DƯ LUẬN XÔN XAO VỀ “GIÃ TỪ”

Vừa ra mắt chưa đầy một tháng, tiểu thuyết “Giã từ” của Phạm Việt Long (NXB Dân trí ấn hành) đã tạo nên làn sóng xôn xao trên các diễn đàn chính thức cũng như trong dư luận xã hội. Bài viết, chương trình truyền hình thể hiện sự đồng cảm với “Giã từ” được đăng tải trên các báo lớn như Nhân dân, Quân đội Nhân dân, Tiền phong, Lao động, Thông Tấn xã Việt Nam, trên nhiều trang mạng, phát trên các đài truyền hình như Hà Nội, VTC… Trong sư luận xã hội, nhất là ở nhóm những người hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, “Giã từ” được bàn luận, giới thiệu với hướng chính là tán thành, khen ngợi.
bia-gia-tu-1718876127.jpg
 

 

Trên báo điện tử của Thông tấn xã Việt Nam (vietnam+), nhà báo Nguyễn Anh viết dưới cái tít “Giã từ”, một cuốn tiểu thuyết nóng hổi chuyện đời như sau: “Cuốn tiểu thuyết hơn 400 trang không phải quá dài nhưng dung lượng thông tin nén trong đó rất nhiều. Đó còn là xúc cảm - một thứ xúc cảm đầy suy xét, vượt xa cái cách thức “xây để chống” hay nói gần nói xa. Tác phẩm là sự trải nghiệm của một người sống sâu sắc đã “tích góp” lại để tặng cho người đọc. Đọc "Giã từ" chắc chắn người đọc nào còn “ngây thơ” sẽ “giã từ” sự ngây ngô ở tuổi trưởng thành của mình”…”Câu chuyện xảy ra ở một tập đoàn kinh tế - văn hóa liên doanh với nước ngoài, phản ánh những tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường, khi con người dễ bị biến sắc theo lợi ích vị kỷ và đồng tiền. Nhưng không phải chỉ là chuyện một liên doanh mà chuyện của cả một giai đoạn mở cửa. Giai đoạn chuyển tiếp, tranh chấp quyết liệt giữa cái cũ và cái mới, giữa cái tốt đẹp, chân thiện và cái xấu xa, quỷ quyệt.”… “Một dòng đời khá đen bạc, khá sóng gió từ bề mặt đến chiều sâu. Tất cả đầy căng thẳng. Từng nhân vật được tác giả dùng lối khơi sâu vào tâm hồn hoặc tâm địa. Những đen trắng khá rõ ràng.
Khi viết về nhân vật Lê Đản, cái cách dấn vào mạch nghĩ của nhân vật rất xấu này đã làm cho người đọc không ít lần cảm thấy “rùng mình.”  Việc mổ xẻ như “dẫn lối” cho độc giả vào trong những mưu đồ, những “cánh gà” của sàn diễn cuộc đời. Cách viết này không lạ nhưng lại làm cho tác phẩm rõ ràng sắc thái, không có kiểu đánh đố muốn hiểu thế nào cũng được”… “Tác giả gây sự bất ngờ cho bạn đọc khi ông viết về các ngang tắt làm ăn, mánh khóe lợi dụng báo chí, cách tổ chức ra các chuyện lình xình để hạ uy tín đối thủ. Những câu chuyện này khiến cho người đọc nghĩ đến việc “chuyển thể” thành phim truyền hình dài tập, pha tính chất vụ án sẽ khá hút người xem. Đó là các kiểu luồn lọt, tạo dựng, gây chuyện đáng… lạnh người”… “Một bạn đọc là giáo viên dạy Ngữ văn cấp Trung học phổ thông ở Hà Nội nói: "Đọc văn Phạm Việt Long thấy sự sắc sảo nhưng không hề gân guốc, thấy bộn bề đời sống nhưng vẫn có mạch nguồn mát lành để gợi về yêu tin. Hỏi ra, thì được biết, gần 10 năm trước, Phạm Việt Long đã bảo vệ thành công Luận án tiến sĩ ngữ văn với đề tài về tục ngữ, ca dao."

