lửa… đến mứt bí, mứt dừa, mứt gừng,… Bánh làm theo kiểu truyền thống, thủ công, nên khi làm xong sẽ đem sấy khô, giòn để bảo quản được lâu, thậm chí đến 6 tháng.
Đầu tháng Chạp, nhà nhà bắt đầu làm bánh và sấy bánh để ăn tết. Tấm nốp được khoanh tròn trên nền nhà, với đường kính khoảng 1,5 đến 2 mét, bên trong để một cái bếp than nóng. Trên miệng của tấm nốp khoanh là một cái sịa có đặt những tờ giấy trắng. Bánh, mứt được sắp đều trong sịa để sấy. Việc sấy bánh thủ công này cũng đòi hỏi kinh nghiệm và một chút kỹ lưỡng. Nồi than nóng nhưng không được phụt lên ngọn lửa. Thời gian sấy bánh phải phù hợp với từng loại, nếu sấy chưa tới thì bánh bị chai, còn sấy quá lửa thì bánh bị cháy sém. Quan trọng hơn nữa là người sấy phải canh chừng tấm nốp và cái sịa không để bị bắt lửa.
Tháng Chạp trôi dần về những ngày cuối, không khí tết càng lan tỏa khắp trong nhà, ra ngoài xóm. Trong ký ức của tôi, hương tết của những ngày thơ ấu đặc biệt hơn bởi mùi của tấm nốp ấm quyện với hương bánh, mứt tạo nên mùi hương rất lạ, vừa thơm vừa thoang thoảng hăng nồng của tre khô. Trong cái se se lạnh của những ngày cuối năm, cái mùi hương đặc trưng này lại mang đến cảm giác thích thú và dễ chịu.
Nếu ai đã từng ngồi bên bếp lửa, giúp mẹ trông nồi bánh chưng, bánh tét giữa đêm đông lạnh và thích thú bởi mùi thơm của bánh khi chín tỏa ra sẽ hình dung được những phút giây tuyệt vời của người dân quê tôi khi ngồi sấy bánh và tận hưởng hương bánh quyện vào hương nốp ấm lan tỏa khắp nơi. Mùi hương ấy như một chiếc bánh quê ngày tết ngọt ngào còn vương vấn mãi đến bây giờ.
Theo năm tháng, giữa nhịp sống hiện đại, hình ảnh nhà nhà sấy bánh tết trong những ngày tháng Chạp ở quê đã không còn nữa, nhưng mùi hương quá đỗi thân quen ấy vẫn ở lại trong ký ức của nhiều người. Mùi hương giúp neo giữ trong lòng những người xa xứ bao kỷ niệm dấu yêu của ngày tết quê hương, tuy đơn sơ nhưng vô cùng ấm áp, thiết tha. Để thấy rằng, tết đúng là dịp để trở về - trở về với những tháng ngày xưa cũ, làm đầy tâm hồn trong những khoảng lặng yêu thương.