Thế là, như được khơi nguồn từ một kho tàng tiềm ẩn, dòng nhạc cuộn chảy trong tôi, để bật ra thành những ca khúc với nhiều sắc thái của cuộc sống. Tôi yêu âm nhạc từ nhỏ, có học những bài cơ bản, nhưng không học chuyên về ngành này, cho nên sáng tác theo cảm hứng là chính. Cũng lại một điều may mắn nữa, là tôi có người bạn ít tuổi hơn nhưng thân thiết như anh em, đó là Thạc sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Ngọc Khôi, con của nhạc sĩ Phạm Đình Sáu - "con nhà nòi" như chúng ta hay nói. Từ khi viết ca khúc, tôi coi Phạm Ngọc Khôi là người thầy âm nhạc của mình. Viết bài nào xong, là tôi đến với Phạm Ngọc Khôi để anh diễn tấu bằng Piano và góp ý cho tôi sửa chữa. Khả năng cảm thụ và trình tấu của Khôi thật là tuyệt với – khi nghe Khôi dạo lên bản nhạc của mình, tôi thường thốt lên: “Khôi ơi, sao diễn tả đúng tâm trạng của mình đến thế?”. Anh bảo tôi rằng cứ viết đi, rồi sửa, quá trình sửa là quá trình học. Đúng như thế, cứ sau mỗi lần cùng Khôi sửa ca khúc của mình, là tôi học thêm được đôi điều, ít thôi, nhưng rất quan trọng cho sáng tác.
Về ca sĩ, NSND. Đức Long cũng trở thành người bạn thân thiết của tôi. Khi viết xong tác phẩm nào phù hợp với giọng nam ở thể loại trữ tình, tôi thường đem tới để anh hát, thu thanh. Cũng có khi anh góp ý tôi nên sửa đôi chỗ, tôi thấy hợp lý và sửa, để tác phẩm được hoàn chỉnh hơn. Cần nói thêm là Đức Long có tư chất của một nghệ sĩ toàn diện, với sự hiểu biết sâu sắc cuộc sống và âm nhạc, cho nên những ý kiến của anh rất chí lý. Anh không chỉ hát bằng kỹ thuật thanh nhạc cùng nhạc cảm, anh còn hát bằng trí tuệ! Một ca sĩ khác cũng khiến cho tôi thêm niềm vui trong sáng tác là Hiền Anh – Giải nhì Sao Mai toàn quốc năm 2008. Yêu nghề, nhạy cảm, khi nhận hát bài của tôi để thu thanh, Hiền Anh nghiên cứu khá kỹ và xử lý đầy sáng tạo. Tôi cảm thấy hạnh phúc vì đứa con tinh thần đầu tiên của tôi – “Nhớ nắng” – được Hiền Anh yêu quý và chăm chút như con của chính cô. Khi tôi chuẩn bị tổ chức chương trình riêng của mình vào năm 2009 “Nhớ một thời”, Hiền Anh đã chủ động gọi cho tôi và “xung phong” hát bài “Nhớ nắng”. Với giọng tự tin, cô bảo: “Cháu sẽ thể hiện hay tác phẩm của bác và làm cho “Nhớ nắng” có sắc thái mới!”. Cũng theo đề nghị của cô, bài này được nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng phối khí theo phong cách giao hưởng. Trong quá trình tập, Hiền Anh đã sáng tạo ra đoạn xướng âm giữa hai lần hát, làm cho bài hát mạnh mẽ thêm, trữ tình thêm và ca sĩ có điều kiện khoe giọng của mình. Hiền Anh đã thực hiện đúng lời nói của mình, “Nhớ nắng” có một sắc thái mới, mạnh mẽ, lạc quan, khác với bản thu đầu tiên. Hiền Anh còn biểu diễn trên truyền hình và nhiều nơi khác bài hát này. Thậm chí, cô còn ra Karaoke, rồi DVD chỉ với 2 ca khúc, mà “Nhớ nắng” là một. Cô cũng giới thiệu cho rất nhiều ca sĩ trẻ để họ hát “Nhớ nắng”. Không biết duyên nợ âm nhạc thế nào, mà bài hát mà tôi sáng tác vào dịp kỷ niệm trọng một giáp vui với âm nhạc – ”Niệm bình an ”- cũng lại do Hiền Anh chăm nom, đưa vào đời sống. Thực ra, tôi có được ca khúc này là do Hiền Anh “đặt hàng”. Một hôm, Hiền Anh nói với tôi: “Bác viết cho cháu một bài theo nhạc Phật với, để hát nhân dịp Phật đản sắp tới. Cháu chọn mãi mà chưa được bài nào vừa ý”. Tôi không hứa, nhưng nhập tâm lời yêu cầu của Hiền Anh. Rồi, giai điệu, cùng ca từ hiện lên, tôi viết một mạch khoảng 2 tiếng đồng hồ là xong. Hiền Anh nhận văn bản và chủ động đi nhờ phối khí, dàn dựng và làm MV. Được mọi người đồng tình ủng hộ, Hiền Anh kéo quân về chùa Keo – Thái Bình - ghi hình ca khúc này. Kết quả, “Niệm bình an” được công chúng đón nhận nhiệt tình, được lên sóng đài phát thanh – truyền hình Hà Nội, được mời phục vụ tại các chùa, các sự kiện liên quan tới Phật giáo. “Niệm bình an” có số phận may mắn như vậy, công của Hiền Anh lớn lắm. Qua cộng tác với NSƯT Việt Hoàn, tôi thấy anh là một nghệ sĩ chu đáo, vô tư, nhiệt tình với mọi người. Những lúc tôi dựng chương trình nào đó mà có anh tham gia, anh đều chủ động dàn dựng tiết mục giúp tôi, từ cách hướng dẫn các bạn