1. Mấy năm trở lại đây, tôi được Giời thương cho tiếp xúc với những người nổi tiếng hơi bị nhiều. Duyên Giời cho các QTV réo gọi tôi đi các buổi giao lưu nhóm có họ tới dự. Tôi tự nhận mình là cái đinh chỉ do thích sách, là độc giả hâm mộ các cuốn sách hay mới toanh toành toành, nên may mắn đã gặp, đã quen và được các nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt, Trung Sỹ, Nguyễn Trọng Luân, Lê Trí Dũng. Riêng nhà văn tôi chưa được diện kiến nhưng hay tặng sách cho tôi là anh Châu La Việt, Peter Pho ở gần hân hạnh được cà phê, ba nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung, Kim Dung Kỳ Duyên, Hồ Công Thiết và nhà Hà Nội học Ngô Thế Long gửi tặng sách kèm chữ ký tươi roi rói. Phấn khích khi được tin tác giả tặng, sung sướng nâng niu cùng trân trọng, bê về đọc luôn, cẩn thận lưu giữ một nơi riêng, tự hào là người nhà quê yêu sách. Các bác nhà văn nhà báo mà hẹn gặp, nhà tôi chẳng bao giờ có nửa câu từ chối, đi ngay và luôn. Bởi được chuyện trò với họ, học hỏi nhiều điều, kiến thức mình được mở mang mọi nhẽ, uống rượu nó vào thấy cuộc đời tươi hẳn lên!
Các cuộc gặp anh hào trực tiếp: Hữu Thỉnh, Lê Trí Dũng, Nguyễn Khắc Nguyệt, Nguyễn Trọng Luân, Trung Sỹ, Vũ Công Chiến, Phạm Ngọc Tiến, Dương Trung Quốc, Trần Tiến Đức, Ngô Thế Long, Phạm Kim Dung, Vũ Thị Tuyết Nhung, Thái Kế Toại... đem lại các ấn tượng đẹp long lanh, khó quên với các nhà nhiều chữ, đệ tử Lưu Linh, hào hoa tài năng... Nhà quê như mình cũng lấy làm hân hạnh, cạch chén rượu Bắc Cạn, dăm câu ba điều diện kiến, chụp ảnh chung, có cái để nuôi Facebook, kỷ niệm cõi mạng. Tuyệt đối không thấy người sang bắt quàng làm họ, vui là chính, nói cho vuông là thế.
2. Hôm nay thì đi gặp một người giữ lắm cái nhà: nhà báo, nhà văn, nhạc sĩ. Đương nhiệm là Tổng Biên tập Tạp chí điện tử. Cảm ơn bác ấy do tôi đăng bài trong nhóm Facebook "Chuyện làng quê" thi thoảng có tin nhắn của Tạp chí điện tử Văn hoá & Phát triển chọn đăng khoảng ba chục bài, cảm ơn ngài Tổng Biên tập hoá thành quen nhau:
Một người gầy tóp mi na
Nụ cười dễ mến, nói là rõ nhanh
Tâm sự giọng rất chân thành
Câu nào cũng toát tinh anh trải đời
Cái tuổi Bính Tuất người ơi
Tinh quân dọn để tươm rồi lại đi...
Tôi không bỏ sót kỳ nào của sê ri "Bê trọc" và "Ngân vang mãi giai điệu Tổ quốc," bình luận thật lòng, nghĩ sao biên thế. Qua điện thoại thấy ngài ấy cũng hoà đồng với người nhà quê như tôi, máu đọc liền mạch thì không chờ được, đặt vấn đề mua sách ngài ấy đọc ngay tắp lự, và lưu tủ sách gia truyền tôi cho con cháu những cuốn mình cho là hay mọi nhẽ... Để rồi ngài ấy hiểu lòng tôi, ngài ấy mời mấy lần đến tư gia "Cà phê hay rượu trà kiểu gì cũng được với anh nhể."
Tôi có tính tò mò, muốn biết các nhà văn nghệ sĩ kể ra cho mình biết hoàn cảnh đẻ ra tác phẩm cụ thể. Các vị ấy tửu lượng cao đến thế nào? Sao có nhiều cảm hứng tuôn ra òng ọc, cảm xúc tràn ầng ậc ra thế nhỉ, thi hứng thơ phiêu diêu, giai điệu nhạc thơ đều mượt mà sâu lắng cho con người ta nghe nhạc đọc trang sách "lịm thì là tía tô," vỗ đùi bồm bộp "Giỏi, giỏi đến thế là cùng. Tiên sư anh Tào Tháo." Văn tức là người, chả phải ai cũng viết được cả đâu nhá. Họ viết giỏi, ta đọc có cảm giác có mình trong đó, cũng nghĩ như vậy, cũng là người trong cuộc.
