HUỆ "LÒ CHỢ"*

Huệ vội vã chạy theo dòng người từ khu tập thể vào mỏ. Họ gọi nhau í ới: "cháy lò", "chết người rồi". Đi ngược lại, chiếc xe cứu thương kéo còi inh ỏi, đèn đỏ quay như chong chóng trên nóc, dẹp đường. Ai ở trong xe? Chẳng biết. Anh thợ lò nào? Chẳng hay.
monica-monica-2024-06-29-15-23-50-1719650738.jpeg
 

Tranh chỉ có tính minh họa - 

 

1

Toa goòng lật khỏi đường ray, đổ nghiêng xuống và làm bẹp dúm sợi dây cáp móc vào giá kim loại để dưới mép đường lò. Đội trưởng Lục Văn Phái và ba người, được lệnh mở lò xuyên vỉa khu vực Cánh Gà, lò Hà Phong, trong lúc vận chuyển máng cào tự hãm đã để goòng cặm. Thế là một con rắn lửa mầu xanh bốc lên, tiếng nổ lách tách, ngọn lửa theo dây cáp bò nhanh đến trạm biến thế. Tích tắc sau, ngọn lửa ùa vào máy biến thế cháy bùng lên...Thế là không thể cứu chữa được nữa! Cháy rồi. Mấy đồng nghiệp đi trước vào sâu trong lò, còn lại một mình. Cắt điện. Phái chạy tới trạm biến thế dơ tay lên cắt cầu dao. Điện trung áp ba trăm tám mươi vol, hút chặt bàn tay Phái, người nóng ran, ngã sấp mặt xuống vũng bùn, ướt, lạnh, ú ớ kêu lên: Cứu ...cứu...! Giây phút sau tỉnh lại. Dòng điện ngắt rồi nhưng sợi giây cáp vẫn còn đang cháy. Phái quỳ gối bò thên vài bước nữa lấy tấm thân ướt sũng đè lên giây cáp, dập lửa...

Đồng nghiệp vội vã chạy ra, Phái khẽ rên rỉ và kêu khát nước. Mắt anh mở to, trợn ngược, dẫy đạp, chiếc ủng cao xu ở chân phải cháy xém tung ra, lột đi một mảng da đỏ ửng...

Huệ vội vã chạy theo dòng người từ khu tập thể vào mỏ. Họ gọi nhau í ới: "cháy lò", "chết người rồi". Đi ngược lại, chiếc xe cứu thương kéo còi inh ỏi, đèn đỏ quay như chong chóng trên nóc, dẹp đường. Ai ở trong xe? Chẳng biết. Anh thợ lò nào? Chẳng hay.

Chiếc xe quen thuộc của giám đốc phanh kít trước mặt Huệ. Bước xuống, ông đẩy Huệ lên xe, đuổi theo chiếc xe cứu thương, nhưng không đi nổi vì người đông quá. Chưa ai nói gì, Huệ hiểu ngay:

- Anh Phái nhà cháu làm sao đấy ạ?

Nói rồi Huệ móc túi lấy khăn, những quầng đen, quầng đỏ lóa lên, nước mắt trào ra.

- Đừng khóc cháu ơi, nhờ  trời rồi mọi  chuyện  sẽ qua thôi mà.

Tiếng giám đốc đứt quãng, giọng run run không hiểu đó lời động viên hay lời chia buồn. Bàn tay to lớn của ông nắm bàn tay nhỏ bé của Huệ:

- Không sao đâu...Bệnh viện Mỏ có những bác sĩ giỏi, thuốc men đầy đủ, nhất định nhanh khỏi thôi mà...Chuyện gì mà chẳng xẩy ra...Khi làm việc cũng như khi ra trận...Cũng có những viên đạn lạc...Tin như vậy đi cháu.

2

Hôm ấy, Hội Thao diễn kỹ thuật đào lò nhanh của các thợ lò ở các mỏ hầm lò Hà Sú, Thắng Lợi, và mỏ Mùa Xuân là chủ nhà. Không vào được trong lò, mọi người tập trung ngoài bãi thải ngay cửa lò, Huệ và mấy chị em từ lò Thắng Lợi đi động viên cổ vũ đã chuẩn bị sẵn những bi đông nước gạo rang chuyển vào. Hàng trăm người quây quanh cửa lò, hò reo: Mùa Xuân ơi cố lên, kiện tướng Hà Sú vô địch... Ai cũng biết rằng hô to đến mấy thì các kiện tướng ở trong lò cũng không nghe được. Nhưng những âm thanh ấy đã tạo thành một làn sóng, dội vào vách lò, vang vang bất tận lòng người... 