trẻ sửa cách hát, tới việc ra, vào sân khấu. NSND Quang Thọ thì cho tôi một bài học về sự nghiêm túc trong hoạt động nghệ thuật: Là một bậc thầy, nhưng khi nhận ca khúc của tôi, anh không chủ quan, hời hợt, mà nghiên cứu kỹ. Tôi sững người khi thấy bản in bài hát “Nhớ một thời” của tôi có những chỗ mà Quang Thọ đánh dấu để phân đoạn, lấy hơi! Cho nên, thu thanh Quang Thọ rất “nhàn”, chỉ hát 2 lần là xong. Bên cạnh đó, tôi cũng có nhiều bạn ca sĩ đồng cảm, chia sẻ và nhiệt tình đi với tôi trên con đường âm nhạc: NSND Trung Đức, ca sĩ giải nhì Sao mai toàn quốc Trần Hồng Nhung, NSND Mai Hoa, NSND Vi Hoa, ca sĩ Đăng Thuật, Ca sĩ Đăng Dương, ca sĩ Lê Anh Dũng, NSND Tố Uyên, ca sĩ Hoàng Tùng, ca sĩ Phương Uyên, ca sĩ Văn Giáp, ca sĩ Minh Quang, ca sĩ Ngọc Quy, NSƯT Minh Huyền, ca sĩ Nguyễn Hoàng… Trên con đường âm nhạc, có một người tuy ít xuất hiện, nhưng lại để lại dấu ấn mạnh mẽ với tôi, đó là nhạc sĩ, nhà nghiên cứu, phê bình âm nhạc, Nhạc sĩ Hồ Quang Bình. Từ nhỏ, tôi đã say mê nghe ông giới thiệu, phân tích các tác phẩm âm nhạc kinh điển của thế giới qua làn sóng đài Tiếng nói Việt Nam. Đến khi tổ chức ra mắt CD thứ hai của mình – “Giàn thiên lý” - với 10 ca khúc do Đức Long thể hiện, tôi được ông giúp giới thiệu, phân tích tác phẩm vào khoảng thời gian giữa của chương trình. Với giọng nam trung ấm áp, truyền cảm, với tri thức uyên bác, ông đã giúp khán giả hiểu thêm, yêu thêm những ca khúc của tôi được trình bày trong buổi diễn ấy và cũng giúp tôi học được thêm về cách thức sáng tác, quan hệ giữa sáng tác và biểu diễn.
Với tôi, viết ca khúc là một cuộc chơi đầy niềm vui. Khi ngồi vào bàn viết, một mình bên máy tính và chương trình chép nhạc Encore. lang thang theo những nốt nhạc, tâm hồn được phiêu du vào một thế giới yên bình và thanh tao. Mỗi lúc như vậy, là bao nhiêu bụi bậm của cuộc đời được rũ sạch, bao nhiêu căng thẳng của công việc cũng biến mất, chỉ còn thế giới âm thanh kì diệu của riêng tôi. Một giai điệu vút lên trong tâm hồn, được thể hiện thành những dòng nhạc trên máy tính. Sau đó, máy tính tấu lại giai điệu đó cho tôi nghe. Khi viết xong một ca khúc, chỉ ngồi nghe lại nó do máy tính thể hiện thôi, cũng đã thấy sung sướng lắm rồi! Lúc ấy, thời gian trôi nhanh một cách lạ kỳ. Vèo một cái đã quá nửa đêm. Nhiều khi tôi thức xuyên đêm, không phải với nỗ lực của một người cố làm cho xong việc, mà với tâm thế nhẹ nhõm của một người ham vui, quên mất thời gian. Âm nhạc là liều thuốc bổ quý giá cho tâm hồn, giải tỏa cho tôi biết bao nhiêu căng thẳng khi làm công tác quản lý hoặc khi làm công việc nghiên cứu…
Vui đấy, chơi đấy, mà cũng bổ ích, cũng góp được chút niềm vui cho đời chứ không phải chỉ cho riêng mình. Nhiều bạn văn thơ gửi thơ cho tôi, trong cái ý thân tặng cũng có ý gửi gắm để tôi chắp thêm cánh âm nhạc cho đứa con tinh thần của mình. Là người viết văn, tôi hiểu cách xử lý thơ cho âm nhạc, để vừa tôn trọng được tác giả - tác phẩm thơ, vừa không bị chạy theo thơ làm giảm giá trị của âm nhạc. Tôi chọn những bài thơ có cấu trúc phù hợp với ca khúc để phổ nhạc, cho nên phần lớn các ca khúc do tôi phổ thơ của bạn bè đều giữ được gần như nguyên vẹn bài thơ. Những bài thơ đầu tiên mà tôi phổ nhạc là của nhà thơ Trịnh Thanh Sơn: “Biển vắng”, “Giàn thiên lý ”, đều do Đức Long hát. Là người hay rượu, Trịnh Thanh Sơn thường ngồi nhâm nhi với bạn bè, và những lúc ấy thường gọi tôi qua điện thoại, rồi hỏi tôi xem có nghe thấy tiếng gì khác tiếng chuyện trò không? Hóa ra đó là tiếng hát của Đức Long với bài “Biển vắng”. Khi tôi bảo “Biển vắng” chứ gì!", Trịnh Thanh Sơn cười vui hể hả. Riêng bài “Giàn thiên lý”, Trịnh Thanh Sơn viết tặng mẹ và vợ, khi bà cụ qua đời, anh đã đem đĩa thu bài hát ấy đặt lên bàn thờ dâng mẹ. Giờ đây, anh đã là người thiên cổ, nhưng “Biển vắng”, “Giàn thiên lý” và nhiều bài thơ khác của anh vẫn sống cùng bạn bè, độc giả, đem lại cho họ niềm vui và cả nhân sinh quan giàu nhân tính nữa. Tôi còn phổ nhạc bài thơ “Nhớ” khi anh lâm trọng bệnh và kịp tặng anh đĩa thu thanh bài hát ấy do Văn Giáp thể hiện trước khi anh từ trần.
