ĐỒNG ĐỘI TUYÊN HUẤN KHU V GẶP NHAU TRÀO NƯỚC MẮT

Vào một ngày hè, tại thành phố biển Quy Nhơn – Bình Định - trên 250 người nguyên là cán bộ, nhân viên Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu V thời kỳ chống Mỹ cưú nước, nay ở khắp mọi miền đất nước, đã cùng nhau tham dự buổi gặp mặt truyền thống đầy ý nghĩa.
khu-v-5-1722510011.jpg
 

Sau 40 năm kể từ ngày giải phóng, ai cũng già đi nhiều, nhưng số phận mỗi người mỗi khác, lắm chuyện thương đến trào nước mắt, nhiều chuyện vui đến reo vang trong lòng, biết bao cảm xúc dâng trào... Không thể ghi hết bao nhiêu là chuyện đời đáng chiêm ngưỡng, tôi ghi lại đây một số chuyện theo cụm vấn đề như sau.

Những vị cao niên, đời vẫn trẻ

Kiên cường thách thức thời gian, có những cán bộ cao niên trên tám chục, dưới trăm tuổi, đến gặp mặt bạn chiến trường với dáng vẻ nhanh nhẹn, nét mặt tươi cười, lạc quan.

Gặp anh Tô với mái tóc muối tiêu, dáng vóc thể thao, tôi hỏi: “Anh bao nhiêu tuổi rồi nhỉ?”. “”Mình tám lăm!” – Trời ơi, trông anh chưa tới 7 chục mà!

Cao niên nhất, có thể kể đến nhà báo Đặng Minh Phương, 88 tuổi tròn. Hồi ở chiến trường, anh có tên là Đặng Phò, là nhà báo đầu tiên vào chiến trường khu V, làm Trưởng Tiểu ban báo Cờ Giải phóng, “vua” tiếu lâm và nói lái.

Tôi xin dừng lại để nói đôi điều về chuyện nói lái. Đó có thể gọi là một nét đặc trưng trong văn hóa dân gian miền Trung Trung bộ. Nói lái để vui, quên bớt mệt mỏi, nhọc nhằn. Cách nói lái cũng không phức tạp, chỉ cần đổi phụ âm đầu, đổi dấu rồi đảo vị trí của hai từ, ví dụ NHÔN TRAi, thì có nghĩa là NHAI TRÔN, NGỦ CONG là NGỎNG CU... (có một số trường hợp vận dụng linh hoạt một chút). Anh Phò lái nhanh, lái ở mọi nơi mọi lúc. Khi mà anh bảo: “Trông cậu nhôn trai ra phết”, đừng tưởng rằng anh khen đẹp trai, mà có nghĩa là cậu nhai trôn! Các cô gái miền Bắc vào chiến trường hồi ấy, rất sợ bị anh Phò “lái”, cứ bảo: “Anh đừng lái em nhé!”. Tủm tỉm cười, anh Phò đáp: “Anh lái dở lắm, các cô có muốn lái dủm thì anh cũng chịu! Mà anh cũng không lái gió đâu mà sợ…” Thấy mấy anh bạn bụm miệng cười, các cô ngơ ngác, cuống cuồng: “Anh lái em rồi đấy à?”. Một anh bạn trẻ bên khối Văn nghệ tỏ ra thành thạo, giải thích:

- Này, tôi chỉ dịch lời anh Phò thôi, không nói bậy đâu, các cô có muốn nghe tôi dịch không?

-  Có ạ, anh là người miền Bắc, em không sợ anh lái!

- Đây này, anh Phò bảo: Anh LỞ DÁI lắm, các có có muốn LỦM DÁI thì anh cũng chịu. Mà anh cũng không LÓ GIÁI đâu mà sợ…

Thế là những tiếng la ó rộ lên, tiếp theo là những tiếng cười “hết cỡ” vang động núi rừng.

Thế nhưng, cũng có khi anh bị cái nói lái nó hại. Mấy anh giỏi nói lái dặn mấy cô em miền Bắc: “Không được gọi là anh Phò hay bác Phò, mà phải gọi là CHÚ PHÒ, vì chú ấy thích thế”. Vậy là khắp vùng căn cứ, các cô gái gặp anh Phò là chào một cách hồn nhiên:

- Cháu chào chú Phò ạ!

Các cô gái này chẳng thể hiểu rằng, chào như vậy, là chào CHÓ PHÙ, cho nên cứ hồn nhiên mà chào.

Sau năm 1975, anh Phò về làm Trưởng cơ quan đại diện báo Nhân dân tại Đà Nẵng. Anh cực kỳ ghét sự ưu đãi dành cho các quan chức, cho nên đã từ chối thẳng thừng những quyền lợi đặc biệt mà Đà Nẵng dành cho cơ quan đại diện và anh. Bên cạnh công việc chính, anh viết thơ đả kích (đã xuất bản mấy tập thơ, đả kích những thói hư tật xấu trong xã hội, phê phán quan tham...) và vẫn cứ... nói lái.

Hôm nay, lên phát biểu trên diễn đàn gặp mặt này, anh vẫn tếu, vẫn lái, đem lại tiếng cười sảng khoái cho anh chị em. Sau khi thưa gửi lãnh đạo, anh nói:

- Tôi xin chào

Các nhà văn nín vợ - nay đã có vợ rồi

Các nữ sĩ nín chồng – nay cũng đã có chồng con!

Cuộc sống của chúng ta đã có bao thay đổi, từ chỗ nặng nề như ĐEO ĐÁ, ĐÓI MEO đã trở nên nhẹ tênh, no đủ.  Những lời chỉ đạo, các đồng chí lãnh đạo đã nói hết rồi, tôi chỉ xin tặng các bạn mấy câu thơ tôi viết khi tiễn biệt năm Mèo, chào đón năm Rồng:

Thương con MÈO ĐỨNG suốt năm qua

ĐẤT MÉO trời nghiêng cứ thế mà

ĐỨNG CHÉO sá chi cơn mỏi gối

NGỦ CONG nào kể lúc TẾ DAI

 

No cứng bao phen đà ĐẾN BÉO

ĐÓI MEO mấy bận chống nên già

Những mong Tết đến xem RỒNG LỘN

Lại gần NẮNG CỰC phải lùi xa!

Cả hội trường vỗ tay rào rào, cười ngả ngốn, bởi vì biết anh đã lái triệt để trong buổi lễ này, ẩn sau những từ thanh là cái nghĩa khá tục, vậy mà anh vẫn tủm tỉm: “Tôi chúc thật đấy, không lái đâu!”

