NGƯỜI CỦA THỜI BAO CẤP (Trích tiểu thuyết GIÃ TỪ)

Với kinh nghiệm đấu tranh mang tính sinh tồn cả chục năm ở cái liên doanh hốt bạc này, gã hiểu rằng, những chi tiết tưởng như lụn vụn ấy sẽ rất có giá trị nếu làm bằng chứng khi cần thiết. Minh lại vô tâm, tán thành ngay ý kiến đề xuất của Đản, hàng tháng thu của Đản bảy trăm năm mươi đô la, còn mình cũng tự bỏ ra ba trăm đô la cho vào một cái hộp gỗ để trên cơ quan cùng với cuốn sổ ghi chép có chữ ký của hai người. Minh dự định khi cóp nhặt được khoản tiền kha khá, đợi đến dịp Tết sẽ nộp cho quỹ phúc lợi của cơ quan. Đó là những sai lầm mang tính chiến lược của một con người “chất bao cấp”. Sai lầm ấy suýt nữa dẫn Minh vào vòng lao lý.

bia-gia-tu-co-nho-1719161672.jpg
 

Với chị Nguyễn Thu Minh, thời bao cấp được hiểu theo nghĩa rộng. Nó trải dài suốt từ cuộc kháng chiến trường kỳ chống giặc Mỹ xâm lược của dân tộc tới tận trước năm 1986 - trước thời kỳ đất nước ta đổi mới toàn diện. Sinh ra vào đầu những năm năm mươi của thế kỷ trước, chị lớn lên trong giai đoạn sau của thời kỳ ấy. Tuổi học trò của chị trôi qua trong khung cảnh đất nước bị chia làm hai miền. Miền Nam đang đau khổ trong ách kìm kẹp của Mỹ - Nguỵ. Miền Bắc được hoà bình xây dựng một thời gian thì phải đương đầu với cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ác liệt của đế quốc Mỹ. Gồng mình dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù, miền Bắc vững vàng vừa là hậu phương vừa là tiền tuyến. Minh có những kỷ niệm đẹp với thời bao cấp oanh liệt ấy. Cô học trò Minh đi sơ tán tận “vùng nông thôn” của tỉnh Hà Tây. Hà Tây, “cửa ngõ Thủ đô”, chính là quê hương của “Chiếc gậy Trường Sơn”. Minh đã chứng kiến cảnh lên đường ra trận hào hùng của những trai làng có “đôi chân vượt đường xa không mỏi”, có “tinh thần chỉ tiến không lui”. Sơ tán ở làng, Minh cũng là thành viên của làng. Minh trải lòng cùng thương, cùng nhớ các trai làng như những bà mẹ, những người chị, những người em gái của làng đối với những người ra trận. Một khẩu hiệu của thời ấy đã thấm sâu trong óc và trong tim Minh: “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Đấy, khẩu hiệu của một thời bao cấp đấy. Nếu không có thời bao cấp ấy, làm sao có một kỷ luật sắt, một ý chí thống nhất cao độ để tập trung tiềm lực toàn dân tộc cho cuộc kháng chiến vĩ đại bảo vệ Tổ quốc. Lúc ấy, quyền lợi của Tổ quốc gắn bó mật thiết với quyền lợi của mỗi cá nhân. Lòng yêu nước thương nòi mãnh liệt đã khiến những con người cá nhân gắn kết với nhau thành một khối mạnh mẽ và vững chắc. Nhớ đến đây, Minh thoáng buồn. Bây giờ, trên chính cái mảnh đất Hà Tây giàu tình làng nghĩa xóm, giàu lòng yêu nước, hy sinh ấy, cũng những người nông dân của những làng quê ấy, có không ít người hò nhau ra rào cổng của cả khu công nghiệp để đấu tranh đòi quyền lợi, hoặc lập trạm canh bất hợp pháp để thu tiền mãi lộ của lái xe... Chẳng ai bảo được ai. Chính phủ chỉ đạo xuống cũng không có hiệu lực. Quyền lợi thời kinh tế thị trường đã biến đổi con người đến kinh ngạc. Lợi ích riêng đã trở thành một thứ quyền năng quá ư mạnh mẽ, có thể điều khiển hết thảy. Thoáng buồn, rồi Minh tự an ủi: “Dù sao, đó chỉ là những tiêu cực mang tính cục bộ. Nhìn chung, xã hội đã phát triển nhiều, theo hướng tốt đẹp lên là chính!”.

