NHỚ THƯƠNG ANH KIM TUẤN

Thời bình, anh Tuấn có một cuộc sống còn “trần ai cuốc chĩa” hơn thời chiến (thời chiến, cụm từ này chỉ sự khổ ải, đày đọa). Sau khi thống nhất đất nước, anh vẫn làm công tác và có bước thăng tiến. Thế nhưng, cuộc sống riêng thì khổ ải, đau đớn vô cùng.

anh-tuan1-1722570319.jpg
 

Thời kháng chiến, anh Kim Tuấn và tôi cùng làm ở Ban Tuyên huấn khu V. Hòa bình thống nhất, tôi trở lại miền Bắc, anh về Đà Nẵng. Gần đây, nhân dịp vào Đà Nẵng, tôi gặp anh, hàn huyên bao chuyện.

Anh Kim Tuấn nhắc lại chuyện tôi và anh chuyển 1 tấn gạo qua sông Trường. Hồi đó, gạo được chuyển qua sông về Ban. Vì anh em không biết bơi, gạo bị chất lại bên bờ sông. Chỉ có tôi và anh Tuấn biết bơi nên phải liên tục bơi qua bơi lại chuyển từng bao gạo bọc kín ni lông sang sông. Tôi không nhớ là hai anh em chuyển bao nhiêu chuyến, bơi và dìu bao nhiêu bao gạo như thế nào, mất bao nhiêu lâu mới đưa hết 1 tấn gạo sang bờ để anh em cõng về Ban.

Anh Tuấn còn được anh em nhắc đến là người hiệu trưởng đầu tiên của trường bồi dưỡng cán bộ. Hôm ấy, anh cùng anh Sâm, trưởng Ban Tuyên huấn khu đang đi trong rừng thì nghe tin đã ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Anh nói với anh Sâm: "Tình hình mở ra, rất cần cán bộ, cho nên mình cần tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ." Anh Sâm tán thành bằng câu nói: "Thành lập trường, hiệu trưởng đây!" Trường hình thành và nhanh chóng đi vào hoạt động. Dạy bổ túc văn hóa. Dạy chính trị. Dạy công tác tổ chức. Biết bao cán bộ đã được đào tạo bồi dưỡng qua trường này, trở thành cán bộ khung cho bao tổ chức chính quyền sau giải phóng. Rất nhiều cán bộ được tín nhiệm giao nhiệm vụ bí thư, chủ tịch quận, huyện, trưởng các ban của tỉnh. Có đồng chí làm Bí thư Tỉnh ủy. Trong lớp đào tạo đầu tiên, có anh chàng Tạo "mắc tội" yêu cô giáo. Anh ta viết thư tình đặt trong cuốn vở bài tập gửi cô giáo. Cô giáo trẻ từ Hà Nội mới vào, hoảng quá, đem báo cáo hiệu trưởng, khóc sụt sùi. Hiệu trưởng động viên cô yên tâm làm nhiệm vụ. Rồi Hiệu trưởng Tuấn gọi Tạo lên, “đì” cho một trận, dặn phải chấm dứt yêu đương và giữ kín chuyện. Anh chàng Tạo gác lại mối tình sét đánh, học hành tấn tới. Sau giải phóng, Tạo về Quảng Ngãi, làm Bí thư một huyện. Tiếc rằng, Tạo bị tai nạn giao thông, qua đời, dở dang sự nghiệp.

Thời bình, anh Tuấn có một cuộc sống còn “trần ai cuốc chĩa” hơn thời chiến (thời chiến, cụm từ này chỉ sự khổ ải, đày đọa). Sau khi thống nhất đất nước, anh vẫn làm công tác và có bước thăng tiến. Thế nhưng, cuộc sống riêng thì khổ ải, đau đớn vô cùng. Vừa về Đà Nẵng, đón vợ con từ Hà Nội vào định cư chưa được bao lâu, anh mất vợ và hai con vì những tai nạn bất ngờ! Gồng mình vượt qua nỗi đau, anh ở vậy nuôi đứa con còn lại suốt 9 năm. Rồi, duyên số đưa đẩy, anh gặp người ý hợp tâm đầu, quyết định đi bước nữa. Nào ngờ, quan hệ bắt đầu nồng thắm thì anh bị tổ chức gọi lên thông báo cuộc tình của anh “có vấn đề”. Anh phải chọn một trong hai cách thức: nếu từ bỏ chị H. thì tiếp tục ở vị trí công tác, nếu vẫn gắn bó với chị, anh phải thuyên chuyển sang vị trí khác, ở ngành khác, không được làm ở ngành công tác tư tưởng! Đã dạn dày với cuộc sống, anh quyết định giữ lấy tình yêu, rời bỏ vị trí lãnh đạo. Bây giờ, gia đình anh sống ở Đà Nẵng, hạnh phúc. Hỏi anh về cách lựa chọn thời ấy, anh cười: “Tham chức bội tình thì hay ho gì. Mình chọn lấy bà ấy là đúng, bây giờ về già thấy thanh thản, có bạn đời chia sẻ.”

anh-tuan2-1722570319.jpg

Anh Kim Tuấn thời chiến, ở căn cứ khu Ủy khu V

 

