Nàng

Có người bảo rằng Nàng có đôi mắt rất đẹp. Có người lại bảo rằng Nàng có cái miệng rất duyên. Họ nói đều đúng cả. Nhưng với tôi, cái đẹp nhất ở Nàng là giọng nói. Giọng Nàng, một phụ nữ, mà không thánh thót hoặc mềm mại. Giọng Nàng ấm, dầy và hơi sâu, như được phát âm từ trong tâm can nàng. Tôi cảm thấy giọng Nàng có hình khối, màu sắc, có sức nóng, hơn nữa, có vị ngọt đậm đà của thứ đường bát được nấu từ mật mía, nguyên sơ, tinh khôi của xứ Quảng.
hoa-nha-nhung-1718939664.jpg
 

Tôi gặp giọng nói ấy vào một đêm tối trời, khi đoàn cán bộ chúng tôi theo giao liên từ vùng Đông vượt Quốc lộ 1, lên căn cứ. Ai đã từng vượt Quốc lộ 1 thời chiến tranh, hẳn không thể quên cảm giác hồi hộp, lo âu khi chuẩn bị nhổm người, băng ngang đường. Phải thật im lặng và nhanh nhẹn, bám sát người đi trước. Chỉ sểnh chân một chút là lạc giao liên, có thể phải trả giá bằng cả sinh mạng của chính mình. Đoàn chúng tôi chỉ có sáu người, đều là cán bộ dân chính đi công tác vùng Đông trở lại căn cứ phía Tây. Khi chuẩn bị vượt đường, đoàn có thêm hai người ghép vào, một nam, một nữ. Đó là nghe giọng nói mới biết như vậy, chứ trời tối đen như mực, có nhìn thấy mặt ai đâu.

Cả đoàn tập trung ở một khoảnh ruộng khô, gần một đồn địch đóng sát bên Quốc lộ một. Đây là cách chọn vượt đường vừa khôn khéo, vừa mạo hiểm. Khôn khéo, bởi, gần đồn địch, thường không gặp các tốp lính đi tuần, vượt đường an toàn hơn. Nhưng, mạo hiểm, vì cần phải giữ thật bí mật, im lặng. Chỉ sơ sểnh một chút - gây tiếng động, hoặc lóe lên đốm lửa đầu điếu thuốc... là có thể bị lộ. Lúc ấy, sẽ lãnh hàng loạt đạn đại liên, có khi cả những trái đạn cối, trên đồn xối xuống. Tất cả im lặng, chờ giao liên bám đường, nếu an toàn sẽ quay lại dẫn đoàn vượt Quốc lộ. Đêm im lặng đến rợn mình. Làn sương ẩm ướt phả vào mặt nhớp nháp như hơi thở của thần chết lảng vảng kiếm tìm. Xa xa, bầu trời vùng Quy Nhơn có một quầng sáng do ánh đèn trong thị xã hắt lên, ánh sáng yếu ớt không đủ làm cho người ta nhìn thấy mặt nhau. Lắng nghe mới thấy có tiếng gì đó âm âm đều đều từ xa xa vẳng lại. Bỗng nhiên, từ phía Nam đường, một quầng sáng bùng lên kèm theo một tiếng nổ chát chúa. Rồi có tiếng súng AR15 nổ “Rẹt… rẹt…”, tiếng đạn M79 nổ “Pốc… đùng…”. Lẫn trong tiếng đạn nổ là tiếng người hô hét, la lối. Im lặng một lát, có tiếng súng AK nổ “Pằng… pằng…”, tiếng lựu đạn nổ “Uỳnh… Uỳnh…”. Màn đêm tự nhiên đóng sập lại. Tối đen. Im lìm.

