TIẾN SĨ PHẠM VIỆT LONG VÀ “TÍN NGƯỠNG THỜ MẪU - TỪ GÓC NHÌN VĂN HÓA”

Mang đậm dấu ấn của một tác phẩm nghiên cứu sâu sắc về tín ngưỡng thờ Mẫu - một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa và tinh thần của người Việt, “Tín ngưỡng thờ Mẫu - Từ góc nhìn văn hóa” của Tiến sĩ Phạm Việt Long - nguyên Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) được Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển phối hợp cùng Nhà xuất bản Dân trí tổ chức buổi ra mắt sách vào ngày 1/7/2024 tại Hà Nội.

bia-sach-tin-nguong-tho-mau-1-1719717058.jpg
 

Một công trình nghiên cứu sâu sắc

Cuốn sách gồm 567 trang, chia làm 5 chương, do Nhà xuất bản Dân trí ấn hành:

Chương 1: Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt – Những biểu hiện cơ bản

Chương 2: Nghi lễ và lễ hội liên quan đến thờ Mẫu

Chương 3: Đội ngũ Hầu đồng, các đền phủ, vật dụng tín ngưỡng thờ Mẫu

Chương 4: Tín ngưỡng thờ Mẫu trong xã hội hiện đại

Chương 5: Bảo tồn và phát huy tín ngưỡng thờ Mẫu

Chia sẻ trong cuộc trò chuyện với Báo Nhân Dân cuối tuần, tác giả Phạm Việt Long cho biết: “Tôi nghiên cứu tín ngưỡng thờ Mẫu với một niềm đam mê sâu sắc và sự thôi thúc muốn đóng góp vào việc khẳng định những giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc. Khi tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, sự quan tâm của tôi đối với đề tài này càng tăng lên. Mặc dù việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu đã được phổ biến nhưng thực tế trong đời sống, vẫn còn không ít người chưa hiểu biết toàn diện, đầy đủ về tín ngưỡng này. Điều đó dẫn đến tình trạng tín ngưỡng thờ Mẫu bị một bộ phận cộng đồng lợi dụng, thương mại hóa để kiếm tiền một cách bất minh. Vì vậy, rất cần một công trình nghiên cứu toàn diện để giúp cộng đồng hiểu biết đúng đắn về tín ngưỡng thờ Mẫu và những giá trị lớn lao của nó”.

“Tín ngưỡng thờ Mẫu - Từ góc nhìn văn hóa” của Tiến sĩ Phạm Việt Long không chỉ là một nghiên cứu học thuật, mà còn là một hành trình khám phá sâu sắc về tín ngưỡng thờ Mẫu trong đời sống của người Việt. Từ nghi lễ Hầu đồng - sự kết hợp của nhiều nét đẹp văn hóa dân gian như âm nhạc, ngôn ngữ, trang phục, đặc biệt là hát Chầu văn - một hình thức biểu diễn sân khấu huyền ảo mang đầy tính linh thiêng, đến các kiến trúc đặc sắc như Phủ Dầy và Phủ Tây Hồ… đều được miêu tả, phản ánh rất sinh động, chi tiết qua từng trang viết. Thông qua đó, tác giả đặt ra những câu hỏi quan trọng về sự ảnh hưởng của tín ngưỡng này đến đời sống xã hội, cũng như những thách thức và biến đổi mà nó phải đối mặt trong bối cảnh hiện đại và toàn cầu hóa.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ: “Tín ngưỡng thờ Mẫu - Từ góc nhìn văn hóa” là một công trình nghiên cứu rất công phu và sâu sắc về tín ngưỡng thờ Mẫu. Với phương pháp nghiên cứu liên ngành lịch sử - văn hóa - xã hội, tác giả đã làm rõ đặc điểm, nguồn gốc, phương pháp, giá trị tinh thần của đạo Mẫu, tín ngưỡng thờ Mẫu, các nghi lễ, nghi thức hầu đồng, tính thiêng của tín ngưỡng thờ Mẫu, nghiên cứu về đội ngũ hầu đồng, thanh đồng, cung văn, thầy pháp, đền miếu, phủ, chùa, ban thờ, tranh thờ, tượng thờ, trang phục lễ nghi và những người tham dự”.