Có lần nhà thơ Hoàng Minh Nhân từ Đà Nẵng ra, tặng tôi một tập thơ của vợ anh – nhà giáo Bảo Bình – và nói: “Vợ mình bị bệnh nặng, ông làm vài bài hát phổ thơ này để động viên vợ mình với!”. Tôi chọn thơ và phổ nhạc được 3 ca khúc (“Hồn rêu phố cổ, Đà Lạt - Màu hoa ớt, Tháng 6 mưa”). Ca khúc Tháng 6 mưa được Đức Long, Đăng Thuật thể hiện, mỗi người mỗi vẻ, trong đo Đức Long hát trên VTV1 ở chương trình Hoa tím và Đăng Thuật hát ở chương trình “Nhớ một thời”, ... có sức lôi cuốn người nghe. Bây giờ, nhà thơ Hoàng Minh Nhân đã qua đời, nhưng niềm vui mà anh thể hiện khi đón nhận những ca khúc phổ thơ của vợ anh vẫn như những ngôi sao, cứ lấp lánh quanh tôi.
Có lần cô hiệu trưởng trường mầm non Việt Pháp – nơi cháu ngoại tôi học – tha thiết nhờ tôi viết bài hát về trường nhân chuẩn bị kỷ niệm 5 năm ngày thành lập, tôi không nhận lời ngay. Tuy vậy, vì tình yêu đứa cháu ngoại, tôi vẫn cứ để tâm đến trường mầm non này, và rồi bỗng tứ nhạc hiện lên, cùng một lúc tôi viết 2 ca khúc, một để cho các cô giáo và một cho các cháu hát. Từ đó, cứ đầu giờ sáng và cuối giờ chiều là tiếng hát về ngôi trường ấy vang lên, làm cho cô, trò và cả tôi đều vui. Bài Trường Việt – Pháp của em được các cháu học thuộc, hát thường xuyên. Có một phụ huynh khoe với tôi: con trai chị ấy tối nào cũng vậy, phải hát xong bài Trường Việt Pháp của em rồi mới ngủ.
Có lần, nhà thơ Anh Chi “đố” tôi phổ một bài thơ cực ngắn của anh, bài “Bâng quơ ”. Tôi phổ nhạc nguyên bài thơ, chỉ cần láy lại một số từ hoặc câu của anh là được một ca khúc xinh xắn, được NSƯT Mai Hoa biểu diễn ở một số nơi, còn Anh Chi thì vui hết chỗ nói.
Bâng quơ (Thơ Anh chi) Biển cả dạt dào bâng quơ Cánh buồm chiều nghiêng ngả Gió thổi bâng quơ Bờ cây bỗng hát Sương mai bâng quơ Nụ hồng rơi lệ Em giống cánh buồm chiều thế Giống hàng cây Giống nụ hồng Nghiêng ngả Rồi khóc Rồi hát Vì anh bâng quơ!
|
Bâng quơ (Lời ca khúc) Biển cả dạt dào bâng quơ Cánh buồm chiều nghiêng ngả Gió thổi bâng quơ - bâng quơ Bờ cây bỗng hát - bỗng hát Sương mai bâng quơ - bâng qươ Nụ hồng rơi lệ - rơi lệ Em giống cánh buồm chiều thế - Giống cánh buồm chiều thế Giống hàng cây Giống nụ hồng Nghiêng ngả Rồi khóc Rồi hát Vì anh bâng quơ, bâng quơ! Vì anh bâng quơ, bâng quơ - Vì anh!
|
Các bạn làm kinh tế cũng quan tâm tới việc tôi viết ca khúc. Một lần, ngồi với nhau trên ô tô, anh Lê Hải Châu, Tổng giám đốc công ty Chu Việt, nói: Muốn nhờ nhạc sĩ viết về Chu Việt. Một anh bạn nói rằng tôi có thể viết giúp. Anh Châu bảo rằng nhạc sĩ miền Bắc viết thường thiếu sôi động. Tôi không nói gì, nhưng đêm đó về viết một mạch ca khúc “Chu Việt - Nguồn sống mới “.Khỏi phải nói, khi nghe bài hát này, anh Lê Hải Châu vui thế nào. Bài hát khác tôi viết tặng một doanh nhân là anh Hà: Lisohaka, ca ngợi người Việt tự làm xe máy, anh Hà đã cho toàn bộ nhân viên công ty Lisohaka sử dụng làm nhạc chuông điện thoại; anh Hà nói rằng mọi người thích nhất câu "Những anh thợ cầy, những cô thợ cấy đã trở thành công nhân". Chị Diệu Hiền, Tổng Giám đốc công ty thủy sản Bình An, trở thành nhân vật trong ca khúc của tôi: Người con gái Diệu Hiền. Công ty Bình An của chị cũng tạo cảm hứng cho tôi viết bài Chiều Bình An. Chị gọi điện từ Cần Thơ ra Hà Nội mấy lần mới gặp tôi để nói lời cảm ơn. Tiếc rằng, sau này công ty Bình An gặp khó khăn, có nguy cơ sụp đổ; khi ấy nhiều cơ quan báo chí viết bài với tinh thần "hạ gục" chị, tôi đã viết bài báo phản biện: Doanh nghiệp chìm xuồng, báo chí đừng dậy thêm sóng. Một bài hát tôi viết tặng giới doanh nhân cũng được nhiều doanh nhân/doanh nghiệp ưa thích và sử dụng trong các kỳ hội họp là Ngày doanh nhân Việt Nam. Kêu gọi doanh nghiệp, doanh nhân và cộng đồng góp sức giúp đỡ học sinh nghèo vượt khó, tôi viết Chắp cánh ước mơ (trở thành bài hát chủ đề của chương trình Chắp cánh ước mơ Vượt sông Hồ tìm chữ do Hội Khuyến học Việt Nam, Nhà Xuất bản Dân trí tổ chức hàng năm, truyền hình trực tiếp trên VTV2, mà tôi là Trưởng Ban Tổ chức). Cần nói thêm đôi chút là với nhận thức: doanh nhân là một động lực của xã hội, hết sức gian nan, vất vả, tôi thích viết ca ngợi họ, chứ không vì động lực kinh tế của cá nhân. Các bài viết nói trên, tôi đều biếu không các bạn doanh nhân một sản phẩm hoàn chỉnh - từ văn bản tới đĩa CD hoặc DVD do các ca sĩ chuyên nghiệp thể hiện.