Chúng tôi nằm lặng ngắt, người dán xuống mặt ruộng. Tôi hiểu rằng, ở phía Nam ấy, có đoàn người vượt đường bị trúng ổ phục kích của địch. Nghe tiếng nổ, biết rằng có sự giao chiến qua lại. Nhưng ai thắng, ai thua, ai còn, ai mất, chỉ có trời mới biết. Đang chìm trong suy đoán, tôi bỗng giật mình vì có tiếng đàn ông cất lên “Sao lâu quá…!”. Một tiếng phụ nữ chặn ngay: “Im nào!” - tiếng nói trầm trầm, âm âm nhưng đầy uy lực. Tất cả lại im lặng. Vừa lúc ấy, giao liên quay lại, khẽ búng tay ra hiệu mọi người chạy theo. Những bước chân gấp gáp nhưng cố đạp nhẹ lên mặt đất để khỏi gây tiếng động. Khom lưng chạy, người sau bám sát người trước. Đạp qua một đám ruộng nước xâm xấp. Bỗng mọi người dừng lại. Giao liên thì thào: “Chui qua cống để sang đường. Bám sát nhau!”. Cả đoàn lại thận trọng bước, chui vào cống. Chiếc cống này khá cao, mọi người có thể cúi lom khom mà chạy. Nước trộn bùn, gặp những bước chân đạp nhẹ, phát ra những tiếng kêu nhèm nhẹp. Gần ra tới cửa cống, chú giao liên đứng lại đột ngột, khiến cả đoàn dồn cục trong cống. Vừa lúc ấy, có tiếng ô tô rì rì, ánh đèn pha chiếu dọc đường khiến lòng cống cũng sáng lên nhờ nhờ. Chú giao liên giơ ngón tay ngang miệng, ra hiệu tuyệt đối im lặng. Trên Quốc lộ, ba chiếc xe quân sự nặng nề lăn bánh. Thình thịch, thình thịch ngay trên đầu… Tiếng xe ô tô xa dần, xa dần. Trời trở lại tối đen. Hú hồn! Nếu chui vào cống chậm một chút, chắc là vấp phải địch…

Ra khỏi cống, lại gặp một đám ruộng. Tiếp tục chạy. Vừa qua ruộng, bước vào một lạch nước cạn, thì tiếng người đàn ông lúc nẫy lại cất lên oang oang: “Chờ tôi với, chạy nhanh thế!”. Tiếng trầm ấm của người phụ nữ át luôn: “Im. Em phía sau!”.

***

Về căn cứ, tôi bất ngờ nghe thấy giọng nói trầm ấm của cô gái cùng tôi vượt đường dạo nọ. Bây giờ gặp lại, tôi chầm chậm nhìn Nàng để tìm cái vô hình trong Nàng, thứ đã ám ảnh tôi bấy lâu nay, đó là giọng nói của Nàng. Hình như khi thoát ra khỏi đôi môi nàng, giọng nói ấy còn vương vấn quanh tôi tựa một làn khói không màu mà có hơi ấm. Tôi nhận ra rồi, giọng nói ấy chính là kết tinh của những gì mà chúng tôi, những người sống ở Chiến trường, cần có, đó là nghị lực sống, nó cũng là biểu hiện của một tình yêu mãnh liệt. Rồi, tôi chạm đôi mắt Nàng. Đôi mắt đen, sáng, nhưng sao buồn quá! Đôi mắt như báo hiệu rằng rồi đây, cuộc đời Nàng sẽ lắm gian truân.

Nàng là cán bộ binh vận ở vùng Đông. Còn anh cán bộ cùng đi với Nàng hôm đó, là một thi sĩ làm việc tại Tiểu ban Tuyên truyền. Tôi cũng được biết, khi đi công tác vùng Đông, anh Thi sĩ được cơ quan phân công làm việc với Nàng ở bộ phận binh vận. Anh làm ca dao, hò vè. Nàng đánh máy, in rô nê ô gửi đi các nơi. Rồi Nàng được điều động lên Khu cùng anh. Tôi cũng nghe nói, một thời gian sau, hai người yêu nhau. Tình yêu của Nàng và Thi sĩ vừa mạnh mẽ, vừa lãng mạn - nó kết hợp tính cách của hai người. Trong bối cảnh ấy, Thi sĩ đã viết nên bài thơ “Hơi ấm rừng Chò” để tặng riêng Nàng. Ấy là nghe nói thế, chứ tôi không hề được tiếp cận bài thơ. Lúc này, tất cả cho kháng chiến, tình cảm riêng tư tạm dẹp lại, thơ tình cũng vậy thôi. Chàng Thi sĩ định đưa bài thơ đăng trên số Tạp chí văn nghệ, nhưng bị từ chối. Thi sĩ buồn lắm, nói: “Khu không xài được thơ tình của mình!” rồi xé luôn bài thơ vứt xuống suối. Nước suối vô tư cuốn trôi bài thơ tình về nẻo nào không biết. Buồn thì cứ buồn, nhưng cán bộ chiến trường không được ủy mị. Thế là, bao nhiêu năng lượng thơ, Thi sĩ dồn vào việc sáng tác ca dao, hò vè, diễn ca phục vụ nhiệm vụ chính trị.

