CẢM NGHĨ VỀ SỰ KIỆN “ĐÀN CHIM VIỆT” – TÔN VINH ÂM NHẠC VĂN CAO

Còn trên một tuần nữa mới tới đêm diễn ra sự kiện trăm năm mới có một lần, tôn vinh âm nhạc Văn Cao, với tên gọi “Đàn chim Việt”, nhưng công chúng đã háo hức hẹn nhau tới dự, dù được vào trong Nhà hát Lớn, hay ở bên ngoài.
van-cao-1718905420.png
 

Gọi là “Trăm năm có một”, bởi đây là sự kiện nhằm tôn vinh một nhạc sĩ tài năng, tác giả của Quốc ca, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông. Đây là một cột mốc quan trọng đối với những người tổ chức sự kiện cũng như đông đảo công chúng, vì không còn cơ hội nào khác được thực hiện và chứng kiến một sự kiện lớn lao như vậy. Trong buổi gặp mặt Báo chí, một Ban chỉ đạo và đội ngũ thực hiện “hoành tráng” đã ra mắt, gồm đại diện của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ văn hóa – Thể thao và Du lịch, Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam và nhiều nghệ sĩ tài danh…

Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nhạc sĩ Đức Trịnh, khẳng định: “Muốn đem hết khả năng để khán giả được nghe, nhìn các tác phẩm của Văn Cao. Chương trình nghệ thuật này không chỉ tôn vinh nhạc sĩ Văn Cao mà là tôn vinh cả nền âm nhạc Việt Nam”!

Tổng đạo diễn của chương trình là đạo diễn Phạm Hoàng Nam trải lòng mình: “Thực hiện chương trình nghệ thuật “Đàn chim Việt”, tôi phải vượt lên chính mình. Đây không chỉ là một đêm ca nhạc, một chương trình kỷ niệm mà hơn nữa, là một đêm thông qua âm nhạc Văn Cao nói lên tình thần hòa hợp dân tộc, sự vươn lên của đất nước – tinh thần cốt lõi của chương trình. Bản thân Nhà hát Lớn là một sân khấu, nghệ sĩ, khán giả hòa quện với nhau. Bên ngoài Nhà hát cũng là một sân khấu. Giới hạn của sân khấu bị phá bỏ. Truyền hình trực tiếp cả trong và ngoài Nhà hát Lớn. Một thách thức lớn khác là phần âm nhạc – phổ rất rộng, từ tinh tế nhất đến hoành tráng nhất. Phải huy động tổng lực để thực hiện chương trình. Lần đầu tiên có một đội ngũ nhạc sĩ tiêu biểu, đông đảo tham gia như thế. Yếu tố quan trọng là Nhà hát Lớn, Quảng trường Cách mạng tháng 8. Làm sao cho khán giả đến thật đông. Sẽ tạo ra sự tương tác giữa nghệ sĩ với khán giả, nhất là khán giả trẻ”.

Nhạc sĩ Đỗ Bảo cũng cho biết: “Đây là chương trình cực kỳ hoành tráng, chưa có tiền lệ. Lực lượng tham gia đông đảo, phong phú và được chọn lọc với 4 dàn nhạc lớn, 28 ca sĩ tên tuổi đơn ca, chưa tính dàn hợp xướng, thuộc đủ các dòng nhạc, ở trong nước và ngoài nước. Việc thu âm cũng hết sức phức tạp”.

Thay mặt gia đình nhạc sĩ Văn Cao, nhạc sĩ Văn Thao, con cả trong nhà, phát biểu: “Gia đình vô cùng xúc động. Nếu không có sự đóng góp nhiệt tình của chị Quỳnh Anh (Giám đốc Dự án), sự chỉ đạo của Hội Nhạc sĩ, sự đóng góp nhiệt tình của các nhạc sĩ, thì không thể có một chương trình như thế này. Gia đình chúng tôi tin tưởng là chương trình sẽ thành công!”.

Qua việc giới thiệu chương trình, chúng ta có thể hình dung sự phức tạp, khó khăn khi chuẩn bị chương trình: Viết các bản phối khí, tập, thu thanh, liên kết các tiết mục, các nghệ sĩ… Rồi tuyển chọn, vận chuyển, lắp ráp các phương triện nghe nhìn to lớn, nặng nề và cần được bảo vệ cẩn thận. Với việc sử dụng âm thanh, ánh sáng tiêu hao năng lượng lớn như vậy, đội ngũ thực hiện chương trình cũng phải tính đến sự an toàn của trạm điện và các đường dây tải điện - một yếu tố kỹ thuật đứng ngoài nghệ thuật, nhưng phải quan tâm, không để xảy ra sự cố, thì sự kiện mới diễn ra an toàn như mong muốn. Chưa kể phải huy động lực lượng an ninh – trật tự bảo vệ sự kiện với số lượng không hề nhỏ!

