Vậy là hơn nửa năm tôi mới có dịp cùng đi với Nhà hát Tuổi trẻ trở lại biểu diễn tại Nhà hát TP Lớn TP Hồ Chí Minh giữa tháng 12 này khi mấy ông em Chí Trung (giám đốc), Sĩ Tiến (phó giám đốc) ngỏ ý mời “ông anh đổi gió” rong ruổi ít ngày phương Nam cho vui! Chỉ kịp chạy qua thăm cơ ngơi bề thế của vợ chồng nhà sử học Xuân Vượng - Thanh Hà để gửi tặng vé xem vở kịch “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” của tác giả Lưu Quang Vũ tại nhà hát Lớn mà lần trước anh chị ra Hà Nội, gấp quá không kịp đi xem! Tác giả sân khấu Kháng Chiến - người từng nổi đình đám với vở hài kịch “Kính thưa Ô-sin” diễn tưng bừng mấy trăm buổi ở Sài Gòn dạo trước - xách một chai vang ngon chiêu đãi tôi và Chí Trung ngay tại quán lẩu cá kèo gần nơi đoàn Nhà hát Tuổi trẻ trú ngụ ngay hôm tôi vừa đến! Nhiều bận anh mời tôi và các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ mà chưa có dịp kiến diện, nay mới gặp để giao cả chục kịch bản sân khấu viết đã lâu để cộng tác!
Biết tin tôi bay vào tối hôm thứ tư, nhà báo Châu La Việt alo bảo anh sẽ dành trọn vẹn một hôm không vướng bận đưa đón hai đứa cháu nội đến trường để tới chơi với tôi! Quả nhiên, ngay sáng hôm sau, anh nhảy taxi qua đón ông em ra nhà hàng sang trọng ở phố đi bộ Nguyễn Huệ ngồi cafe ăn sáng. Ông anh tôi khép lại năm nay bằng tập sách “Ký sự từ rừng lá đỏ” mới xuất bản ký tặng bạn bè mọi người ngoài Hà Nội nhờ tôi chuyển tặng lúc nào về. Ấy vậy mà mới chỉ gần ba tháng trước, bác vừa ký mỏi tay lúc in xong tập sách “Giai điệu mùa đông” dành tặng cho tôi để phát hành lấy chi phí chữa bệnh cũng tại nhà hàng Việt Phố!
Một trong những cái thú của tôi là thích mua sách ở Sài Gòn, la cà trong rừng sách ở Fahasa chỉ muốn ôm cả đống về nhà đọc dần cho thoả thích và cũng nhõn được dăm cuốn! Vẫn là nhà hàng Việt Phố quen thuộc với bao cuộc hội ngộ nơi đây các bạn hữu của ông anh Châu La Việt đã không ít lần chiêu đãi thằng em ở ngoài Hà Nội mới vào! Dù bận rộn đến chóng mặt bởi công chuyện kinh doanh giữa Sài Gòn luôn tấp nập, nhộn nhịp chuyện giá cả lên xuống, được mất, phập phồng của các doanh nhân, ông anh Châu La Việt cất giọng sang sảng vốn có gọi điện thoại để mời anh Thiều Quang (Phó CT Hội đồng quản trị Techcombank), anh Minh Văn (Phó Tổng GĐ Vinamilk) và cả cháu Hưng Việt con trai anh (giám đốc Cty kinh doanh vàng bạc đá quý) y hẹn đến chiêu đãi hai anh em tôi và NS Sĩ Tiến (phó GĐ Nhà hát Tuổi trẻ) bữa tiệc tôm hùm thịnh soạn với cớ là để mừng đội tuyển VN vào chung kết với Mã Lai tối chủ nhật! Tất cả mọi người đều phấn khích khi được anh Thiều Quang mời đến thăm phòng tranh hiện tạm thời cất giữ tại nhà anh để chờ đợi một Bảo tàng tranh rộng lớn đang xây dựng nay mai đủ chỗ trưng bày kho tàng tranh “khủng” anh và chị Phùng Nguyệt mải miết trong nhiều chuyến bay sang các phiên đấu giá tranh ở Pháp hay Hồng Kông để tìm tòi và trân trọng đưa những “bảo bối mỹ thuật Việt Nam” ấy không thất lạc khỏi biên giới!