Còn một số vị cao niên nữa, cũng khỏe mạnh như anh Tô, anh Phò (lẽ ra phải gọi là cụ, nhưng vì quen gọi nhau từ mấy chục năm trước, và thấy các vị vẫn vui vẻ, trẻ trung cho nên gọi thế), nhưng tôi chỉ kể chuyện hai vị, e là quá dài.

Tôi nhận thấy điểm chung ở các vị cao niên này về tính cách từ thời trẻ, được duy trì tới tận bây giờ, là vô tư, không bon chen, giành giật, năng nổ trong hoạt động, coi lao động và sự cống hiến, là niềm vui.

Những số phận éo le

Gặp một phụ nữ người khô gầy, da rám đen, tôi nhận ngay ra Lễ - cô cấp dưỡng của Ban thời ấy. Được hỏi thăm, cô khoe: “Em sống cùng với một đứa con tự túc!”. Cái từ “tự túc” này có lẽ khá phổ biến với những chị em tham gia kháng chiến, khi hòa bình thì đã lỡ thì quá lứa, vớt vát chút hạnh phúc bằng đứa con ngoài giá thú. Tôi biết nhiều chị có tới 2 – 3 đứa con “tự túc” như vậy. May mắn thay, hầu hết các đứa con “tự túc” ấy đều ngoan, có hiếu, trở thành chỗ dựa của các chị khi về già. Hồi cuối năm 1974, ở Ban rộ lên chuyện gia đình anh A. chị B. Hồi ấy, khi khám sức khỏe cho chị em, bên Y tế phát hiện chị B., vợ anh A., có thai tới 4 – 5 tháng gì đó. Mà họ mới cưới nhau được một vài tháng. Anh chồng là người lành như đất, chẳng bao giờ “tụt tạt” (hai từ này chỉ những hành động riêng tư, vụng trộm thời ấy). Hóa ra, chị B. có thai với anh D. từ trước khi cưới anh A. Thế là hai người bị kỷ luật. Dạo ấy, chúng tôi, mấy phóng viên TTX, nói với nhau rằng lẽ ra bên Y tế nên để im chuyện đi, anh A. không biết gì thì cứ để cho vợ chồng họ yên bình, bây giờ công bố ra, làm tan nát lứa đôi. Nhưng, việc chúng tôi lo không xảy ra. Với bản tính hiền lành, nhân hậu, anh A. vẫn chung sống với chị B, bây giờ thằng con riêng của chị đã trở thành một cán bộ, và anh A., chị B. có thêm một đứa con nữa, sống hạnh phúc bên nhau. Gặp anh C., nói lại chuyện xưa, anh bảo vẫn theo dõi gia đình ấy, nhưng vẫn không đến nhận con, bởi vì sợ con mình sốc. Có lẽ anh C. hành xử như vậy là đúng, bao nhiêu năm qua rồi, gió đã lặng, sóng đã êm, rung cây mà làm gì?

Anh K, cũng có một cuộc sống “trần ai cuốc chĩa” (thời chiến, cụm từ này chỉ sự khổ ải, đày đọa). Sau khi thống nhất đất nước, anh vẫn làm công tác và có bước thăng tiến. Thế nhưng, cuộc sống riêng thì khổ ải, đau đớn vô cùng. Vừa về Đà Nẵng, đón vợ con từ Hà Nội vào định cư chưa được bao lâu, anh mất một đứa con trai, mà nguyên nhân thật là “lãng xẹt”: bị thằng anh nghịch súng thể thao bắn chết! Một thời gian sau, trong một vụ cháy nhà vì bất cẩn với xăng, vợ anh và một đứa con nữa mất đi mạng sống! Gồng mình vượt qua nỗi đau, anh ở vậy nuôi con suốt 9 năm. Được một người bạn giới thiệu và động viên, anh quyết định đi bước nữa. Nào ngờ, cuộc tình bắt đầu nồng thắm thì anh bị tổ chức gọi lên thông báo: chị H. Người yêu của anh, có người thân vượt biên! Anh phải chọn một trong hai cách thức: nếu từ bỏ chị H. thì tiếp tục ở vị trí công tác, nếu vẫn gắn bó với chị, anh phải thuyên chuyển sang vị trí khác, ở ngành khác, không được làm ở ngành công tác tư tưởng! Đã dạn dày với cuộc sống, anh quyết định giữ lấy tình yêu, rời bỏ vị trí lãnh đạo. Bây giờ, gia đình anh sống ở Đà Nẵng, hạnh phúc. Hỏi anh về cách lựa chọn thời ấy, anh cười: “Tham chức bội tình thì hay ho gì. Mình chọn lấy bà ấy là đúng, bây giờ về già thấy thanh thản, có bạn đời chia sẻ.”

1-bon-co-gai-thong-tan-1722510214.jpg
 

Hồ Phước Huề và Triệu Thị Thùy  (ngoài cùng bên phải) là cặp vợ chồng bạn thân của tôi từ thời chiến, cùng ở TTX Giải phóng Khu V. Họ cưới nhau ngay sau ngày giải phóng và bây giờ vẫn ở Đà Nẵng. Cả hai đều phấn đấu, làm tốt nhiệm vụ, tiếp tục cống hiến vào thời bình. Nhưng số phận lại “chơi khăm” họ. Được một cậu con trai, đến tuổi trưởng thành thì bị suy thận. Có bao nhiêu tiền nong dành dụm dốc ra hết cho con thay thận. Đến khi quả thận thay thế đó cũng bị hư, chuẩn bị thay quả thứ hai cho cậu con, thì anh Huề mắc bệnh Ung thư. Bao nhiêu gánh nặng dồn lên đôi vai người phụ nữ kiên cường ấy. Tôi nhớ, thời chiến, mặc dù nhỏ bé, nhưng Thùy rất tích cực và dũng cảm. Trong một lần cùng du kích tấn công đồn địch, Thùy bị thương. Vậy mà không sợ hãi, chữa trị xong lại vác máy ảnh theo các chiến sĩ Giải phóng làm nhiệm vụ của một nhà báo. Bây giờ, thời bình mà vất vả hơn thời chiến nhiều quá. Bên chồng ốm, bên con đau, Thùy lăn như bống hết bệnh viện Đà Nẵng đến bệnh viện Huế, người tọp đi, thất thần, đến nỗi người bác sĩ điều trị cho anh Huề phải ôm Thùy mà khóc và nói: “Không biết sức đâu mà chị vượt qua nỗi cùng cực này”. Nói đến thay thận mới thấy sự phức tạp của nó. Khi có người hiến thận, phải chăm nuôi họ cho khỏe mạnh cả năm trời, khi thử lại thấy các chỉ tiêu đều ổn thì mới được thay. Chẳng may, người hiến thận thứ nhất, sau một năm bồi dưỡng, khi thử lại thì kết quả không hợp với người nhận. Thế là phải thay người khác. Lại nuôi ăn, chăm bẵm... Chăm chồng, chăm con, nuôi người hiến thận, cuộc sống quay như chong chóng. Vậy mà Thùy đã vượt qua hết, để bây giờ chồng, con đều hồi phục, sức khỏe ổn định. Khi tôi đến thăm Thùy – Huề, thấy nhà cửa khang trang, 4 đứa cháu nội, ngoại khôn lớn, ngoan ngoãn. Không khí gia đình Thùy – Huề đầm ấm có thể còn hơn nhiều gia đình đại gia ăn sung mặc sướng hoặc quan chức cao sang nhưng có con nghiện, cháu lưu manh.