Có một làn điệu dân ca Thái mà tôi được nghe vào năm 1967, khi tôi đang làm phóng viên TTXVN thường trú ở Sơn La, cứ ám ảnh tôi suốt bao năm tháng, kể cả những năm tháng mà tôi sống trong chiến trường đầy gian nan, ác liệt: "Non nón giờ ơ, péng khoòng me nón giờ đua ơ"...- Con hãy ngủ ngon hỡi con của mẹ ơi...). Để rồi hơn ba chục năm sau, làn điệu ấy vút lên trong tôi thành ca khúc Giấc mơ Làn điệu dân ca Thái được tôi lấy nguyên ở mấy câu đầu bài hát thành chủ đề chính, từ đó phát triển rộng ra, miêu tả giấc mơ của một người mẹ và một đứa trẻ về một miền núi rừng đổi thay, nâng bước con người đi lên. Khi phối khí bài này, nhạc sĩ Minh Đạo bảo rằng rất thích ở tính khác lạ, chẳng giống ai của nó.
Qua một người bạn, tôi nhận được bài thơ của một vị Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Đắc Nông, với nhã ý tặng tôi. Đọc bài thơ, tôi thấy con người có bút danh Trần Lê Châu Hoàng này có tâm hồn thi sĩ và có tình người chan chứa. Tôi liền phổ nhạc thành bài hát Hà Nội Nhớ (NSND Trung Đức trình diễn). Khi thu thanh, Đức Long bảo: thích quá, lâu rồi mới được hát một bài hát mới hay thế. Tôi vui, và cũng nghĩ Đức Long động viên mình. Nhưng giữa đêm đó, Đức Long gọi điện cho tôi và bảo rằng anh muốn hát lại đoạn kết, với cao độ được nâng lên, tôi đồng ý và ngay hôm sau, Đức Long thu thanh lại đoạn kết đó. Lúc này, tôi tin rằng lời nói của Đức Long về bài hát là lời nói xuất phát từ cảm xúc thực, kèm theo sự trăn trở, có trách nhiệm của anh. Sau này, NSND Trung Đức đã biểu diễn ca khúc này trong chương trình Nhớ một thời của tôi. Sau đó, Trần Lê Châu Hoàng gửi cho tôi bài thơ nữa là Về đi em - Đăk Nông, tôi cũng đã phổ nhạc thành bài hát cùng tên. Tôi khoái vị Ủy viên Trung ương này ở chỗ, vị ấy bảo khi họp, thấy căng qúa, lại xoay qua làm thơ, nhiều khi làm thơ quên hết sự căng thẳng trong hoạt động chính trị.
Một vị Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin thời tôi còn công tác tại Bộ này, là một nhà thơ nổi tiếng. Tôi đã chọn bài thơ Miền quê của ông để phổ nhạc thành ca khúc cùng tên.
Một vị lãnh đạo khác là Trương Quang Được, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc Hội, rất yêu văn hóa, nghệ thuật. Giáo sư Hoàng Chương nói với tôi: Anh Được giúp đỡ Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam của chúng ta rất nhiều, làm sao có món quà gửi anh ấy nhỉ. Tôi nghĩ, với người yêu văn hóa, nghệ thuật, thì món quà tinh thần là quý nhất. Tôi chọn bài thơ của ông: “Tặng em ” để phổ nhạc thành bài hát cùng tên, rồi thu thanh do anh Đức Long hát. Tôi tặng ông bài “Tặng em”, ông vui lắm - là lãnh đạo cấp cao nhưng ông sống giản dị, gần gũi, hồn hậu, ai cũng mến, bên cạnh đó là nể trọng tầm tư tưởng của ông. Tôi cảm phục chí trai của ông, khi mới 20 tuổi đã viết: “Bắc Thang ta bước lên trời/Cầm trăng ta vẽ nên người ta yêu”. Câu thơ này trở thành câu kết được tôi cho nhắc đi nhắc lại trong ca khúc “Tặng em” phổ thơ ông.
Cứ như vậy, dòng âm nhạc đưa đẩy tôi đi cùng dòng đời, đem lại cho tôi biết bao niềm vui mà tôi không thể ngờ tới. Âm nhạc giúp tôi có thêm ngôn ngữ để thể hiện tâm tư, tình cảm của mình. Niềm vui. Nỗi buồn. Tình yêu thương. Lòng tự hào. Hoài niệm. Khát vọng… Tất cả đều có thể được gửi gấm vào âm nhạc. Ca khúc Nhớ nắng thể hiện nỗi buồn khi người ta phải xa người mà mình yêu, nhưng lại cháy bỏng một niềm tin vào ngày đoàn tụ trong nắng ấm của tình yêu và lòng chung thủy, Nhớ một thời giúp tôi trải lòng mình về những kỷ niệm đẹp đẽ, hào hùng mà mình cùng vợ và đồng đội đã có được trong những năm kháng chiến cứu nước, khi chiến thắng trở về đồng bằng, và vươn lên trong thời bao cấp để “đi tiếp những chặng đường dài/Cũng chẳng thiếu sướng vui và gian khó/ Để dựng xây đất nước đàng hoàng hơn/ Tình vợ chồng mỗi ngày thêm gắn bó/Quá khứ vinh quang trở thành điểm tựa xây tương lai!”