CỔNG LÀNG MA-RỐC – NHÂN VĂN CỦA NGƯỜI VIỆT

Lịch sử Việt nam có những câu chuyện thể hiện tính nhân văn, long yêu chuộng hòa bình của người Việt Nam. Điển hình nhất là chuyện trả gươm báu ở truyền thuyêt Hồ Gươm. Lê Lợi, sau khi giành độc lập, đã trả gươm cho Rùa Vàng, từ bỏ chiến tranh ước nguyện hòa bình. Bản thân đền Ngọc sơn cũng chứa đựng rất nhiều nội dung liên quan đến yếu tố này. Trên đảo Ngọc, khởi đầu có đền thờ Võ (Từ Quan Võ – Quan Vân Trường tới Trần Hưng Đạo Vương). Nhưng về sau, đền có thêm thờ Văn (của đạo Lão). Nhà Nguyễn có Nguyễn Văn Siêu xây Tháp Bút, Đài Nghiên, đình Trấn Ba, đền Ngọc Sơn cùng nhiều bài thơ giáng bút của Long Đỗ, Trần Hưng Đạo, Văn Xương Đế Quân, Lã Động Tân, khuyên con người làm điều thiện, bỏ điều ác.

cong-r-ma-roc-1719244360.jpg

Cổng Ma-rốc

Trong lịch sử hiện đại, từ các chiến dịch năm 1950 tới chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động Địa cầu 70 năm trước, chúng ta có những câu chuyện ít được biết tới, chỉ rất ít nhà nghiên cứu và những người trong cuộc là những chứng nhân lịch sử còn lại biết đến sự việc, những nội dung nhân văn, nhân đạo của người Việt Nam, những ứng xử hòa bình mà không một nơi nào trên trái đất này có được, những câu chuyện còn được lưu truyền, còn được kể mãi cùng chứng tích hiện hữu của sự việc vẫn còn đó. Câu chuyện về Cổng làng Ma-rốc, cho đến năm 2008, khi thủ tướng Ma-rốc tới thăm nơi này, cổng mang tên cổng Ma-rốc và câu chuyện lan toả.

Các tác giả trước cổng Ma-rốc

 

Nằm trong khuôn viên đất của gia đình ông Nguyễn Văn Thành, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội, Cổng Ma-rốc đã được trùng tu và gắn bia thông tin do Đại sứ quán Ma-rốc thực hiện sau chuyến thăm của Thủ tướng Ma-rốc. Một số lần sau được trùng tu bởi các đơn vị tài trợ. Nhưng cơ bản, cổng vẫn giữ được nguyên vẹn hình dáng, các nét hoa văn đậm chất Ma-rốc, màu sắc ban đầu, từ ngày xây dựng năm 1956.

Chúng tôi đã tham gia trong nhiều sự kiện hội thảo cũng như cùng các đoàn khách của chính phủ Ma-rốc và các nhà nghiên cứu, ngoại giao những năm gần đây. Nhiều bài báo, công trình nghiên cứu của các học giả, từ các chuyên gia như TS Ngô Tự Lập, TS Đặng Quốc Bảo đã được công bố. Rồi cả tham quan ảo cổng Ma-rốc của trường IFI thực hiện.  “Chuyện Anh Mã” của nhà nghiên cứu, giáo sư Abdallah SAAF cũng là một công trình tìm hiểu lịch sử nhân vật. Được biết. cổng Ma-rốc còn có tên gọi khác là cổng Âu – Phi, Việt – Phi, ứng với tên nông trường từng thời kỳ. Do nông trường có cảnh quan đẹp và cổng Ma-rốc có ý nghĩa quốc tế nên thời đó các vị khách nước ngoài thường lui tới nghỉ ngơi viết lách như nữ văn sĩ Pháp Madeleine Riffaud, nhà báo Australia Wiliam Buchet, đạo diễn điện ảnh Nga Agida Ibrahim, đạo diễn điện ảnh Việt Nam Phạm Văn Khoa, Tổng Bí thư Đảng CS Ma-rốc Aliyata, cán bộ Đảng CS Tuy-ni-di Cherifi cũng từng lên gặp gỡ các hàng binh, nhân chứng cuộc chiến ở đây.