Rồi một hôm, tôi nghe nói, Nàng bị điều lên Tây Nguyên, bởi đã quan hệ nam nữ bất chính với chàng Thi sĩ. Người ta quyết định tách họ ra làm hai ngả. Tôi hơi lạ, tại sao lại gọi là “bất chính”, khi cả hai đều son trẻ, chưa hề có người yêu chứ nói gì đến chuyện đã có vợ chồng? Tôi được nghe giải thích rằng, bất chính, vì họ cứ yêu đương ngang nhiên giữa lúc các đồng chí phải quên hết chuyện riêng tư để phục vụ kháng chiến. Họ dám dắt tay nhau đi trong đường rừng êm êm thảm lá rụng, trong mùi hương thoang thoảng của hoa Chò. Họ dám ôm hôn nhau bên bờ suối róc rách bản tình ca của thiên nhiên không bao giờ dứt! Những hành động ấy làm nao lòng những người đang quên mình vượt khó khăn, ác liệt ở chiến trường.

Khi Nàng được lệnh lên đường về Tây Nguyên, cũng là vào mùa mưa. Mới đầu mùa mà nước các con suối đã dâng lên lút bờ. Đi đường lúc này rất nguy hiểm. Nhưng, lệnh lên đường là lên đường. Vả lại, Nàng là người vùng biển, chẳng ngại gì sông nước. Chàng Thi sĩ quyết đi cùng Nàng một trạm giao liên, để tiễn người yêu về cõi mịt mùng, chưa biết bao giờ gặp lại, với cái cớ là đi cõng gạo cùng nhóm của Ban. Tôi cũng thuộc nhóm đi cõng gạo ấy. Và chúng tôi lên đường. Ở chiến khu, có nhiều chuyện ngược đời. Khi ở thành phố, chuẩn bị ra khỏi nhà, ai nấy quần áo chỉnh tề, đầu tóc mượt mà. Nhưng ở chiến khu, khi chuẩn bị lên đường, là anh em tụt quần dài, chỉ đánh cái quần đùi, với cái áo bà ba và cái mũ tai bèo; chị em vẫn mặc quần dài, nhưng sắn cao tới bẹn. Làm như vậy, để lội suối cho nhanh, những con suối luôn luôn cắt ngang đường đi. Nàng xắn quần gọn gàng, đôi chân dài, thuôn, khỏe khoắn nhưng vẫn có dáng vẻ mềm mại của thiếu nữ.

Khi vượt lên đỉnh một con dốc, chúng tôi xuôi xuống để đến một bến đò. Con dốc này dựng đứng. Đất đỏ bị trăm ngàn bước chân dày xéo đã nhão ra, gặp mưa trở thành loại nước bùn nhầy nhụa chảy thành dòng theo các lối mòn. Chúng tôi phải chống gậy, trượt dần từng chút một để xuống dốc. Chàng Thi sĩ cúm rúm, thập thò mãi mà không dám trượt xuống con dốc. Nàng đứng ở phía sau, đẩy nhẹ lưng chàng. Thi sĩ la lớn: “Chết tôi mất!”. Nàng nói như ra lệnh, vẫn bằng cái giọng trầm ấm đầy ma lực: “Xuống, có em đây!”.

Rồi cũng xuống đến chân dốc. Lúc này, đã có khoảng chục người ở bến đò. Anh lái đò bảo: “Lên đây sáu người, còn lại chờ chuyến sau!”. Mọi người ồn ào, lo lắng: “Tối đến nơi rồi, nước chảy xiết thế kia. Chờ, biết đến bao giờ?”. Có người chỉ tay vào một con đò đậu ven bờ sông, hỏi: “Còn đò, sao không chở?”. Anh lái đò trả lời: “Còn một đồng chí lái đò, nhưng đi cõng gạo, bây giờ đang ở bên kia sông!”. Nàng tiến lên, đứng trước anh lái đò, nói: “Vậy anh để cho em chèo. Qua bên kia, người bên anh chèo lại, được chớ?”. Anh lái đò nói: “Nước lớn, chèo đò đâu phải chuyện chơi, cô mà chèo được à?”. Nàng trả lời gọn: “Em dân biển, chèo đò là chuyện thường!”. Giọng nói nhẹ nhàng, kìm nén nhưng đầy sức thuyết phục. Anh lái đò gật đầu. Thế là nhóm chúng tôi lên đò!

Khi con đò ra được khoảng một phần ba sông, nước từ thượng nguồn đổ về dữ dội hơn. Nhìn dòng nước băng băng trôi, ai nấy hoa mắt. Một con sóng cuộn lên, đò chòng chành. Chàng Thi sĩ hoảng hốt: “Lật đò giờ. Chết mất!”. “Ngồi im!”, Nàng ra lệnh. Chàng Thi sĩ run rẩy bám lấy thành đò.