2-bon-co-gai-thong-tan-hen-nay-1722510214.jpg
 

Suýt chiêu hồi vì yêu đương

Thời chiến tranh, yêu đương tuy không bị cấm, nhưng bị kiểm soát nghiêm ngặt lắm. Nếu có biểu hiện gì mà bị coi là thái quá, thì sẽ bị ngăn chặn ngay.

Đã có chồng mà sa vào bẫy tình, thì thôi rồi. Trên căn cứ hồi ấy lan truyền câu chuyện tình éo le của chị Phương – Anh Nhân. Anh chưa có vợ. Nhưng chị đã có chồng. Bị cơ quan phát hiện, kỷ luật, chị rủ người yêu chạy vào vùng địch. Thời ấy, chạy vào vùng địch với bất cứ vì lý do gì, đều bị coi là “chiêu hồi”, là theo giặc.

Ấy là bây giờ gặp nhau ở Quy Nhơn, chị nói ra, chúng tôi mới biết, chứ hồi xưa làm sao mà biết được. Tôi nhớ, tôi gặp chị bên Văn nghệ vào khoảng năm 68  - 69 gì đó. Là diễn viên múa, chị có dáng người mảnh mai, và cũng có giọng hát rất hay. Khi ngồi chơi dưới tán cây hay trong mái nhà lá, chúng tôi thường hát vui. Chị bảo rằng hát nhẹ nhàng mới hay, chứ cứ gân cổ lên hát thì khó nghe lắm. Con người mảnh mai, thích nhẹ nhàng ấy lại có một tình yêu vô cùng mãnh liệt. Chị yêu anh Nhân cùng cơ quan. Chuyện bị lộ. Anh Nhân bị chuyển sang đơn vị khác. Chị hóm hỉnh nói với chúng tôi: “Hồi ấy họ tưởng chúng tớ bị cắt đứt quan hệ, nhưng chúng tớ vẫn gặp nhau nhé. Vì chúng tớ nhờ giao liên đưa thư hẹn hò, mỗi tuần cũng gặp nhau một vài bận chứ không ít. Ở đâu á? Ở rừng chứ còn ở đâu. Rừng che chở tình yêu của chúng tớ”. Chị kể tiếp: “Dạo đó, sau khi bị kiểm điểm rồi chia cắt, tình yêu trong tớ càng mạnh lên. Tớ rủ anh Nhân chạy vào vùng địch sinh sống. Vào đó để sống với nhau, làm một người dân bình thường, chứ có chạy theo địch đâu mà bảo là chiêu hồi? Nhưng anh Nhân không chịu. Lý tưởng cách mạng trong anh ấy mạnh hơn tiếng gọi tình yêu! Sau đó, lấy lý do tớ yếu sức khỏe, cơ quan cho ra Bắc an dưỡng. Vậy là chấm dứt một mối tình”. Cứ thế, chị kể vanh vách mối tình thời chiến ngọt ngào và cay đắng của chị, với một giọng nói đầy tự hào. Hình như tình yêu của chị lúc đó là tình yêu thật nhất, cho nên nó có sức sống mãnh liệt nhất, để đến tận bây giờ, qua gần 50 năm, khi chị đã ngoài bảy mươi, đã trở thành bà, ngọn lửa ấy vẫn không tắt. Tôi có cảm giác, ngọn lửa tình yêu của chị như lửa của than đá, không bùng lên phào phào như lửa rơm, mà âm ỷ với sức nóng nghìn độ, giúp chị thiêu đốt mọi nỗi éo le của cuộc đời, giữ nguyên vẹn cảm xúc dạt dào thời thiếu nữ, để đến bây giờ, dù trải qua nhiều sóng gió trong gia đình, chị vẫn có một sức khỏe tốt, một phong thái hoạt bát, vui vẻ trẻ trung. Qua Fb, lúc thì thấy chị ở Thái Lan, lúc đã ở TP Hồ Chí Minh, khi lại ở cuộc thi tốt nghiệp của học sinh múa! Tới đâu cũng có ảnh, với các kiểu dáng đẹp, khỏe, hồn hậu. Hiểu về chị, tôi chợt nhận ra rằng, một tình yêu dang dở, không đưa đến hôn nhân, nhưng một khi người ta vẫn nuôi dưỡng nó, thì nó vẫn sống dai dẳng trong từng tế bào, trở thành nội lực, giúp người ta vươn lên trong cuộc sống. Mấy ai có được tình yêu như thế!

75 tuổi vẫn còn yêu

- Ái chà, gặp nhau đây rồi! Vui quá!

Một phụ nữ dáng người săn chắc, da dẻ hồng hào, chạy đến dang hai tay đón chúng tôi. Đó là chị Tân, cựu phóng viên Đài Phát thanh Giải phóng Trung Trung Bộ.

Hình như thời gian không làm cho chị mất đi phong cách sôi nổi, cởi mở thời thanh xuân. Vào chiến trường sau chúng tôi, nhưng lớn tuổi hơn, lại là phụ nữ, mà chị xông xáo chẳng kém những phóng viên kỳ cựu nào ở chiến trường. Cõng ba lô, với chút tư trang, cuốn sổ, cây bút và chiếc máy ghi âm, chị lặn lội khắp vùng căn cứ để viết bài về cuộc sống ở chiến khu, trong đó có việc sản xuất tự túc lương thực.  Chị cũng không quản ngại xông xuống vùng ranh (vùng giáp giới địch và ta) để làm phóng sự về hoạt động du kích, chiến tranh nhân dân. Một lần, làm phóng sự mà thiếu tiếng súng đạn, chị bảo mấy cậu du kích “chọi” mấy quả lựu đạn, xả mấy tràng tiểu liên AK 47 xuống một hố bom tạo ra tiếng nổ để mình thu thanh. Chuyện này vỡ lở, chị bị kiểm điểm. Kiểm điểm thì kiểm điểm, chị vẫn cười, vẫn vác máy đi làm việc. Chị chống chế: Chiến trường đầy bom rơi đạn nổ chứ tĩnh lặng đâu mà bảo là mình bịa đặt? Kẹt một nỗi, lúc mình cần, thằng Mỹ nó lại chẳng liệng cho trái bom gây tiếng nổ, mình mới phải nhờ du kích chứ!