cong-r-ma-roc1-1719244673.jpg
Cùng nguyên đại sứ Lê Sĩ Tam - thứ 2 từ trái sang

Năm 1969, Nhà văn Madeleine Riffaud đến thăm và nhận thấy cổng Việt Phi mang biểu tượng đầy tính nhân văn, bà đã đề nghị Hòa thượng Thích Chơn Thiện, lúc đó đang là Đại biểu Quốc hội, đặt tên cho chiếc cổng này. Linh Quang Môn được đặt cho cổng với ý nghĩa là nhân loại rộng lớn nhưng có mẫu số chung là tình người và cho dù trong hoàn cảnh khốn khó nào, điểm linh quang vẫn có thể phát sáng dẫn dắt con người ra khỏi mê tối, hướng thiện.

Các cựu đại sứ Việt nam ở các nước cùng các cựu chiến binh ở địa phương và lãnh đạo xã Tả lĩnh đang chờ đón tiếp Tổng thư ký Hạ viện Ma-rốc.

Câu chuyện xuất phát từ công tác địch vận, dưới chỉ đạo của chủ tịch Hồ Chí Minh, được đặc biệt chú trọng trong suốt cuộc chiến ở Việt nam. Từ ngày bắt đầu thành lập Đội Tuyên truyền Giải phóng quân, đến các chiến dịch từ năm 1950 tới chiến dịch Điện Biên Phủ, quân đội Pháp có hàng trăm ngàn lính Lê Dương và hơn 50 ngàn lính Bắc Phi, cùng nhiều lính từ các nước thuộc địa của Pháp, các nước thua trận trong thế chiến như Đức, Nhật, được đưa ra chiến trường làm bia đỡ đạn.

cong-r-ma-roc2-1719244916.jpg
Anh Mã và vợ - Ảnh tư liệu

Nhờ công tác địch vận, có khoảng 800 người Nhật, hàng ngàn người châu Phi và châu Âu đã rời bỏ hàng ngũ để sang phía Việt nam. Họ hỗ trợ Việt Minh rất nhiều trong việc huấn luyện quân sự, sửa chữa vũ khí trang bị, đào tạo ngoại ngữ và làm báo tuyên truyền. Không chỉ được đối xử nhân đạo, tù binh và hàng binh còn được giác ngộ và tổ chức vào các đội Commando William (đa số là người Đức) và Đội Bắc Phi độc lập (Détachement de l’Indépendance Nord-Africaine, DINA). Đội DINA có mục đích là huấn luyện cho hàng binh Bắc Phi để sau này trở về giải phóng tổ quốc.

cong-r-ma-roc3-1719245008.jpg
Ông Lê Văn Điền và PGS. TS Lê Phước Minh

Nguyễn Chiến Mã, là bí thư Liên hiệp Công đoàn, Bí thư thành ủy thành phố Casablanca Ma-rốc, được bầu vào Ủy viên trung ương Đảng Cộng sản Ma-rốc khóa II tháng 4 năm 1949.” Ông Phạm Sỹ Tam, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập kể khi chúng tôi tới nhà ông Nguyễn Văn Thành. Nhân vật Anh Mã được nhà nghiên cứu giáo sư Abdallah SAAF tìm hiểu và kiểm chứng trong cuốn sách “Chuyện Anh Mã” và đã được xuất bản tiếng Việt dưới sự trợ giúp của Viện nghiên cứu Châu phi và Trung đông cùng Đại sứ quán Ma-rốc ở Việt Nam năm 2018.

