" Ơn thầy soi lối mở đường
Cho con vững bước dặm trường tương lai. "
( ca dao )
Xuống lại trường bản xưa, thật nhiều ký ức trong tôi sống dậy. Như hiện lên trước mắt tôi vậy, những bạn thân nơi làng bản heo hút, mà thân thương. Hình ảnh cô giáo, hiền hoà ấm áp đang gắng cõng con chữ đến với chúng tôi hàng ngày. Nỗi nhớ, kỷ niệm nghĩa tình sao sâu lắng trong trái tim tôi mãi không thể nào quên. Nhìn cảnh mà nước mắt tôi lại rưng rưng rơi lệ. Trường lớp nơi bản làng vùng cao thật khác nơi phố thị. Con chữ, con số cõng được đến lớp cũng khó vô cùng. Trường nơi tôi từng học một mái trường chỉ làm bằng tranh, nứa lá. Những khi mưa gió về có lúc mái lá bị rách nước mưa rớt xuống bàn lộp độp. Khi ấy cô giáo vẫn gắng đưa những bạn nhỏ vào chỗ nào đó để tránh mưa và cô lại vui cười giảng bài tiếp cho chúng tôi nghe. Bên tường lớp tôi chỉ được đắp bằng đất không như trường học phố thị được xây lên bằng gạch. Nhưng đất thật gần với trẻ em làng bản. Đất ngăn được tiếng gió để tiếng cô trong lớp vẫn được vang lên rõ ràng. Tôi không quên được một người bạn thân trong lớp gần gũi với chúng tôi lắm. Đó là chiếc bàn học tuy nó hơi cộc kệch, có chiếc thì thiếu chân nhưng chúng tôi vẫn chỉnh sửa bạn ấy lại để có bạn theo trên lớp. Nhìn lên bục giảng một anh bạn thân thật tuyệt vời tuy có chút xô nghiêng nhưng luôn đem lại cho chúng tôi hình ảnh nét viết bằng phấn trắng của cô và đem truyền cho cả lớp những con chữ con số thật đẹp đó là anh bảng của lớp. Với một nơi thiếu thốn như vùng cao nơi tôi sống, anh bảng đó luôn bị xô đi nhưng anh không bao giờ ngã gục vì có tình đoàn kết của thầy trò chúng tôi giúp đỡ anh ấy. Chúng tôi là những bé nơi khó khăn thiếu thốn nhưng tình cảm nhớ trường nhớ lớp nhiều lắm. Chính vì thế ngày nào chúng tôi cũng gắng đạp xe hoặc sẵn sàng đi bộ xa để tới được trường lớp, mà không hề ngại ngần với những con đường khó khăn vất vả. Bên cạnh lớp tôi có những túp lều lúp xúp, bé tẹo. Đó là lều trọ của các bạn học sinh. Vì nhà ở xa quá nên nhiều bạn phải dựng lều trọ học, cuối tuần mới về nhà lấy gạo, thức ăn để tuần sau lại tiếp tục xuống học. Tôi dần được học, dần lớn lên. Tôi thấy yêu nghề giáo viên và tôi mơ ước sẽ gắng học tốt sau cõng chữ lại vùng bản như cô giáo dậy chúng tôi bây giờ.
Nhắc về cô, lại thêm nữa ngày hôm nay tôi đã trở về trường lớp cùng nghề giáo viên như cô tôi hiểu cô, hiểu công sức cô đã vì những học trò một nơi hẻo lánh heo hút. Sự hi sinh vì các em học trò trong cô thật lớn biết bao. Làm nghề nhà giáo nơi thiếu thốn khác hẳn những nơi khác. Những năm đầu công tác, khó khăn lớn nhất với các thầy, cô giáo nơi đây là làm thế nào để vận động được trẻ em người dân tộc thiểu số ra lớp. Năm nào cũng vậy, những tuần đầu tiên của năm học mới, ngoài công tác giảng dạy, các thầy, cô phải đến từng nhà vận động phụ huynh và học sinh. Với nỗ lực của các thầy cô, giờ đây người dân đã ý thức được ý nghĩa của việc học để tự giác đưa con đến trường .Cô phải ở những ngôi nhà lụp xụp vách đất. Tôi tin đêm đầu tiên cô sẽ thật khó ngủ vì chưa quen nơi như này và những cơn gió luồn qua mái tranh đêm sẽ khiến cô não lòng. Chính tôi hôm nay đã thấy được cảm giác ấy khi trở lại. Ở đây, nơi tôi sống không có điện nên không hề có ánh sáng. Ngọn đèn dầu tù mù làm cả không gian ngột ngạt, bức bối và tù túng. Tôi đã mở cửa bước ra bên ngoài cảm xúc một đêm buồn lạnh lẽo đến vô cùng. Tiếng nước chảy từ con suối làm đêm mênh mông hơn. Một nỗi chán nản dâng lên xâm chiếm. Và cũng từ đây tôi càng hiểu sâu hơn sao cô giáo chúng tôi đã chịu đựng được qua cảm xúc này. Chịu hy sinh cả tuổi thanh xuân để cõng chữ lên cho chúng tôi. Thật sự có trở về, có trải qua tôi càng nể cô càng yêu cô và thấy cô là một người thật mạnh mẽ. Những tháng ngày như vậy. Nhưng hôm nào đến lớp cô cũng vui vẻ mà không âu sầu không bỏ chúng tôi đi nơi khác. Tôi không quên được khi lớp tôi có bạn vì chơi quá độ nên bị thương chảy máu bạn khóc rất nhiều. Cô băng lại vết thương cho bạn. Ôm bạn vào lòng an ủi. Nhìn cảnh cô lau nước mắt động viên bạn tôi thấy cô không chỉ là cô giáo mà còn như người mẹ thứ hai của chúng tôi vậy. Chúng tôi còn rất vui khi thấy cô cũng đến làng bản chúng tôi cùng chúng tôi làm ruộng. Những ruộng bậc thang khi lên bông lúa vàng thật đẹp cô trò chúng tôi cùng ngắm và vui cười. Tiện luôn đó cô dậy chúng tôi hát dậy chúng tôi cảm xúc về văn.
Vậy là đã Mười bốn năm trôi qua. Rất nhiều lứa học sinh trưởng thành. Những người lính bảo vệ tổ quốc. Những người công nhân, những bác sĩ, kĩ sư… đi khắp mọi miền xây dựng quê hương, tổ quốc. Cường đã thành chủ tịch xã. Một chủ tịch trẻ năng động, đang góp sức đưa xã phát triển từng ngày. Còn tôi muốn giống như cô giáo xưa vẫn gắn bó với ngôi trường nhỏ lưng chừng núi. Ngày ngày, tôi lên lớp dạy các em những kiến thức phổ thông, dạy các em những việc nhỏ trong môi trường bán trú: rửa mặt, quét phòng, tắm giặt… Cùng các em đánh bóng chuyền, chơi cầu lông hay trồng rau, tưới rau sau mỗi buổi chiều…
Hành trình “gieo chữ” ở vùng cao còn nhiều khó khăn, vất vả, song nhiệt huyết, trách nhiệm và nhất là tình yêu nghề đã giúp các thầy, cô giáo vượt qua, từng ngày cần mẫn “gieo mầm” cho những ước mơ của học sinh nơi vùng cao còn nhiều gian khó.
Phương Uyên
Link nội dung: https://phamvietlong.vn/cong-chu-len-non-mot-nghe-toi-yeu-2876.html