"BÊ TRỌC - Chuyện đời thường trong chiến tranh"

Cuốn hồi ký-nhật ký- tiểu thuyết...  của PHẠM VIỆT LONG, nhà báo- phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), quả là KHÔNG THƯỜNG chút nào!

be-troc-1725848794.jpg
 

1-  Dịp kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống Thông tấn xã Việt Nam (15/9/1945 - 2024) tình cờ tôi lại thấy cuốn sách mà nhà báo Phạm Việt Long tặng gia đình tôi từ cuối năm 2001. Ít khi tôi đọc được nhanh như thế, ngấu nghiến quyển sách dày 800 trang. Và cảm thấy tiếc đã không nhìn kỹ tiêu đề tác phẩm, lâu nay chỉ thấy mỗi hai chữ viết to "BÊ TRỌC" mà không chú ý đến dòng chữ nho nhỏ và khiêm tốn "Chuyện đời thường trong chiến tranh", để mà đọc cuốn sách sớm hơn!

Với cách viết giản dị, chân thật và trực diện, từ những trang nhật ký, những thư từ của tác giả, của người thân và của đồng chí, đồng nghiệp trong suốt hơn 7 năm trời (từ tháng 5/1968 đến sau ngày 30/4/1975) liên tục bám trụ, lăn lộn công tác ở chiến trường Khu V - Trung Trung bộ, Phạm Việt Long đã khái quát cuộc sống, chiến đấu, những gian khổ, hy sinh... của đồng chí, đồng nghiệp, của đồng bào, chiến sỹ và của bản thân anh ở một trong những địa bàn khốc liệt và oanh liệt nhất trong chiến tranh.

"Bê trọc..." như một bộ phim tư liệu nhiều tập khi ta đọc và hình dung những gì đã diễn ra và được tác giả tường thuật lại. Gian khổ, ác liệt với những trận bom đạn, những đói rét, bệnh tật, những nỗi nhớ nhung gia đình, quê hương miền Bắc... nhưng trên hết lúc nào cũng hiển hiện một tình yêu đất nước, ý thức trách nhiệm của một thanh niên, một nhà báo trước Tổ quốc; khí thế quyết tâm, tinh thần cách mạng, ý chí vươn lên của bản thân tác giả, của những người thân trong gia đình, của những đồng chí, đồng nghiệp, của cán bộ và đồng bào Khu V.

Có lẽ cái "không thường" như chúng ta cảm nhận khi đọc cuốn sách chỉ là "chuyện đời thường" vì nó diễn ra hàng ngày, vì tác giả đã trải qua bao lần chứng kiến sự hy sinh, bao lần tận tay chôn cất đồng đội, bao lần trải qua những giờ phút sinh tử dưới những hầm bí mật, những trận bom đạn, giáp mặt quân địch, những ngày đói rét, bệnh tật... mà có lẽ chỉ may mắn lắm mới không hy sinh, không nằm lại chiến trường như nhiều người khác!

2- Trong "Bê trọc..." luôn hiện hữu những gương mặt của các đồng chí, đồng nghiệp cùng lăn lộn với tác giả trong hơn 7 năm ở chiến trường. Đặc biệt là từ năm 1973, khi đội ngũ nhà báo Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) ở Khu V được tăng cường từ Tổng xã TTXVN hàng chục phóng viên tin, phóng viên ảnh, điện báo viên, lái xe, nhân viên kỹ thuật... Qua những trang nhật ký, những thư từ, điện báo mà tác giả lưu giữ, có thể thấy những hình ảnh đậm nét hoặc thoảng qua của những đồng nghiệp TTXVN, như nhà báo kỳ cựu Vũ Đảo, vị lãnh đạo Phân xã Trung Trung bộ, người tiền nhiệm của tác giả; những phóng viên Dương Đức Quảng, Hữu Quả, Thành Vinh, Triệu Thị Thuỳ, Hoàng Chu, Tuyết Trinh, Quốc Oai, Phước Huề, Xuân Quang, Long Phi, Xuân Quyết, vv... những điện báo viên, lái xe, nhân viên phục vụ của TTXGP khu vực Trung Trung bộ. Họ đã lăn lộn với công việc của nhà báo hoặc phục vụ thông tin tuyên truyền trong bom đạn và hiểm nguy...

 3- Một phần không nhỏ trong "Bê trọc..." cho người đọc hiểu thêm về những chuyện riêng tư, tình cảm gia đình, quê hương miền Bắc như sợi dây kết nối giữa hậu phương và tiền tuyến, động viên và cổ vũ lẫn nhau khắc phục khó khăn, thiếu thốn về vật chất và tình cảm để mỗi người đều hoàn thành nhiệm vụ cách mạng...