Thời bao cấp đã nuôi dưỡng Minh, đã giáo dục Minh để cho Minh trở thành một con người đàng hoàng. Bằng Đại học Kinh tế Tài chính loại ưu. Thời bao cấp không có bằng rởm, cho nên chẳng ai nói đến bằng rởm hay bằng thật mà chỉ nói đến bằng giỏi hay bằng thường. Thời bao cấp cũng tặng cho Minh một người chồng là sĩ quan quân đội, một con người chân chất, chí thú với binh nghiệp, chu đáo với gia đình. Một gia đình êm ấm. Thời bao cấp cũng tạo cho Minh một ưu điểm, mà vào thời buổi thị trường này, có khi lại trở thành nhược điểm, đó là tính thẳng thắn và nhiệt tình vô bờ bến với công việc. Cứ ào ào làm việc. Cứ ào ào đôn đốc, thúc giục mọi người vào công việc. Thấy việc đình trệ thì điên tiết lên, ào ào phê phán, có khi nói mất mặn mất nhạt, nhưng tâm thì trong veo, tình thì đằm thắm - những mong bạn bè mình khắc phục khuyết điểm để vươn lên đóng góp phần tích cực cho cuộc sống. Trong thời bao cấp, thiếu thốn vật chất mọi bề nhưng con người hay chia sẻ. Chia sẻ vật chất và chia sẻ tình cảm. Những con người của thời bao cấp (và bây giờ là những người vẫn “giữ những tính chất của thời bao cấp”, gọi tắt là “người chất bao cấp”) rất hay tâm sự với nhau. Tâm sự việc gia đình, tâm sự việc cơ quan. Họ trải lòng với nhau, không phòng ngừa, không thủ đoạn. Kiểu cách của những “người chất bao cấp” có vẻ lạc lõng với lối sống hiện đại. Trong dân gian đã lưu truyền nhiều câu ca dao về thực trạng này, như:

“Thật thà thẳng thắn thường thua thiệt

Lỗi lầm luồn lọt lại lên lương”

Hay:

“Đi nhẹ, nói khẽ, hay cười

Chuyện đâu bỏ đó là người lên cao!”

