Để đáp ứng những yêu cầu trên đây, báo chí truyền thống đang hướng đến mô hình báo chí giải pháp như là một “giải pháp” tối ưu cho một nền báo chí có sứ mệnh thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Trong quá khứ, việc đề cập đến các “giải pháp” đã thường xuyên xuất hiện trên báo chí, nhưng phải đến đầu thế kỷ 21, khái niệm báo chí giải pháp mới thực sự được quan tâm và đã trở thành một phần quan trọng của báo chí và truyền thông. Nhiều cơ quan và tổ chức báo chí có uy tín trên thế giới (bao gồm cả báo in giấy, phát thanh, truyền hình...) đã nhanh chóng chuyển đổi theo mô hình trên đây và đã thành công, lấy lại vị thế của mình trên thị trường báo chí. Ở nước ta, thuật ngữ (khái niệm) báo chí giải pháp đã được đề cập từ hơn hai chục năm trước, khi chúng ta “mở cửa” cho internet vào Việt Nam. Tuy nhiên phải từ cách nay khoảng chục năm, khi mạng xã hội bùng nổ và tác động nhiều mặt trong đời sống văn hóa, xã hội, chính trị... thì báo chí giải pháp mới được quan tâm đúng mức, cả về mặt lý thuyết lẫn thực hành.
Báo chí giải pháp là một hướng tiếp cận trong lĩnh vực báo chí, tập trung vào việc tìm kiếm và trình bày các giải pháp khả thi cho những vấn đề xã hội, thay vì chỉ đưa tin về những sự kiện tiêu cực, hoặc các vấn đề khó khăn, hoặc những thông tin chỉ nhằm thỏa mãn sự tò mò, hiếu kỳ của công chúng. Mục tiêu của cách tiếp cận báo chí giải pháp là mang đến cho mọi người cái nhìn chân thực hơn, đầy đủ hơn về những vấn đề mà con người và xã hội đang phải đối mặt, giúp thúc đẩy quyền công dân hiệu quả hơn. Các câu chuyện giải pháp có thể có nhiều dạng, nhưng chúng có chung một số đặc điểm chính như: xác định các nguyên nhân gốc rễ của một vấn đề xã hội; làm nổi bật một câu trả lời hoặc các câu trả lời cho vấn đề đó... Đôi khi, các câu chuyện về giải pháp cũng thể hiện một cái nhìn sâu sắc giúp mọi người hiểu rõ hơn về cách thức hoạt động của các hệ thống phức tạp và cách chúng có thể được cải thiện.
Đặc trưng và cũng là yêu cầu của Báo chí giải pháp là phải xác định và làm rõ các vấn đề hoặc thách thức mà cộng đồng đang đối mặt. Không chỉ dừng lại ở việc mô tả vấn đề, báo chí giải pháp đi xa hơn bằng cách tìm kiếm và giới thiệu những giải pháp đã và đang được thực hiện; bao gồm cả việc phân tích những sáng kiến, chính sách, chương trình... hoặc hành động của các cá nhân, tổ chức đang trực tiếp hay gián tiếp tham gia giải quyết vấn đề. Báo chí giải pháp cũng không chỉ đơn thuần là việc kể chuyện về các giải pháp, mà còn bao gồm việc đánh giá, phân tích và kiểm chứng tính hiệu quả, tính bền vững và khả năng áp dụng rộng rãi của các giải pháp đó. Mặt khác, báo chí giải pháp cũng gây cảm hứng thực thi và thúc đẩy hành động. Bởi một trong những mục tiêu hàng đầu của báo chí giải pháp là tạo ra sự thay đổi tích cực trong xã hội bằng cách khơi gợi cảm hứng và thúc đẩy độc giả hành động. Đồng thời, báo chí giải pháp còn giúp tạo ra sự cân bằng nội dung trong lĩnh vực truyền thông, khắc tình trạng tập trung quá mức vào các tin tức tiêu cực, những thông tin chỉ nhằm thỏa mãn sự tò mò, hiếu kỳ và thị hiếu tầm thường; từ đó góp phần xây dựng một cái nhìn toàn diện và lạc quan hơn về xã hội và thế giới.