cong-r-ma-roc4-1719245093.jpg
Người trong cuộc – ông Lê Văn Điền kể chuyện

Theo đó, từ năm 1950, M’hamed Ben Aomar, tức Maarouf, là một ủy viên trung ương đảng Cộng sản Ma-rốc, theo đề nghị của chủ tịch Hô Chí Minh, được cử sang Việt nam để cùng chiến đấu với quân đội Việt nam, mục tiêu sẽ là vận động lính Âu Phi bỏ sung đầu hàng. Maarouf được bác Hồ đặt tên là Nguyễn Chiến Mã và đồng đội Việt nam thường gọi là Anh Mã, khi đó khoảng 30 tuổi. Với ảnh hưởng của mình, Anh Mã đã vận động được rất nhiều binh lính đánh thuê trong quân đội Pháp, là lính Âu Phi đã đầu hàng sang phía Việt nam. Anh Mã trở thành nhân vật huyền thoại thời đó không chỉ trong nước mà với cả quốc tế.

Theo giáo sư Abdallah SAAF, suốt thời gian dài, các hàng binh ở nhiều trại, những người Ma-rốc cũng như người lính Bắc Phi, châu Phi hay châu Âu đào ngũ khỏi quân đội viễn chinh của Pháp tại Đông Dương được lựa chọn và phân thành từng nhóm: họ được ghi tên, đánh giá và gửi đến các trại đặc biệt, gần giống với các trại tù binh chiến tranh.

cong-r-ma-roc5-1719245256.jpg
 
Ông Lê Văn Điền và các bà công nhân nông trường thời đầu

Tinh thần các hàng binh rất tệ, cùng điều kiện thời chiến, họ suy sụp. Là người từng đảm trách vai trò chủ tịch công đoàn thành phố Casablance, có kinh nghiệm tổ chức, Anh Mã cảm thấy phải có trách nhiệm với những người lính Bắc Phi này. Vì thế, ông đã cho xây dựng những ngôi nhà tranh biệt lập trong các ngôi làng chỉ dành cho tù binh và phân chia họ theo quốc tịch. Mục đích của ông rất rõ là giúp những người này hồi hương càng sớm càng tốt và giúp họ trở thành các cán bộ tham gia phong trào giải phóng dân tộc của đất nước họ.

Anh Mã - Ben Aomar cố tìm cách tránh cho những đồng hương của mình khỏi bị suy sụp về tinh thần, buồn chán, trơ lì cảm xúc và thiếu thốn vật chất. Ông được lãnh đạo Việt Minh cho phép thành lập một trạm y tế trong trại tập trung và chỉ định một tù binh làm bác sĩ tại bệnh viện này. Để trấn an việc thay đổi chỗ ở của họ, Anh Mã đã cố gắng tái hiện bầu không khí Bắc Phi như cải thiện bữa ăn, điều chỉnh các xưởng sản xuất, thành lập những hợp tác xã nhỏ, tổ chức các cuộc thi bóng chuyền. Những tù binh mù chữ sẽ có cơ hội được giáo dục tư tưởng chính trị khi tham gia các khóa học và các hoạt động văn hóa, văn nghệ.

cong-r-ma-roc6-1719245358.jpg
Bà Bản, một trong những công nhân vắt sữa đầu tiên

Trong đó, có khoảng 300 lính Âu Phi, lúc đông nhất có trên 400 người” bác Lê Văn Điền, nguyên trưởng phòng Tài vụ của nông trường Việt Phi, một nhân chứng trực tiếp, hiện nay 91 tuổi, vẫn đang sinh sống trên mảnh đất nông trường trước đây, chia sẻ với chúng tôi. Bác Lê Văn Điền kể tiếp: “300 người hàng binh từ hơn 20 quốc gia khác nhau, đông nhất là Ma-rốc và Tuy-ni-di, cùng với 100 người Việt nam, các gia đình cán bộ miền Nam tập kết. Về sau có thêm một số gia đình Việt kiều hồi hương từ Thái Lan và từ Tân thế giới nữa, trở thành thành viên nông trường Âu Phi này.”