Lễ Tổng kết, tổ chức ngay cửa lò, sân khấu ngoài trời là bãi thải rộng. Các thợ lò còn nguyên mồ hôi, lấm lem than bụi, đôi mắt và ánh đèn trên mũ, ba con mắt sáng rực, nụ cười tươi, miền tự hào của thợ mỏ. Trong sự hồi hộp của mọi người, Trưởng ban Tổ chức công bố kết quả:

- Giải ba là Hà Sú. Giải nhì là...

Ông Trưởng ban ngừng một lát, nhìn các gương mặt thợ lò, ai nấy đều đỏ rực, xóa đi mọi vất vả lam lũ, trái tim đập mạnh, hai bàn tay gân guốc nắm chặt. Ông Trưởng ban xướng nhanh:

- Giải nhì thuộc về đội Mùa Xuân.

Cả đám đông nhẩy lên hò reo, thế là giải nhất thuộc về đội Mỏ than Thắng Lợi. Các chàng trai thợ lò, các cô gái mỏ, các quý khách ôm nhau, mừng mừng tủi tủi, áo quần ai nấy đều nhọ nhem. Mồ hôi, than bụi và nước mắt bao đời nay đã mang lại vinh quang cho ngày hôm nay.

Ôm Lục Văn Phái đội trưởng Đội đi lò Mùa Xuân, hai người nhận ra nhau, Huệ giật mình gọi to:

- Có phải Phái không?

- Huệ! Phái đây.

Cả hai không nói lên lời, kéo nhau ra khỏi đám đông...

3

Cha mẹ mất trong vụ nước lũ, nhà cửa trôi hết, Huệ nằm trên bè chuối trôi dạt vào bờ, được cứu sống. Côi cút, lê la ăn xin ở đầu chợ. May, gặp bà Thiêm ở mãi tận Mỏ Mùa Xuân mang về nuôi. Huệ dần dần lớn lên, phổng phao, đẹp gái. Phái con trai ông Thiêm, hơn Huệ hai tuổi, hai người luôn ở bên nhau, không biết phân biệt trai gái, nhường nhịn đồ ăn và đánh khăng, đánh đáo. Ông Thiêm thòm thèm, công của mình nuôi, cho thằng khác hưởng sao được. Huệ sợ quá bỏ nhà đi, đến cầu Khỉ, Phái chạy theo kéo giật lại:

- Huệ đi đâu?

- Không biết!

- Không được, về.

Hai người giằng co, Huệ đẩy mạnh, Phái ngã xuống ruộng, ù té chạy...                       

Lang thang hết nơi này, nơi khác, cuối cùng trụ lại ở khu lán thợ Thắng Lợi. Không nhà, không nghề nghiệp, chẳng biết làm gì. Hàng ngày qua lại phố Tây, nơi bọn chủ mỏ thực dân Pháp ở. Không chồng, mà nhiều đàn ông,  thi thoảng lại thấy ở nhà ông Tây nào đó đi ra, cái tên gọi Huệ "lò chợ" là thế. Huệ chẳng còn nhớ tự bao giờ, ai dắt qua cổng nhà quan Bataille. Đêm đầu tiên, thì nhớ đời, quan xa nhà, xa vợ, mê mẩn người con gái An Nam trinh tiết. Huệ ngượng ngịu, bỡ ngỡ lại càng làm cho Bataille thêm sung mãn. Xong cuộc Huệ nhận được bao nhiêu là tiền, ăn xài, nuôi thêm thằng Tống đội than vẹo xương sườn mấy tháng liền. Một lần ấy thôi, Bataille chuyển đi đâu mất, không biết nữa. Những thằng sau này, hành hạ dã man, lại gơ răng đê, vớ được con gái An Nam như chó Béc giê vớ được cục thịt. Nó ra sức cấu xé, cắn, gặm khắp thân thể tím bầm. Một lần bà Thực ở làn thợ, thấy Huệ đi qua quán, gọi vào, nói: "Này bà bảo, cháu tìm việc gì mà làm, đừng để người ta gọi Huệ "lò chợ" nữa". Quý mến bà, Huệ chân thật không giấu giếm, vạch áo cho bà xem. Da trắng nõn, đôi vú căng nẩy, hai núm nhỏ xinh hồng đào, nhưng chao ôi, trên mình đầy vết tím bầm! Huệ nói như rên: "lò chợ" là thế này đây bà ạ! Cái thân nô lệ không phải chỉ có phu tầng, phu lò. Biết làm sao được?