Tôi đặc biệt thích hai quyển sách của anh Phạm Việt Long viết. Hai quyển đó đều được trao tặng giải thưởng bao giờ thì tôi chả biết, đó là việc của các quan văn nghệ. Chỉ thấy ấn tượng:
Quyển "Bê trọc" cho cái nhìn chiến tranh nhân dân trần trụi sự thật, thấy cái sự hy sinh lớn lao của mọi người dân, cuộc chiến tranh ba mũi giáp công Chính trị - Binh vận - Quân sự đem lại thắng lợi, hoà hợp dân tộc... Cho Bộ trưởng Văn hoá khen viết thật, cho Bí thư Thành uỷ tham khảo khi bắt tay vào viết hồi ký của mình, cho mọi người thấy nhà văn nhà báo cũng là lính chiến thực thụ tại chiến trường.
Quyển "Ngân vang mãi g44`iai điệu Tổ quốc" như quyển lịch sử âm nhạc, các ca khúc được đăng toàn bộ lời hát, nó như thơ, như những câu gợi nhớ lịch sử của các cuộc kháng chiến 1945-200x. Đọc các ca khúc như chìa khoá mở miền ký ức riêng của mỗi người (hát với ai, hát ở đâu? thời gian nào?). Đó là cảm nghĩ riêng của tôi. Người có chữ là hay tập trung cao độ lắm nhé. Nom như chơi đấy mà vắt óc suy nghĩ để đến thời điểm gõ phím ràn rạt, quên ăn quên ngủ. Xưa nay tôi toàn chứng kiến các ca như vậy. Tôi nhòm thấy nhà anh Long cũng có cuốn tổng tập các ca khúc, không giở ra xem cũng thừa biết trong đó in các bản nhạc, mà bọn tôi hiểu tuyền son đen, rế đen, móc đơn móc kép gạch nhịp, ngoại đạo chẳng hiểu chi mô răng rứa. Cuốn sách anh Long viết, đọc nó vào và hát được ngay, có chi mô nớ...
Anh Long là người toàn tài, bên cạnh anh ấy toàn là những người tài giỏi, bạn bè giỏi giang thân thiết (Tỷ như NV Ma Văn Kháng, NSND Phạm Ngọc Khôi, NB Hồ Công Thiết, chuyên gia Công nghệ thông tin Nguyễn Chí Công thời kỳ Việt Nam ta lắp chiếc máy tính đầu tiên...) là thày cũng đúng, là đồng nghiệp, là những người cùng thời vào chiến trường bảy năm cùng giúp nhau mọi nhẽ cũng phải, là thời bao cấp vẫn vững lòng sáng trong viết sách báo phổ cập văn hiến xưa, văn hoá nay. Mặc dù toàn dân đang khốn khó hết chỗ nói, song nền giáo dục và văn hoá tốt đẹp, vẫn giấy rách giữ lấy lề.
Thấy bạn văn của anh tấp nập đến chơi hàng ngày, đàm đạo mà nể cái sức hoạt động của anh trong một ngày (lướt kiểm tra Tạp chí, đọc bài các nhóm Facebook, viết lời giới thiệu các cuốn người ta nhờ, còn viết sách viết nhạc và kiểm tra giai điệu ngay qua phần mềm Encore trên máy tính). Chuyện làng quê xúc tiến xuất bản ấn phẩm đầu tiên trình làng, anh Long viết lời nói đầu nghiêm cẩn chính xác... Tạp chí Văn hoá & Phát triển tích cực chọn đăng các bài viết hay của Facebook Chuyện làng quê, nâng đỡ nhiều cây bút trẻ vững tin bước tiếp.
Khoái cung cách "Anh tặng sách cho những người yêu sách thực sự, chứ tặng các quan chức họ có đọc đâu cơ chứ" (báo mạng kể ối vị có chữ, sợ tặng sách cho. Còn người dân diện suỳ tiền còm ra mua về đọc, sướng lịm đi… lịm đi khi vào cửa hàng sách cũ vớ được cuốn sách có chữ ký của tác giả).
Phục thay, thấy tại tư gia chị Nguyễn Kim Ngân, lãnh đạo nhà: trẻ mãi không già, hai Cách cách phương trưởng ở gần "có bát canh cần nó cũng mang cho."
Biết được nhiều điều thú vị từ đại ca, bài dài thôi đành chụp vội vài ảnh đăng thay lời.