PHẠM VIỆT LONG: VIẾT NÊN NHỮNG CHƯƠNG SỬ HÀO HÙNG VÀ NHÂN VĂN QUA “PHONG LAN VỀ TRỜI”

Trong dòng chảy của nền văn học Việt Nam hiện đại, có rất nhiều nhà văn, nhà thơ, văn nghệ sĩ là những người lính đã đồng hành với dân tộc trong các cuộc chiến tranh vệ quốc. Những tác phẩm của họ đã khắc họa thành công chân dung cuộc sống dù trong khốc liệt của chiến tranh hay công cuộc tái tạo cuộc sống sau hòa bình. Trong đội ngũ các nhà văn, nhà thơ ấy, có một nhà văn-người lính rất quen thuộc với độc giả cả nước, đó là Tiến sĩ Phạm Việt Long, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

phong-lan-ve-troi-1719298198.jpg
 

Nhà văn Phạm Việt Long sinh năm 1946, quê quán Ninh Bình nhưng ông sinh ra ở Hà Giang và lớn lên ở Hà Nội. Vừa học xong lớp 10/10, ông đã xin vào Thông Tấn xã Việt Nam và gắn bó với nghề làm báo.

Năm 1968, ông xung phong đi B làm phóng viên chiến trường. Đây là thời gian ông lăn lộn trên các chiến trường, vừa lấy tin, viết bài, tham gia tăng gia sản xuất và viết văn. Ông đã tích lũy nhiều tư liệu về cuộc chiến đấu oai hùng và bi tráng của quân và dân ta, để sau này có những tác phẩm nổi tiếng như tiểu thuyết tư liệu "Bê trọc", được Đài Truyền hình Việt Nam dựng thành bộ phim nhiều tập "Nhật ký chiến trường". Vừa qua, ông đã xuất bản tập truyện ngắn "Phong Lan về trời", được đông đảo bạn đọc ghi nhận.

Tập truyện ngắn "Phong Lan về trời" dày gần 300 trang do NXB Dân Trí ấn hành tháng 12-2020, gồm 15 truyện ngắn và 1 truyện dài. Đọc "Phong Lan về trời", người đọc bị cuốn hút bởi lối hành văn dung dị mà sâu sắc, những câu chuyện vừa chân thực vừa huyền ảo. Miêu tả cuộc sống trong nền kinh tế thị trường, nhà văn lên án cái ác, cái xấu xa và ngợi ca cái thiện, nhân văn của những con người lao động.

Trong truyện ngắn "Âm bản", tác giả kể chuyện một nhiếp ảnh gia tên Bình, chỉ vì lo mưu sinh cho cả gia đình mà bị gán cho tội ngoại tình, bị mọi người trách cứ, xa lánh. Bình dẫn hai con về nhờ cậy mẹ già, bỏ nhiếp ảnh, bán đồ nghề, vay mượn để buôn bán nhưng do đen đủi thua lỗ, lại bị lừa lọc nên nợ nần đầm đìa không trả được, cuối cùng phải đi tù với tội danh "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Anh đã nhận hết tội về mình, để những bạn buôn cùng bình an vô sự. Hết hạn ra tù, cuộc sống khốn khổ vẫn đeo bám Bình, nhưng anh vẫn luôn cố gắng kiếm tiền nuôi con. Thông qua tâm sự của Bình với đứa con gái bất hạnh, người đọc thấm thía hơn nỗi đau kiếp người và thêm trân quý người lao động chân chính.

Trong truyện ngắn "Lánh nạn phóng sinh", nhà văn hóa thân vào nhân vật vợ chồng chú chim ri để phê phán một mỹ tục vốn đầy tính nhân văn truyền thống của dân tộc đã bị biến tướng bởi thói tham lam, ích kỷ của con người trong nền kinh tế thị trường. Tác giả kể lại việc chú chim ri bị mất "chồng" do nạn vây bắt trong mùa phóng sinh, rồi cuối cùng, lại chứng kiến cảnh con của mình bị con người thẳng tay giết hại. Chú chim ri đã đau đớn hoài nghi: "Không hiểu Phật có dạy người làm thủ tục Phóng sinh không? Phật dạy thế nào? Nhưng, cái tục ấy khiến loài chim chúng tôi vô cùng khốn đốn. Cứ vào tháng 7 âm lịch hàng năm, là vào mùa phóng sinh, cũng tức là vào mùa săn bắt lũ chim chúng tôi. Người ta săn bắt chúng tôi bằng mọi cách, để bán cho những người có 'từ tâm' làm nghi thức phóng sinh. Như thế gọi là 'phóng sinh' ư?".