Thế mà những “người chất bao cấp” lại hay tâm sự, cứ vơ việc vào thân, thấy sự bất bằng thì chẳng tha, nói năng lại chẳng kín kẽ, cứ ào ào... thì làm sao phù hợp với môi trường sống nhộn nhạo và đầy cạm bẫy hôm nay? Cái khoản hay giãi bày tâm sự là điểm yếu, yếu vô cùng của những “người chất bao cấp” mà những kẻ của thời kinh tế thị trường khai thác triệt để nhằm tạo ra vũ khí trong các cuộc đấu đá. Đấu đá chứ không phải là đấu tranh. Ở công ty biểu diễn nọ, ông giám đốc Khắc Thế cũng thuộc loại “người chất bao cấp”, thẳng ruột ngựa, có gì cũng đem ra tâm sự với bạn bè và cả với cấp dưới. Buồn vui cũng tâm sự. Bực tức cũng tâm sự. Ý đồ trong công việc cũng tâm sự. Trong cơ quan, có tay kế toán trưởng Văn Thinh là người của thời kinh tế thị trường cho nên hắn có cái tai rất thính và bộ nhớ tuyệt vời, lại được hỗ trợ bởi một cuốn sổ tay lúc nào cũng để sẵn trong túi. Văn Thinh vốn là một kế toán quèn ở một tỉnh miền núi. Thời kháng chiến, Khắc Thế từng đóng quân khá lâu ở vùng quê của Văn Thinh, thường xuyên lui tới gia đình Văn Thinh. Chính vì vậy, anh tìm mọi cách xin được cho hắn chuyển về cơ quan do anh đứng đầu. Khắc Thế coi Văn Thinh như con cháu trong nhà, cứ hềnh hệch tâm sự, chẳng đề phòng gì cả. Ông có biết đâu, trong bụng gã trai trẻ này là cả một mưu đồ đen tối. Về thành phố, sống độc thân trong thời buổi cái gì cũng đòi tiền, Văn Thinh tìm mọi cách kiếm tiền. Thấy Văn Thinh có những biểu hiện moi tiền bất chính, Khắc Thế gọi tới nhà, sạc cho một trận rồi mời ăn một bữa cơm với gia đình. Văn Thinh ở lại ăn cơm, nhưng trong lòng lại mang mối hận với thủ trưởng - ân nhân của mình. Tới một ngày, thanh tra bộ nhận được đơn kiện giám đốc Khắc Thế về một loạt tội, nào là tham ô, nào là hách dịch... Riêng cái khoản hách dịch, có cả mấy trang giấy ghi chi tiết những lời mà Khắc Thế bảo ban Văn Thinh như bảo ban con cháu trong nhà. Ghi rất kỹ. Ngày nào, giờ nào nói, nói ở đâu, có ai làm chứng.... Còn tội tham ô, Văn Thinh lấy tư liệu từ việc Khắc Thế nói rõ với hắn giá mua hệ thống trang âm từ bên Ý với giá nguyên gốc, để tố rằng anh đã nâng khống giá nhập hàng. Thực ra, giá nguyên gốc là một chuyện, còn thuế má, chi phí vận chuyển... mới thành giá chính thức được. Nhưng Văn Thinh cứ khăng khăng coi giá mà hắn biết được do Khắc Thế cung cấp là giá mua hàng chính thức, hắn kiện khắp nơi. Hắn cũng ghi rõ giờ nào, ngày nào, ở đâu, ai nói, nói gì về giá hàng hoá do công ty nhập để minh chứng rằng, quần chúng rất bức xúc trước hành động tham ô của giám đốc. Bộ mất công thanh tra lên thanh tra xuống. Khi được minh oan, thì Khắc Thế đã bị suy kiệt thần kinh tới mức phải nghỉ hưu non! Nhưng trời có mắt, chỉ sau một thời gian, do đấu đá liên tục với đồng nghiệp, căng thẳng quá, Văn Thinh bị đứt mạch máu não, nằm một xó. Chưa hết, trời còn hành không cho hắn về chầu ông tổ sớm. Hắn cứ nằm chình ình với thân hình hộ pháp nặng gần một tạ suốt năm này qua năm khác, tới mức thối da thối thịt. Bạo bệnh đã gặm nhấm trên năm chục cân thịt của hắn rồi mới tống khứ hắn về âm phủ. Chỉ tội nghiệp chị vợ và đứa con gái phải hầu hạ thâu đêm cạn ngày, mỏi mòn trong nỗi vất vả thân xác và khủng hoảng tinh thần.

Trở lại chuyện của chị Minh, “chất bao cấp” chậm được thay đổi sẽ làm cho chị khốn khổ trong một thời gian khá dài. Cái “chất” ấy khiến chị cả tin, nhìn người khá đơn giản và bao giờ cũng nhìn theo chiều hướng tích cực - chị chẳng nghĩ xấu về ai bao giờ. Trong cư xử với đồng sự, thì nặng về tình cảm mà nhẹ về lý trí, càng không quan tâm tới những thủ tục pháp lý. Cho nên, chị luôn luôn thiếu cảnh giác. Hồi mới được tập đoàn cử sang tham gia liên doanh Bạch Liên, với tư cách phó tổng giám đốc phía Việt Nam kiêm phó chủ tịch liên doanh, chị kết thân nhanh chóng với Lê Đản. Chị hay tâm sự với gã. Chẳng hạn như, chị bảo rằng chị làm việc lâu trên bộ nên có mối quan hệ khá mật thiết với lãnh đạo bộ cũng như các vụ, cục, đó là điều thuận lợi cho công việc hiện nay của chị và đơn vị. Trong khi Minh chuyện trò hồn nhiên, thì Đản thò tay vào túi bật vào nút “REC” của chiếc máy ghi âm kỹ thuật số.