. Vào dịp kỷ niệm ngày cưới, vào dịp sinh nhật vợ, tôi viết ca khúc để “nịnh” người bạn đời, có cả nét khôi hài, trêu đùa vợ nữa. Đó là các bài Quê vợ tôi – Quảng Nam thân thương, Mừng sinh nhật . Kỷ niệm ngày mất của Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng, nhà bác học của nông dân, tôi viết ca khúc Trên cánh đồng mơ ước, được biểu diễn vào lễ kỷ niệm, khiến nhiều người rơi nước mắt vì hình tượng người trí thức hiện lên giản dị, gần gũi nhưng biết bao vĩ đại, ông đã cống hiến cả đời mình cho sự nghiệp khoa học phục vụ đất nước, mà đối tượng phục vụ chính là người nông dân và nghề nông. Nhớ về quê hương Ninh Bình, tôi viết bài Khúc hát quê nhà dựa vào làn điệu xẩm của quê tôi, có cách điệu để thể hiện nhịp sống mới sôi động, hối hả hơn xưa. Nhớ Bình Định, mảnh đất mà tôi từng gắn bó trong những năm kháng chiến gian lao, tôi viết Nhớ Bình Định. Ca ngợi sự cao quý của nghề nghiệp và lòng tự hào về nơi mình làm việc, tôi viết Dân trí thân yêu (Thơ Nguyễn Phan Hách). Góp tiếng nói nhằm làm giảm thiểu tai nạn giao thông, tôi viết Nỗi đau vấn nạn giao thông. Khẳng định con đường mà tôi cùng đồng bào đang đi, tôi viết Con đường Việt Nam.Quà tặng bạn khi lên trang trại của bạn, tôi có bài Ngôi nhà xanh. Muốn nói lên niềm khao khát sáng tạo của nghệ sĩ, tôi viết Gửi tình. Yêu quý các cháu ngoại (tôi không có cháu nội), tôi viết Chị và em và Thắp sáng niềm tin tiếp sức em tới trường. Các cháu thường xuyên nghe và hát hai bài hát này. Khi nhà thơ Tế Hanh bị ốm, tôi phổ thơ bài Nhớ con sông quê hương của ông như một món quà tinh thần dâng ông. Bài thơ này dài, quá khuôn khổ một ca khúc, tôi chọn ra những đoạn phù hợp với bối cảnh xã hội ngày nay, nhấn mạnh vào nội dung tình Bắc - Nam gắn bó. Khoảng một phần ba số ca khúc của tôi là phổ thơ của bạn bè, như: Gửi của Trần Hoàng Thiên Kim, Nhớ Hà Nội của Văn Trọng Hùng, Hiền Anh – 14 ca khúc – Mưa rêu, Sao không là ngày xưa? của Hồ Đắc Thiếu Anh. Huế vẫn trong tim, Lời này tôi viết - lời xuân của Tôn Nữ Hỷ Khương, Đêm thu Hà Nội. của Hiền Phương, Hoa sữa tình đầu của Nguyễn Phan Hách (có chuyện vui là bạn nào đó yêu nhạc đăng bài này lên mạng lại ghi là nhạc của Thế Duy chứ không phải là của Phạm Việt Long), Cây xương rồng khô khan, Chiều mưa như khói của Anh Chi, Hương thời gian, Sông hồng thương nhớ của Vũ Quần Phương, Mơ hình bóng quê nhà của Thanh Phan, Một rừng đào thắm của Nguyễn Thị Hồng Ngát, Những dòng sông Nam Bộ của Tố Ngân, Bài ca đồng đội của Trương Vĩnh Tuấn, Gặp lại Pa ri của Bích Ngọc, Mùa mây thiên di của Nguyễn Ngọc Bái, Sinh nhật em của Nguyễn Thúy Quỳnh, Tặng em của Trương Quang Được, Gửi con yêu của Soria Phương, Xa vắng của Tuệ Minh, Xuân Ba Bể của Hoàng Việt Hằng, Chị về (viết về bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm ) của Nguyễn Trung Kiên, Dỗ mình củaThu Hà, Mưa bụi bay của Vũ Duy Thông, Mùa xoan thiếu nữ của Uông Bích Ngọc, Thanh Xuân của Vũ Tuyên Hoàng, Bản tình ca quê hương của Đinh Văn Sùng, Về đi em Đăk Nông của Trần Lê Châu Hoàng, Hãy cứ là em của Trần Minh Anh, Những tiếng dân ca của Đặng Ái,
Là dân văn xuôi, tôi chỉ làm ít bài thơ cho vui. Lúc này, tôi có dịp ngồi chọn thơ của mình để phổ nhạc. Đó là các ca khúc: Người xưa ơi! , Những chiều mưa, Thôi, đừng làm mặt lạnh, Bài ca tặng bạn, Chiều Quy hòa nhớ Hàn Mặc Tử, Ký ức Hà Nội (Hà Nội trang sử mới), Sao anh lại nhìn em, Về đâu?, Biển tình (viết chung với Cù Minh Nhật), Mái trường thân yêu, Một đời người, Nhắn mắt đen, Em, hay là mùa xuân?
Khi truyện ngắn Ngộ nhận của tôi được Truyền hình Việt Nam chuyển thành bộ phim truyện 4 tập Cõi thiêng của Huyền, tôi vui mừng được cùng Phạm Ngọc Khôi viết nhạc, và tôi viết ca khúc cho đoạn mở đầu, kết thúc phim. Đó là ca khúc Gia đình thiêng liêng, do NSƯT Việt Hoàn trình diễn.