Giải phóng, về Đà Nẵng, chị cũng trải qua nhiều sóng gió. Chồng qua đời cách đây 6 năm, con đã trưởng thành, ra ở riêng, chị sống một thân một mình trong căn nhà khang trang. Nhưng, số phận lại mỉm cười với chị, khi chị tình cờ gặp một người đàn ông mà chị quen biết từ thời chiến tranh. Dạo ấy, hai người gặp nhau ở Bệnh viện Khu, hỏi chuyện nhau sơ sơ, rồi cách biệt mấy chục năm. Nay, anh đã góa vợ, chị không còn chồng, gặp nhau thành duyên. Hỏi chị sống thế nào, chị nói oang oang:

- Mình sống khỏe. Mình với ông ấy chẳng cưới xin, góp gạo thổi cơm chung làm gì. Ngày ngày gặp gỡ, chăm nom cho nhau. Tối, ai về nhà nấy. Khỏe re!

Hạ giọng xuống, chị kể:

- Cũng như bọn mình, mà có người khổ lắm các cậu ạ. Bà N. hồi sau giải phóng oai phong, giàu có là thế, chồng được mệnh danh là Lãnh chúa miền Trung, mà bây giờ ở trong một căn nhà tồi tàn tận trong hẻm, ngày ngày vác máy khâu ra đầu ngõ ngồi may vá thuê. Khổ như vậy vì dại trai. Phụ bạc chồng theo thằng này, chồng chết theo thằng khác, bị nó lợi dụng, lấy hết của rồi thải. Thế có tội nghiệp không? Bà N. vẫn cứ tránh mặt chúng tớ. Thương ghê!

Nghe chuyện chị kể về người khác, thấy rõ sự thương cảm của chị đối với bạn chiến trường xưa, tôi tin rằng chị hài lòng với cuộc sống của chị. Có lẽ vì vậy, đã 75 tuổi, chị vẫn hồn nhiên, sôi nổi yêu đương như ngày xửa ngày xưa

Từ cậu bé giữ kho thành “đại gia” 

khu-v-1722510165.jpg
 

Chiến trường thời ấy còn kết nạp cả những cháu thiếu nhi lên tham gia kháng chiến. Lứa cán bộ ấy bây giờ cũng đã trên 5 chục tuổi, và vẫn khỏe mạnh, đang làm việc tại các cơ quan hoặc đã về làm nghề “tự do”.

Vinh là một cậu bé thời ấy, sau đó về hưu sớm, làm kinh tế riêng, khá giả.

Phước mới lạ, hồi đó là cậu bé thủ kho gầy mảnh, trông như con gái. Tôi nhớ, Phước hay mặc bộ quần áo bà ba mầu xanh da trời, dáng vẻ ẻo lả, giọng nói õn ẹn. Chúng tôi cứ đùa: “Em là trai hay gái?” Phước chỉ đỏ mặt, cười mà không tự ái. Đã ở chiến trường, thì dù lớn hay nhỏ, đều phải làm ba thứ “nghĩa vụ”: Gùi cõng, Sản xuất, và Sốt rét. Cậu bé này thực hiện đầy đủ ba “nghĩa vụ” một cách bình thản, khiến chúng tôi khâm phục – không biết sức ở đâu giúp cậu ấy làm được như thế? Nào là gùi cõng, tức là cõng trên lưng lương thực, thực phẩm từ các kho hàng hoặc từ dưới đồng bằng về cơ quan, đi bộ vài ba ngày đường là chuyện thường. Phước cũng gùi một gùi hàng nặng ba bốn chục cân như ai! Còn sốt rét, Phước cũng bị nhiều cơn nóng lạnh hành hạ, da xám ngoét, môi thâm sì, mắt vàng ệch, nhưng qua cơn, lại dậy làm việc như thường. Riêng về sản xuất, thời gian sau này đã giảm, vì hàng hóa tiếp viện ngoài Bắc vào nhiều, Phước ít phải tham gia, nhưng khi đã tham gia thì cũng thể hiện là một “nông dân” giỏi. Kỷ niệm riêng sâu đậm nhất về Phước trong tôi, là dịp tôi cưới vợ (22/8/1974). Ban Tuyên Huấn Khu V đã tổ chức cho chúng tôi một đám cưới ấm cúng, tràn đầy tình đồng chí, giống như không khí gia đình. Anh chị em trong Ban có nhiều tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn” mừng hạnh phúc của chúng tôi. Bốn cô gái Thông tấn gồm Thùy, Trinh, Hòa, Thoa chế lời bài hát dân ca “Cây trúc xinh” thành bài ca về hai chúng tôi, hát nghe trữ tình mà rất hợp với hoàn cảnh chiến trường thời ấy. Phước thể hiện là một “cây văn nghệ” xuất sắc. Cậu bé có giọng hát khỏe mà mượt, khác hẳn giọng nói. Cậu đã hát một bài theo làn điệu bài chòi quê hương, đặc sệt chất cách mạng: “Dòng máu bác Hồ”. Nghe Phước hát, tôi cảm động lắm, vì lúc ấy, tình cảm cá nhân của chúng tôi hòa với tình cảm cách mạng, cho nên tôi thuộc lòng, tới tận bây giờ còn nhớ:

Như Thái Bình Dương không bao giờ cạn

Như Cửu Long giang ngày tháng vẫn trôi

Dòng máu Bác Hồ, dòng máu sáng ngời

Chảy, chảy mãi trong mạch đời chân lý...

Hòa bình về, Phước đi học, đỗ thủ khoa cả về văn hóa và chính trị. Nhưng cậu không đi theo con đường chính trị mà theo con đường kinh tế. Bây giờ, Phước là chủ của một doanh nghiệp tư nhân lớn về gỗ, có tới 400 công nhân. Gặp Phước, tôi không thể nào nhận ra. Đó là một người đàn ông khá rắn rỏi, dáng đi mạnh mẽ. Vinh bảo với tôi rằng Phước đi tìm anh mãi. Bây giờ gặp, chỉ biết ôm nhau vỗ vỗ vào lưng, chẳng nói được lời nào. Mãi sau, ngồi cùng uống nước, tôi nhắc tới chuyện Phước Hát mừng đám cưới của tôi, Phước nói luôn: “À, em hát bài Dòng máu Bác Hồ đó anh!”.