Không chỉ là một doanh nhân thành đạt có bản lĩnh, với giới hoạ sĩ cũng như các nhà sưu tập tranh trong Nam ngoài Bắc, tên tuổi của Thiều Quang luôn được mọi người nhắc đến với sự coi trọng và nể phục như một đại gia có niềm đam mê đặc biệt, chơi tranh tầm cỡ “vua biết mặt, chúa biết tên” lâu nay! Nhất là bởi bộ sưu tập tranh của anh cả ngàn bức quý hiếm “độc nhất vô nhị” rất bài bản, lớp lang đủ các tên tuổi trong suốt 100 năm qua ở thế kỷ 20 của Việt Nam, từ thuở những gương mặt hoạ sĩ bậc thầy người Pháp và người Việt sáng lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương còn thuộc địa Pháp, lứa hoạ sĩ sinh viên Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương được đào tạo thành danh tứ trụ vang bóng “Trí - Lân - Vân - Cẩn” cho đến tên tuổi các danh hoạ thế hệ sau của bộ tứ tên tuổi “Nghiêm - Liên - Sáng - Phái”, tranh của Văn Cao, Trịnh Hữu Ngọc, Nguyễn Tiến Chung, Lương Xuân Nhị, Văn Giáo... hoặc được đào tạo trong kháng chiến chống Pháp như Trọng Kiệm, Lưu Công Nhân, Lê Huy Hoà... cho đến tranh của lứa hoạ sĩ trẻ ở thế hệ sau như Trịnh Thái, Chiến Văn, Lê Trí Dũng, Đặng Tiến... Đặng Xuân Hoà, Phạm Luận... cho đến những gương mặt trẻ đương đại tên tuổi mới xuất hiện dăm năm trở lại đây như Phương Bình, Nguyễn Nghĩa Cương... anh cũng đều để ý chọn lọc vài bức theo gu sở thích của riêng mình! Bức chân dung của người đẹp Huế xưa Dao Ánh - “người tình trong mộng” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn do hoạ sĩ Đinh Cường thể hiện thật “độc nhất vô nhị”!
Không ít các bức tranh lụa quý hiếm của cụ Nguyễn Phan Chánh, Tôn Thất Đàm, Lê Phổ, Lê Bá Đảng... hay bộ tranh sơn mài của cụ Nam Sơn, Nguyễn Gia Trí... đều được Thiều Quang “thỉnh” từ bao cuộc đấu giá tranh ở Paris hay Hồng Kông với niềm say mê tự tôn dân tộc, giành giật từ tay các nhà sưu tầm tranh ngoại quốc để đưa về bổ sung cho bộ sưu tập tranh Việt Nam của anh thêm hoàn thiện đa dạng nhiều chất liệu thể hiện, phong phú hơn bất cứ một Bảo tàng mỹ thuật nào ở nước ta hiện nay!
Chỉ riêng mảng tranh chân dung tự hoạ của các hoạ sĩ Việt Nam đương đại do anh sưu tập dăm chục bức đang treo trên tường nhà mình, cũng đủ gây kinh ngạc cho bất cứ ai tò mò muốn được ngắm qua bút lực tự hoạ như chân dung cụ Bùi Xuân Phái, hoặc trẻ nhất như Hoàng Hồng Cẩm... Một thế giới tranh của Thiều Quang thật mê ảo khó quên, ấy là chưa kể anh chỉ tôi cho xem kho tranh luôn được bật máy sấy bảo quản chu đáo chờ ngày xây dựng xong Bảo tàng tranh tư nhân của riêng anh để trưng bày cho mọi người có cơ hội được thưởng lãm nay mai!
Anh Thiều Quang bảo, anh vừa phải cho trợ lý dọn dẹp mấy ngày để tìm mấy bức tranh của hoạ sĩ Nguyễn Tiến Chung chụp lại gửi tặng nhà sưu tầm tranh Trần Hậu Tuấn sắp in một vựng tập tranh quý và bức tranh của cụ Nguyễn Tường Lân để gửi Tạp chí Mỹ thuật xin in bìa vào số Tết Kỷ Hợi!
Chia tay Sài Gòn trong niềm cảm xúc hưng phấn thật khó tả, cảm ơn ông anh Châu La Việt, vợ chồng anh chị Minh Nguyệt - Thiều Quang, anh Minh Văn, anh chị Xuân Vượng - Thanh Hà và bạn bè đã đón tiếp, chia sẻ như tình bằng hữu thân mật với tôi... Xin được hẹn gặp lại!
Cố tác giả Trương Nhuận
Link nội dung: https://phamvietlong.vn/rong-ruoi-giua-sai-gon-lac-vao-the-gioi-tranh-cua-nha-suu-tap-thieu-quang-2704.html