Có lẽ mưa ở thượng nguồn lớn lắm, cho nên nước đổ về xuôi cuồn cuộn. Nước chuyển màu, đỏ ngầu, sủi bọt, dâng lên cao kinh khủng. Lòng sông bỗng nhiên rộng ra một cách lạ lùng. Nước tràn qua phía tả ngạn. Dòng chính bỗng trở thành dòng phụ, còn nơi trước đây là bãi đá, lau lách, bỗng trở thành dòng chính. Nước cuộn băng băng, vít các ngọn cây xuống lúc thì chìm nghỉm, lúc lại nổi bập bềnh, rung bần bật. Nước cuốn những cây gỗ to hàng người ôm, những bè rác rưởi trôi veo veo, nhìn chóng mặt. Thỉnh thoảng, một cây gỗ lại đâm sầm vào một bụi rù rì, mắc kẹt ở đó, cản rác rưởi lại thành một đống lớn. Chúng tôi nhìn cảnh tượng hãi hùng ấy và lại nhìn Nàng, trao trọn số phận cho Nàng, người chèo đò kiên trung. Mặt Nàng lạnh tanh, không biểu hiện một cảm xúc nào. Hình như bao nhiêu nghị lực và cả tình yêu nữa, Nàng dồn hết vào đôi tay chèo đò. Bởi vậy, mặc cho sóng nước cuộn trào, con đò vẫn nhích dần sang bên kia sông.

Đò ra giữa dòng. Sóng càng xô dữ dội. Nhìn sang bên kia sông, tôi thấy một chiếc xuồng cao su chở hai người dập dềnh trên sóng nước, có lúc tưởng bị chìm nghỉm, rồi lại dềnh lên. Đúng lúc chiếc xuồng cao su chồm lên trên đầu một ngọn sóng, thì một cây gỗ lớn cỡ người ôm lao đến. Nhoáng một cái, không còn thấy chiếc xuồng cao su đâu nữa. Một người trong đoàn kêu: “Em ơi, quay lại thôi!”. Nàng trả lời dứt khoát: “Không được! Quay lại là lật đò!”. Với đôi tay vừa vững chắc, vừa mềm mại, Nàng giữ cho con đò thăng bằng, vững tiến. Đột nhiên, một cây gỗ lớn, cành, lá ngùng ngoằng từ thượng nguồn băng băng lao về phía con đò. Nàng bặm miệng, ghìm tay chèo, giữ con đò trôi chậm lại tránh cây gỗ. Ào! Cây gỗ băng qua, một cành lá sướt qua mũi đò khiến nó chòng chành. “Chết tôi rồi!” - Chàng Thi sĩ hoảng hốt la lớn và nhổm dậy. “Ùm!”, sóng dềnh lên, khiến Thi sĩ mất thăng bằng, nhào xuống sông. Tôi nhoài người, định túm lấy anh, nhưng không kịp. Một tiếng nói thảng thốt: “Anh ấy rơi xuống sông rồi!”. Tôi và anh bạn nhìn dòng nước theo hai hướng, hy vọng thấy Thi sĩ bám được vào cành cây nào đó. Nhưng, dù có căng mắt ra tưởng đến nổ con ngươi, chúng tôi cũng không thể nhìn thấy tăm tích gì của anh. Cô Tam, giao liên, khóc nức lên, người rung rung. Nàng bặm môi, nói gọn: “Ngồi im!” và vẫn chắc tay chèo đò, mặt đanh lại như tượng đá. Sông Tranh đã nuốt gọn chàng Thi sĩ. Tôi thấy thoáng qua trên gương mặt rắn đanh ấy lấp lánh mấy giọt nước mắt. Nhưng đôi tay Nàng vẫn mải miết chèo. Sinh mệnh của những đồng chí ngồi trên đò không cho phép Nàng lơi tay…

Cái chết của chàng Thi sĩ đã kéo Nàng trở lại Ban, không phải lên Tây Nguyên nữa. Án kỷ luật được xóa. Nhưng, Nàng phải bước vào cuộc tranh đấu mới. Trước khi lìa đời, chàng Thi sĩ đã kịp trao lại mầm sống nơi Nàng. Mang thai, sinh đẻ trong thời bình đã vất vả muôn phần, vậy mà Nàng phải nuôi mầm sống của chàng Thi sĩ đến ngày khai hoa trong hoàn cảnh vô cùng ác liệt, gian khổ của chiến trường. Tôi đã thấy Nàng dùng khăn quấn chặt bụng, trên vai mang gùi gạo nặng năm chục cân, kiên nhẫn lần từng bước đường rừng đầy vắt, vượt những con dốc dựng đứng, trơn tuột, hoàn thành nghĩa vụ gùi cõng lương thực như một cán bộ bình thường. Cũng may, lúc này, quân ta đang ở thế tấn công và nổi dậy tiến tới toàn thắng, cuộc sống ở chiến khu đỡ khổ hơn, cho nên khi sinh hạ, Nàng được vào Bệnh viện của Khu. Rồi, khi con còn đỏ hỏn, Nàng lại địu con vào cơ sở sản xuất để tham gia trồng sắn.