Để thực hiện sứ mệnh trên đây, báo chí giải pháp phải thể hiện được tư duy tích cực và phong cách viết mới. “Tư duy tích cực” thể hiện ở chỗ báo chí giải pháp không chỉ đơn thuần là việc đưa ra vấn đề, mà còn tìm kiếm và đề xuất cách giải quyết. “Phong cách viết mới” thể hiện ở sự sáng tạo, đột phá và khác biệt từ việc sử dụng từ ngữ, cấu trúc thông tin... đến các thủ pháp tạo hình ngôn ngữ, giúp tạo ra những bài viết thú vị và độc đáo. Tất nhiên để làm được điều đó, đòi hỏi các nhà báo phải có sự sáng tạo và khả năng tìm kiếm thông tin chi tiết về các giải pháp. Họ phải làm việc cẩn trọng với các chuyên gia trong các lĩnh vực đề cập, phải tìm hiểu kỹ lưỡng và tham khảo đa chiều để đưa ra những thông tin chính xác và hấp dẫn về các giải pháp ứng xử trước những vấn đề cụ thể.
Trên thị trường báo chí nước ta hiện nay, có khá nhiều cơ quan và tổ chức báo chí thiên về “báo chí phê phán”, thường chỉ tập trung vào việc khoét sâu các vấn đề tiêu cực, những chuyện “giật gân”, những chuyên riêng tư của những người nổi tiếng... Nhìn chung “báo chí phê phán” không quan tâm việc phải đề xuất giải pháp cho các vấn đề được thông tin. Thậm chí nhân danh chống tiêu cực, người viết “báo chí phê phán” lại trục lợi qua việc đưa tin phản ánh sai lầm, khuyết điểm của người khác. Ngược lại, báo chí giải pháp cố gắng trình bày thông tin một cách khách quan và cân nhắc. Thay vì phản ánh vấn đề tiêu cực, báo chí giải pháp xem xét các khía cạnh khác của vấn đề, để từ đó đề xuất các giải pháp khắc phục, mang tính xây dựng. Về điều này, ngoài “đầu tàu” là những tờ báo chính trị lớn và những cơ quan báo chí của Đảng, Nhà nước và các lực lượng vũ trang, thời gian qua một số cơ quan báo chí của các đoàn thể và tổ chức xã hội cũng đã có nhiều cố gắng chuyển hướng theo báo chí giải pháp được ghi nhận.
Ngày nay, báo chí giải pháp không chỉ là một xu hướng mới trong lĩnh vực truyền thông, mà còn là một cách tiếp cận tiên tiến để đưa thông tin về phát triển xã hội đến với độc giả. Khả năng tìm kiếm và đề xuất các giải pháp hiệu quả là điểm mạnh của báo chí giải pháp, giúp nó trở thành một công cụ quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững và mở ra cho bản thân nó con đường phát triển phía trước. Điều đó đòi hỏi người làm báo chí giải pháp phải tích cực tự đổi mới tư duy, hoàn thiện kỹ năng và tiếp cận các thành tự công nghệ mới, thường xuyên trau dồi bản lĩnh chính trị, tuân thủ nghiêm quy trình tác nghiệp để sáng tạo ra các tác phẩm báo chí giải pháp đặc sắc, đắc dụng.
Báo chí giải pháp còn được gọi là “báo chí kiến tạo” hay “báo chí truyền cảm hứng”. Thực hiện báo chí giải pháp thực chất là hành trình tìm lại những giá trị đích thực của báo chí truyền thống. Mặt trái của cơ chế thị trường, sự bành trướng mạnh mẽ của mạng xã hội, sự bùng nổ của công nghệ số… đang đặt báo chí truyền thống trước những thử thách sống còn. Bản chất của quá trình “vượt thoát” này là sự nỗ lực để xác tín thông tin và định hướng dư luận. Báo chí giải pháp luôn hướng đến sự chuyên nghiệp và nhân văn. Trong đó, tính nhân văn vừa là phẩm chất, vừa là đặc tính và cũng là mục tiêu lan truyền sự tử tế.
Phạm Việt Long
Link nội dung: https://phamvietlong.vn/bao-chi-giai-phap-giai-phap-cho-bao-chi-hien-nay-2701.html