Được coi là bộ truyện cổ tích thời hiện đại, Bi Bi và Mặt Đen gồm năm cuốn: Bỏ bỉm, Mặt Đen tia chớp, Chuồn chuồn cắn rốn, Khám phá rừng thiêng, Thám hiểm vườn cổ tích, với hơn 1000 trang sách của 200 câu chuyện khác nhau xoay quanh hai nhân vật chính là Bi Bi và Mặt Đen trên bốn vùng không gian nghệ thuật: Nông thôn, thành phố, miền núi và vườn cổ tích. Những câu chuyện hấp dẫn, sinh động, pha màu huyền ảo giúp các em thiếu nhi nhận thức tốt hơn về cuộc sống và các kỹ năng sống thông qua giọng văn dí dỏm, gần gũi với tuổi thơ của nhà văn Phạm Việt Long.
Bìa bộ sách Bi Bi và Mặt Đen |
Đạo diễn, Nhà báo Nguyễn Quang Minh nhận xét: Bi Bi và Mặt Đen rất giàu tính điện ảnh, phù hợp để làm một bộ phim hoạt hình nhiều tập:
“Về cấu trúc, đây là loại sách trường thiên, có hai nhân vật xuyên suốt tác phẩm, được kể trong từng câu chuyện mang tính độc lập tương đối với nhau. Những phim truyền hình nhiều tập hiện đại cũng có cấu trúc tương tự. Nếu xem từ đầu đến cuối bộ phim, có thể hiểu được diễn biến của toàn bộ câu chuyện, qua đó thấy rõ tính cách và sự phát triển của từng nhân vật. Nhưng nếu xem từng tập phim riêng lẻ, vẫn có cảm giác đó là một tác phẩm trọn vẹn. Bộ sách “Bi Bi và Mặt Đen” nếu đọc trọn bộ, có thể thấy rõ sự lớn lên của hai nhân vật chính – lớn lên về tuổi tác cũng như tính cách, qua đó thấy được toàn bộ bối cảnh xã hội của hai nhân vật, nhưng nếu chỉ đọc từng truyện, vẫn thấy được hình ảnh trọn vẹn của nhân vật trong những cảnh huống cụ thể.
Về nghệ thuật biểu hiện, đây là loại tác phẩm giầu tính hành động. Hành động đó được diễn ra trong những câu chuyện đầy hấp dẫn và tập trung vào một chủ đề, khiến cho việc thể hiện thành phim hoạt hình sẽ có tính hấp dẫn. Chẳng hạn như chuyện Mặt Đen bắt cá, trên hồ nước mênh mông, các loài thi tài bắt cá, từ chim, rái cá, tới loài người mà Mặt Đen là đại diện. Cuối cùng, Mặt Đen chiến thắng vì có tài của tất cả các loài cộng lại. Hoặc chuyện con chuột lừa làm cho con chó đuổi theo vướng vào gốc nứa giập, cụt mất đuôi, sau này nhờ Bi Bi huấn luyện mà mọc lại đuôi, là câu chuyện vừa có tính bi kịch, vừa có tính lạc quan, với những cảnh đuổi bắt hấp dẫn…
Bộ sách còn mở ra một chân trời sáng tạo bao la cho những người làm phim qua sự tưởng tượng phong phú của tác giả. Với 4 vùng nghệ thuật: Thành phố, Nông thôn, Rừng núi và Vườn cổ tích, người làm phim có thể tạo ra những khung cảnh nhiều sắc thái, lạ, đẹp để làm nền cho những câu chuyện vừa có tính chân thực, vừa có tính huyền ảo, lung linh, cuốn hút. Ví dụ như truyên "Phượng hoàng và cây khế", sau khi Phượng hoàng giúp hai anh em người nông dân lấy vàng ở đảo về, cây khế được Bi Bi nhờ bác gió cuốn bay lơ lửng qua biển cả, tới hòn đảo mà Phượng hoàng sinh sống, làm quà tặng cho Phượng hoàng, là cái kết đầy sáng tạo của nhà văn, là gợi ý tốt cho người làm phim tạo ra những trường đoạn đầy tính điện ảnh.
Hi vọng những người làm phim, và cả những họa sĩ có khả năng vẽ tranh truyện, sẽ nghiên cứu kỹ bộ sách “Bi Bi và Mặt Đen” để chuyển thể tác phẩm này thành phim hoạt hình, truyện tranh, giúp cộng đồng có thêm những tác phẩm nghệ thuật hấp dẫn, giàu tính nhân văn, lại có ý nghĩa giáo dục sâu sắc.”
Bộ truyện là món quà ý nghĩa dành tặng các em thiếu nhi nhân dịp Tết Trung thu này.