Bà Thực quay mặt đi, nuốt những giọt nước mắt, mặn như nước biển...    

4

Huệ đi, Phái buồn mãi. Lò Mùa Xuân ngập nước, đóng cửa, ông Thiêm đi lính cho Pháp ở đồn Lê Dương, trong một trận càn ông bị bắn chết ở Cầu Khỉ. Sau Giải phóng Vùng Mỏ, Mùa Xuân được khôi phục, mở lò giếng đứng, Phái vào làm công nhân đào lò...

Bao nhiêu năm rồi, hôm nay tình cờ lại gặp nhau. Bà cai Thiêm, chấm giọt nước mắt lăn trên gò má nhăn nheo, nói:

- Con ạ! Quá khứ đã qua rồi. Thằng Phái nhớ con lắm, mẹ nói thế nào nó cũng không chịu lấy vợ, một mực chờ con trở về.

Đột ngột, Huệ chưa biết nói gì, bà cai Thiêm tiếp lời:

- Mẹ biết rồi. Ngay từ đầu mẹ đã nhận ra, các bác trong đoàn Thắng Lợi đã kể hết, con về đây để kích lệ anh em đào lò, nhưng thâm tâm con, còn nghĩ đến mẹ, đến thằng Phái. Thương con quá. Không có gì đắt giá bằng chính mình đâu con ạ.

Nói rồi bà cầm bốn bàn tay của hai người chụm lại:

- Các con hãy thương yêu nhau, cho mẹ mừng, mẹ già rồi, cầu Khỉ vẫn là nơi hẹn hò đấy con.

Giám đốc Văn Hồng hiểu hết câu chuyện ông vui vẻ nói:

- Hệ thống băng chuyền Mùa Xuân sắp hoàn thành, bác sẵn sàng nhận cháu...

5

Ô tô chạy sao mà lâu thế, Huệ cảm thấy nó di lạc đường. Con đường này quen thuộc vào rừng mơ, chỉ một loáng là đến Bệnh viện. Cứ thế này, khéo anh ấy chết mất...

Cuối cùng cũng đến, bật tung cửa xe, Huệ chạy vội theo dẫy hành lang dài của bệnh viện và dừng ngay trước cửa phòng cấp cứu. Cô y tá ngăn lại, khép cửa phòng, đèn đỏ bật, đang cấp cứu. Mắt Huệ tối sầm, nhìn qua ô cửa kính mờ, một cuộn băng thấm máu trên chân và ngực chồng. Những tà áo trắng hối hả, lặng lẽ bên giường bệnh...

Mở mắt ra, Huệ ngơ ngác hỏi người ngồi ở cuối giường:

- Đây là đâu? Anh là ai?

- Em tỉnh rồi à? Chiều qua em bị ngất trước cửa phòng cấp cứu. Bác sĩ đưa vào đây cho yên tĩnh, anh chăm sóc em suốt đêm mà!

- Anh Phái thế nào rồi anh ơi?

- Em yên tâm, các bác sĩ đang hội chẩn.

Huệ ngồi bật dậy:

- Cho em sang gặp anh ấy đi.

- Em phải ăn đã. Anh đút cháo cho em nhé?

- Anh là ai ạ?

- Em không nhận ra à? Anh là Trung lái máy xúc, bị giam ở dưới hầm chủ mỏ đây mà!

Huệ đột ngột ôm Trung nức nở:

- Cứu nhà em với anh ơi! Nói rồi ngơ ngác hỏi lại. Sao anh lại ở đây?

- Trước khi nghỉ hưu, anh được về đây nghỉ dưỡng ít ngày. Nhìn thấy em nằm ngất trước phòng cấp cứu, anh  nhận ra ngay.

Nguyễn Tiến Trung cố cho Huệ ăn hết bát cháo. Không hiểu vì tuổi gìa sắp nghỉ hưu hay cảm xúc nào đó mà Trung rưng rưng nước mắt. Những hình ảnh ngày ấy trong hầm giam của chủ mỏ, lần lượt hiện về:

...Chiều ấy, thấy lính sở dẫn ba tài xế Ben xuống nhốt ở hầm nước. Chả quen ai, nhưng thương quá, ai cũng bị đánh đau và trói chặt, không cho ăn uống gì. Huệ đốt đèn đất lờ mờ, mang theo bánh mỳ và nước uống, lò dò xuống hầm. Lò nước thì quen, cũng một vài lần Huệ trốn chạy đánh ghen, đi một đoạn, Huệ lên tiếng gọi:

- Có ai ở trong đó không?

