GẶP LẠI ANH NGUYỄN KHOA ĐIỀM

Nói là gặp lại anh  Nguyễn Khoa Điềm, bởi sau khi thôi chức ủy viên Bộ Chính trị và các chức vụ khác, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm lập tức về quê hương – Cố đô Huế. Về quê, về với thơ, với một trời mộng mơ, với dòng Huơng giang, con sông của những người ra đi và trở lại. Vừa rồi, khi anh ra Hà Nội vào dịp thu về, tôi mới gặp anh. Cảm giác đầu tiên khi gặp lại là thấy anh vẫn khỏe, có vẻ lanh lợi và cởi mở hơn. Anh cười rất hồn hậu và trò chuyện với tôi thật thoải mái...

nguyen-khoa-diem-1721021112.jpg
 

Tôi hỏi anh rằng có nhiều người thắc mắc tại sao đã có nhà cửa đàng hoàng ở Hà Nội, anh lại về tận xứ Huế xa xôi. Anh bảo rằng từ khi còn làm việc, anh đã muốn khi nghỉ làm sẽ về quê hương. Ở đó có bà ngoại (mẹ vợ) đã cao tuổi, có vườn tược, nhà cửa của cha ông, ở đó có không khí trong lành, nên thơ. Còn ở Hà Nội, con cái anh đã trưởng thành, cậu con trai vừa tốt nghiệp đại học, cũng đã có việc làm, vợ anh lại sắp nghỉ hưu. Hết làm quan là về quê, đó là lối hành xử mang tính phổ biến trong truyền thống của những vị quan muốn an nhàn, bớt vướng bận việc đời. Không rõ anh có muốn tìm đến cõi nhàn sau khi thôi chức không, nhưng tôi thấy rõ rằng sau khi về quê, anh có nhiều thời gian dành cho nàng thơ hơn và hình như anh đã tìm được cho mình một cõi riêng yên bình, thân thuộc. Thế anh sống ra sao ở huế? Anh Điềm bộc bạch: Sống bình thường, ngày ăn hai bữa cơm (có người nấu giúp). Sáng đạp xe đạp đi một vòng vừa tập thể dục cho khỏe khoắn thân thể, vừa dạo cảnh quê cho thanh thản tâm hồn. Ngày ngồi ở nhà – một ngôi nhà giữa um tùm vườn chuối – làm thơ, đọc sách. Rồi thỉnh thoảng, sinh hoạt với văn nghệ sĩ đất cố đô. Tuy Hội Văn nghệ ở đây ít hoạt động, có chăng là thỉnh thoảng văn nghệ sĩ gặp nhau hàn huyên, trao đổi lại chuyện bao đồng, nhưng dù sao đó cũng là nơi hội tụ những người bạn văn chương. Trao đổi cho nhau cái không khí nghề nghiệp, cái cảm hứng sáng tạo là chính, thế mà khá vui.

Anh có thói quen dạo các nhà sách. Hồi còn đương chức, thường thường các buổi sáng chủ nhật, anh lên phố sách thăm thú, xem cuốn sách này, mua cuốn sách nọ. Tôi hỏi anh có còn giữ thói quen đó không, Anh bảo vẫn thế. Chỉ có điều, ở Huế sách không phong phú, đa dạng lắm. Cho nên mỗi lần ra Hà Nội, là lại làm cuốc xe ôm đến Nguyễn Xí, Tràng Tiền, Đinh Lễ ngắm sách. Ngắm sách không chỉ thấy bộ mặt xuất bản nước nhà, mà qua đó, thấy cả bộ mặt xã hội đang chuyển động như thế nào; rồi vừa ngắm sách vừa quan sát xung quanh, thấy dòng đời trôi nhanh, thấy xã hội xoay vần, cũng là một cái thú.