Trong truyện ngắn "Vợ chồng… 6 tháng", cốt truyện rất giản dị, kể về một cặp vợ chồng già mà thời thanh xuân họ đã kết hôn với nhau ở chiến trường, hòa bình lập lại trở về thành phố hạnh phúc bên nhau, nuôi dạy con cái nên người nhưng vì cần tiền để lo cho con cái, hai ông bà quyết định bán một phần căn hộ để trang trải, nhưng đến khi giao dịch chuyển nhượng tài sản, hai người lại không có giấy đăng kí kết hôn. Qua câu chuyện, tác giả ca ngợi mối tình thủy chung son sắt của cặp vợ chồng người lính già, đồng thời phê phán thói nhiễu nhương của thủ tục "hành là chính" ở một số cơ quan công quyền.

Truyện ngắn "Phong lan về trời" mà tác giả lấy tên cho tập sách là một câu chuyện đầy cảm xúc, đề cao tình yêu chung thủy của những đôi trai gái trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của một thời "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước". Ở truyện ngắn này, người đọc hình dung được những năm tháng chiến tranh hào hùng và bi tráng. Đó là một thời gian khổ, hi sinh nhưng thật đẹp; từ cảnh thiên nhiên hoang sơ, rừng núi hùng vĩ đến tình người, tình yêu nước cũng trong sáng đẹp đẽ vô cùng. Giò phong lan rừng là biểu tượng cho tình yêu trong sáng trong bom đạn ác liệt, đẹp và thanh cao, lãng mạn và bi tráng. Giữa Trường Sơn bom đạn, giò phong lan của tình yêu đôi lứa đã phải "về trời" vì B52 rải thảm của quân thù.

Trong truyện dài "Hơi ấm rừng chò", tác giả lại khai thác một góc khác của cuộc chiến tranh. Nhà văn miêu tả về những đội tăng gia sản xuất ở hậu cứ, những binh trạm giao liên, cuộc sống và chiến đấu của những chiến sĩ ở tuyến sau. Bằng lối kể chuyện dung dị, nhà văn đã giúp bạn đọc hình dung những năm tháng hào hùng và bi tráng trong chiến tranh. Hình ảnh người chiến sĩ trẻ măng hi sinh trên tay đồng đội chỉ vì không có thuốc sốt rét hay cô gái trẻ trung xinh đẹp trong lúc vượt suối bất ngờ bị lũ cuốn mà đồng đội không thể nào cứu được. Bằng giọng văn đa dạng linh hoạt, nhà văn đã phân tích sự khủng khiếp, tàn khốc của chiến tranh và sự khốc liệt ấy chỉ dịu đi khi tình yêu lãng mạn, tươi đẹp của các cặp đôi như Hoài với Hải, như Giáo với Nhơn được nhen nhóm, nảy nở và bồi đắp.

Hơn 50 năm viết báo và làm văn, đồng thời tham gia giảng dạy đại học, sáng tác ca khúc và nghiên cứu âm nhạc, nhà văn - người lính Phạm Việt Long đã có một gia tài không nhỏ: "Giã từ" (tiểu thuyết, 2011), "Bê trọc" (tiểu thuyết, 1999), "Du khảo Hoa kỳ sau thảm họa 11/9" (2001), "Âm bản" (tập truyện, 2003), "Ngờ vực" (tập truyện, 2006), "Bi bi và Mặt đen" (bộ truyện, 2016), "Hát mãi Trường Sa ơi" (chuyên luận, 2016), "Ngân vang mãi giai điệu tổ quốc" (nghiên cứu, 2019), "Phong lan về trời" (tập truyện, 2020), "Tục ngữ, ca dao về quan hệ gia đình" (nghiên cứu, 2004). Ông đã vinh dự nhận được nhiều giải thưởng cao quý do Ủy Ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian trao tặng, trong đó có Giải nhì của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cho tác phẩm "Bê trọc", Giải 3 sách hay Giải thưởng sách Quốc gia lần thứ nhất cho bộ truyện cổ tích thời hiện đại "Bi Bi và Mặt Đen". Những đóng góp của nhà văn Phạm Việt Long thật đáng trân trọng.

 

 

 

Nguyễn Viết Hiện

Link nội dung: https://phamvietlong.vn/pham-viet-long-viet-nen-nhung-chuong-su-hao-hung-va-nhan-van-qua-phong-lan-ve-troi-2691.html