Thời đó, các hàng binh không về nước được, hoặc thậm chí không có nơi nào để về, bác Hồ đã chỉ thị cho thành lập nông trường Âu Phi trên vùng đất 700 hec ta tại Ba Vì, đây chính là địa bàn khu đồn điền của một giáo sư người Pháp chuyên trồng cỏ, nuôi bò, trồng cà-phê. Những con người khác mầu da, đa ngôn ngữ cùng chung sống và lao động, đoàn kết, đồng cam cộng khổ. Nông trường làm ăn trù phú, có lúc có hơn 1.000 bò sữa, bò thịt, hơn 100 ha lúa, sắn, mía cung cấp cho các nhà máy đường Vạn Điểm, Tam Hiệp...

 

cong-r-ma-roc7-1719246172.jpg

Chụp ảnh cùng các nhân chứng lịch sử

Bác Hồ yêu cầu tạo điều kiện và đảm bảo cuộc sống cho các hàng binh này. Ban đầu, khi mới thành lập nông trường, tâm lý không ổn định, họ cũng thường biểu tình, đòi hồi hương… Nhưng dần dần, cuộc sống quen, 80% trong số họ lấy vợ người Việt Nam và ổn định cuộc sống, sinh con đẻ cái.Nhân chứng 91 tuổi, bác Lê Văn Điền, chậm rãi kể lại những ký ức xưa. Ban đầu, đơn vị được thành lập là “Tập thể sản xuất Ba Vì”, năm 1963 đổi tên thành “Nông trường Việt Phi Ba Vì”. Bác Lê Văn Điền kể tiếp: “Tuy-ni-di có 2 tiểu đội, Angeria có 2 tiểu đội, Ma-rốc có 4 trung đội, tất cả được tổ chức thành đại đội và được Anh Mã quản lý.”

cong-r-ma-roc8-1719246127.jpg

Nghe chuyện xưa từ nguyên trưởng phòng tài vụ, ông Lê Văn Điền

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, rồi Ma-rốc được giải phóng, Anh Mã ở Việt Nam cùng những “người Việt Nam mới” đến năm 1961 mới về nước. sau này Anh Mã sang Pháp và mất ở đó”. Nguyên đại sứ Phạm Sỹ Tam chia sẻ. Thực tế, năm 1959, Anh Mã - Ben Aomar cùng vợ con rời Việt Nam sang Bulgaria và Liên Xô, trước khi trở lại quê hương vào một ngày tháng 2-1961 sau hơn một thập kỷ xa quê hương.

Bác Lê Văn Điền, là người về từ Tây Bắc, khi đã 35 tuổi, làm trưởng phòng Tài vụ. Kể về những “người Việt mới” dù ban đầu bập bẹ tiếng Việt, nhưng hoà nhập tốt. “Tôi thường đi công tác với Rốt Xi, người Ma-rốc, đi Hải Phòng, Thanh Hóa... Hai người chơi thân với nhau suốt thời gian cùng ở nông trường. Rốt Xi sau khi hồi hương, viết thư cho tôi nói “Việt nam rất tốt, con người Việt nam tuyệt vời mà không đâu có. Nhờ việc đối xử đặc biệt với hàng binh mà Rốt Xi như được hồi sinh.” Bác kể về người bạn Ma-rốc, người lái xe khi xưa. “Rốt Xi nói, khi bị bắt đưa sang Điện Biên Phủ, Rốt Xi cùng đồng đội bị xích chân vào súng máy, không thể chạy. Dù nhận thức về cuộc chiến vô nghĩa, cũng rất khó khăn anh ta mới phá được xích và trốn thoát sang hàng ngũ Việt nam.” Đoàn quân Bắc Phi đa số là lính làm bia đỡ đạn, từ Anh Mã, vận động các đồng hương, rồi lan ra toàn quân, những người lính này dần dần phản chiến, từ chối chiến đấu hoặc tự thương khi giáp trận với Việt Minh.