Chuyện qua chuyện lại, chúng tôi lại ôn lại một chút kỷ niệm thời còn công tác. Hồi ấy. Anh là Bộ trưởng Bộ Văn Hóa Thông tin, tôi làm Chánh Văn phòng Bộ. Phải nói rằng trong quản lý, điều hành, Anh Điềm có một điểm mạnh mà chúng tôi rất thích, là rất tin cán bộ cấp dưới, biết giao việc để cho anh em chủ động làm, rồi kiểm tra kết quả, và khi cần, anh rất kiên quyết, triệt để. Thông thường, từ việc lớn đến việc nhỏ, khi cần xin ý kiến chỉ đạo của anh, tôi viết thành văn bản. Anh duyệt rất nhanh, sửa chữa hoặc không sửa chữa, rồi ghi vào bên lề: “Đồng ý thực hiện”. Thế là tôi chủ động triển khai công việc. Anh không có thói quen cầm tay chỉ việc cho cấp dưới, cho nên làm việc như thế thật là dễ chịu, đồng thời lại phải hết sức có trách nhiệm. Có lần, Bộ chủ trương giao cho Nhà Xuất bản Văn học biên soạn, xuất bản bộ sách “Văn học Việt Nam thế kỷ XX”. Chủ trương là như vậy, nhưng với bộ máy hành chính cồng kềnh, kém hiệu quả, mãi vẫn cứ là chủ chương. Vốn là dân văn học, có đôi chút thiên vị với nghề và bạn nghề, tôi tìm cách “Lợi dụng chức quyền” giúp Nhà xuất bản Văn học “vào cuộc”. Tôi gọi điện bảo anh Nguyễn Văn Cừ, phó giám đốc Nhà xuất bản, đem đề án, công văn lên gặp tôi vào một buổi trưa. Rồi tôi dẫn anh sang phòng anh Điềm. Anh đọc khá nhanh văn bản, rồi ghi vào bên lề : “Vụ Tài chính cấp tiền để thực hiện Đề án này”. Từ đó, công việc chạy thun thút. Năm đầu, đâu như được cấp 800 triệu đồng và đã làm được một bộ sách khá dày dặn “Phóng sự Việt Nam thế kỷ XX”. Rồi đều đặn hàng năm, Nhà xuất bản được cấp kinh phí theo nội dung công việc đăng ký, đắp dần lên một tượng đài văn học của đất nước thế ký XX. Cho đến nay, bộ sách vẫn đang được thực hiện. Ôn lại chuyện này, anh Điềm cười rất hồn nhiên, bảo: "Hồi nớ mình không tin là bà Vân (Vụ trưởng Vụ Tài chính của Bộ) cấp tiền!”. Hóa ra, Bộ trưởng cũng nể cái quyền lực của người cầm tiền nhà nước! Lại có kỷ niệm về làm tặng phẩm tặng Đại Hội Đảng toàn quốc lần thứ IX. Tôi đề nghị với anh chọn những bài hát do cố nghệ sĩ Nhân dân Lê Dung biểu diễn để làm bộ CD tặng Đại hội. Anh Điềm tán thành ngay, công việc được triển khai thuận lợi, vì NSND Lê Dung đã là người thiên cổ, lại rất tài năng, có biết bao cống hiến cho sự nghiệp văn hóa văn nghệ của Đảng, xứng đáng được có mặt trong Đại hội quan trọng này. Quả thật, bộ CD gồm hai đĩa âm thanh: “Lê Dung, Những bài hát thính phòng” “Âm thanh ngày mới” được các đại biểu Đại hội hoan nghênh nhiệt liệt. Không những vậy, cho đến tận bây giờ, sau khi biến thành bộ đĩa CD phục vụ quảng đại quần chúng. CD Lê Dung vẫn là một sản phẩm được tiêu thụ khá nhiều, được công chúng đủ mọi lứa tuổi yêu mến. Như thế, bằng sự hiểu biết sâu sắc về văn học, nghệ thuật, Anh Điềm đã có những quyết định rất kịp thời, tạo nên con đường đi thông thoáng khiến cho công việc diễn ra trôi chảy, đem lại hiệu quả xã hội lớn lao.

Có một chuyện khiến tôi suy nghĩ mãi, bằng sự trìu mến và đồng cảm với cái nghèo của Bộ trưởng thời “xưa”. Đó là một lần, vào mùa hè quá oi bức, Bộ trang bị cho anh một chiếc máy điều hòa không khí, lắp tại phòng khách nhà anh. Chị Lợi, vợ anh, khoe rằng hôm mới lắp máy, anh đi làm về, vào phòng đóng kín cửa, bật máy, ở yên trong đó một tiếng đồng hồ!

Trước hôm tôi gặp anh mấy ngày. Anh Điềm bảo con đèo xe máy đến nhà tôi, tiếc rằng tôi lại đi vắng. Vợ tôi chuyển cho tôi tập thơ anh gửi tặng, bao cẩn thận trong một phong bì dày. Đó là tập thơ “Cõi lặng” do Nhà xuất bản Văn học vừa ấn hành, Tôi lại nhớ hồi anh còn là Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin, một buổi trưa nhà thơ Đồng Đức Bốn đến thăm và tặng thơ anh. Sau đó, Anh Điềm có bài thơ tăng bạn Đồng Đức Bốn, trong đó có hai câu thơ mà tôi rất tâm đắc :

Bất ngờ bạn đến thăm tôi

Tặng cho mấy tập, ươi trời: là thơ

Tôi cảm nhận được cái tình của anh khi nhận thơ bạn tặng và khi anh tặng người khác thơ của mình.