4- Trong những trang "Bê trọc..." của những năm gần ngày giải phóng miền Nam, xen kẽ những diễn biến "đời thường trong chiến tranh" là câu chuyện tình yêu giữa Phạm Việt Long và Nguyễn Thị Kim Ngân, cô gái con liệt sỹ, vào bộ đội từ năm 16 tuổi, vài năm sau được bổ sung vào Phân xã TTXGP Trung Trung bộ. Trong quá trình công tác, giữa hai người  nảy sinh tình yêu, rồi vượt qua nhiều thử thách, họ đã đi đến hôn nhân, với một đám cưới nơi chiến khu mà cả "nhà trai" và "nhà gái" đều là đại diện các cơ quan đoàn thể...

Đọc những lá thư giữa hai người, đôi khi tôi không thể nhịn được cười vì sự chu đáo và trách nhiệm đến mức nghiêm khắc của Việt Long đối với Kim Ngân khi cả hai còn trong giai đoạn "tìm hiểu" nhau và chưa dám báo cáo, công khai tình yêu trước cơ quan, tổ chức. Không cười sao được khi Việt Long viết cho Kim Ngân lá thư rất dài, liệt kê hàng chục "khiếm khuyết" của người yêu mà anh nghiêm túc đề nghị phải khắc phục. Lại có lá thư anh bức xúc vì người yêu xem ảnh gia đình anh rồi để "lộn đầu đuôi" trong cuốn sổ (chắc là album ảnh"!

le-duy-truyen-1725849066.webp

Nhà báo Lê Duy Truyền, nguyên Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam., tác giả bài viết  Ảnh: Lê Sơn - Minh Phương

 

5- Đọc "Bê trọc..." tôi lại nhớ tới những hồi ký, bài viết, ảnh thời sự và những tác phẩm báo chí và văn học của các nhà báo TTXVN (và TTXGP) đã xuất bản. Đặc biệt nhớ tới những bài, những status của các cố nhà báo chiến trường như Dương Đức Quảng, Đoàn Tử Diễn...  hay của các nhà báo Nghiêm Sỹ Thái, Lê Nam Thắng... đăng trên các trang Facebook cá nhân. Và tôi trộm nghĩ: những tác phẩm chân thật, đầy ắp tư liệu đó mới chỉ nói lên một phần rất nhỏ trong cái lớn lao những đóng góp, hy sinh, cống hiến của đội ngũ báo chí TTXVN (và TTXGP) trong các cuộc kháng chiến cứu nước và xây dựng hoà bình khắp từ Nam chí Bắc, trong nước và ở nước ngoài.

Còn biết bao tấm gương cống hiến, hy sinh cho đất nước, biết bao những sự kiện đáng nhớ mà nhiều người chưa viết, không viết hoặc đơn giản là... không viết được!

Làm nên những thành tích và truyền thống ba lần Anh hùng của TTXVN và TTXGP có những hy sinh, cống hiến của hơn 260 liệt sỹ, của hơn 10 người đã được Nhà nước ta tặng thưởng Huân chương Độc lập vì đã liên tục công tác ít nhất là 10 năm ở chiến trường miền Nam, tính đến ngày 30/4/1975; của những kỹ thuật viên, những lái xe, những nhân viên phục vụ... Họ đã góp phần cho dòng thông tin của TTXVN luôn "chảy mãi", luôn được phổ biến rộng rãi cả trong và ngoài nước...

Đọc những tác phẩm như "Bê trọc..." tôi bỗng ước ao: giá như những người trong cuộc hiện còn minh mẫn và những người khác có thể biên soạn những tập sách về những tấm gương của đội ngũ TTXVN các thời kỳ, gắn liền với những sự kiện mà họ đã trải qua...

Ngoài những cuốn sách quý giá về truyền thống TTXVN được biên soạn và xuất bản nhân những dịp kỷ niệm chẵn Ngày truyền thống TTXVN, cũng rất cần có những cuốn sách, những tư liệu như vậy, để cả thế hệ TTXVN hiện tại và mai sau có thêm tư liệu, được hiểu thêm truyền thống vẻ vang của ngành Thông tấn; để tên tuổi và chiến công của họ không bị phai mờ vì thiếu nguồn tư liệu...!

 

Lê Duy Truyền

Link nội dung: https://phamvietlong.vn/be-troc-chuyen-doi-thuong-trong-chien-tranh-2860.html