Thời buổi hiện đại này, việc ghi âm lén là chuyện nhỏ. Một chiếc máy ghi âm chỉ to bằng ngón tay được giấu ở bất kỳ chỗ nào, có thể cần mẫn ghi âm liên tục với độ dài tới bảy mươi hai tiếng đồng hồ. Đản học được cái võ ghi lén này từ xã hội đương thời, xã hội công nghệ tiên tiến. Nhờ hiện đại hoá, có phương tiện do thám hiện đại, mà cái “máu Gia ve” bỗng nhiên lan ra trong xã hội. Ai cũng có thể trở thành mật thám rình mò người khác. Ai cũng có thể sử dụng món võ ghi lén hình ảnh, âm thanh để làm tài liệu phục vụ những ý đồ riêng. Chẳng thế mà có chuyện một gã đàn ông tung hình ảnh cô diễn viên điện ảnh làm tình với mình lên mạng, chỉ vì cô ta “đá” mình. Lại có vị thầy giáo được phân công làm giám thị, chẳng lo biện pháp giám thị cho tốt mà lén đem “camera” vào trường thi quay lén cảnh lộn xộn, sau đó tung lên mạng để rồi được tung hô như một anh hùng chống tiêu cực. Lại có chuyện vợ chồng một nhạc sĩ ghi lén câu chuyện của họ với một nhạc sĩ kiêm quan chức khác, rồi dùng làm tài liệu phân phát khắp nơi, bôi xấu vị nhạc sĩ - quan chức nọ. Lại còn chuyện một cô học sinh học dốt nhưng giỏi lừa thầy, đã bẫy thầy thở ra những câu dâm đãng, ghi âm lại, cung cấp cho báo chí, tạo nên vụ “scandal” thầy giáo gạ đổi tình lấy điểm, khiến thầy giáo này trở thành kẻ “mất dạy”. Đó chỉ là những vụ “nổi tiếng” được công bố trên các phương tiện truyền thông đại chúng mà thôi. Còn vô vàn những hành động “mật thám” tương tự xảy ra hàng ngày hàng giờ trong khắp các hang cùng ngõ hẻm, không thể nào thống kê nổi. Tình trạng “ghi lén” bùng nổ như vậy chính là một biểu hiện sa sút đạo đức xã hội nghiêm trọng. Lẽ nào một xã hội lành mạnh lại tung hô những kẻ dùng hành động tiêu cực để chống tiêu cực? Cứu vãn tình trạng suy đồi đạo đức bằng những hành vi vô đạo đức chỉ làm cho xã hội suy đồi thêm mà thôi.