***

Tôi không muốn kể lại những nỗi thống khổ mà Nàng phải vượt qua để vừa hoàn thành công việc của một cán bộ Tuyên truyền giữa đại ngàn Trường Sơn, vừa nuôi con khôn lớn, bởi có kể thế nào cũng không lột tả được hết chuyện đời nàng. Tôi chỉ nhắc đến tiếng ru của Nàng trong những đêm thanh vắng mà tôi được nghe. Tiếng ru vượt khỏi mái lều nhỏ lợp tranh của hai mẹ con Nàng, lan tỏa trong rừng, gặp những tán lá cây dội lại, tạo nên một thứ âm thanh thật là diệu kỳ. Như tôi đã nói, giọng Nàng trầm ấm, cho nên tiếng ru của Nàng cũng luôn luôn ở những cung trầm, êm đềm, bả lả, ngọt ngào, như một làn khói chứa đựng hơi ấm của lửa, lan tỏa, luồn lách, thấm dần vào gan ruột người nghe. Nằm trên võng ở căn lều cách đó không xa, tôi cảm thấy võng cứ đung đưa, đung đưa theo lời ru. Tôi nghe rõ từng câu từng chữ trong lời ru của Nàng, đó chính là những câu ca dao, dân ca xứ Quảng, thứ nghệ thuật dân gian có sức sống diệu kỳ. Nghe lời ru, tôi không thấy nỗi khổ đau hay oán thán nơi Nàng. Lời ru nói lên cảnh cơ hàn mà người nông dân xứ Quảng phải vượt qua. Lời ru nâng giấc những đứa trẻ từ khi còn nằm trong nôi và nâng bước chúng khi dò dẫm những bước đi đầu tiên. Lời ru tiếp sức mạnh cho các chàng trai khi họ trưởng thành, xả thân lao động và đánh giặc, xây dựng và bảo vệ làng quê. Nhiều lắm những đêm tôi được đắm mình trong lời ru như thế. Có khi, đang li bì trong cơn sốt rét run cầm cập, tôi bỗng thấy có ai đó vuốt nhẹ má mình, có hơi ấm phả vào mặt mình, tôi choàng tỉnh và nhận ra, đó chính là lời ru của Nàng. Nàng ru con Nàng, nhưng tôi được hưởng trọn thứ sinh lực dồi dào nơi giọng Nàng. Thứ sinh lực âm thầm và vô hình vô dạng ấy đã giúp tôi vượt qua những trận ốm đau, những phút yếu lòng để vươn lên hoàn thành nhiệm vụ, cùng đồng đội đi tới ngày đất nước giành được độc lập, Nam - Bắc một nhà.

***

Sau bao thay đổi của cuộc sống, bất ngờ, tôi gặp Nàng ở Hà Nội. Đứa bé đỏ hỏn nơi chiến khu ngày nào, nay đã trở thành một thanh niên cao lớn, với mái tóc dày, xoăn tít giống như Thi sĩ - bố cháu. Cháu đã đỗ đại học và chuẩn bị nhập trường. Nàng đã trở thành một thiếu phụ với dáng đậm hơn, đằm thắm, mặn mà hơn hồi thanh xuân. Và, cái giọng ấy, cái giọng trầm trầm, âm ấm của Nàng, vẫn không trộn vào đâu được, nhưng hình như có dầy dặn hơn đôi chút. Nàng thủ thỉ kể cho tôi nghe chuyện Nàng ôm con ra Bắc, chịu mọi gian khổ để học hành, chuyên tâm với nghề báo, bây giờ đang làm Tổng Biên tập báo Tiếng dân. Lúc Nàng theo học đại học, đất nước ta còn trong thời kỳ bao cấp, khó khăn, thiếu thốn đủ điều. Hưởng có 75% lương, một mình vừa nuôi con, vừa theo học, Nàng phải tằn tiệt và vắt kiệt sức ra lao động. Nàng hiểu, bây giờ, cần giữ được lòng dũng cảm, sự kiên trung của thời chiến, để vượt qua những cam go, khắc nghiệt của thời hậu chiến, nhưng như thế chưa đủ. Phải học tập, có kiến thức, có phương pháp mới vươn lên đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống mới. Bài vở, bao giờ Nàng cũng học và làm chu đáo. Rồi, khuya lại, khi con đã ngủ yên, Nàng ngồi viết báo. Đó là cách mà nàng luyện bài học, đồng thời cũng là cách để nàng kiếm thêm đồng nhuận bút mua lon sữa, cân đường cho con. Chính nhờ vừa học, vừa làm như vậy, khi tốt nghiệp, cũng là lúc Nàng thành thạo nghề báo, để có ngày hôm nay.