cong-r-ma-roc9-1719246085.jpg

Đón ngài Tổng Thư ký Hạ viện Morocco kiêm Chủ tịch Hiệp hội Tổng Thư ký Nghị viện Thế giới Najib El Khadi

 

 

Ở nông trường, không chỉ có cuộc sống như người Việt nam, họ cũng có chế độ tem phiếu, được xe đưa đi lên Sơn tây cuối tuần mua sắm, được các điều kiện vui chơi, xem phim, ca nhạc. “Họ có 2 đội bóng, các buổi chiều và cuối tuần tham gia đá bóng với các đội người Việt.” Bác Lê Văn Điền kể về sinh hoạt của đội quân Anh Mã. “Mỗi gia đình một gian tập thể: khu nhà Chuối, nhà Khoai, khu Muồng, Xoan, Ruộng. Tất cả hiện nay đã bị dỡ bỏ, chỉ còn nền móng. Mỗi phòng cho một gia đình khoảng 25 m2.” Bác kể thêm về công việc của họ: “Tùy khả năng và chuyên môn mỗi người, đa số họ là từ nông thôn nên làm việc rất tốt, chăm chỉ lao động. Cũng có người làm y tá, có người là lái xe như Rốt Xi.” Theo bác Lê Văn Điền, đa số các hàng binh đều nói được tiếng Việt, họ được dân bản địa gọi với cái tên “Người Việt nam mới.

cong-r-ma-roc10-1719246025.jpg

Gặp nhân chứng lịch sử

 

Chiến tranh vẫn kéo dài sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, những hàng binh dần ổn định cuộc sống, được xây dựng gia đình, nhưng không biết đến khi nào có thể được hồi hương. Theo sáng kiến của Anh Mã, họ dự định xây một cái cổng ở nông trường, ban đầu không được đồng tình của các cấp lãnh đạo, nhưng về sau, yêu cầu được thực hiện. Để mang dấu ấn quê hương, dịu bớt nỗi nhớ nhà, Anh Mã đã nhờ đại sứ quán Ma-rốc hỗ trợ thiết kế và một cái cổng trên đường vào nông trường được xây dựng vào năm 1956. Cổng cao đơn giản, đủ cho xe tải, xe máy kéo rơ moóc ra vào thuận tiện, có bốn trụ tròn vững chãi, đỡ ba vòm lớn trang trí bằng họa tiết của những thành lũy Arab cổ xưa.

Ý tưởng là đem chiếc cổng làng truyền thống của Bắc Phi đến Ba Vì để những người lĩnh Ả-rập cảm thấy như mình bớt nhớ quê hương. Là một di tích lịch sử của tình đoàn kết chống chủ nghĩa thực dân và tình hữu nghị liên lục địa, chiếc cổng cũng là một nhịp cầu nghệ thuật kết nối Việt Nam với Ma-rốc, với châu Phi và thế giới nói chung.

cong-r-ma-roc11-1719245967.jpg

Các vị khách Ma-rốc nghe kể chuyện

 

Những năm 1950 - 1960, các quốc gia thuộc địa của Pháp ở châu Phi lần lượt dành được độc lập. Trong các năm 1955 - 1965, bằng con đường ngoại giao, Chính phủ ta đã đưa được bốn đợt hàng binh về nước, đa số là người Ma-rốc, Tuy-ni-di và Angeria. Anh Mã về nước năm 1959. Năm 1965, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền bắc, thời kỳ này ở nông trường Việt Phi còn lại khoảng 100 hàng binh, được cấp trên chỉ đạo đưa lên Yên Bái sơ tán. “Ba vì khi đó đã bị bom Mỹ rải, nhiều gia đình thuộc nông trường Việt Phi thiệt mạng, nhưng không có gia đình hàng binh nào bị. Chỉ người Việt nam ta.” Bác Lê Văn Điền ngậm ngùi chia sẻ, bác nói thêm “Trong thời gian ở Ba vì, cũng có nhiều hàng binh bị chết, nhưng do tai nạn lao động hoặc sét đánh.