Anh Tuấn là một người "vác tù và hàng tổng" vĩ đại. Cao tuổi, hưu lâu rồi, anh vẫn làm Trưởng ban liên lạc hưu trí Tuyên huấn Khu ủy Khu V. Nhờ anh tích cực tổ chức, vận động mà Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu V được tuyên dương Anh hùng. Anh còn đề xuất rồi trực tiếp tổ chức biên soạn, xuất bản cuốn sách "Ban Tuyên huấn Khu V anh hùng thời kỳ chống Mỹ cứu nước". Cũng nhờ anh kết nối mà đã có cuộc gặp mặt trọng thể, thân tình của Ban Tuyên giáo Trung ương với cán bộ Ban Tuyên huấn khu V. Thân già da cóc chẳng quản ngại vào Nam ra Bắc cả chục chuyến, anh Tuấn bỏ tiền túi lo tàu xe mà không dám đi máy bay cho đỡ tốn kém. Biết chuyện, chính Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa chỉ thị cho Văn phòng Ban mua vé máy bay cho anh Tuấn đi lo công chuyện. Anh lấy vinh dự của cả Ban, niềm vui của đồng đội làm động lực cho mọi "việc làng" của mình. Có lẽ, do tâm thiện như vậy mà anh khỏe lắm. Người gầy gầy, dù đã 85 tuổi, anh vẫn sống khỏe vui. Hôm nay, anh phóng xe máy tới cuộc vui gặp mặt chúng tôi, tay lái còn vững vàng, xử lý còn nhạy bén lắm.

Anh Tuấn nghĩ tới chuyện tổ chức buổi gặp mặt anh chị em Tuyên huấn Khu V vào năm 2025 tới, nhân kỷ niệm 50 năm ngày hòa bình, thống nhất đất nước. Nghĩ là làm, anh đi liên hệ với lãnh đạo mấy tỉnh thuộc khu V cũ – cần xin tiền, xin địa điểm tổ chức cho hàng nghìn người từ khắp đất nước dồn về… Anh bảo tôi viết một bài chòi, đặc sản nghệ thuật dân gian khu V. Không rành việc này, tôi nhờ Phạm Thành Trai, nhà thơ xứ dừa Bình Định. Sau đó, tôi gửi bài chòi mà anh Trai đã viết xong cho anh. Anh vui lắm, nhưng lại nhắn thế này: “Mình đã đọc bài thơ của Thành Trai. Nội dung tốt, sẽ đưa cho đoàn dân ca bài chòi thể hiện. Chỉ tiếc là có lo được cuộc hội ngộ cuối cùng cho anh chị em mình dịp kỷ niệm 50 năm không, liệu mình có còn được gặp anh chị em mình không!”

anh-tuan3-1722570319.jpg

Anh Kim Tuấn cùng đồng đội về lại chiến khu xưa

 

Chuyện không may đến thật. Anh nhắn tin cho tôi: “Tin không vui lắm, mình bị ung thư gan đang điều trị tại khoa ung bướu!” Rồi tin nữa: “Tin không vui cho mình là đã đến hồi kết rồi. Bác sĩ kết luận ung thư gan đã di căn sang phổi. Mình sức yếu không xạ trị, hóa trị được, họ cho về nhà dùng thuốc điều trị cầm chừng vậy thôi. Ý định lo cho anh chị em khu V mình gặp nhau dịp 50 năm không thành, giao lại cho anh em để họ tính không biết sẽ đến đâu... Mình vẫn lạc quan, được ngày nào hay ngày đấy!” Lo và thương anh nhiều, nhưng bất lực, chỉ biết nhắn tin động viên anh!

Thế rồi, tôi nhận được cuộc điện thoại từ Đà Nẵng báo tin anh Kim Tuấn đã qua đời ngày 27 tháng 6 năm 2024, thượng thọ 87 tuổi!

Ngậm ngùi thương tiếc anh, một con người tận tâm với đồng đội, cho tới lúc cận kề cái chết vẫn nhắn tin thế này: “Long ơi, mình bác sĩ cho về nhà uống cầm chừng được ngày nào hay ngày đấy thôi, cái khổ nhất là lòng ngực cứ đau râm rẩm khó chịu… Anh em trong này cũng đến thăm động viên, mình cũng lạc quan, không có gì mà bi quan cả. Vừa rồi mình có văn thư gửi các cơ quan bộ ngành có cán bộ chi viện cho khu V nhiều nhất mà từ lâu nay chưa nhờ họ giúp gì, đó là các cơ quan như TTXVN, Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, Thành ủy Hà Nội, xin hỗ trợ tài chính để tổ chức gặp mặt anh chị em mình lần cuối tại Đà Nẵng vào dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước 2025. Thôi, còn sức lo cho anh chị em mình, có được ít nhiều kinh nghiệm. Mình sẽ chỉ đạo anh em ở Đà Nẵng tổ chức nếu ngày đó mình còn dự được!”

Anh Kim Tuấn ơi, lỡ hẹn mất rồi! Thôi, anh cứ yên nghỉ nơi tiên cảnh, những gì còn dang dở, anh em sẽ lo tiếp…

Phạm Việt Long

Link nội dung: https://phamvietlong.vn/nho-thuong-anh-kim-tuan-2741.html