***

Chưa kịp mừng, tôi đã chứng kiến tai họa đến với Nàng. Khi Nàng bảo Nàng đã kết hôn với một Nhà văn và bây giờ đang làm chủ thầu xây dựng, tôi đã ngờ ngợ. Nhà văn là nhà văn. Anh ta giàu cảm xúc, suy tư và thành thạo với những con chữ. Nhà văn, cũng như những nghệ sĩ thứ thiệt, có thể móc đồng tiền cuối cùng trong túi mình ra thết đãi bạn bè. Rồi mơ mộng. Rồi tưởng tượng. Rồi hư cấu. Anh ta có thể xây dựng nên cả một tòa lâu đài chỉ sau một đêm thức trắng với trang giấy. Nhưng, đó là lâu đài trong tưởng tưởng và cho tưởng tượng. Còn, trong thực tế, quản lý cả một công trình xây dựng, mơ mộng sao được. Ấy vậy mà, thời gian đầu, do mấy anh bạn làm lãnh đạo vốn yêu văn chương, đã giúp Nhà văn được nhận mấy công trình, thu về tiền tỷ. Thắng lợi làm cho Nhà văn tự tin, vươn lên làm ăn lớn. Cũng nhờ các mối quan hệ quen thân, anh được giới thiệu với ngài quan đầu một tỉnh miền núi. Nơi ấy đang chuẩn bị xây dựng khu hành chính tỉnh. Được quan đầu tỉnh hứa hẹn, Nhà văn hứng khởi, hứa lại luôn: “Tôi sẽ xây tặng anh một căn biệt thự, chỉ cần anh có đất!”. Nói là làm, sau khi tiếp nhận đất mà quan đầu tỉnh giao cho, Nhà văn móc tiền túi - vừa kiếm được qua mấy công trình trên đây - xây hẳn một biệt thự hai trăm mét vuông, xung quanh có vườn cây, hồ cá, thảm cỏ. Rồi anh được quan đầu tỉnh giới thiệu xuống quan cấp dưới. Quan cấp dưới cũng vui vẻ đón tiếp và hứa sẽ dành cho anh toàn bộ dự án, to lắm, tới cả ngàn tỷ đồng. Sau một bữa rượu với thịt rừng, Nhà văn lại bốc lên, hứa xây cho vị quan này một tòa nhà. Quan này kêu không có đất, không xây nhà, chỉ cần tiền mặt. Thế là Nhà văn về dốc sạch vốn liếng, giao hết cho quan. Biết đâu, thế là bước vào đầm lầy. Dự án có đấy, nhưng phải tham gia thầu, lại chạy vạy, quân xanh quân đỏ, tốn kém không biết bao nhiêu mà kể, mới được nhận công trình Hội trường tỉnh. Lúc này, vốn chẳng còn, phải đi vay mượn. Cứ thế, ngày qua ngày, Nhà văn trở thành con nợ, công trình không thể hoàn thành. Rồi một hôm, Nàng ngủ dậy, thấy cửa nhà toang hoác, mà lại không thấy chồng đâu. Từ đó, Nhà văn biệt vô âm tín!

Công trình dở dang thì cứ dở dang. Của Nhà nước, cứ để đấy rồi Nhà nước giải quyết. Nhưng những món nợ của mọi người, không thể nào để mãi được. Nhà văn vẫn lặn mất tăm. Nàng đành bán căn nhà đang ở lấy tiền trả nợ, thuê tạm căn phòng nhỏ để hai mẹ con tá túc. Nàng lại trở về những ngày tằn tiện, lao động cật lực. Bây giờ, không còn là lúc viết mấy bài báo, kiếm ít đồng tiền nhuận bút, mà là lo chạy những dự án, tổ chức những sự kiện lớn, kiếm tiền lớn và trách nhiệm cũng nặng nề hơn…

