Có một số đặc trưng riêng trong mối quan hệ giữa ca từ và âm nhạc của các nhạc sĩ quân đội để xây dựng tác phẩm, đó là những nét giai điệu đẹp, tinh tế, giàu cảm xúc; tiết tấu điển hình tạo sự linh hoạt, khỏe khoắn và vốn ca từ phong phú, giàu hình tượng. Các nhạc sĩ quân đội bằng cảm xúc của mình, tinh thần lạc quan, yêu đời, chất lính đậm nét đã sáng tác rất nhiều ca khúc có giá trị, in đậm trong lòng khán giả bao thế hệ, từ những bài hành khúc cho đến tình ca… Để khắc họa hình tượng nghệ thuật về đề tài người chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, tình đồng chí, đồng đội… các nhạc sĩ quân đội đã rất khéo léo, tài tình trong việc kết hợp âm nhạc với ca từ. Chính mối quan hệ chặt chẽ giữa âm nhạc với ca từ có tính đặc trưng, quy luật trong ca khúc các nhạc sĩ quân đội đã góp phần tạo nên nhiều tác phẩm rất riêng, không thể hòa tan, trộn lẫn với các thể loại ca khúc khác.
Chúng tôi tìm hiểu, phân tích ca khúc của các nhạc sĩ quân đội, từ đó đã nhận thấy một số đặc trưng về mối quan hệ giữa ca từ và âm nhạc.
Hiện tượng đảo trật tự ngữ pháp của ca từ và mối liên hệ với âm nhạc
Trong ca khúc của các nhạc sĩ Huy Thục, An Thuyên, Ngọc Khuê, Đức Trịnh, Minh Quang, có hiện tượng đảo trật tự ngữ pháp của ca từ; ví dụ bài Bác đang cùng chúng cháu hành quân của Huy Thục, một số câu đảo trật tự từ như: “trùng trùng đoàn quân; lấp lánh soi sáng đường cháu đi”; trong bài Dấu tích thời mở cõi của Đức Trịnh có đoạn viết “ngút ngát mây trời soi bóng Đá Bia” hoặc trong bài Hành quân lên Tây Bắc của An Thuyên có các câu: “đi trong mênh mông đất trời non cao Hoàng Liên”;… Ở đây, các từ trùng trùng, lấp lánh, ngút ngát, mênh mông, non cao chỉ trạng thái, tính chất có ý nghĩa khắc họa đậm nét cảm xúc. Các từ này được đảo lên và đặt ở đầu mỗi câu mang lại hiệu quả trong việc nhấn mạnh yếu tố được đảo lên trước. Việc đảo trật tự từ rõ ràng là một thủ pháp đặc trưng của các nhạc sĩ quân đội, mang lại hiệu quả cao để tạo hình tượng âm nhạc. Khi các tác giả muốn vẽ lên cho người nghe khung cảnh tươi đẹp nơi người chiến sĩ đi qua, Huy Thục, An Thuyên, Ngọc Khuê, Đức Trịnh cũng như Minh Quang đã nhấn mạnh trạng thái, tính chất sự vật, khung cảnh bằng việc đưa những từ này lên trước, đồng thời âm nhạc cũng phải được xử lý, sắp xếp các âm phù hợp tùy theo dấu của các từ đó. Lúc này, rõ ràng để mang lại hiệu quả trong việc nhấn mạnh đến tính chất, trạng thái muốn mô tả, người nghệ sĩ đã phải lựa chọn các từ phù hợp đặt lên trước. Trong những trường hợp này, ca từ đã chi phối âm nhạc; các nhạc sĩ phải lựa chọn các nốt có cao độ phù hợp với các từ đó, nhưng đồng thời vẫn phải đảm bảo sự liên kết trong tuyến giai điệu, hòa thanh, đặc biệt các nốt nhạc đó có cao độ phù hợp để khi kết hợp với các từ loại chỉ tính chất, trạng thái sẽ tạo nên cao trào, nhấn mạnh đến cảm xúc.