Vốn vô đạo đức và có máu thực dụng, Đản không bao giờ quan tâm đến tình trạng suy thoái đạo đức nói trên, mà chỉ thấy rằng những mẩu phim, kiểu ảnh, đoạn âm thanh ghi lén được nhiều khi trở thành loại vũ khí siêu hạng giúp người ta hạ gục đối thủ trong chốc lát. Học được bài học quý giá đó, lúc nào gã cũng thủ sẵn một máy ghi âm kỹ thuật số trong túi, kèm theo một sổ tay con con, cây bút con con để ghi âm, sau đó ghi chữ lên giấy làm tài liệu bổ sung (ghi vào sổ chứ không ghi vào máy tính, vì bằng chứng bằng giấy mới có giá trị, vả lại ghi vào sổ thì có thể biến tấu chút ít cho phù hợp với ý muốn của gã). Gã ghi như sau: “Khách sạn Bạch Liên, hồi 16 giờ 45 ngày 20 tháng 8 năm 2004, chị Nguyễn Thu Minh khoe rằng chị có mối quan hệ thân thiết với bộ trưởng, các thứ trưởng, các cục vụ trưởng, cho nên chị có khả năng chạy chọt, không việc gì phải sợ ai. Việc gì chị Minh cũng chạy được. Cùng nghe có cô Thuỳ, kế toán trưởng. Khi chị Minh tới khách sạn có hai bảo vệ trực cửa là Hồng và Quân chứng kiến”. Sau này, lời ghi này được biến tướng thành lời trong đơn tố cáo: “Bà Nguyễn Thu Minh thường khoe khoang rằng, bà có quan hệ thân thiết với các vị lãnh đạo bộ như bộ trưởng, thứ trưởng cho nên có khả năng chạy vụ án mại dâm trót lọt”. Ngày, giờ, địa điểm, người chứng kiến lời nói này được Đản viết ra đúng như đã ghi trong sổ tay. Chị Minh ngớ người vì không hiểu mình có nói điều ấy hay không, nếu mình không nói thì tại sao Đản lại ghi rõ như thế. Đâm ra tự kỷ ám thị, chị Minh nghi ngờ cả chính mình. Nhưng, đó là chuyện về sau. Chứ giai đoạn đầu, ghi như vậy nhưng thái độ của Đản lại thân tình, cởi mở hết sức (ấy là theo cách nhìn nhận của Minh). Minh thầm khen Đản chân thật và chu đáo khi gã nói với chị: “Em làm ở đây được một nghìn năm trăm đô mỗi tháng. Còn chị làm kiêm nên được sáu trăm đô. Nhưng em sẽ đấu tranh để chúng nó tăng lương cho chị!”. Chẳng ham hố gì tiền bạc, nhưng trước thái độ ân cần của Đản, Minh bổi hổi bồi hồi. Khi công ty của Đản phải giải thể (công ty này là đơn vị trực thuộc tập đoàn, làm đối tác đại diện cho phía Việt Nam trong liên doanh, giải thể vì làm ăn thua lỗ, cho nên tập đoàn phải thế chân.), lẽ ra Đản sẽ phải “giải tán khoẻ” theo, nhưng với tấm lòng nhân ái và cả tin, chị Minh lại đề nghị với tập đoàn cho gã tiếp tục tham gia liên doanh với chức danh mới là Phó chánh văn phòng tập đoàn. Sau một thời gian làm việc ở liên doanh cùng Minh, Đản thăm dò: “Chị Minh ơi, các sếp ở tập đoàn thế nào?”. Minh thật thà: “Các sếp tốt lắm. Chỉ có điều tập đoàn ta làm ăn không khá lắm cho nên thu nhập không được cao! Kể như chị em ta có thu nhập cao thì cũng nên hỗ trợ anh chị em ở tập đoàn”. Trong khi chị Minh nói thì Đản thò tay vào túi bấm nút “REC” trên chiếc máy ghi âm kỹ thuật số. Khi chị Minh đi, Đản ghi vào sổ tay: “Khách sạn Bạch Liên, hồi 15 giờ ngày 27 tháng 9 năm 2004, chị Minh nói rằng, lãnh đạo tập đoàn thiếu tiền lắm cho nên cần hỗ trợ cho các sếp. Không có ai nghe cùng nhưng có hai bảo vệ là Hồng và Quân chứng kiến chị Minh vào khách sạn”.