PGS.TS Đặng Văn Bài, nguyên là Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, nhận xét: “Thấm nhuần tinh thần văn hóa học, Tiến sĩ Phạm Việt Long luôn đặt con người vào trọng tâm quá trình nghiên cứu tín ngưỡng thờ Mẫu; ông cũng đánh giá cao vai trò của cộng đồng chủ thể của tín ngưỡng - người nắm giữ, người thực hành, người truyền dạy và người hưởng thụ các giá trị văn hóa… Tác giả đã tiếp cận việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu ở cả hai mặt tích cực và hạn chế để từ đó đề xuất những giải pháp hữu hiệu nhằm bảo vệ và phát huy giá trị mang tính độc đáo và thiết thực trong tín ngưỡng thờ Mẫu ở giai đoạn hiện nay. Ông đã kiến nghị một mô hình hợp tác giữa các bên có liên quan từ các khía cạch: Quyền, lợi ích và trách nhiệm liên đới. Chỉ khi nào huy động được các nguồn lực của toàn xã hội: Nhà nước, các nhà khoa học, các cộng đồng chủ thể và doanh nghiệp kinh doanh các ngành nghề có liên quan tham gia tự nguyện, thành tâm và không vụ lợi thì chúng ta mới bảo vệ và phát huy hiệu quả các giá trị đặc sắc trong tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam”.

Mê văn hóa cổ xưa nhưng Tiến sĩ Phạm Việt Long lại là người “hiện đại” khi thường xuyên cập nhật công nghệ. Ông có thể xử lý mọi việc liên quan đến văn bản, ảnh, thậm chí những kỹ thuật phức tạp trên máy vi tính rất nhanh và thành thạo. Ông thường nói, máy tính chính là “người bạn” của mỗi người, mỗi nhà mà chúng ta phải chinh phục, phám khá để giúp ích cho công việc một cách tốt nhất. Cuốn sách mới xuất bản “Tín ngưỡng thờ Mẫu - Từ góc nhìn văn hóa”, tác giả đã tạo ra những MÃ QR để bạn đọc có thể sử dụng điện thoại thông minh quét, tham khảo rất nhiều tư liệu video có liên quan đến từng nội dung tương ứng.

Sáng tác là công việc vô cùng thú vị

Tôi nguyên là nhân viên dưới thời ông làm Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa - Thông tin. Ông là người trực tiếp hỏi tôi vòng thi tuyển vấn đáp khi tôi dự thi công chức của Bộ, và tôi vinh dự được ông cho 9,75 điểm vấn đáp sau khi tôi trả lời trôi chảy hai câu hỏi chính, và trả lời thêm khoảng năm câu hỏi ngoài lề do ông trực tiếp đặt ra. Sau này, khi tôi vào đảm nhận chức danh Chuyên viên tổng hợp (thuộc Phòng Tổng hợp, Tuyên truyền - Văn phòng Bộ), ông có chia sẻ: “Nếu Trang trả lời được thêm một câu hỏi của tôi, tôi sẽ cho em điểm 10 vấn đáp”. Tiếc rằng dạo đó, năm 2001, tôi vẫn chưa nắm được vấn đề ông hỏi: “Bộ Văn hóa - Thông tin gác cổng cho ai?” nên không được điểm 10 của ông.

Qua vòng thi tuyển vấn đáp, tôi có ấn tượng sâu sắc về ông - một người lãnh đạo trí nhớ tốt, tư duy sắc sảo, hành động quyết liệt. Sau này, đảm nhận công việc tại Văn phòng Bộ, tôi càng có nhiều cơ hội được học hỏi từ ông, một Chánh Văn phòng tự tin, bản lĩnh, có sự khiêm cung, nhưng cũng là người lãnh đạo dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, lối sống chuẩn mực lấy đức làm gốc.

Xuân Giáp Thìn 2024, Tiến sĩ Phạm Việt Long đã bước vào tuổi 78 nhưng ông vẫn làm việc, tư duy không ngừng nghỉ. Nhà văn Ma Văn Kháng, tác giả cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Mùa lá rụng trong vườn” đã nhận xét: “Phạm Việt Long là một tiềm năng sáng tạo đáng nể trọng”.

Tìm hiểu, tôi được biết, từ năm 1968 đến 1975, ông xung phong đi chiến trường, làm phóng viên Thông tấn xã giải phóng tại Bình Định, Quảng Nam, Đà Nẵng; đồng thời là biên tập viên tại Thông tấn xã giải phóng Khu V. Giai đoạn 1973 - 1975, ông phụ trách Tiểu ban Thông tấn xã giải phóng. Năm 1975, ông ra Bắc, trở lại công tác tại Thông tấn xã Việt Nam, rồi đi học đại học.