Một lần về thăm mẹ, tôi chợt thấy bồn chồn không yên – mẹ tôi đã ngoài 80 tuổi rồi, “mẹ già như chuối chin cây”. Thế là tôi cùng anh em đưa mẹ đi khám sức khỏe tổng thể, sau đó tôi ngồi viết liền một mạch ca khúc Mừng sinh nhật Mẹ, thể hiện lòng biết ơn và sự hiếu thảo của con cháu đối với Người! Bài hát ca ngợi nhưng vẫn có nét phảng phất buồn. Để rồi 5 năm sau (2009), tôi phải làm bài thơ rồi phổ nhạc thành ca khúc Nhớ Mẹ, khi mẹ tôi ra đi thanh thản ở tuổi 85, thay lời tất cả con cháu khóc mẹ bằng một ca khúc trĩu nặng tình thương nhớ và sự biết ơn
Đến một ngày, hồi tưởng về thời sôi nổi của mình, tôi mới thấy nghề báo gắn bó lạ lùng với mình. Tôi bước vào đời bằng nghề báo, và bây giờ, vào tuổi “xưa nay hiếm” vẫn cứ làm báo! Biết bao vui buồn, sướng khổ, nhưng lúc nào cũng là vinh quang, nghề báo của tôi. Ca khúc “Tâm sự người làm báo” ra đời trong tâm thế ấy. Giai điệu cùng lời ca vang lên trong tâm tưởng tôi: ”Người làm báo đi khắp nhân gian tìm sự thật/Người làm báo thu hết bão giông vào thân mình”. Đây là một ý tứ bất chợt hiện lên, nhưng là kết quả của sự chiêm nghiệm về nghề mà mình đã gắn bó mấy chục năm qua. Và rồi, lời ca cùng giai điệu cứ sóng đôi tạo nên phần tiếp theo, giúp tôi hoàn chỉnh nửa cuối của ca khúc, để rồi sau đó viết ngược trở lại phần mở đầu. Chỉ vài hôm, ca khúc hoàn thành. Như chính tên gọi của nó, ca khúc này là lời TÂM SỰ chứ không phải là một bài NGHỀ CA, cho nên viết ở điệu thức LA thứ, nhẹ nhàng, mềm mại, khai thác chiều sâu của tâm trạng. Đây là những lời tâm huyết của một người yêu nghề, chứ không phải là một lời kêu gọi, cho nên tiết tấu cũng dàn trải chứ không mạnh mẽ theo kiểu hành khúc. Tuy nhiên, vì là “Thu hết bão giông vào thân mình”, dám chịu mọi thử thách của cuộc đời, cho nên phần phát triển, tôi chuyển sang nhịp ¾ với tiết tấu dồn dập một chút, miêu tả sự quyết tâm của người làm báo đấu tranh cho công lý, không sợ hiểm nguy, không màng lợi danh. Phần tái hiện – kết – tôi viết trở lại nhịp 4/4 với tiết tấu dàn trải, thể hiện tình yêu tha thiết của người làm báo đối với nghề, một tấm lòng thủy chung, trọn đời với nghề báo vẻ vang. Ca khúc này tuy là lời tâm sự của một người làm báo, nhưng lại có tính khái quát, tạo nên hình tượng về người làm báo nói chung – có thể ở trên đất nước ta, cũng có thể ở nơi nào đó trên trái đất. Vì thế, người làm báo trong ca khúc này phải chống lại cả cường quyền và sự đe dọa của những thế lực hắc ám để vươn tới công lý. Tôi dành ca khúc này cho con gái tôi, Phạm Thùy Linh, hát đầu tiên, vì Linh đã học thanh nhạc, cũng đang làm nghề báo tại Tạp chí điện tử Văn hiến Việt Nam. Cũng lại may mắn, vào dịp kỷ niệm 90 năm báo chí cách mạng Việt Nam, Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Nội tổ chức một buổi giao lưu nghệ thuật hoành tráng, “Tâm sự người làm báo” đã vang lên tha thiết ở phần giữa của Chương trình này, trên sân khấu nhà hát Âu Cơ và trên làn sóng truyền hình trực tiếp của đài PTTH Hà Nội, với giọng ca vừa trữ tình, vừa hào hùng của NSƯT Việt Hoàn. Sau đó, “Tâm sự người làm báo” được hát ở rất nhiều sự kiện cs liên quan đến báo trí, nổi bật là một số cuộc trao giải báo chí Quốc gia hàng năm, truyền hình trực tiếp trên VTV1. “Tâm sự người làm báo” còn đi sâu vào đời sống, trở thành bài hát của đông đảo những người làm báo trên khắp đất nước. Cứ vào dịp 21 tháng 6, ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, là “Tâm sự người làm báo” lại vang lên trên Truyền hình trung ương và địa phương hoặc trên các buổi lễ kỷ niệm của các tỏa báo.
Viết khí nhạc đòi hỏi một trình độ cao về nhạc lý. Tôi không học bài bản về nhạc lý cho nên không dám nghĩ đến tác phẩm loại này. Tuy vậy, tôi thấy viết nhạc không lời lại có một sự thú vị lạ kỳ, vì nó giải phóng được cảm xúc, khiên cho cảm xúc mạnh hơn, bay hơn, không bị hạn chế ở cao độ của âm thanh. Vào đêm 29 tháng 3 năm 2004, ngồi bên máy tính, tôi suy nghĩ về cuộc sống. Có lúc ta chìm đắm vào suy tư, và ta cảm thấy cô đơn. Dường như có thứ thuộc về ta đang tìm cách bay vụt đi. Thực tế, có thứ đã bay đi mất, để lại trong ta một khoảng trống đen ngòm. Nhưng, niềm tin yêu cuộc sống lại cho ta sức mạnh để gìn giữ, vun đắp và tạo thêm những gì tốt đẹp cho cuộc đời. Thế là bản nhạc không lời Dạ khúc 29 ra đời. Với bản tổng phổ của Phạm Ngọc Khôi, dưới sự chỉ huy của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam đã trình tấu bản nhạc này đầy cảm xúc. Hôm duyệt chương trình Nhớ một thời, Đỗ Hồng Quân - chỉ huy dàn nhạc - vắng mặt, mà đã đến lúc duyệt tiết mục Dạ khúc 29. Tôi đang lúng túng thì một nghệ sĩ Violin bảo: "Không cần chỉ huy. Chúng tôi thuộc cả rồi". Và anh, với vị trí violin số 1, đã dẫn dắt dàn nhạc trình tấu bản nhạc của tôi một cách hoàn hảo. Sau buổi tập, một nữ nghệ sĩ violin nói: "Bản nhạc đầy cảm xúc". Hạnh phúc biết bao đối với người sáng tạo khi nhận được sự đồng cảm của những nghệ sĩ chuyên nghiệp.
Một số ca khúc có dấu ấn đặc biệt với tôi. Đó là: Hà Nội, ngày về, phổ thơ Nguyễn Đình Thi. Ca khúc này được nhà báo Vũ Gia Hà viết giới thiệu trên báo Pháp luật Việt Nam số ra ngày 5/10/2022 như sau:
Ca khúc “Hà Nội ngày về” bắt nguồn từ bài thơ “Ngày về” của nhà thơ Nguyễn Đình Thi. Có tài liệu viết, bài thơ được Nguyễn Đình Thi hoàn thành vào ngày 8/10/1954, tức là trước hai ngày giải phóng Thủ đô. Bài thơ có 5 khổ, mỗi khổ 4 câu, mỗi câu 7 chữ. Nội dung bài thơ nói về sự trở lại Hà Nội trong ngày mưa tầm tã.
