Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ
Tỉnh ủy Phú Thọ. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN
Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), các địa phương thống kê thiệt hại đến 12h30 ngày 12/9/2024, bão số 3 và mưa lũ do hoàn lưu bão khiến 327 người chết, mất tích (199 người chết, 128 người mất tích), 807 người bị thương.
Không chỉ bộ dội, công an, nhân dân, mà những lãnh đạo cao nhất của đất nước, của các địa phương cũng trực tiếp đến các “địa điểm nóng” để tham gia công tác cứu nạn, cứu hộ, không ai có thể khoanh tay ngồi yên khi những người dân còn chưa đến được nơi tránh trú an toàn, còn thiếu thức ăn, nước uống… Có những chiến sĩ bộ đội, công an, tình nguyện viên đã anh dũng hy sinh trong quá trình làm nhiệm vụ.
Vậy mà trên mạng xã hội, lác đác có những ý kiến châm chọc, kiểu như “Lãnh đạo nghe dân kêu cứu thì đừng sưng mặt lên…”, “Tại sao bộ đội, công an không đem xuồng máy đi cứu dân”. Hoặc, trước hành động nghệ sĩ quyên góp ủng hộ đồng bào bị nạn, một số người buông lời châm biếm: “Làm mầu”, “Sao kê đi”, "Lại đem tiền gừi vào lũ cá tra à" (ám chỉ gửi cho bộ phận cứu trợ của Mặt trận Tổ quốc)…
Dưới đây là một số thông tin cụ thể về việc cứu nạn, cứu hộ, cứu trợ:
1. Lãnh đạo cấp cao
- Chiều tối 12/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Đoàn công tác kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão và thăm hỏi, động viên nhân dân vùng lụt, bão tại tỉnh Phú Thọ.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi lời chia buồn sâu sắc đến các gia đình có người thân mất do bão lũ và chia sẻ với những khó khăn, mất mát của nhân dân vùng bị ảnh hưởng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm biểu dương tỉnh Phú Thọ và lực lượng quân đội, công an đã phối hợp khắc phục hậu quả cơn bão số 3. Bộ Chính trị đã họp và chỉ đạo toàn hệ thống chính trị tập trung cứu người, tìm kiếm người mất tích, lo hậu sự cho người xấu số; đảm bảo không ai thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở, học sinh không thiếu lớp, người bệnh có nơi khám chữa bệnh; khắc phục sự cố điện, nước, viễn thông, sớm khôi phục sản xuất và đời sống xã hội; thống kê thiệt hại và có giải pháp khắc phục kịp thời; ứng phó hậu quả hoàn lưu bão như lũ ống, lũ quét, sạt lở.
- Ngày 12 tháng 9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thị sát công tác khắc phục hậu quả do mưa lũ, ngập lụt tại phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái - nơi vừa bị ngập sâu trong nước. Sau khi kiểm tra tình hình thực tế, thăm hỏi, động viên người dân và các lực lượng đang làm nhiệm vụ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp về ứng phó mưa lũ, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định tình hình, đời sống người dân và khôi phục sản xuất kinh doanh trên địa bàn.
Chiều 12/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đến hiện trường vụ lũ quét ở thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai). Thủ tướng chỉ đạo khôi phục bản trước 31/12/2024. Chứng kiến cảnh tang thương, số người chết nhiều, hàng chục cỗ quan tài chất một góc chờ khâm liệm các thi thể, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bật khóc.
- Ngày 12/9, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã đi thăm, động viên, kiểm tra tình hình và chỉ đạo khắc phục thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Tiếp đó, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Đoàn công tác đã đi kiểm tra thực địa và động viên bà con nhân dân xã Nga My, một trong những nơi là "rốn lũ" của huyện Phú Bình với mực nước lũ dâng cao trong những ngày qua.
2. Toàn quân xung kích trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn
- Lực lượng quân đội đã tham gia cứu trợ nhân dân bị ảnh hưởng bởi lũ lụt tại tất cả các địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng do lũ lụt,
- Bộ Quốc phòng đã điều động 3 trực thăng tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn người dân vùng lũ tại các tỉnh phía Bắc. 9h30 sáng nay (12/9), chiếc trực thăng Mi-171 số hiệu 03 của Trung đoàn Trực thăng 916 thuộc Sư đoàn Không quân 371, Quân chủng Phòng không - Không quân đã cất cánh từ sân bay Hòa Lạc, thực hiện nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn và vận chuyển nhu yếu phẩm, phao cứu sinh giúp đỡ đồng bào vùng lũ ở huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.
- Tại Yên Bái, hơn 100.000 đồng chí bộ đội, công an đã được huy động để tham gia cứu hộ và dọn dẹp sau lũ
- Các cán bộ, chiến sĩ BĐBP Lào Cai, 8 cán bộ và 5 chó nghiệp vụ của Trường Trung cấp 24 Biên phòng đã tiếp cận hiện trường, triển khai công tác cứu nạn.
- Ngày 12-9, gần 500 cán bộ, học viên Học viện PK-KQ cơ động hơn 70km xuống thôn Phú Hiền, xã Hợp Thanh, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội giúp bà con nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ.
- Sau nhiều ngày quần thảo chống bão cứu dân, bảo vệ tài sản, tìm kiếm cứu nạn, cán bộ, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị Quân đội và lực lượng dân quân tự vệ vẫn chưa một phút ngơi tay; tiếp tục tìm kiếm nạn nhân mất tích, giúp các địa phương khắc phục hậu quả mưa lũ.