Nhân nói chuyện thơ, tôi hỏi thẳng anh: Tại sao trong tập thơ “Cõi lặng”, Anh lại viết “Kẻ sĩ dắt trâu vào núi”? Hình như trong tập thơ này, giọng thi nhân thoang thoảng buồn, phảng phất cô đơn, và có cái gì yếm thế, phải không? Anh cười hồn nhiên: “Viết như thế cũng là nói theo cách của Lão Tử mà thôi. Có chút tếu táo đấy!”. “Thế có cô đơn không”. Anh không trả lời mà chỉ cười. Hồi đương chức, anh ít cười lắm, có lần, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm nói đùa: “Kiếm được nụ cười của Anh Điềm khó quá!”. Gần anh hơn, tôi biết rằng anh ít cười thật, nhưng khi đã cười thì cười hồn nhiên, cười hết mình. Một nụ cười vô tư như trẻ thơ. Bây giờ, cái nụ cười trẻ thơ ấy lại đang vang lên bên tai tôi, kéo dài hơn, vang động hơn...

Trả lời câu hỏi của tôi về thơ anh bây giờ so với thời “Mặt đường khát vọng” thế nào, anh Nguyễn Khoa Điềm tâm sự: “Thời đó có cả không khí của thời đại, có bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, cho nên thơ mang khí thế hào hùng hơn. Làm thơ cũng nhanh hơn. Thời này, thơ trầm tư, sâu lắng hơn. Làm thơ cũng chậm hơn. Cao tuổi rồi, viết nghiên cứu hay sáng tác văn xuôi thì thích hợp, chứ làm thơ đòi hỏi sự bay bổng của tâm hồn trẻ trung, bây giờ khó có được...”.

Trước đây, khi tặng anh cuốn “B.trọc”, tôi hỏi anh nhận xét thế nào. Khi ấy, anh nói một cách chân thực rằng do bận nên chỉ đọc một số đoạn, nhưng thấy rằng tôi viết như thế là trung thực. Bây giờ, khi tôi không còn nhớ đã tặng anh những sách gì của tôi, anh lại nhắc: “Tôi đã đọc cuốn “Du khảo Hoa kỳ sau thảm họa 11 tháng 9” của anh. anh viết nhanh và có nhiều nhận xét sắc sảo, đúng đắn”. Rồi anh nói lên nhận xét của mình về nền văn học nước nhà, như một sự chiêm nghiệm bản thân. Đã có một thời, nền văn học của chúng ta chỉ chú ý đến những vấn đề chính trị - tư tưởng và nhẹ về những vấn đề xã hội-tâm lý. Cho nên những quan hệ đời thường của con người, như quan hệ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp... ít được quan tâm, chăm sóc. Cũng bởi vậy, bây giờ chúng ta cũng phải trả giá không ít cho những vấn đề xã hội. Văn học ngày nay cần đi sâu vào những vấn đề xã hội – tâm lý hơn. Cứ nghe lời anh tâm sự, thì thấy rằng con người này vẫn còn vướng bận với đời lắm, chưa được nhàn đâu. Chẳng hiểu, là phúc hay tội, khi người ta cứ bị cuộc đời níu kéo hoặc chính bản thân mình tự kéo mình vào cuộc dâu bể, không rứt ra được khỏi bể khổ (đời là bể khổ) để ẩn vào cõi lặng?

Đọc thơ Nguyễn Khoa Điềm, tôi hiểu anh trong thực tại, khi anh viết:

Người ơi tôi yêu người tha thiết

Tôi sống với người, chết vì người

 

Cõi lặng, tôi vượt qua ghềnh thác

Đến những miền trong xanh...

 

Hóa ra, cái cõi lặng ấy chẳng tĩnh tý nào, ngược lại, vẫn còn đang động lắm....

 

Một tối, ngày gần cuối tháng 6 năm 2007 - Mùa hạ nóng

Phạm Việt Long

Link nội dung: https://phamvietlong.vn/gap-lai-anh-nguyen-khoa-diem-2720.html