Chẳng hạn trong ca khúc Bác đang cùng chúng cháu hành quân của Huy Thục:
Ca khúc Hành quân lên Tây Bắc của An Thuyên:
Hiện tượng sử dụng các từ cùng trường nghĩa và mối liên hệ với âm nhạc
Tìm hiểu về ca từ trong một số ca khúc ở thể loại hành khúc như: Bác đang cùng chúng cháu hành quân, Gặp gỡ đồng đội, Cây đàn ghita một dây, Hành quân lên Tây Bắc, chúng tôi nhận thấy có nhiều từ cùng trường nghĩa liên quan đến mảng đề tài người chiến sĩ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, tình đồng chí, đồng đội…
Nhóm các từ cùng trường nghĩa trong một số ca khúc được chúng tôi hệ thống hóa trong bảng sau:
Từ |
Ca khúc |
Tác giả |
- Hành quân, đoàn quân, toàn quân. - Chiến đấu, Cờ, Sao. |
Bác đang cùng chúng cháu hành quân |
Huy Thục |
- Đồng đội, Thời oanh liệt |
Gặp gỡ đồng đội |
Ngọc Khuê |
- Lính đảo |
Cây đàn ghita một dây |
Minh Quang |
- Chiến công, Chiến thắng thù |
Hành quân lên Tây Bắc |
An Thuyên |
Bảng các từ cùng trường nghĩa
Nhóm các từ cùng trường nghĩa được tổng hợp trong bảng trên xuất hiện nhiều trong ca khúc của Huy Thục, An Thuyên, Ngọc Khuê, Đức Trịnh, Minh Quang khi viết về đề tài người chiến sĩ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, tình đồng chí, đồng đội... Có thể nói, nhóm các từ này là đặc trưng riêng, có “tính chuẩn mực”, “tính phổ biến”, “tính biểu hiện” trong ca khúc của các nhạc sĩ quân đội. Nếu ca khúc về mảng đề tài người chiến sĩ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, tình đồng chí, đồng đội… thiếu đi nhóm các từ cùng “trường nghĩa” này thì không có được ý nghĩa cốt lõi mà các tác giả muốn truyền tải. Cách dùng những từ ngữ này gợi cho chúng ta không khí một giai đoạn lịch sử nhất định của đất nước. Đây chính là những từ tạo nên hình tượng chủ đạo trong mỗi ca khúc; Lắng lòng nghe ca khúc Bác đang cùng chúng cháu hành quân của Huy Thục, có thể cảm nhận sự lay động, sự kết nối vô hình, lời hiệu triệu triệu triệu trái tim được gợi thức từ chính các từ cùng một trường nghĩa như “hành quân, đoàn quân, toàn quân”. Sử dụng lặp lại với tần số lớn những từ ngữ đó đã góp phần tạo nên hình tượng chủ đạo của tác phẩm, đó là hình ảnh đoàn quân oai hùng với khí thế “gan không núng, chí không mòn”; hoặc trong bài Gặp gỡ đồng đội của Ngọc Khuê, từ “đồng đội” xuất hiện nhiều và cũng là điểm nhấn trọng tâm của ca khúc với sự gọi về của những gì thân thiết máu thịt với người chiến sĩ “Đồng đội ơi! Ta về với nhau/Ta trở về thăm một thời oanh liệt/ Như năm xưa ta vừa mới bên nhau mười tám đôi mươi trời xanh biếc trên đầu/Đồng đội ơi! Mãi mãi là tình yêu thương đồng đội/Mãi mãi niềm tự hào âm vang trong lòng người”.
Như vậy, có thể thấy nhóm các từ cùng trường nghĩa đã thiết lập một mối quan hệ nhất định với âm nhạc. Các nhạc sĩ cũng đã khéo léo và tinh tế để xử lý các từ cùng trường nghĩa về đề tài người chiến sĩ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, tình đồng chí, đồng đội… trong âm nhạc theo một cách thức riêng để tạo hiệu ứng bất ngờ cho ca khúc. Phân tích về đặc điểm âm nhạc một số ca khúc, chúng tôi nhận thấy một điểm chung, đó là các từ cùng trường nghĩa này thường được đặt ở phách mạnh hoặc phách mạnh vừa.