minh-thieu-1719162019.jpg
 

Lại nói tiếp về cái “chất bao cấp” của Minh. Ra tập đoàn nhận công tác, Minh đau đáu với công việc, đi sớm về muộn, sao nhãng cả việc gia đình. Chị phát hiện những yếu kém trong công tác quản lý. Không hiểu sao, ngày nào cũng mất hàng, trị giá trên một triệu đồng mỗi ngày. Khi nhận bàn giao, ban lãnh đạo mới phải tiếp nhận món hàng mất trị giá gần ba trăm triệu đồng. Lạ nhất là không quy được trách nhiệm cho ai. Tất cả đổ tại “tập thể”. Sở hữu cả một toà nhà sang trọng, cao vời vợi ngay trung tâm thủ đô mà hoạt động luôn luôn bị lỗ. Nhân viên bán hàng hưởng lương tháng, bán được hàng cũng hưởng, không bán được hàng cũng hưởng, bán nhiều bán ít đều hưởng như nhau. Quyền lợi và trách nhiệm chẳng gắn bó gì với nhau cả. Cho nên họ thờ ơ với khách hàng. Minh đã từng chứng kiến một cô nhân viên hất hàm với khách: “Hàng đấy, bác tự xem khắc biết!”. Lần ấy, suýt nữa Minh xông đến quát cho cô nhân viên kia một trận, nhưng có anh Mai Chính trực, chủ tịch tập đoàn kéo lại nên Minh mới đứng yên. Sau khi nắm chắc tình hình, Minh đề xuất ý kiến rồi cùng ban lãnh đạo tập đoàn tính toán lên phương án khoán cho từng đơn vị. Sự đổi mới nào chả vấp phải những lực cản của cái cũ. Những tiếng kêu ca, phàn nàn rộ lên. Nhưng Minh kiên quyết tổ chức thực hiện. Chị được tổng giám đốc giao trực tiếp phụ trách công việc này. Chị nói thẳng toẹt với mấy trưởng đơn vị hay ca thán về việc khoán cao quá: “Các anh chị tính thử xem, mức nộp của các anh chị cho tập đoàn cũng chưa đủ trang trải chi phí cho chính các anh chị, tại sao cứ kêu là cao?”. Việc Minh luôn luôn phải đảm đương những công việc gay cấn, đụng chạm là cả câu chuyện dài sẽ tiếp diễn ở nhiều hồi sau. Nhưng chúng ta có thể thấy từ đầu rằng, tổng giám đốc là con người khôn ngoan có hạng, luôn luôn phân công cho cấp phó những việc hắc búa, còn anh ta thì tránh biệt. Riêng việc đứng gần các cấp lãnh đạo cỡ quốc gia để chụp ảnh rồi đăng báo, phóng to treo ở phòng làm việc, ở phòng khách, ở nhà riêng, hoặc trả lời phỏng vấn báo, đài phát thanh, truyền hình về thành tích, anh ta nhanh lắm, luôn xuất hiện đúng lúc. Vì vậy, danh anh ta nổi như cồn. Nhưng đó là cả câu chuyện dài, sau này chúng ta sẽ thấy rõ hơn. Chỉ biết rằng chị Minh luôn xông tới những nơi gay cấn, đụng chạm vào quyền lợi của một bộ phận không nhỏ nhân viên quen lợi dụng sơ hở của quản lý để hưởng lợi riêng. Chính sự va chạm ấy đã gây cho Minh những bất lợi trong quan hệ với nhân viên. Thêm vào đó, chị lại hay bô lô ba la, hay nổi đoá, cái gì cũng tồng tộc nói ra bằng hết, phê phán mạnh mẽ, yêu cầu thay đổi mạnh mẽ, bóc mẽ một số nhân vật tiêu cực thẳng thừng... Vô hình trung, Minh đã tạo cho mình một số đối thủ nguy hiểm. Đến dịp nào đó, những con người này sẽ té nước theo mưa, tìm cách đẩy chị xuống bùn. Tại liên doanh Bạch Liên, Minh cũng bắt đầu thấy những bất hợp lý trong quản lý. Cứ phát hiện ra vấn đề gì cần thay đổi là Minh lại tâm sự với Đản. Chị không ngờ rằng, những bất hợp lý ấy chính là kẽ hở mà Đản cần có để kiếm chác. Một hôm, Minh bảo với Đản: “Chị thấy việc thuê giặt là không ổn lắm. Chỗ này giặt không được sạch, lại hay làm rách đồ, chú xem thế nào, ta nên chuyển sang chỗ khác”. Đản bầm gan tím ruột lại. “À, con mẹ này bắt đầu xía vào miếng cơm manh áo của ta đây. Mỗi tháng, ta cũng kiếm được dăm bảy triệu đồng tiêu vặt từ khoản hoa hồng dịch vụ này, mụ định cắt của ta à?”. Nghĩ vậy, nhưng mặt vẫn như không, Đản làm ra bộ tâm đắc: “Chị nói thật chí lý. Em cũng thấy thế, chị bảo nên chuyển về cơ sở nào?”