Khi con trai tốt nghiệp đại học, Nàng cùng con về quê, một vùng biển. Lúc này, đất còn rẻ. Với số tiền tích cóp qua bao năm tháng, Nàng mua được 600 mét vuông đất ở phía Đông thành phố, giáp biển. Chưa kịp xây dựng thì giá đất lên vù vù. Bán đi một nửa mảnh đất, Nàng có thừa tiền xây một căn biệt thự hai tầng lầu, có bể bơi xinh xinh, có vườn hoa nho nhỏ. Theo thời thế, Nàng biến căn biệt thự của mình thành một cơ sở du lịch. Cơ sở của Nàng đột nhiên đông khách “Tây” lạ kỳ. Ấy là do một sự tình cờ. Hôm ấy có hai khách “Tây”, một nam, một nữ vào thuê phòng. Tối mát, họ lên sân thượng ngắm trăng sao. Bỗng dưng, một giọng ca trầm ấm cất lên một làn điệu dân ca xứ Quảng. Đôi trai gái chợt như được đưa về một vùng quê với những hàng dừa xanh, dòng sông xanh, tất cả đều xanh dịu, quyến rũ đến nao lòng. Tiếng dân ca từ lầu một vang lên dặt dìu, tha thiết. Nghe mãi nghe mãi tới khi giọng ca im ắng, đôi trai gái nhẹ nhàng bước xuống thì thấy bà chủ nhà đang ẵm một cháu nhỏ, đung đưa đung đưa. Đứa bé đã ngủ, rúc đầu vào lòng bà. Đôi trai gái hỏi: “Bác vừa hát ru đấy ạ?”. Nàng cười, không trả lời thẳng vào câu hỏi: “Cháu nó phải nghe hát ru thì mới ngủ được!”. Đôi trai gái nhìn nhau cười đầy ý nghĩa - chỉ cần nghe giọng nói của Nàng là họ biết ai đã ca những bài ca ấm lòng đến thế.

Vậy là tối nào đôi trai gái “Tây” kia cũng lên sân thượng hóng gió lồng lộng từ biển thổi về và hóng giọng ca ngọt ngào của Nàng từ lầu một ngân lên. Sau đợt nghỉ dưỡng, đôi trai gái trở về Hà Nội tiếp tục học khoa tiếng Việt của Trường Đại học Tổng hợp. Mặc nhiên, họ trở thành người quảng bá căn nhà xinh đẹp và giọng hát đầm ấm của người đàn bà có sức quyến rũ diệu kỳ là Nàng. Khách đến nhà Nàng đều đặn và đông đúc, đến mức Nàng phải “sẻ” bớt cho mấy homestay hàng xóm.

Nhà văn của Nàng vẫn như chim trời cá nước, biết nẻo mô mà tìm. Nhưng, nàng không cô đơn. Những người đàn ông đến với Nàng nhiều lắm, có những người ngỏ lời muốn chung thân với Nàng, có người ngỏ lời ong, xòe cánh bướm ve vãn, có người tặng nàng những bài thơ tình ướt át. Trong số họ không ít người bị cuốn hút bởi giọng nói trầm ấm và giọng hát ngọt ngào của Nàng. Thế nhưng, Nàng cự tuyệt hết thảy. Nàng đón tiếp họ, mời họ trái cây, bia rượu và đồ nhắm, cũng có lúc Nàng hát cho họ nghe, hoặc đơn thuần, họ chỉ nghe giọng nói của Nàng cũng thỏa nỗi ước mong lắm rồi. Đôi lúc, vào thành phố biển, tôi cũng đến nhà Nàng để được nghe giọng Nàng nói, được cùng Nàng ôn lại những kỷ niệm thời chiến khu. Đó cũng là ngọn lửa nồng ấm tiếp thêm sinh lực cho tôi.

***

Một dạo, Nàng bị đau cột sống, phải ngồi xe lăn. Nhiều người đàn ông đến thăm Nàng. Nhưng đàn ông là đàn ông, không thể chu đáo như đàn bà, cho nên họ cũng chỉ động viên, quà cáp cho Nàng, chứ không thể chăm bẵm Nàng được. Nàng phải nhờ một cô cháu ở quê lên đỡ đần. Nàng nói với tôi rằng Nàng vừa phải xoa bóp, bấm huyệt, vừa cố lần dậy tập tành để thoát khỏi chiếc xe lăn.

Có một thời gian dài, Nàng được ra biển hóng gió, phơi nắng sớm. Chuyện này, Nàng không kể mà do cô cháu gái Nàng khoe. Tôi hỏi:

- Vậy cháu làm sao mà chuyển xe lăn cho dì ra bãi biển được?

Cô cháu gái đáp:

- Có một bác chuyển giúp!