Rất đáng mừng, là trong ý kiến của tất cả những người tham gia thực hiện chương trình, tôi không nghe một ai nói đến hai chữ “làm mới” tác phẩm âm nhạc của Văn Cao, cái “mốt” mà cách đây ít năm, người ta hay thực hành bởi sợ rằng những tác phẩm kinh điển khó tiếp cận được với công chúng hiện đại! Mừng hơn nữa, là tất cả các thành viên của đội ngũ thực hiện chương trình đều nói rằng khi nghiên cứu sâu tác phẩm và con người Văn Cao, càng thấy những giá trị lớn lao mà họ phải thẩm thấu cho được, từ đó chuyển tải trung thành đến công chúng qua ngôn ngữ nghệ thuật! Họ đã nhận thức đúng rằng, những tác phẩm văn hóa nghệ thuật, một khi đã trở thành những giá trị ở đẳng cấp cao, thì không bao giờ cũ và có khả năng tiếp cận công chúng xuyên thời gian và không gian, cho nên nhiệm vụ của cả đội ngũ là “nỗ lực đem đến một đêm nghệ thuật chất lượng, giàu sự sáng tạo và đúng với tinh thần nghệ thuật của Văn Cao nhất”. Yêu cầu đặt ra đối với nghệ sĩ là phải thấu hiểu, phải rung động mãnh liệt và phải có sức sáng tạo xứng tầm. Chính vì vậy, tôi tin những lời mà các thành viên của đội ngũ thực hiện Chương trình phát biểu là chân thực, rằng họ cảm thấy bị đè nặng khi nhận nhiệm vụ! Quả thực, những giá trị của Văn Cao để lại cho đời quá đồ sộ và có sức nặng vô cùng tận cho nên đè nặng lên hậu thế là điều tất yếu.

Vậy thì, đội ngũ thực hiện “Đàn chim Việt” làm thế nào để tải được sức nặng nghệ thuật ấy trên hành trình tiếp cận công chúng?

Trước hết, về nhận thức, ta đã thấy họ đánh giá đúng đối tượng và chọn hướng đi đúng đắn. Từ rất nhiều nhận xét của những người có uy tín đánh giá về nghệ thuật của Văn Cao: “Thác lũ nghệ thuật”, “Âm nhạc thần tiên bay bổng”, “Thế giới của tưởng tượng, của bay bổng”, “Văn Cao là trường hợp điển hình về một nghệ sĩ đã đồng hành cùng dân tộc và thời đại mình để bằng tài năng và tâm huyết sáng tạo nên những tác phẩm bất hủ”… họ đã xác định rõ điểm cốt lõi của chương trình nghệ thuật, đó là tình thương yêu, hòa hợp dân tộc, sức vươn lên của đất nước thể hiện qua di sản nghệ thuật Văn Cao. Họ chọn được tên chương trình vừa trùng với tên một ca khúc của Văn Cao, vừa thể hiện được tinh thần hòa hợp ấy: “Đàn chim Việt”! Qua Văn Cao, mỗi người dân như một con chim trong một đàn chim hiền lành, có tính cộng đồng cao và có khả năng cùng nhau bay vút lên bầu trời hạnh phúc và bình yên.

Tiếp theo, từ chủ đề xuyên suốt đó, trong gia tài đồ sộ của âm nhạc Văn Cao, phải chọn bao nhiêu tác phẩm cho đủ, trong khi thời lượng chương trình chỉ vỏn vẹn 90 phút? Đội ngũ này đã chọn theo hướng thể loại và nội dung bao quát nhiều chủ đề - 3 thể loại, gồm tình ca, hành khúc và trường ca, như “Thiên thai”, “Buồn tàn thu”, Trương Chi”, “Làng tôi”, “Mùa xuân đầu tiên”, “Trường ca Sông Lô”, “Tiến quân ca”, “Tiến về Hà Nội”, “Chiến sĩ Việt Nam”. Điểm qua đã thấy nội dung của các tác phẩm âm nhạc được jchonj vừa có tính chung vừa có tính riêng, và quy tụ ở tinh thần tự hào dân tộc, tình yêu đất nước, yêu con người. Những bản phối mới, nhiều thủ pháp nghệ thuật hiện đại được đội ngũ thực hiện chương trình chuẩn bị chu đáo, sẽ tạo không gian nghệ thuật xứng tầm để các tác phẩm âm nhạc của Văn Cao được tỏa sáng. Đội ngũ nghệ sĩ tham gia chương trình được chọn lựa kỹ, là những nghệ sĩ nổi tiếng: NSND Quang Thọ, NSND Quốc Hưng, NSƯT Thanh Lam, NSƯT Đăng Dương, Ca sĩ Ánh Tuyết, Nghệ sĩ Mỹ Linh, Trần Thu Hà, Tùng Dương, Lan Anh, Phúc Tiệp, Đào Tố Loan, Ngô Hương Diệp, Vũ Thắng Lợi, Nguyễn Thăng Long, Đào Mác, Yvol, Đỗ Tố Hoa, Thu Hằng,  Bùi Trang, Tạ Quang Thắng, cùng hàng trăm nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công, và đặc biệt là sự tham gia của sinh viên, học sinh các trường trong thành phố Hà Nội, hứa hẹn sẽ đưa âm nhạc Văn Cao đến với công chúng đúng với giá trị của những tác phẩm ấy..