Cả Vinh và Phước đều tận tình đón tiếp chúng tôi, những người anh, người chú thời chiến quy tụ tại Bình Định. Vinh bảo rằng cuộc gặp nào, Phước cũng tài trợ cho ban Liên lạc. Cuộc gặp này cũng vậy, hơn 250 con người chúng tôi được ăn ở, đi lại miễn phí, chăm nom chu đáo là nhờ Phước và Ban Tuyên Huấn Bình Định. Vinh và Phước ngày nào cũng săn săn đón đón, lo từ chỗ ở, bữa ăn, đường đi lối lại cho chúng tôi. Tôi không hỏi Vinh và Phước làm ăn thế nào mà khá giả như vậy. Nhưng thấy cách ứng xử thắm thiết của hai người với đồng đội xưa, nhìn phong thái ung dung, tự tin mà khiêm nhường của họ, tôi tin rằng họ làm ăn chân chính, dựa vào công sức, trí tuệ, sự quyết đoán của mình mà thành đạt, chứ không như một số “đại gia” lợi dụng các khe hở của nhà nước mà làm giầu bất chính.

Ban tuyên huấn Khu ủy khu V (thường gọi là Ban Tuyên huấn Khu V) được thành lập vào tháng 5 năm 1960, với 3 cán bộ. Từ năm 1961, có  thêm một số đồng chí, dân dần hình thành các Tiểu ban chuyên môn, 2 tờ báo. Tới năm 1970, Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu V đã có 600 người rồi lên 1120 người vào năm 1975 (khi giải phóng). Ban cũng có một trường bổ túc văn hóa. Thông Tấn xã Giải phóng, Điện ảnh Giải phóng, Văn công Giải phóng... đều là đơn vị trực thuộc Ban Tuyên huấn Khu V. Trong suốt cuộc kháng chiến, Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu V đã thực hiện xuất sắc vai trò đội quân tiên phong trên mặt trận chính trị - tư tưởng, cổ vũ tinh thần chiến đấu giành thắng lợi của quân và dân khu V. Trong khi làm nhiệm vụ, 124 đồng chí thuộc Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu 5 đã hi sinh.

 Sau năm 1975, cán bộ, nhân viên ban Tuyên huấn Khu ủy Khu V đã tỏa về nhiều địa phương trong cả nước, tiếp tục đóng góp sức mình cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ đó đến nay, 34 người đã qua đời.

Ban Liên lạc đã cố gắng duy trì mối quan hệ giữa các thành viên của Ban, tổ chức gặp mặt chung được 4 lần, tập hợp, xuất bản được 3 tập sách ghi lại những năm tháng cống hiến cho cuộc kháng chiến của cán bộ nhân viên Ban với tên gọi Làng Tuyên (biệt danh của Ban thời kỳ kháng chiến).

 

Tiếp tục tranh đấu

Trong chúng tôi, cũng có người phải đương đầu với cường quyền để đòi lại công lý. Trong đó, có trường hợp Lương Mậu Ngọc khá tiêu biểu. Ngọc lên chiến khu vào năm 1972, được phân công làm kỹ thuật viên buồng tối, chuyên tráng phim, phóng ảnh. Bây giờ, Ngọc tâm sự rằng thời đó rất muốn làm phóng viên để được đi xuống đồng bằng công tác, nhưng lãnh đạo Ban Tuyên huấn sợ Ngọc còn quá trẻ, dễ bị dao động cho nên không cho đi. Ngọc khoe tôi bức ảnh tự chụp thời ấy, và bảo: “Anh xem, em lạc quan như thế này, thử hỏi dao động làm sao được?”. Quả thực, bức ảnh rất đẹp, với một khuôn mặt măng tơ, ánh nhìn chan chứa tình yêu và niềm tin vào cuộc sống. Ra khỏi cuộc chiến, Ngọc trở thành phóng viên của báo Bình Định. Rồi hai tai họa cùng ập đến, khiến anh phải tiếp tục vùng lên chống lại số phận. Về sức khỏe, chỉ vì nhiệt tình khuân giúp bạn một chậu cảnh lớn, Ngọc bị thoát vị đĩa đệm, đau đớn không chịu nổi. Về cuộc sống, gia đình bên vợ Ngọc bị kẻ xấu dựa vào cường quyền định chiếm nhà. Cái chất đấu tranh của những con người từng trải qua cuộc kháng chiến chống xâm lược đầy thử thách lại bừng dậy trong Ngọc. Nhưng anh biết rằng chỉ bằng ý chí thôi thì chưa đủ, mà còn phải bằng sự hiểu biết nữa. Anh tự tìm tài liệu, nghiên cứu Luật Dân sự, Luật Đất đai, để đấu tranh giữ đất, đồng thời tìm thầy tìm thuốc chữa bệnh. Đến cao điểm, anh ra Hà Nội tìm tới bạn bè chiến khu xưa nhờ hỗ trợ. Chẳng phải nói nhiều, tình đồng chí thời chiến đã gắn bó những con người lại với nhau bằng sợi dây vô hình nhưng vô cùng bền chặt, nên Ngọc được sự giúp đỡ tận tình của nhiều đồng chí. Người làm ở cơ quán báo chí thì đăng bài hỗ trợ Ngọc đấu tranh. Người có quan hệ với sếp lớn này sếp lớn nọ thì dẫn Ngọc tới trình bày, đề đạt nguyện vọng. Người quen với bác sĩ, với bệnh viện lại đưa Ngọc đi thăm khám, điều trị. Người giúp năm ba trăm nghìn, người giúp vài ba triệu đồng. Tình đồng đội tạo thành sức mạnh tổng hợp giúp Ngọc vượt qua cơn bĩ cực. Anh được mổ chữa thoát vị, được văn bản chỉ thị từ trung ương về việc giải quyết vụ tranh chấp nhà đất phải đúng pháp luật, làm chỗ dựa cho cuộc đấu tranh. Về địa phương, anh tiếp tục tập luyện, trong đó có bơi lội, rồi tiếp tục “chạy” các “cửa quan” để tranh đấu. Anh đủ lý lẽ khiến cho những kẻ cố tình làm sai pháp luật phải chùn tay, trong đó những người làm công tác thi hành án phải dừng bước. Ngọc khoe: “Một cô Thạc sĩ Luật khen em là nắm chắc Luật Dân sự hơn cô ta, vì cô ta chuyên về Luật Kinh tế!”. Cuộc đấu tranh tạm ngưng vì còn chờ xem xét lại, nhưng đồng đội vẫn sẵn sàng “xung trận” nếu cuộc đấu tranh lại bùng phát.