Trên báo Nhân dân, nhà văn Ma Văn Kháng viết một bài khá kỹ càng về “Giã từ” cũng như con đường sáng tác của Phạm Việt Long, trong đó có những đoạn như sau:

Đây là câu chuyện xảy ra ở một tập đoàn kinh tế liên doanh với nước ngoài, tại thời điểm hôm nay, lúc tất cả đang trong trạng thái mới bắt đầu bộc lộ những khía cạnh tiêu cực của nền kinh tế thị trường, khi con người dễ bị biến sắc theo lợi ích vị kỷ và đồng tiền, ở thời kỳ tranh chấp quyết liệt giữa cái cũ và cái mới, giữa cái tốt đẹp và cái xấu xa, giữa bảo thủ trì trệ và cách tân năng động, giữa đạo đức trong sáng và thói vụ lợi, tham lam, quỷ quyệt. Diễn tiến theo các sự việc, các nhân vật hiện lên với nhiều hình nhiều vẻ, phong phú và phức tạp đan xen. Ở đây người tốt thì thật tốt. Người xấu thì cực xấu. Và xung đột giữa hai lớp người đối lập này là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, tạo nên một năng lượng đủ sức duy trì lực hút của cuốn sách.

Rõ ràng là để viết cuốn tiểu thuyết này, nhà văn phải huy động một cách tổng lực vốn sống đã tích luỹ và sự từng trải của mình. Bóng dáng những người thật việc thật ở ngoài đời phảng phất đây đó trong các nhân vật tiểu thuyết mà người đọc quen biết ít nhiều đã có thể nhận ra, là một minh chứng cho nhận xét trên của người đọc. Nhà văn viết bằng gì, nếu không phải là bằng chính những tích lũy từ đời sống của mình?

“Giã từ” là một tiết đoạn trong bức tranh sống động hôm nay, một giai đoạn kỳ thú mà văn chương có thể và cần phải đem hết sức mình để miêu tả. “Giã từ” là một trong 51 cuốn tiểu thuyết đã lọt vào vòng chung khảo của cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn. Cùng với cảm nhận rằng đây là một cuốn sách có tính khuynh hướng cao, thể hiện rõ quan điểm của nhà văn, có màu sắc tố cáo và chống lại một cách không khoan nhượng cái xấu, cái tiêu cực, hấp dẫn, dễ đọc, nhiều người còn muốn gọi đây là một tiểu thuyết phóng sự. Tính chất phóng sự của cuốn tiểu thuyết! Nói vậy là có ngụ ý về sự hạn chế của sức khái quát, về hình bóng phôi thai của “cái thật” trong đời sống đang còn có chỗ rõ nét trong mỗi trang sách; tuy vậy, mặt khác nói vậy cũng lại giống như một gợi mở về tính xác thực, sự gần gụi mộc mạc, chưa cần đến gọt rũa, điểm tô, đắp bồi của các trang viết về cái phần đời sống thực đang hiện hữu ở lúc này, ngày hôm nay; để rồi một lần nữa nhận ra: đây chính là một mặt mạnh riêng của nhà văn Phạm Việt Long, nếu độc giả đã từng bị cuốn vào cơn say mê cuốn hút khi đọc “Bê trọc” của anh.

Tôi yêu những trang viết về ngày hôm nay, lúc này. Ngày hôm nay là cái đang diễn tiến ở trước mắt chúng ta. Nó đang hiện tồn. Nó chưa phải là cái đã qua, cái đã định vị, đã được đanh giá, để có thể tha hồ chiêm ngưỡng hoặc chê cười. Ngày hôm nay là cái chưa hoàn thành, cái còn dang dở, phải cất công mầy mò tìm hiểu. Ngày hôm nay là cái đang phải khám phá. Viết về ngày hôm nay là một thử thách với nhà văn, nhưng lại là một đòi hỏi ráo riết, một yêu cầu thiết tha của người đọc. Nói như vậy là tôi thực sự có ý ủng hộ cuốn sách của nhà văn Phạm Việt Long. Đây là một cuốn sách thuộc loại đề tài mà tôi và có lẽ là nhiều bạn đọc đang muốn tìm đọc.