Không có tiếng trả lời, Huệ gọi tiếp:

- Có ai ở trong đó không?

- Khát lắm, cho tôi uống nước!

Giơ đèn lên soi, Huệ nhìn rõ anh tài ben quen quen mà không biết tên, ừ sao biết được, mỗi người một việc, phu mỏ thì đông. Cầm bi đông nước cho anh ta uống, Huệ hỏi:

- Có mình anh thôi à, còn ai nữa không?

- Có mình tôi, còn hai anh kia nó mang lên rồi!

- Mang đi đâu ạ?

- Làm sao biết được.

- Anh tên gì ạ?

- Tôi là Trung tài xế ben trên mỏ.

- Em tên Huệ, Huệ lò chợ ấy, anh có biết không?

- Không biết.

- Anh ăn bánh mỳ nhé, có cả ba tê nữa!

Huệ bẻ từng miếng, Trung ăn ngon lành, vừa ăn vừa thở, đói quá từ sáng đến giờ chưa được gì vào bụng. Hai tay vẫn bị trói quặt ra phía sau. Huệ loay hoay cửi, Trung nói:

- Không cần đâu em, thả anh ra thì nó giết em mất. Chỉ vài ngày nó phải thả, anh chịu được mà.

Huệ xoay người lại cho Trung nằm xuống, gối đầu lên đùi mình cho đỡ mỏi, kéo cái khăn đang quấn cổ đắp lên người Trung, nhè nhẹ nói:

- Anh ngủ một tý đi cho đỡ mệt!

- Cám ơn em!

Cảm động, cổ nghẹn chặt, mãi mới nói được:

- Em à! Sao em lại tốt với anh thế. Em là ai mà tìm được vào đây, không sợ à?

- Sợ gì chứ! Mai này cứ hỏi Huệ "lò chợ" là biết em thôi. Ngủ đi anh.

Bàn tay thon dài, nhè nhẹ xoa lên khắp người, hơi ấm từ người Huệ tỏa ra. Trung quên hết mọi đau đớn, trong đầu vang vang câu nói: "Lòng nhân từ sẽ luôn lớn hơn bất cứ tội lỗi nào". Trung ngủ thiếp đi...

Tiếng còi tầm từ trên núi Cốt Mìn hú vang, vọng xuống ngách hầm. Huệ vội vàng dọn dẹp đi lên. Trung một mình ngồi trong bóng tối, lạnh lẽo. Chờ đợi...             

Làn sóng khủng bố, rầm rập khắp vùng than Đông Bắc, báo chí đưa tin lan ra cả nước, vang ra thế giới.

Không chịu khuất phục, bất kể thiết quân luật, tất cả chị em ở trên tầng nghỉ việc, đội quân áo đen, chít khăn mỏ quạ ầm ầm tiến vào biểu tình đòi yêu sách, đòi trả tự do cho những người bị bắt.

"Không được bắt người, không được đánh đập. Phải làm nhà vệ sinh, nhà tắm cho chị em...Thả người của chúng tôi ra"...

Huệ ấp sau cánh cửa, nhìn đoàn người vây chặt cửa hầm, xô vào đón Trung trong tư thế hiên ngang, mạnh mẽ.

Những giọt nước mắt Huệ, lăn ra từ đôi mắt quầng đen, mất ngủ...

6

Trong phòng bác sĩ Nguyễn Văn Tống có ba bác sĩ phẫu thuật đang hội chẩn. Bác sĩ Tống không chen vào lời họ:

- Phần ngực và bụng bỏng độ hai. Toàm bộ đùi và bắp chân bỏng độ ba, nhiều chỗ tổn thương chạm đến mạch máu vào tận xương, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

- Hiện tại bệnh nhân không cảm thấy đau vì các dây thần kinh cảm giác đã bị tổn thương.

- Da có màu trắng sáp, sần sùi và sủi lên từng lớp.

Tất cả chống tay lên cằm suy nghĩ. Bác sĩ Tống, đặt cây bút xuống bàn, nói dứt khoát:

- Tháo khớp đùi!

Người nào việc ấy, tiếng dao kéo khô khốc, lạch cạch, ghê ghê...

Bác sĩ Tống mở cửa bước ra, Huệ quỳ trước mặt chắp tay lạy. Đỡ dậy, lùi lại một bước Tống ngây người, líu ríu:

- Chị Huệ, có phải không?

Nguyễn Tiến Trung đỡ lời:

- Vâng, chị Huệ vợ của bệnh nhân đấy ạ.