Phạm Việt Long như đã thấu hiểu được tâm sự của Nguyễn Đình Thi, nên nhiều năm trước, đọc được bài thơ trên báo giấy, những giai điệu đầu tiên ra đời và đã gieo vào trí nhớ. Để rồi sau đó hai năm, nhạc phẩm “Hà Nội ngày về” hoàn thành. Phạm Việt Long đánh giá bài thơ “Ngày về” của Nguyễn Đình Thi là bài thơ rất hay, thể hiện được tầm vóc của nhà thơ lớn. Nhân vật trong bài thơ xưng “ta” thể hiện hai tâm trạng. Đó là:
Khi trở về, đứng trong lòng Hà Nội, ta thấy nhớ lại khung cảnh núi đồi, nơi đó, đã bao đồng chí nằm lại. Thể hiện nỗi xót thương của ta đối với đồng đội. Nhưng sau đó, “Leng keng chuông xe điện đổ hồi/ Lòng ta bỗng như dòng suối mát/ Ta đã về đây, Hà Nội ơi!”. Tiếng leng keng đã làm ta giật mình tỉnh lại. Mặc dù nỗi nhớ thương là quá lớn, nhưng ta phải sống với hiện tại và tương lai. Ta thay vào nỗi nhớ thương đó bằng những hành động thiết thực ý nghĩa khác.
Phần lời của ca khúc, Phạm Việt Long bỏ khổ gần cuối bài thơ: “Hà Nội trán em còn ứa đỏ/ Những áo hoa còn lấm bùn nhơ/ Nhưng mỗi góc tường bao máu rỏ/ Còn tươi nguyên như mỗi lá cờ”. Phạm Việt Long thích khổ cuối bài thơ: “Từ khắp bốn phương trời lửa đạn/ Đàn con về sau những năm xa/ Cởi súng gạt mồ hôi trên trán/ Ta lại xây Hà Nội của ta”. Và đã sử dụng khổ này làm khổ đầu tiên cho bài hát.
Bốn câu thơ trên đã thể hiện cho tâm trạng thứ hai của ta. Khổ thơ này cho thấy, ta khi đã về Hà Nội thì vứt bỏ súng đạn, quên đi gian khổ xưa, không muốn chiến tranh, bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới. Thể hiện cho tình yêu hoà bình, yêu cuộc sống của nhà thơ Nguyễn Đình Thi. Như đồng cảm và đồng ý với Nguyễn Đình Thi, Phạm Việt Long đã nhạc hoá bài thơ thành bài nhạc hay. Có thể đánh giá, bày hát “Hà Nội ngày về” là một trong những bài nhạc hay viết về Hà Nội.
Để tái hiện bài thơ với hai tâm trạng trên một cách hoàn hảo nhất, Phạm Việt Long đã để cho nhạc lúc nhịp này, lúc nhịp khác; và giai điệu thì lúc trưởng, lúc thứ. Trong gia tài nhạc viết về Hà Nội, đến nay, nhạc sĩ Phạm Việt Long đã có sáu bài hát. Nhưng ông ưng ý nhất là bài phổ thơ “Ngày về” của Nguyễn Đình Thi. Và đây, có thể coi như là “cuộc gặp gỡ” trong nghệ thuật của hai nghệ sĩ đa tài của dân tộc”.
Ca khúc “Lạc mất nhau rồi” viết theo dòng nhạc Bolero là do mong muốn của cháu ruột vợ tôi – Thanh Huyền. Bạn cháu có bài thơ và muón được phỏ nhạc, nhưng phải là loại Bolero (thực ra, khái niệm này được dùng không chính xác). Thể loại này, tôi chưa hề viết. Nhưng chiều cháu, tôi đã viết thêm khổ thơ ở đầu bài và phổ nhạc, do ca sĩ Ngọc Yên trình diễn. Rất vui, là ca khúc này được công chúng ưa chuộng, trong đó có một nữ khán giả luôn luôn theo sát các chương trình mà Ngọc Yến trình diễn bài “Lạc mất nhau rồi”.
Các bài Đường chiều, Mưa thu, Cơn mưa rào cuối hạ đều là những ca khúc trữ tình xinh xắn, ngắn gọn, đễ được công chúng tiếp nhận và hát theo. Bài “Tiễn biệt thầy” tôi phổ thơ Nguyễn Đặng Hà Anh viết về chính thầy giáo thủa trước của mình vừa qua đời, có xúc cảm mạnh mẽ. Ca sĩ Hiền Anh nói với tôi rằng nhạc sĩ phối khí vừa làm nhạc vừa khóc! Từ ấy đến nay, bài này luôn được hát trong những dịp tưởng nhớ thầy. Bài “Gọi mãi tên anh” phổ thơ của Trần Thị Lý khi vừa công bố đã được đón nhận nồng nhiệt. Riêng trên trang Fanpage Facebook của VTC1 đã có gần 400 ngàn lượt người xem. Có một chuyện vui, là tôi được giải Ba cuộc thi viết ca khúc về Công đoàn, công nhân Dệt may, do Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Công đoàn Dệt May Việt Nam tổ chức. Khi ấy, tôi cùng một số nhạc sĩ đi thăm mấy cơ sở dệt may ở Hưng Yên. Khi về, với ý nghĩ cần viết bài hát ngắn gọn, dễ hát, dễ nhớ và có nội dung sát hợp để p;hục vụ công nhân, tôi viết bài “Bài ca công đoàn, công nhân Dệt May”. Niềm vui đến từ giải thưởng chỉ là mộtphần, còn phần lớn là vì bài hát này được phổ biến rộng khắp trong tập đoàn Dệt May Việt Nam.