Phương thức biểu hiện cũng là một sự sáng tạo độc đáo. Đội ngũ thực hiện chương trình thống nhất tạo ra một sân khấu mở và một lối trình diễn linh hoạt trong khi vẫn đảm bảo tính nhất quán của nghệ thuật. Về sân khấu, mặc dù chọn Nhà hát lớn, một công trình dành cho nghệ thuật biểu diễn kinh điển, nhưng đội ngũ này không thực hiện cách diễn duy nhất trên sân khấu khuôn mẫu. Họ xóa nhòa ranh giới sân khấu và khán phòng, thậm chí xóa nhòa ranh giới trong và ngoài nhà hát. Diễn viên không chỉ trình diễn trên sân khấu, mà còn ở dưới những hàng ghế khán giả, thậm chí ở ngoài quảng trường 19 tháng 8, lẫn trong công chúng! Ý tưởng độc đáo làm sao. Nhưng, với mong muốn chuyển tải được trung thành và sinh động nhất những giá trị của Văn Cao tới công chúng, với những nghệ sĩ tài năng được lựa chọn kỹ càng và với công nghệ âm thanh, ánh sáng, thông tin hiện đại, tin rằng ý tưởng ấy sẽ tạo ra một đêm nghệ thuật mang tính đột phá. Ta có thể hình dung là, khán giả, dù ở trong nhà hát hay ở ngoài nhà hát, vẫn có thể được đồng thưởng thức một buổi biểu diễn lạ lùng và hấp dẫn.

Sự tương tác linh hoạt giữa các nghệ sĩ với nhau và giữa các nghệ sĩ với công chúng đòi hỏi mỗi nghệ sĩ phải thẩm thấu tác phẩm tới mức nhuần nhuyễn, không những vậy, phải liên kết được phần trình diễn của mình với các phần trình diễn khác, lại đòi hỏi các phương tiện âm thanh, ánh sang, hình ảnh phải hiện đại, kết nối nhiều chiều. Có thể nói, đội ngũ kỹ thuật cũng phải là những nghệ sĩ thực thụ để tạo ra âm thanh, ánh sáng, hình ảnh phản ánh đúng tinh thần tác phẩm nghệ thuật của Văn Cao và đáp ứng được yêu cầu tương tác lạ lùng của chương trình. Chỉ cần một lỗi nhỏ của âm thanh, ánh sáng, hình ảnh là có thể làm mất sự liên kết cần thiết, hỏng chương trình. Đây là điều mà tôi muốn nhấn mạnh đối với toàn bộ đội ngũ thực hiện chương trình.

Một phần quan trọng nữa, là vấn đề kinh tế của chương trình. Có thể thấy, chương trình đã được sự quan tâm dặc biệt của các nhà kinh tế, do vậy, có tới 7 tập đoàn, ngân hàng, công ty cùng nhiều nhà tài trợ cá nhân đóng góp kinh phí cho chương trình này. Điều đó có thể đảm bảo về kinh tế, đội ngũ thực hiện chương trình không phải lo lắng gì!

Để kết thúc, tôi muốn nói đến những điều có thể là chi tiết nhỏ, nhưng lại thể hiện sự nhất quán của đội ngũ thực hiện chương trình, đó là trong cuốn sách giới thiệu chương trình được in trang trọng, rất nhiều từ ngữ trước đây “lai ngoại” thì ở đây dược dùng “thuần Việt”, ví dụ, chữ “Êkip”, được thay bằng “Đội ngũ”, “Đơn vị sản xuất”, “Đơn vị thực hiện”, “Nghệ sĩ tham gia”… Sự góp mặt của nghệ sĩ hải ngoại Hương Lan cũng phần nào nói đến tinh thần hòa hợp dân tộc của chương trình. Và, cũng cần nhắc lại rằng, đội ngũ thực hiện chương trình không hề có ý định  “làm mới” âm nhạc Văn Cao, mà “hạ quyết tâm” nghiên cứu kỹ, hiểu sâu sắc, rung cảm mạnh mẽ, vận dụng sáng tạo để chuyển tải đúng nhất tinh thần nghệ thuật của Văn Cao tới công chúng! Với khao khát chuyển tải như vậy, đạo diễn Phạm Hoàng Nam nhắc đi nhắc lại với các nhà báo rằng cần tuyên truyền, cổ vũ thật mạnh mẽ để công chúng biết và tới quảng trường 19 tháng 8 Hà Nội  (khu vực Nhà hát Lớn) vào 20h00 ngày 20 tháng 8 năm 2023.

Hẹn gặp “Đàn chim Việt”!