Những người không đến vẫn hiện diện

Trong cuộc đoàn tụ này, vắng quá nhiều người, trong đó có những người đã nằm lại chiến trường gian khổ và ác liệt thời ấy, có những người tuổi cao sức yếu, cũng có những người vì điều kiện kinh tế không cho phép. Nhưng, trong tâm tưởng đồng đội, họ vẫn hiện diện tại thành phố Quy Nhơn tươi đẹp này.

Người tôi muốn nhắc tới đầu tiên là Lê Viết Vượng. Anh là phóng viên Thông tấn như tôi, hơn tôi 4 tuổi. Suốt chặng đường hành quân 3 tháng 10 ngày vượt Trường Sơn vào căn cứ Khu V, anh và tôi luôn sát cánh, và anh giúp đỡ, chăm nom tôi như đối với đứa em. Vào chiến trường rồi, Vượng rất yếu và mang tới 4 thứ bệnh: thấp khớp, viêm đại tràng, trĩ, sốt rét. Nhiều khi anh phải đóng khố vì ra máu như phụ nữ đến tháng. Song,Vượng dứt khoát trụ bám ở chiến truờng, không trở ra Bắc để thành “B quay”. Hình ảnh Vượng luôn luôn rõ nét trong tôi: dáng người cao cao, gầy gầy, tính tình bộc trực thẳng thắn, hay châm biếm, yêu ai thì chăm sóc hết mức, ghét ai thì như đào đất đổ đi, dám bênh vực kẻ yếu, tuy bản thân không phải là người mạnh. Hồi mới vào, tôi đưọc phân công chép Bản tin đọc chậm của Đài Tiếng Nói Việt Nam. Một hôm, đài hết pin, anh Hầu - cùng Tiểu ban, chi uỷ viên - lĩnh pin thay cho tôi. Đài vẫn bắt sóng yếu, cứ bập bà bập bõm, tôi ghi chữ được chữ mất. Anh Hầu trách cứ tôi, cho rằng tôi thiếu trách nhiệm. Vừa hay hôm ấy Vượng ở bên Quân khu về. Anh bảo tôi đưa đài rồi mở ra, kiểm tra lại pin. Anh kéo tôi lại chỗ anh Hầu, đưa hai viên pin ra và bảo: "Pin này cũ rồi, có phải anh đổi không?". Anh Hầu chưa kịp trả lời, Vượng đã cầm chiếc đài của anh ấy, bật bao, lấy pin ra. Rõ ràng, đây là những cục pin mới. Anh Hầu ngượng ngùng trả lại pin cho tôi, không nói được câu nào. Rồi, Vượng cũng được đi xuống đồng bằng để làm nhiệm vụ một phóng viên. Thật không may, trên đường đi, mới tới vùng căn cứ ở Quảng Ngãi, anh đã hy sinh do trúng đạn pháo của địch. Vượng ra đi còn để lại ở quê hương một vợ, một con nhỏ. Tôi nhớ hồi hành quân qua Hà Tĩnh, đoàn dừng lại, Vượng được phép về thăm nhà - vợ anh mới sinh. Khi Vượng trở lại, tôi hỏi thăm, anh lúng túng không biết trả lời tôi con anh là trai hay gái. Anh cười: “Mình ngó nó đỏ hỏn, có dám bồng đâu mà biết nó ra sao”.

Nhà báo vào chiến trường sớm nhất, khi đường Trường Sơn chưa hình thành, người đi phải luồn rừng, phát cây rẽ lối, là anh Phò và anh Võ Thế Ái, tức Minh. Bây giờ, anh Ái đã gần 90 tuổi, đang ở nhà Dưỡng lão. Đó là một nhà báo cự phách, đã từng tung hoành ở Điện Biên Phủ, rồi ngang dọc đất nước để viết tin về công cuộc xây dựng cuộc sống mới, có nhiều chuyến đi cùng Bác Hồ. Anh đặt nền móng cho Thông tấn xã Giải phóng Trung Trung bộ sau này. Anh có một câu chuyện tình đầy chất lãng mạn cách mạng. Khi anh đi chiến trường, anh và vợ là chị Tú đã có một cậu con trai. Chị đề đạt nguyện vọng và được tổ chức bố trí làm người đọc tin trong bản tin đọc chậm của Đài TNVN (kiểu như đọc chính tả cho người ta chép). Nhờ thế, hàng ngày anh Ái được nghe tiếng nói của vợ từ miền Bắc vọng vào qua chiếc đài bán dẫn xinh xinh. Ít năm sau, chị cũng xin vào chiến trường và hai vợ chồng cùng làm ở Thông Tấn xã. Hai vợ chồng sống với nhau tình cảm lắm. Anh chị em trong Ban Tuyên Huấn hay nhắc lại câu ói của anh Ái với Vợ: “Tú ơi, trời trở rét đấy, mặc áo ấm vào đi!” Tôi nhớ nhất là lần anh suýt hy sinh vì gặp bọn Mỹ phục kích. Đó là vào ngày 4/6/1970, trong đợt chuyển gạo, cơ quan chúng tôi bị hy sinh 3 đồng chí: Đinh Thành Lê, Kiều Thị Nghị và Bình. Ngày 4/6, Lê, Bình, Nghị và Minh chuyển gạo từ sông Giang lên. Tới Trà Lãnh, Bình bị bọn địch từ máy bay trực thăng HU1A bắn chết bằng một quả rốc két. Trong khi máy bay vẫn quần lượn và đổ quân, 3 người còn lại hì hục tìm cách chôn cất Bình. Xong, Lê và Nghị lại chỗ để bao gạo để sửa soạn, chuẩn bị đi. Anh Ái còn nán lại sửa mộ cho Bình. Bất thần anh nghe 2 tràng đạn nổ liên hồi, đạn bay riu ríu qua đầu. Anh vội nhảy vào rừng, luồn xuống suối và chạy thoát với bộ quần áo lót trên người, cái ăng gô hỏng xách trong tay. Anh chạy như trong cơn mê sảng, tay luôn nắm chặt chiếc ăng gô hỏng. Cứ chạy bừa trong rừng mà cũng về tới cơ quan, khi ấy râu anh bạc hết. Còn Lê và Nghị, hai người đồng chí thân yêu của chúng tôi, vĩnh viễn nằm lại đó, giữa đường xuyên núi lạnh lẽo. Thật đau lòng, khi mọi người đến chôn thì thi thể Lê và Nghị đã trương lên, không mang đi được. Đành phải tấp ni lông rồi lấp đất, giữ nguyên vị trí và tư thế của 2 người lúc tắt thở: Lê nằm nghiêng gần bụi lách bên vệ đường, Nghị nằm ngửa giữa đường. Sau này, anh Ái (tức Minh) ra Bắc, tiếp tục làm công tác ở Thông Tấn xã. Cuộc sống của anh, vào thời bình, lại đớn đau hơn thời chiến: đứa con trai duy nhất của anh chị bị bệnh thần kinh rồi qua đời, sau đó mấy năm, chị Tú cũng qua đời. Nhưng sức sống của anh thì mãnh liệt không thể tưởng tượng được. Nhân dịp kỷ niệm thành lập Thông tấn xã vào năm ngoái, chúng tôi được mời gặp mặt. Trông anh Ái gầy, nhưng rắn rỏi, tinh anh. Khi nói về biển Đông, anh vung tay, nói giọng sang sảng: “Nếu Tổ quốc cần, chúng tôi vẫn sẵn sàng ra trận!”.