Cô cháu kể thêm: “Khi dì cháu phải ngồi xe lăn, thì bác ấy đến, bảo mình là nhà văn, đến thăm dì. Bác người nhỏ, săn, da ngăm đen… Từ đó, hằng ngày, cứ sớm tinh mơ là bác đến, cùng cháu đưa dì và chiếc xe lăn ra đường. Xong, bác ấy bảo cháu về chuẩn bị bữa sáng, rồi lững thững đẩy xe lăn đi. Cháu nghe hai người chuyện trò vui vẻ lắm”.

Tôi sững sờ khi nghe cô cháu gái nói đến bác Nhà văn. Theo sự miêu tả của cô, thì đó đúng là Nhà văn chồng Nàng, đã biệt tăm mấy chục năm rồi. Tôi hỏi thêm:

- Thế bác ấy có nói hiện nay đang làm gì, ở đâu không?

Cô cháu gái trả lời:

- Dạ không ạ. Mà, từ khi dì khỏi bệnh, cũng chưa thấy bác ấy đến!

Dừng lại ngẫm nghĩ một lúc, cô cháu gái khẽ khàng bảo tôi:

- Có chuyện này lạ lắm, bác muốn nghe không?

Tôi gật đầu và ngồi gần lại cô gái. Vẻ mặt nghiêm trang, cô kể với giọng lên bổng xuống trầm đầy cảm xúc:

- Lạ lắm, bác ạ. Cùng thời gian bác Nhà văn đến, cứ tối tối, cháu lại thấy một bác dáng người tầm thước, có bộ tóc xoăn, đến ngồi ở gốc cây lộc vừng bên cổng nhà cháu. Cháu hỏi chuyện, bác ấy bảo bác ấy là thi sĩ kiêm thầy lang, đến để chữa bệnh cho dì. Cháu mời, nhưng bác ấy không vào, giải thích là phải ngồi ở đây mới truyền được năng lượng cho dì. Bây giờ, dì khỏe rồi, nhưng thỉnh thoảng, vào ngày rằm, mùng một, cháu vẫn thấy bác Thi sĩ đến…

Thi sĩ ư? Theo lời tả của cô cháu gái, đúng là chàng Thi sĩ ở căn cứ hồi nào, người tầm thước, có mái tóc dày và xoăn tít. Nhưng, chính tôi chứng kiến, Thi sĩ đã bị dòng sông Tranh nuốt chửng từ mùa mưa năm ấy. Hồi đó, chúng tôi phải đi dọc hai bờ sông suốt một tuần lễ mới vớt được thi thể anh - bị mắc vào bụi rù rì bên một ghềnh đá. Tôi còn dự lễ truy điệu anh và anh cũng đã được công nhận là Liệt sĩ rồi cơ mà! Bây giờ, anh lại xuất hiện, mà còn là thầy lang nữa? Chuyện thực hay huyền thoại đây?

Giọng cô gái vẫn trầm bổng bên tai tôi:

- Bác có tin không? Mời sao cũng không được, cháu đành để bác ấy ngồi bên gốc lộc vừng. Nhưng, chỉ một lát sau khi vào nhà, cháu thấy căn nhà bỗng ấm lên và thoáng đãng lạ lùng, như có một luồng khí tâm linh bao phủ. Rồi, văng vẳng bên tai cháu là tiếng đàn sáo dặt dìu, mùi hoa thơm thoang thoảng.

Tôi hỏi:

- Thế dì có nói chuyện với bác Thi sĩ - Thầy lang không?

- Ôi, lạ lắm. Cứ mỗi lần cháu đưa dì xuống, mở cửa, thì lại chẳng thấy bác ấy đâu, chỉ còn thoang thoảng mùi hoa… Hay là vong hồn người thân hiện hình giúp dì cháu khỏi bệnh?

Tôi không hỏi thêm và cũng không cố tìm hiểu về hai người đàn ông đầy tình nghĩa thoắt ẩn thoắt hiện đó. Chỉ cần nghĩ rằng, ở buổi chiều tà của cuộc đời, Nàng vẫn sống đầy nghị lực, được bao người quan tâm và còn có cả âm hồn phù trợ, là tôi vui lắm rồi.

***

Một vài người khoe với tôi là Nàng có nhiều người yêu lắm (yêu Nàng, chứ không phải là người yêu của Nàng). Tôi tán thưởng và bình một câu: “Nàng xứng đáng được nhiều người yêu như thế!”. Người bạn hỏi lại tôi: “Vậy anh có yêu Nàng không?”. Tôi trả lời thực với lòng mình: “Không, tôi không yêu Nàng. Nhưng tôi yêu số phận của Nàng và cách mà Nàng vượt qua những thử thách của số phận! Nếu nói thêm, thì tôi cũng yêu giọng nói của Nàng!”.

Hà Nội, đêm 10/11/2020