cong-r-ma-roc12-1719245930.jpg

Ngài tổng thư ký Hạ viện Ma-rốc Najib El Khadi, ngài phó đại sứ Ma-rốc tại Việt nam Ahmed Ait Aissa

Đến năm 1972, tất cả những hàng binh xưa đều được trao trả hết về quê hương. Cuộc sống khó khăn rồi cũng qua đi, chiến tranh rồi cũng lùi xa. Việt Nam được hòa bình, nhiều gia đình hàng binh cũng đã có những chuyến quay về thăm nông trường. Nhiều chuyến công tác của các đoàn Việt Nam từ các cấp, doanh nhân tới chính phủ tới Ma-rốc như thủ tướng Phan Văn Khải, họ cũng tới thăm làng Việt Nam tại Ma-rốc, nơi các gia đình Việt – Ma-rốc tạo dựng. Cuộc sống bình yên có được sau cuộc chiến.

Bác Bản, 86 tuổi, là nhân chứng thời nông trường Việt Phi, một trong 30 công nhân vắt sữa người Việt đầu tiên của nông trường, kể: “Khi đó, nông trường ở khu riêng, mọi người làm việc chăm chỉ lắm, các bác là 30 công nhân ban đầu, làm việc cùng với vợ của những “người Việt am mới”. Thời gian dài nên không có sự phân biệt, khác biệt. Họ nói tốt tiếng Việt.” Cùng với bác Lê Văn Điền, bác Bản điểm danh lại: “Hiện tại, không thấy còn ai về Việt Nam nữa, vì chỉ còn khoảng 30 người còn sống, mà họ cũng trên 80 tuổi, như tôi, là lứa trẻ ngày đó cũng đã 86 tuổi rồi.”

cong-r-ma-roc13-1719245858.jpg

Cùng lên thăm cổng Ma-rốc

 

Liên quan đến thế hệ sau của các gia đình, nguyên đại sứ Phạm Sĩ Tam kể “Nghệ sĩ thổi bóng xà phòng Fan Yang, nổi tiếng với 19 kỷ lục Guinness, là thế hệ sau của hàng binh đấy.” Bố Fan Yang, người Hung-ga-ri, là hàng binh, lấy vợ Việt Nam gốc Hải phòng. Họ hồi hương khi Fan Yang 2 tuổi, trải qua cuộc sống khó khăn và những thăng trầm, Fan Yang về thăm và biểu diễn ở Việt Nam khi đã thành danh. Con trai bác Lê Văn Điền, thế hệ sau của cán bộ nông trường Việt Phi xưa, đang là thiếu tướng, cục trưởng một đơn vị quan trọng của đất nước, các thế hệ con cái cán bộ, nhân viên người Việt trong nông trường nay cũng thành đạt ở nhiều cương vị.

Ngày 31 tháng 5 năm 2024, ủy ban nhân dân huyện Ba Vì có công văn gửi Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội đề nghị bổ sung danh mục và xếp hạng cổng Ma-rốc xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì. Để phát huy hơn nữa những giá trị văn hóa của một công trình kiến trúc minh chứng cho tính nhân văn, tình cảm nhân ái giữa hai dân tộc sau chiến tranh, khẳng định mối quan hệ quốc tế, tình đoàn kết và sự hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia Việt Nam - Ma-rốc