Không bước lên, Tống kéo mạnh chị Huệ về phía mình, ôm chặt:

- Chị! Em đây, thằng Tống rụt cổ ngày xưa đây mà.

Hầu như không nghe rõ câu nói ấy, Huệ thổn thển trong nước mắt:

- Không được cắt chân. Tôi không cho các người làm chuyện ấy!

Hai tay Tống giữ chặt Huệ, bốn con mắt nhìn thẳng vào nhau:

- Chị nhìn đây. Em là thằng Tống của chị? Hay bác sĩ Tống?

- Trời ơi, em!...

7

Đêm ấy, Huệ "lò chợ" đi về đến cuối đường thấy một cậu bé, co ro nằm dưới gốc cây sim, Huệ khe khẽ gọi:

- Ai đấy? Sao nằm ở đây, rét thế này!

Đặt tay lên trán, cậu bé nóng hầm hập, Huệ vội vàng lấy tấm khăn vuông đen trên đầu, ủ lên người cậu bé rồi cõng về chợ. Chợ lán Nam, "nhà" của Huệ. Đi đâu thì đi làm gì thì làm, đêm đến lại về đây trú ngụ. Mảnh bao tải là chiếu, cái áo tơi là chăn, mưa gió, nóng bức, bão bùng, co ro cho đến sáng. Cậu bé đang sốt, Huệ đặt nằm trên chiếc bàn tre của bà bán nước. Nhìn sang bên quán bà Thực có ánh đèn, Huệ chạy vào, lúc sau bà Thực mang cho bát cháo hành và chai rượu địa niền. Bà kêu ầm lên: "Ôi thằng Tống à?" Chả biết bố mẹ là ai, nhà cửa không có, sáu bẩy tuổi đi đội than cho cai tầng kiếm bát cơm, củ khoai, vạ vật cho qua ngày, qua tháng. 

Huệ thức thâu đêm ủ ấm, xoa địa niền khắp thân thể, cổ Tống rụt vào như con rùa, đầu cắm lên bờ vai ngắn tũn. Những thúng than nặng, ngày này, qua ngày khác đè lên, đầu tụt xuống, cứng đờ, nhìn sang trái, sang phải, kéo theo cả người cùng quay. Tội nghiệp quá, Huệ liều, chân đạp vào vai, hai tay cầm đầu kéo mạnh, cắc cắc, lôi ra được một tý. Tống kêu thét, xong thấy êm êm dễ chịu. Tạm vậy, làm dần may ra thì được...May mắn, Tống rụt cổ được Hội Chữ thập đỏ Quốc tế đưa sang Thụy Điển chữa trị và là nhân chứng cho sự bóc lột tàn nhẫn của Thực dân Pháp đối với người An Nam bị đô hộ. Rồi trở thành Bác sĩ.

8

Lần này thì Tống quỳ xuống xin Huệ:

- Chị ơi, không còn cách nào khác, tha tội cho em!

- Em đáp nghĩa như thế này sao?

Huệ dơ thẳng tay tát mạnh vào má Tống rồi ôm mặt khóc nức nở. Tống lúng túng khóc theo.

Bác sĩ cùng phòng hớt hải từ đâu chạy đến, đỡ Huệ dậy, lau nước mắt, lấy trong túi ra một gói nhỏ, nói:

- Chị ơi! Không có tấm khăn đen này của chị ủ ấm thì anh Tống đã chết ở gốc sim rồi. Suốt bấy nhiêu năm, em và anh Tống bôn ba khắp nơi, luôn mang theo làm niềm tin để trả ơn chị và những người cùng khổ đã giang tay cứu giúp. Chị bình tĩnh lại đi.

Huệ nhẹ nhàng áp tấm khăn lên ngực. Không phải kim cương, không phải vàng bạc, gấm vóc. Chỉ là mảnh vải của kẻ nghèo khổ. Nó đã đi theo những tấm lòng cao cả, nhân ái, vòng quanh quả đất, trở thành báu vật của tình yêu thương vô bờ bến. Huệ òa khóc, khóc rất to, gọi Tống, gọi chồng, gọi con...Lòng người ai mà không lay động, nước mắt trào ra nơi khóe mắt.

Tiếng chuông réo, đèn đỏ cửa buồng mổ quay tít.

Thều thào, Huệ nói: 

- Các em vào đi. Chị hiểu rồi!

Những tà áo trắng, những bước chân vội vã...

-------------------

* Truyện ngắn trong Tiểu thuyết "Bể than Đông Bắc" của Đặng Huỳnh Thái đoạt giải thưởng của Cuộc thi văn học viết về công nhân, công đoàn.