Ca khúc: Bác đang cùng chúng cháu hành quân (Huy Thục) |
||||
Ca từ và âm nhạc |
|
|
|
|
Ca khúc: Gặp gỡ đồng đội (Ngọc Khuê) |
||||
Ca từ và âm nhạc |
|
|
|
|
Ca khúc: Hành quân lên Tây Bắc (An Thuyên) |
||||
Ca từ và âm nhạc |
|
|
|
|
Ca khúc: Cây đàn ghita một dây (Minh Quang) |
||||
Ca từ và âm nhạc |
|
|
|
|
Bảng mối quan hệ giữa ca từ và âm nhạc
Trong âm nhạc, có các loại nhịp khác nhau, trong đó quy định mỗi ô nhịp có phách mạnh (phách mạnh vừa) và phách nhẹ. Ví dụ ở loại nhịp 2/4, có hai phách trong một ô nhịp; phách thứ nhất là phách mạnh, phách thứ hai là phách nhẹ; hoặc trong nhịp 4/4 có bốn phách trong một ô nhịp; phách thứ nhất là phách mạnh, phách thứ ba là phách mạnh vừa; phách thứ hai và bốn là phách nhẹ. Khi hát, người nghệ sĩ phải xử lý rõ yếu tố này thì mới đúng tính chất, hiệu quả của từng loại nhịp; có nghĩa các từ hoặc nốt nhạc ở phách mạnh bao giờ cũng được hát nhấn mạnh hơn; người nghệ sĩ phải dùng hơi thở, kỹ thuật thanh nhạc để xử lý rõ các từ ở phách mạnh. Việc các nhạc sĩ Huy Thục, An Thuyên, Ngọc Khuê, Đức Trịnh, Minh Quang đặt nhóm từ cùng trường nghĩa đặc trưng về đề tài người chiến sĩ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, tình đồng chí, đồng đội… nằm ở phách mạnh trong mỗi ô nhịp tạo nên sự nhấn mạnh hơn vào các từ này, điều đó làm cho người nghe cảm nhận rõ ý nghĩa, có thể hiểu ngay và hiểu nhanh đồng thời cũng tác động trực diện vào cảm xúc, tư duy, tạo ấn tượng mạnh hơn đối với nhóm các từ này. Vì thế, nội dung, ý nghĩa, hình tượng âm nhạc được khẳng định rõ ràng, ấn tượng, khắc sâu vào tâm thức người nghe nhạc. Rõ ràng, khi viết ca khúc về người chiến sĩ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, tình đồng chí, đồng đội… phải sử dụng các nhóm từ đặc trưng liên quan là cần thiết. Cùng với đó, các từ này đều là hình tượng chủ đạo của mỗi tác phẩm; đồng thời, lại được đặt ở phách mạnh trong mỗi ô nhịp tạo nên hiệu quả cao trong việc khắc họa hình tượng nghệ thuật. Đây có thể nói là đặc trưng nổi bật trong ca khúc thể loại hành khúc của các nhạc sĩ quân đội.
Tìm hiểu về mối liên hệ giữa ca từ và âm nhạc góp phần làm nổi bật đặc trưng mang tính quy luật trong việc xây dựng hình tượng nghệ thuật. Đối với các nhạc sĩ quân đội, mảng đề tài chính trong các sáng tác đó là xây dựng hình tượng người chiến sĩ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, tình đồng chí đồng đội, tình yêu quê hương, đất nước… Ca từ trong ca khúc thuộc các đề tài này có tính điển hình riêng. Cùng với đó là những đặc điểm âm nhạc cũng rất độc đáo để có thể truyền tài được nội dung, ý nghĩa ca từ mang chở. Qua tìm hiểu về mối liên hệ giữa ca từ và âm nhạc trong ca khúc của các nhạc sĩ Huy Thục, An Thuyên, Ngọc Khuê, Đức Trịnh, Minh Quang, chúng tôi bước đầu đã chỉ ra hai đặc trưng như đã nêu trên. Đây có thể là những kỹ thuật, thủ pháp sáng tác mang tính đặc thù. Từ đó, góp phần xây dựng nên những tác phẩm âm nhạc sâu sắc chạm đến trái tim người nghe nhiều thế hệ.