Trong chiến trường, tôi còn có quan hệ thân thiết với anh Nguyễn Mỹ. Anh và anh Lý rất sát cá. Tôi thường cùng hai anh đi câu cá. Hai anh giật liên tục, câu được những con cá suối nhỏ, còn tôi thì hầu như chẳng câu được con nào. Tôi còn nhớ, Nguyễn Mỹ có một người yêu là Bác sĩ, cùng vào chiến trường và cùng ở Căn cứ Khu ủy Khu V. Hai người đều son trẻ, yêu nhau với mối tình nồng nàn, cho nên thường hẹn nhau ra bờ suối tâm tình. Nhưng, như tôi đã nói, chuyện yêu đương ở chiến trường bị kiểm soát rất gắt gao. Chuyện hẹn hò, dắt tay nhau bên bờ suối bị coi là quá tiểu tư sản, ảnh hưởng đến tinh thần chiến đấu, cho nên người yêu của Nguyễn Mỹ bị điều lên công tác tận Tây Nguyên. Thời đó, khoảng cách địa lý như vậy coi như là vô tận. Chính từ tình yêu thắm thiết với người yêu, nhà thơ của “Cuộc chia ly mầu đỏ” đã viết nên bài thơ tình tuyệt vời “Hơi ấm đường rừng”. Viết xong, Nguyễn Mỹ đọc cho tôi nghe, và “Hơi ấm đường rừng” thấm vào tôi từ đấy. Tuy nhiên, tôi nói thật với anh: “Trong không khí chiến trường này, “Hơi ấm đường rừng” khó mà được phổ biến”. Quả nhiên, bài thơ ấy không được xuất bản. Nguyễn Mỹ đành cất “Hơi ấm đường rừng” cho riêng mình. Nguyễn Mỹ tâm sự với tôi: “Khu V không xài được thơ mình, cậu ạ!”. Hiểu như vậy, Nguyễn Mỹ cứ làm thơ, nhưng chỉ đọc cho bạn bè nghe rồi cất đi, đồng thời làm rất nhiều thơ ca, diễn ca phục vụ chính trị cấp thời. Tất nhiên, những tác phẩm như vậy nhanh chóng được phổ biến, được ngợi khen và có tác động tích cực vào cuộc kháng chiến, để bây giờ bị lãng quên. “Hơi ấm đường rừng” không được phổ biến lúc ấy, nhưng sống tới tận bây giờ. Tuy nhiên, so với bản mà tôi được nghe Nguyễn Mỹ đọc cho nghe thời ấy, đã bị sửa nhiều chỗ, không hay bằng nguyên bản. Thời ấy, Nguyễn Mỹ săn bắn cũng vào loại khá. Anh đã hạ 2 con nai, một số con mang. Một hôm anh đi từ Ban Tuyen huấn xuống cơ sở sản xuất tại Nước Ta. Lẽ ra đi một  ngày thôi, nhưng trời mưa to, nước lũ tràn về làm anh không qua suối được. Đành phải ngồi co ro bên bờ suối. Đi dạo soi thú mà không có, đành quay lại tảng đá ngồi. Tấm áo mưa nhỏ không đủ che người và gùi nên ướt lướt thướt. Sáng sớm, đi ra rẫy và gặp một  chú mang nhỏ đang ăn lá sắn. Mỹ nổ một  phát, nó bật ngửa, ngáp ngáp. Anh bổ đi tìm con mẹ song không có nên mới vác xác con mang con đi. Đến bờ sông, không sao qua được. Nước chẩy ầm ầm, xô đá chạy lục cục. Mỹ ngồi bó gối trên một tảng đá, còn con mang thì đặt nằm dưới chân. Ngồi miết, không có cách nào qua. Con mang chướng hơi, phình căng bụng. Còn Mỹ thì ngồi gà gật, bụng thót lại vì đói và thèm thịt. Mãi sau, có anh em bên kia đi hái rau, thấy anh, mới quăng dây dù kéo Mỹ và con mang qua. Suốt mấy năm trời, Nguyễn Mỹ chỉ được ở rừng chứ không được đi công tác đồng bằng. Công việc của anh lúc ấy chủ yếu là gùi cõng, sản xuất. Về chuyên môn, thì làm các công tác như viết tài liệu tuyên truyền, và làm thơ để… cất đi. Đáng tiếc, vì chỉ quanh quẩn ở núi rừng, thơ anh ít gặp nguồn cảm hứng mới mẻ và mạnh mẽ. Và rồi, vào năm 1971, khi ở nơi sản xuất của Ban Tuyên huấn Khu V, anh đã hy sinh do bị biệt kích ngụy bắn.

Còn nhiều nữa những đồng đội của tôi thời chiến tranh mà tôi không thể ghi hết ra đây. Chuyện thời ấy dài lắm, nếu bạn nào quan tâm, xin đọc “Bê trọc” của tôi có thể tìm thấy những điều đáng quan tâm và sự đồng cảm nào đó chăng?