3. Công an nhân dân các địa phương huy động tối đa lực lượng cứu nạn, cứu hộ
Lực lượng Công an đã khẩn trương huy động tối đa lực lượng, phương tiện ở nhiều đơn vị, địa phương. Công an các đơn vị, địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp mưa lũ, sạt lở bố trí lực lượng thường trực, ứng trực 100% quân số để sẵn sàng ứng phó với các tình huống xảy ra; hàng vạn cán bộ, hàng ngàn phương tiện được huy động trực tiếp bảo đảm an ninh, trật tự tại cơ sở, đảm bảo an toàn giao thông, sơ tán, di dời, tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ người dân cùng phương tiện, tài sản tại các xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn và hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do mưa lũ...
4. Tình đồng bào trong bão lũ
Với tinh thần "lá lành đùm lá rách," cả nước đang cùng chung tay góp sức giúp nhân dân các địa phương miền Bắc khắc phục hậu quả bão lũ, ổn định đời sống bằng những việc làm ý nghĩa và thiết thực. Các tổ chức, cá nhân đã nhanh chóng quyên góp tiền bạc, nhu yếu phẩm và vật dụng cần thiết để gửi đến các vùng bị lũ lụt. Các đoàn thiện nguyện đã không quản ngại khó khăn, vượt qua những con đường ngập nước, sạt lở để mang đến những phần quà ý nghĩa cho người dân.
Theo ghi nhận của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đến ngày 10/9, các doanh nghiệp đã đóng góp cứu trợ 84,5 tỷ đồng. Ngành ngân hàng Việt Nam đã ủng hộ 37,4 tỷ đồng cho đồng bào lũ lụt miền Bắc. Các doanh nghiệp lớn cũng vào cuộc mạnh mẽ, như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) ủng hộ 20 tỷ đồng, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Tập đoàn Bảo Việt mỗi đơn vị ủng hộ 5 tỷ đồng, TH True Milk ủng hộ 2 tỷ đồng, và Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam ủng hộ 1 tỷ đồng. Ngoài ra, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tập đoàn Công nghệ CMC, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) mỗi đơn vị ủng hộ 500 triệu đồng. Tập đoàn Dệt may (Vinatex), Tổng Công ty Thép Việt Nam, Tổng công ty Hàng không (Vietnam Airlines) mỗi đơn vị ủng hộ 300 triệu đồng, và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Daibiru Nhật Bản, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam, Vinafood1, Mobifone, Tổng công ty Xi măng mỗi đơn vị ủng hộ 200 triệu đồng. Số lượng các đơn vị gửi tiền ủng hộ đồng bào khu vực lũ lụt ở miền Bắc đang ngày càng tăng, trong đó có cả những doanh nghiệp trực tiếp chịu ảnh hưởng bởi tình hình bão lũ. Doanh nhân Nguyễn Hòa Bình - Chủ tịch NextTech Group - cùng gia đình cũng đã ủng hộ 500 triệu đồng thông qua chuyển khoản tới tài khoản Ban cứu trợ trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. - 50 đoàn cứu trợ đến với người dân vùng lũ Lào Cai: Trong ngày 11/9, có khoảng 50 đoàn cứu trợ đã vận chuyển hàng chục tấn hàng hóa, thực phẩm, nước uống vào huyện Bảo Yên (tỉnh Lào Cai) để cứu trợ đồng bào vùng lũ.
Ngày 12-9, Tập đoàn Vingroup và các công ty trong hệ sinh thái của tỉ phú Phạm Nhật Vượng công bố tài trợ 250 tỉ đồng cho đồng bào đang chịu thiệt hại.
Một số công ty công nghệ, như công ty Viet-Flycam, công ty cổ phần Sao Tháng Tám Việt Nam (AGS Technologies), Phenikaa-X - đơn vị thành viên của Đại học Phenikaa đã điều máy bay không người lái (Dron) đến vùng lũ lụt góp phần tìm kiếm nạn nhân, vận chuyển hàng cứu trợ. Từ Hà Nội, Thái Nguyên đến Yên Bái, những chiếc drone đang đóng vai trò quan trọng trong việc cứu hộ, tìm kiếm nạn nhân và cung cấp nhu yếu phẩm cho những người dân mắc kẹt trong các khu vực bị ngập lụt.
Nhiều nghệ sĩ Việt quyên góp tiền, hiện vật hoặc trực tiếp tới các địa phương chịu ảnh hưởng bão lũ để trao quà, hỗ trợ người dân. Ca sĩ Hà Anh Tuấn góp 1 tỷ đồng, Phạm Thoại góp 1 tỷ đồng, Tùng Dương và bạn bè trao 500 triệu đồng, Lý Hải - Minh Hà mua áo phao, đèn pin gửi vùng thiên tai. Các nghệ sĩ Kiều Anh, Bằng Kiều, Hoàng Anh Vũ... tích cực tham gia công tác cứu trợ bà con vùng rốn lũ miền Bắc, đặc biệt tại các tỉnh Thái Nguyên, Yên Bái và Tuyên Quang.
Kiều bào ta ở nước ngoài cũng đã tổ chức quyên góp, ủng hộ đồng bào vùng lũ. Tính đến 21h ngày 12/9 (theo giờ địa phương), các tổ chức Hội đoàn người Việt tại Séc đã ủng hộ được hơn 1,3 triệu kuron (tương đương 1,4 tỷ VND).
Phạm Việt Long
Link nội dung: https://phamvietlong.vn/cuu-nan-cuu-tro-khac-phuc-hau-qua-do-bao-so-3-va-mua-lu-gay-ra-2861.html