Sau khi tốt nghiệp Đại học, từ 1981 đến 1992, ông chuyển công tác về Văn phòng Bộ Văn hóa - Thông tin. Từ Chuyên viên, ông phấn đấu lên đến chức Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa - Thông tin (dưới thời Bộ trưởng Nguyễn Khoa Điềm) và giữ chức này từ năm 1998 đến năm 2003. Trong thời gian giữ chức Chánh Văn phòng, ông còn phấn đấu làm luận án Tiến sĩ, thực hiện đề tài “Phong tục tập quán của người Việt thể hiện qua tục ngữ, ca dao (trong quan hệ gia đình)” và sau đó, chuyển thành sách do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản năm 2004 với tựa đề “Tục ngữ ca dao về quan hệ gia đình”. Sau chuyến đi Mỹ, ông còn xuất bản cuốn Ký sự “Du khảo Hoa Kỳ sau thảm họa 11 tháng 9”.

Từ năm 2003 đến 2006, ông là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Phát hành sách Việt Nam (sau này là Tổng công ty Sách Việt Nam). Đến năm 2006, tuy đã nghỉ hưu, nhưng ông vẫn được giới thiệu làm Tổng biên tập một số cơ quan báo thuộc lĩnh vực văn hóa, văn hiến; đồng sáng lập Nhà xuất bản Dân trí, sáng lập Viện nghiên cứu Văn hóa và Phát triển, Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển. Tiến sĩ Phạm Việt Long là tấm gương nghỉ hưu nhưng không nghỉ ngơi, vẫn miệt mài làm việc và tìm cách “nâng cấp phiên bản của chính mình”.

Cho đến nay, Tiến sĩ Phạm Việt Long đã gây ấn tượng với bạn đọc bằng hai tiểu thuyết: “B trọc”, “Giã từ”; 03 tập truyện ngắn, 03 tập ký, 06 tác phẩm nghiên cứu. Đặc biệt trong số đó là tiểu thuyết “B trọc” xuất bản lần đầu năm 1999, đã được tái bản năm lần và mang về cho ông một số giải thưởng (Giải B về văn xuôi do Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Văn hóa nghệ thuật Việt Nam trao năm 2000; Giải thưởng Đào Tấn của Hội đồng hương Bình Định; Giải thưởng Trương Hán Siêu của Hội Văn học nghệ thuật Ninh Bình), đồng thời được đài Truyền hình Việt Nam đề cập tới qua hai bộ phim tài liệu “Giá trị muôn đời”, và “Từ đời thực lên trang sách”, được Điện ảnh chiều thứ bẩy VTV chuyển thể thành bốn tập phim truyện truyền hình “Nhật kí chiến trường”.

Ngoài đề tài chiến tranh, hậu chiến, Tiến sĩ Phạm Việt Long còn viết cho thiếu nhi. Bộ truyện cổ tích thời hiện đại “Bi Bi và Mặt Đen” xuất bản năm 2016 nhận được “Giải Ba sách hay” - Giải thưởng sách Quốc gia lần thứ nhất (năm 2018).

Ngoài ra, ông còn sáng tác nhạc. Từ ca khúc đầu tay “Nhớ nắng”, đến nay ông liên tiếp cho ra đời các CD ca nhạc: “Mơ hình bóng quê nhà”, Những bản tình ca mới”, “Giàn thiên lý”... Trong sáng tác của mình, ông luôn trân trọng và dành sự quan tâm sâu sắc đến những ca khúc về Hà Nội, như: “Đêm thu Hà Nội” (thơ Hiền Phương), Hà Nội ngày về” (thơ Nguyễn Đình Thi), “Nhớ Hà Nội” (thơ Văn Trọng Hùng), “Hoa sữa tình đầu” (thơ Nguyễn Phan Hách)... Đặc biệt, ca khúc “Tâm sự người làm báo” của ông được đánh giá là một trong những bài hát hay nhất về người làm báo, và thường phát sóng trên các chương trình truyền hình mỗi dịp 21/6.

Ông là người mà tôi hằng ngưỡng mộ và biết ơn sâu sắc!

 

 

Trên cùng của Biểu mẫu

 

Đỗ Mai Trang

Link nội dung: https://phamvietlong.vn/tien-si-pham-viet-long-va-tin-nguong-tho-mau-tu-goc-nhin-van-hoa-2863.html