Tôi may mắn được sống trong thời đại mà trí tuệ nhân tạo (AI) bắt đầu phát triển, tác động vào nhiều lĩnh vực của đời sống, trong đó có âm nhạc. Vốn yêu công nghệ thông tin, tôi say mê tìm hiểu cách sử dụng AI vào sáng tác âm nhạc. Nhanh chóng, tôi nắm bắt được cách tạo ra ca khúc từ một trang trên Internet. Lại một lĩnh vực nữa khiến tôi lao vào, quên ăn quên ngủ. Tôi nhận thấy rằng, với người viết ca khúc, cần thay đổi tư duy và phương pháp, từ viết từng nốt nhạc chuyển sang viết lời và tạo nên ca khúc từ phần mềm. Phần lời rất quan trọng. Bên cạnh cái hay về hình thức và nội dung, cần phải tạo ra được các ký hiệu khiến cho phần mềm tạo ra âm nhạc theo ý của mình. Đây là điều cực kỳ khó và đòi hỏi sự kiên nhẫn, tinh ý. Việc điều chỉnh câu chữ, âm bằng trắc, dấu ba chấm… đều có thể dẫn dắt âm nhạc đi theo hướng mà người sáng tạo cần. Bước đầu, tôi đã tạo được một số bài hát có tính dân tộc và giàu xúc cảm, như Giai điệu đồng quê, Hà Nội, mùa sấu chín, Anh hãy về Bái Đính cùng em! … Một số bài hát trữ tình cũng tạo hiệu ứng tích cực, như Tình yêu mùa đông , Lỗi hẹn, Tháng chín, Chuyện tình hoa dã quỳ … Bên cạnh đó, tôi có thể mở rộng trường sáng tạo của mình sang các thể loại âm nhạc cho giới trẻ mà trước đây mình khó tiếp cận, như POP ROCK, EDM, ROCK và ALTERNATIVE ROCK, HIP HOP/RAP… Bài Bay lên cùng anh viết ở thể loại EDM có sức lôi cuốn lứa tuổi thanh thiếu niên, được các cháu khen trong lời bình. Bài Cà phê Trung Nguyên pha lẫn dân ca Tây Nguyên và ROCK tạo sức hấp dẫn cao. Cũng xin nói thêm là, tôi đã mua dịch vụ của trang web để chủ động sáng tạo hơn và các sản phẩm làm ra thuộc bản quyền của tôi. Còn nhiều bí ẩn trong thế giới AI mà tôi còn phải tìm hiểu tiếp để vận dụng vào hoạt động sáng tạo của mình. Còn nhiều bí ẩn trong thế giới AI mà tôi còn phải tìm hiểu tiếp để vận dụng vào hoạt động sáng tạo của mình.
Trong cuộc vui với âm nhạc 20 năm qua, tôi đã viết được trên 150 ca khúc, ra 3 đĩa nhạc (Mơ hình bóng quê nhà, Mai Hoa - Những bản tình ca mới, Đức Long - Giàn thiên lý), tổ chức được 1 chương trình riêng - "Nhớ một thời" với 17 ca khúc tại Nhà hát Kim Mã Hà Nội. Rất tiếc là trong chương trình quan trọng này, lại vắng mặt hai người bạn thân thiết nhất trên con đường âm nhạc: Phạm Ngọc Khôi, Đức Long, vì hai bạn phải đi biểu diễn ở nước ngoài. Nhưng trước khi đi, Khôi và Long đã dành thời gian, tận tình dàn dựng cho tôi nhiều tiết mục. Không biết nói thế nào để diễn tả đủ sự biết ơn cùng sự nuối tiếc của tôi trong trường hợp này. Bấy nhiêu sản phẩm, với một kẻ tay ngang như tôi, thế là quá được - nhờ sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè, của công chúng yêu nhạc rất nhiều. Cũng do vậy mà các cơ quan truyền thông mới "để mắt" tới. Đài truyền hình Việt Nam (VTV1) dã dành riêng cho tôi 2 chương trình để giới thiệu về con đường văn học và âm nhạc của tôi: Người của công chúng, Quán Âm nhạc (VTV1 - Quán Âm nhạc, VTV1 mỗi chương trình dài hơn 2 tiếng đồng hồ.
Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội dành riêng một chương trình ca nhạc giới thiệu 5 ca khúc của tôi viết về Hà Nội. Các bạn ở Đài Truyền hình Ninh Bình quê tôi chẳng quản đường xá xa xôi lên Hà Nội, làm 1 phim với tiêu đề Nhớ một thời trong chuyên mục Nghệ sĩ xa quê. Đài phát thanh - truyền hình Bắc Ninh cũng cử nhóm công tác sang ghi hình trên chục ca khúc của tôi, về phát trên 3 chương trình riêng và chung, trong đó có chương trình Phạm Việt Long - Văn và nhạc, và sau này là ca khúc “Hoa sữa tình đầu” phổ thơ Nguyễn Phan Hách. Tôi biết ơn những bạn làm chương trình đã chia sẻ với tôi những điều mà tôi tâm đắc, và nhờ các bạn, nhờ các phương tiện truyền thông hiện đại mà chuyển tải nhiều tác phẩm âm nhạc, văn học của tôi tới công chúng, góp phần làm vui cho đời.
Cũng xin nói thêm, là, nhờ việc ca khúc mà tôi đi sâu hơn vào âm nhạc, do đó đã viết được 2 cuốn sách chuyên luận về lĩnh vực này, đều xuất bản ở NXB Dân trí và đều được giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam: “Hát mãi Trường Sa ơi!” – giải nhất, và “Ngân vang mãi giai điệu Tổ quốc” – giải khuyến khích.
Với tôi, âm nhạc không phải là sự nghiệp, không phải là nghề kiếm sống, mà đơn thuần là một lĩnh vực hoạt động có nhiều niềm vui, vui cho mình và phần nào giúp vui cho đời, nói cách khác, đó là cuộc vui bổ ích và lý thú. Con người ai chẳng cần niềm vui. Vậy thì chắc chắn tôi sẽ tiếp tục đi trên con đường âm nhạc để có thể sống vui, sống khỏe, sống có ích…
Hà Nội, cuối năm 2024
Phạm Việt Long
Link nội dung: https://phamvietlong.vn/hai-muoi-nam-tron-vui-cung-am-nhac-2887.html