… Đọc “Giã từ” của Phạm Việt Long, cùng với niềm vui thích vì được tiếp cận với đời sống hiện thực hôm nay, tôi nghĩ bạn đọc có thể còn được hưởng cái khoái cảm nghệ thuật trong các cách thức mà anh đã dùng để miêu tả cuộc sống nhiều hình, nhiều vẻ này; đúng như nhà văn đã từng viết: “Tôi sáng tác theo chủ nghĩa hiện thực, đồng thời vận dụng thêm các thủ pháp của phương pháp hiện thực huyền ảo, phương pháp tượng trưng, huyền thoại, ngụ ngôn... với hình thức giản dị, dễ hiểu, dễ đi vào công chúng”.

Trên báo Quân đội nhân dân, dưới đầu đề ‘’Phạm Việt Long: ‘’Giã từ để đổi mới’’, Tiến sĩ Nguyễn Hữu thức viết :

‘’Phạm Việt Long đã xây dựng được những nhân vật điển hình rất sinh động, có cá tính, tạo nên sức lôi cuốn cho tác phẩm. Thu Minh là một phụ nữ tiêu biểu cho lớp phụ nữ thời bao cấp, đồng thời tiêu biểu cho những người hăng hái vươn lên trong thời đổi mới. Trong con người chị, có hai cách sống tưởng như mâu thuẫn, có lúc đấu tranh với nhau, nhưng tựu trung lại hoà hợp và hỗ trợ nhau để đưa chị vượt qua mọi thử thách mà vươn lên. Một bên là lối sống thiên về tình thời bao cấp, một lối sống đầy sơ hở, dễ bị kẻ xấu tấn công và một bên là lối sống thiên về lý, đòi hỏi phải giàu nghị lực, phải sắt đá để chống lại những mưu đồ đen tối của những kẻ xấu. Nhờ sức khoẻ hơn người trời ban, nhờ nghị lực phi thường, nhờ tấm lòng nhân ái, Thu Minh đã thoát khỏi những cạm bẫy mà Lê Đản cùng những kẻ xấu giăng ra nhằm hãm hại chị và kéo lùi công cuộc đổi mới ở tập đoàn, không những vậy, còn cùng tập thể lãnh đạo đưa tập đoàn tiến lên một bước quan trọng. Đại hoạ sĩ Lếu tếu Lãi Nguyên tiêu biểu cho lớp người biết “tự cứu mình trước khi trời cứu”, sớm thực hiện các biện pháp quản lý tiên tiến cho nên chuyển mình khá nhanh từ cơ chế quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường. Đằng sau cái vẻ ngoài lếu tếu, “vui là chính”, Lãi Nguyên có một bản lĩnh vững vàng, một phương pháp làm việc khoa học, một uy tín cao tạo nên thương hiệu, cho nên anh đã thành công. Chủ tịch Mai Chính Trực được tác giả miêu tả qua các hành động thực tế và suy nghĩ nội tâm, là một người tận tâm với công việc, tận tình với đồng chí, đồng nghiệp và sống trong sạch, lánh xa “văn hoá phong bì”, một lòng một dạ vì sự nghiệp của tập đoàn, nhưng không thể thực hiện đến nơi đến chốn những ý tưởng đổi mới đầy tính nhân văn của mình, do bị cơ chế quản lý ràng buộc và bị những kẻ xấu kìm hãm. Lê Đản được tác giả khắc hoạ sắc nét, đa chiều, sống động bằng thủ pháp miêu tả hành động kết hợp với độc thoại nội tâm, là nhân vật chứa đựng trong mình mọi tính cách xấu xa của thời buổi thị trường: tham lam, dâm đãng, chạy chọt, nịnh bợ, thủ đoạn hèn hạ. Nhưng, theo thuyết nhân quả, Lê Đản gieo gió lại gặt bão, khi quan thầy của gã là đại sư phụ Tóc đen nhánh bị sa cơ, gã cũng bị lộ diện và phải bỏ trốn, trong khi vợ tự tử vì phát hiện ra rằng mình bị chồng phản bội, con bỏ đi hoang vì nhục nhã trước các hành động xấu xa của bố bị đưa lên mặt báo. Cựu chủ tịch tập đoàn Hoàng Phu cũng là một nhân vật gây ấn tượng sâu sắc, một nhân vật có một tính cách nhất quán, được bồi đắp từ thuở nhỏ tới khi đã về nghỉ hưu. Đó là con người thâm hiểm, quỷ quyệt, nhiễm vào máu thói đấu đá, lật đổ, vu oan giá hoạ, ham quyền lực và muốn dùng mọi thủ đoạn để níu kéo quyền lực, cũng là nhằm kéo lùi tiến trình phát triển của xã hội. Chính sự toan tính cá nhân và những hành động phản phúc của ông ta đã khiến ông ta trở thành kẻ tâm thần bệnh hoạn, làm khổ vợ con. Ở giữa hai tuyến nhân vật rạch ròi kể trên là một nhân vật cũng đầy cá tính. Đó là tổng giám đốc tập đoàn Lý Ngồ Ngộ, một kẻ xu thời, cơ hội, ngu dốt và hợm hĩnh, chỉ muốn bám lấy các đặc quyền đặc lợi mà mình có được từ thời bao cấp, ngầm đứng về phía những kẻ xấu để hãm hại Thu Minh. Kết thúc tác phẩm, Lý Ngồ Ngộ vẫn yên vị ở chức vụ tổng giám đốc, nhưng chuẩn bị phải đối mặt với cuộc đấu tranh của những người tích cực đòi bóc trần bộ mặt thật của anh ta.