cong-r-ma-roc14-1719245835.jpg
Những câu chuyện tại cổng Ma-rốc

Nhân chuyến thăm và làm việc với chính phủ Việt Nam tại Hà Nội, ngày 20 tháng 6 năm 2024, Tổng Thư ký Hạ viện Ma-rốc kiêm Chủ tịch Hiệp hội Tổng Thư ký Nghị viện Thế giới Najib El Khadi, cùng phó đại sứ Ma-rốc tại Hà nội Ahmed Ait Aissa đã cùng Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi, hội hữu nghị Việt nam – Ma-rốc đã tới xã Tản Lĩnh, Ba Vì thăm cổng làng Ma-rốc. Tại đây, ngài tổng thư ký Hạ viện Ma-rốc Najib El Khadi bày tỏ tình cảm và niềm vui khi nhìn thấy cổng Ma-rốc nguyên vẹn với những nét hoa văn đậm tính văn hóa Ma-rốc, tồn tại xuyên suốt cuộc chiến cũng như các giai đoạn khó khăn của Việt nam. Minh chứng cho tình cảm, và sự trân trọng của người dân Việt Nam với những hiện vật của những người Hàng binh năm xưa, những ký ức và hiện vật thể hiện tình đoàn kết hữu nghị của hai quốc gia.

Ngài tổng thư ký Hạ viện Ma-rốc Najib El Khadi và ngài phó đại sứ Ma-rốc tại Việt nam Ahmed Ait Aissa cùng đoàn đã tiếp xúc và nói chuyện với các nhân chứng lịch sử, bác Lê Văn Điền, Bác Bài, ông Thanh, chủ đất có cổng Ma-rốc, cùng bà con, những người dân chứng kiến các bước thăng trầm xưa của nông trường Việt Phi. Đoàn cũng cảm kích trước sự tôn trọng, nâng niu các hiện vật kỷ niệm, những câu chuyện kể mãi và dự định về một phòng truyền thống, nơi lưu trữ các hiện vật, hình ảnh, những câu chuyện xưa và những câu chuyện tiếp nối. Cánh cổng như một nơi để hai dân tộc Việt Nam, Ma-rốc giao thoa, và cũng từ cánh cổng Ma-rốc, nơi bắt đầu và lan tỏa lòng nhân ái của người Việt Nam ra toàn thế giới.

cong-r-ma-roc15-1719245787.jpg
 

Xem các tư liệu lịch sử ghi nhận

Đại diện cho người dân Tản Lĩnh, cũng như Ba Vì, có ông Bùi Văn Quân, Bí thư xã, ông Phạm Văn Hiệp phó chủ tịch, cùng nhiều cựu chiến binh, bà con, đoàn thanh niên xã, bác Lê Văn Điền nói với ngày tổng thư ký Hạ viện Ma-rốc: “Tôi năm nay đã 91 tuổi, trải qua thời gian từ khi bắt đầu thành lập nông trường, sống và làm việc với những “Người Việt Nam mới”, tham gia những cuộc chia tay, những phút giây hồi hương. Gặp gỡ nhiều đoàn quốc tế tới thăm cổng Ma-rốc này, chỉ mong muốn cũng như người dân nơi đây, làm sao giữ được, bảo quản, và xây được phòng truyền thống, thu thập tư liệu, hiện vật của một giai đoạn lịch sử đã qua liên quan tới sự kiện nông trường Việt Phi. Một sự việc không có bất cứ nơi đâu trên thế giới về việc ứng xử với các hàng binh trong chiến tranh như ở đây. Tôi thực sự mong muốn được thấy điều đó!

cong-r-ma-roc16-1719245742.jpg

Trước cổng Ma-rốc

*Phó chủ tịch Hiệp hội Tác giả Phi hư cấu Việt Nam

**Phó chủ tịch hội hữu nghị Việt Nam Ma-rốc

Tản lĩnh, ngày 20 tháng 6 năm 2024

Ảnh: Đặng Vân Phúc

 

Đặng Vân Phúc*, PGS-TS Lê Phước Minh**

Link nội dung: https://phamvietlong.vn/cong-lang-ma-roc-nhan-van-cua-nguoi-viet-2689.html