Nếu có ai đó hỏi những thi sĩ hiện nay về mối quan hệ giữa con thuyền, dòng sông với con người, chắc sẽ nhận được nhiều câu trả lời rất thú vị và…khá bất ngờ. Bởi sự suy cảm đến tận cùng hình ảnh trên sẽ gợi mở rất tự nhiên về một không gian bao la mà ở đó nổi lên tính tự vấn nghĩ suy về cuộc đời. Với nghệ thuật âm nhạc dường như sông và dòng chảy của nó giống như thước đo thời gian mà nhiều người cố gắng đi tìm…tìm mãi mối hiện hữu của chính mình.
Chắc vì thế mà lời ca viết về dòng sông vẫn đau đáu mang nặng nỗi suy tư, sự cảm nhận riêng biệt xuất phát từ nghiệm trải cuộc sống vốn đã lắm sắc màu lại đầy ắp những quá khứ xen lẫn hiện tại cũng như tương lai trong hy vọng của mỗi chúng ta.
Nghe ca khúc “Sông bạc” bất cứ người nào cũng nhận ra hình như các tác giả đang nói hộ mình mối tình cảm nồng ấm, thiết tha giữa những người đang sống trong tình yêu với trái tim hồng đầy khao khát.
Trăng trôi trên sông Hậu.
Thuyền tôi tìm bến đậu.
Chỉ thấy dòng sông sâu,
Chỉ thấy dòng sông sâu…
Giọng hát của ca sĩ Việt Hoàn dàn trải, âm hưởng mỗi nốt nhạc vang lên tính tự sự, kể lể. Ngay từ nốt nhạc mở đầu, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn đưa người nghe tới dòng sông nổi tiếng ở Nam Bộ trong con thuyền "Trăng trôi” trong niềm xúc cảm dạt dào, sự hoà quyện của sông với nước, thuyền với bến tạo nên ý tưởng thật bất ngờ và cũng thú vị lạ thường về người đi tìm nơi đậu yên ổn của cuộc đời. Cần nói thêm thuyền, bến, dòng sông được nhắc rất nhiều trong ca dao Việt Nam, nhưng nhà thơ Phạm Việt Long đã tạo nên góc độ nhìn rất lạ khi đặt "dòng sông sâu” vào cuối câu 1 của bài hát ( nhắc tới 2 lần ). Phải chăng độ sâu của lòng sông có thật hay được ví von theo nghĩa:…Sông sâu còn có kẻ dò… để tìm tới tận cùng cái tình con người luôn biết tìm đến nhau.
Khúc ca "Sông bạc” về bố cục gắn kết với nhau bằng hình thức 2 đoạn đơn nhưng điều đáng nói ở đây hết đoạn 1 có cầu nối sang đoạn 2 để dẫn dắt tứ thơ có xu hướng mở rộng và biến đổi tạo đà đẩy cao mối xúc cảm thực sự mãnh liệt.
Trăng trôi trên sông Hậu.
Thuyền tôi tìm bến đậu.
Biết bến đợi nơi đâu.
Biết em ở chốn nào.
Môtif của tác phẩm nhắc lại một lần nữa đầy đủ giọng, điệu, lời ca và cuối câu bỗng… chuyển đổi khi chuẩn bị sang đoạn 2.
Hình ảnh trăng trôi được nhà thơ và nhạc sĩ chung ý tưởng nên cộng cảm với nhau kỳ ảo làm sao khiến người nghe xốn xang. Không còn là trăng trôi nữa mà chính tình yêu hiện thân thành dòng sông đầy ắp ánh trăng. Đến đây người nghe lại liên tưởng đến bản Xonat số 14 viết cho đàn Piano của nhạc sĩ thiên tài người Đức- L.V. Beethoven viết năm 1801 tặng nữ bá tước trẻ, xinh đẹp có tên là Duyliet Gơvichardi ( học trò yêu dấu của ông) mà nhà thơ Renxtap sống cùng thời với Beethoven đặt tên là,, Ánh trăng” sau khi nghe thấy tiếng thổn thức, sự rung động dạt dào không thể nói bằng lời trong tác phẩm. Rõ ràng phải có sự nhận cảm sâu sắc con người mới tạo ra những giai điệu âm nhạc đầy phong cách trữ tình của chính mình đến như vậy.
Phần cao trào của ca khúc đẩy mạnh bởi thủ pháp chuyển giọng từ thứ sang trưởng, tiết tấu âm nhạc dồn nén từ đoạn 1 tới lúc này đặt trọng âm vào lối đảo phách liên tục như muốn bung ra hết những khao khát nằm ẩn sâu trong trái tim. Lời ca là một câu hỏi đã được giải đáp nhưng…vẫn chưa hết, chưa dừng để tạo cảm giác thoả đáng, trọn vẹn khi câu kết được tác giả tạo tiếng ngân vang, ngân vang bằng 2 bè giọng nữ cao.
Thuyền tìm đã thấy bến.
Tôi đang còn ngoài khơi.
Nhìn về nơi góc biển.
Thấy hồn mình chơi vơi.
Lời ca va giai điệu lúc này đều có độ mở mênh mông, gợi cho người nghe cảm giác vừa bâng khuâng, vừa tin tưởng vào cái thiện, cái cao cả đang vươn lên làm chủ cuộc sống.
Cảm ơn nhà thơ đã chắp cánh bằng sợi dây cho âm nhạc kết nối thành một câu chuyện kể thật là hay và cũng rất thú vị trong bài hát "Sông bạc”. Những ai chưa nghe tác phẩm này lần nào, người viết bài này xin có một lời khuyên: Nên lắng nghe, và nghe không chỉ một lần bởi âm nhạc và lời ca cuốn hút, lay động lòng người. Chắc chắn thơ của Phạm Việt Long là tiếng nhạc trong hơi thở dồn nén với ước mong chân thành thật cảm động. Chắc chắn nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, người đã có nhiều ca khúc nổi tiếng hiểu sâu sắc ngôn ngữ trong nhịp điệu của lối gieo vần,, ý tại ngôn ngoại”để tạo nên mối hài hoà cao nhất có thể được qua giai điệu đẹp, bay bổng. Cái hữu duyên giữa thơ và nhạc đã cho người nghe nhấn nhá hơn mỗi từ, nốt nhạc ăm ắp tình trong "Sông bạc” để hiểu người, hiểu mình sẽ sống ngày một tốt đẹp hơn thế nữa.
SÔNG BẠC - NHẠC: PHẠM MINH TUẤN - THƠ: PHẠM VIỆT LONG - BIỂU DIỄN: VIỆT HOÀN