Nhà văn Phạm Việt Long viết “Giã từ” với bút pháp hiện thực linh hoạt, vận dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật khác nhau, từ tả thực tới huyền ảo, ẩn dụ, phúng dụ, tượng trưng... tạo nên sự đa chiều, sinh động cho tác phẩm. Trong tác phẩm, có chỗ nhà văn kể chuyện, có chỗ nhà văn dựng chuyện, có chỗ nhà văn bình luận, tạo nên sự đa thanh cho tác phẩm. Bám sát số phận của các nhân vật, nhà văn miêu tả rất sinh động những nhân vật điển hình bằng những nét chấm phá sắc nét, giống như những bức ký hoạ của một hoạ sĩ tài ba. Đó đúng là những “người lạ mà quen biết”, vừa thực, vừa hư, vừa như là ai đó trong đời nhưng lại là nhân vật hư cấu của tiểu thuyết. Trên cơ sở miêu tả sâu các chi tiết, các số phận, các sự kiện, “Giã từ” đã dựng nên được một bức tranh xã hội khá rộng lớn, mang tính khái quát tương đối cao. Mặc dù tác phẩm đem đến cho người đọc dư vị chua chát bởi thói đời đen bạc, nhưng âm hưởng lạc quan, giàu nhân tính vẫn là âm hưởng chủ đạo, đưa người đọc hướng tới một tương lai tươi sáng. Có thể nói đây là một tiểu thuyết khá thành công ở chỗ vận dụng lối viết cổ điển kết hợp với lối viết hiện đại, vừa tuân thủ những chuẩn mực văn chương, vừa phá bỏ những khuôn mẫu quá chặt chẽ nhằm thể hiện sinh động nhất những nội dung cần chuyển tải’’.

Được biết, sắp tới, VTV1 sẽ giới thiệu ‘’Giã từ’’ trên chuyên mục ‘’Mỗi ngày một cuốn sách’’, và nhiều tờ báo khác cũng đã có những bài phỏng vấn nhà văn, những bài phê bình… Riêng Nghệ sĩ Nhân dân, đạo diễn Đặng Nhật Minh đã phát biểu rằng ông sẵn sàng viết kịch bản, đạo diễn phim truyền hình nhiều tập dựa trên tiểu thuyết ‘’Giã từ’’.