Tạm kết

Viết đến đây, tôi lại ngậm ngùi khi nhớ tới người cán bộ lãnh đạo cao nhất Ban Tuyên huấn thời ấy, anh Sâm, quê ở Nghệ An. Hồi ấy, anh hay nói đùa về ngày đoàn tụ gia đình: “Không phải là anh về em thỏa ước mong mà là ông về bà thỏa ước mong”. Anh sống chan hòa, vừa làm tốt trọng trách của mình, vừa gần gũi, giúp đỡ cấp dưới. Vậy mà khi hòa bình, về một địa phương ờ nam Trung bộ công tác, chỉ vì máu đố kỵ, địa phương chủ nghĩa của một số cán bộ lãnh đạo biến chất, anh bị vu cáo là không phải đảng viên, đến khi được Trung ương làm rõ, thì Đại hội đảng bộ đã qua, và anh phải ngồi chơi xơi nước. Hồi anh đã nghỉ công tác rồi, tôi có vào thăm anh tại một căn nhà khiêm nhường nơi thành phố biển. Anh, chị tiếp tôi thân tình, đơn giản. Anh đưa cho tôi một chiếc kẹo và nói: “Mình chỉ có cái này mời cậu thôi!”. Một thời gian sau, anh mắc bệnh và qua đời! Lúc này đây, vị ngọt của chiếc kẹo mà anh cho tôi, vẫn vương vương nơi họng, nhưng đã chuyển sang vị đắng…

+

Chuyện đồng đội kể không biết bao giờ hết. Tạm ghi lại mấy chuyện mà tôi nhớ được như trên. Lần đầu tụ hội Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu V, cách đây khoảng vài chục năm, có 700 người dự. Vậy mà đến cuộc này, chỉ còn hơn 250 người! Đồng đội của tôi thưa dần, vì không ai có thể cưỡng lại tuổi tác, bệnh tật. Nhưng, những cán bộ Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu V vẫn giữ nguyên được phẩm chất của người chiến sĩ cách mạng, vươn lên cống hiến cho xã hội, sống trong sạch, thẳng thắn. Trong số hơn 1.000 người thời ấy, có người đã làm tới cấp Bí thư Tỉnh ủy, lãnh đạo cấp Bộ, cấp Ban ở Trung ương, còn cấp Cục, Vụ, Giám đốc và tương đương cũng không ít. Phần đông còn lại trở về cuộc sống của người bình thường, làm cán bộ, công nhân, hoặc trở về quê nhà vui vầy với con trâu đồng lúa. Trong số ấy, chỉ có một trường hợp dây dưa trong vụ mua nguyên liệu đúc tượng Mẹ Nhu, một người bị can án, tù mất 3 năm, sau đó ra tù, đã phấn đấu trở lại, còn tuyệt nhiên tôi chưa nghe thấy nói ai bị phạm tội tham nhũng, lợi dụng chức quyền, đi ngược lại lợi ích của nhân dân.

Riêng về tôi và vợ tôi – Nguyễn Thị Kim Ngân, đã có mặt trong 3 cuộc gặp gỡ. Không những vậy, ở Hà Nội, những người Tuyên huấn Khu V chúng tôi thường gặp mặt nhau mỗi năm một vài lần, mỗi lần cũng có bốn năm chục người. Bận gì thì bận, vợ chồng tôi chưa vắng mặt buổi gặp nào. Chúng tôi thường nói với nhau: So với đồng đội, vợ chồng mình may mắn gấp 5 lần: Thứ nhất, đồng đội nằm lại trên chiến trường, mà mình về được quê hương. Thứ hai, đồng đội bị thương tích, mà mình vẫn lành lặn. Thứ ba, đồng đội bị bệnh tật làm suy yếu sức khỏe, gần như tàn phế, mà mình còn khá khỏe mạnh. Thứ tư, đồng đội bị nhiễm chất độc da cam, sinh con đẻ cháu tật nguyền, mà mình con cháu đề huề. Và thứ năm, đồng đội rất nhiều người có cuộc sống chật vật, bần hàn, mà mình có cuộc sống khá dễ chịu. Cứ nghĩ như thế, vợ chồng tôi lại nắm tay nhau vượt qua không ít trở ngại trong cuộc sống. Tôi chỉ kể lại vài chi tiết như sau, để thấy cũng có thời, chúng ta khổ như thế nào: Vào những năm 70, 80, sống ở khu tập thể Mai Hương, nước sinh hoạt là cả một vấn đề lớn. Cứ đêm đêm, chúng tôi phải xếp hàng hứng từng giọt nước đem về dùng. Tới khi cuộc sống khá giả rồi, vợ tôi vẫn không bỏ được thói quen tích trữ nước, bao giờ bà ấy cũng để một xô nước rõ đầy ở góc phòng tắm! Hồi đó, vợ chồng tôi được cơ quan phân cho ở một căn phòng rộng 9 mét vuống trong dãy nhà lợp ngói ở khu tập thể cơ quan. Sau đó, chúng tôi “vẩy” xuống cái hè nhà, được thêm 3 mét vuông nữa. Vì mái “vẩy” chạy xuôi theo chiều của mái nhà cho nên thấp lè tè. Ngày ngày đi làm, chúng tôi nhốt đứa con gái đầu lòng ở căn hè “vẩy” ra ấy từ trưa tới chiều (cháu học buổi sáng). Có hôm nắng quá, mái “vẩy” quá thấp, cháu ở trong nhà mà cũng bị cảm nắng! Bây giờ, chúng tôi thường nói đùa: Ngày xưa hay được sướng hơn bây giờ. Ngày xưa đang cạn nước, bỗng nước máy chảy ào ào, thế là sướng. Ngày xưa thường xuyên mất điện, đang tối thui tối mò, điện bừng lên, thế là sướng. Ngày xưa mua gạo khó vô cùng, bỗng có người mua hộ mấy cân gạo, thế là sướng... Thôi thì đủ thứ sướng. Bây giờ kiếm được cái sướng như ngày xưa, nghe chừng khó. Thậm chí, bị nhiều nỗi bực hơn ngày xưa. Cũng bởi cuộc sống sung túc rồi, được hưởng thụ nhiều hơn rồi, đến khi gặp chuyện trái ý, thì cái tôi to đùng dễ phùng mang trợn mắt hơn, quay lại tiêu diệt hết cái sướng đơn sơ của mình, hóa ra làm cho mình khổ.

Trong cuộc gặp mặt, có ý kiến của một cán bộ cấp cao là nên làm thủ tục trình Nhà nước phong tặng Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu V danh hiệu Anh hùng! Đúng là như vậy, Ban Tuyên huấn của tôi anh hùng lắm! Tuy nhiên, điều cần nhất là phẩm chất anh hùng ấy được giữ lại trong mỗi con người chúng tôi, không những vậy, còn phải truyền lại cho con cháu mai sau...