. Nói vậy, nhưng Đản đã nhẩm ngay trong đầu kế hoạch phong toả các tiệm giặt là quanh khu vực khách sạn để chúng trở thành vệ tinh của gã, của riêng gã. Vẫn vô tư, Minh bảo: “Chú khảo sát xem sao?”. Sau lần ấy, Đản đổi chỗ giặt là, nhưng vẫn thoả thuận được với cơ sở mới tiền hoa hồng cho gã hàng tháng. Tuy không mất mát gì, nhưng Đản bắt đầu căm Minh. Vốn thủ đoạn, hay gài bẫy đồng sự, Đản càng tìm cách khoá chị Minh cho chặt. Một hôm, Đản hỏi Minh: “Em làm việc với tư cách đại diện của tập đoàn ở đây một thời gian rồi, các sếp có ý kiến gì không?”. Minh bảo: “Các anh ấy cũng mong chúng ta làm việc nghiêm túc, chu đáo, công việc khó khăn, yêu cầu chúng ta phải hết sức cố gắng. Gái có công thì chồng không phụ!”. Sau khi Minh rời khách sạn, Đản nghe lại đoạn ghi âm rồi ghi (có biến tấu chút ít) như sau: “Khách sạn Bạch Liên, 10 giờ 11 phút ngày 30 tháng 9 năm 2004, chị Minh nói rằng công việc rất khó khăn, muốn được tiếp tục bố trí công tác thì cần phải cung phụng lãnh đạo! Cùng nghe có anh Nguyễn Tuấn Lặng, chủ tịch công đoàn liên doanh” (Lặng lúc đó đang đi họp công đoàn trên khu, nhưng chi tiết này quan trọng quá, cần người chứng thực, mà Lặng là đệ tử trung thành, cho nên phải ghi rằng có Lặng chứng kiến). Tiếp đó, Đản gợi ý: “Em và chị làm việc ở đây thu nhập cao hơn anh em ở nhà, ta góp tiền lập quỹ chung để chi cho anh em trên tập đoàn những khi cần”. Thế là Minh đồng ý. Chị lập sổ, kẻ ngay ngắn các cột ghi thứ tự, họ, tên, số tiền đóng góp, số tiền chi... Đản lại tỏ ra rất chân thành: “Chị là phụ nữ, chu đáo, tỉ mỉ, chị giữ quỹ nhé! À mà này, chị cứ ghi ở đầu sổ “Quỹ lãnh đạo” cho oai. Em và chị chả gì cũng là lãnh đạo ở cái liên doanh này!”. Minh hồn nhiên làm theo lời Đản. Đản ghi tiếp vào sổ: “Khách sạn Bạch Liên, 14 giờ 27 phút 30 giây, chị Minh đến, mặc bộ váy kiểu công sở, màu xanh đậm. Chị Minh yêu cầu lập quỹ lãnh đạo để chi cho lãnh đạo tập đoàn. Không có ai chứng kiến nhưng có sổ sách làm bằng”. Bởi vì sự kiện này quan trọng quá, cho nên Đản viết thêm: “Ghi chú: Lúc chị Minh đến, trời mưa phùn lất phất. Chị Minh đi xe máy, không khoác áo mưa. Lúc chị Minh rời khách sạn, trời tạnh”. Với kinh nghiệm đấu tranh mang tính sinh tồn cả chục năm ở cái liên doanh hốt bạc này, gã hiểu rằng, những chi tiết tưởng như lụn vụn ấy sẽ rất có giá trị nếu làm bằng chứng khi cần thiết. Minh lại vô tâm, tán thành ngay ý kiến đề xuất của Đản, hàng tháng thu của Đản bảy trăm năm mươi đô la, còn mình cũng tự bỏ ra ba trăm đô la cho vào một cái hộp gỗ để trên cơ quan cùng với cuốn sổ ghi chép có chữ ký của hai người. Minh dự định khi cóp nhặt được khoản tiền kha khá, đợi đến dịp Tết sẽ nộp cho quỹ phúc lợi của cơ quan. Đó là những sai lầm mang tính chiến lược của một con người “chất bao cấp”. Sai lầm ấy suýt nữa dẫn Minh vào vòng lao lý.

Nói về tập đoàn Tri thức này, khối chuyện nhức đầu. Bộ máy lãnh đạo cũ được thay thế gần hết, gồm chức chủ tịch, tổng giám đốc và một Phó Tổng - chính là Minh. Lúc Minh tới nhận nhiệm vụ cũng là lúc tình hình ở đây khá căng thẳng. Chủ tịch tập đoàn trước lúc nghỉ hưu dặn lại Minh: “Phải nghiêm khắc xử lý thằng Triệu Hà, giám đốc công ty Sa Ba. Nó là “Chét nhi a” đấy!”. Minh vâng dạ, nhưng chưa hiểu rõ tại sao Hà lại là kẻ ly khai? Xem lại sổ sách, thấy rằng công ty Sa Ba làm ăn rất khá, doanh số, lợi nhuận, nộp ngân sách, đời sống người lao động... đều cao nhất tập đoàn, lại thực hiện nghĩa vụ với tập đoàn nghiêm túc nhất. Chỉ mỗi tội nội bộ nát nhoét, kiện cáo tùm lum. Trong xã hội thông tin ngày nay, mọi chuyện đều có thể tung lên mặt báo chí. Trong các cuộc đấu đá nội bộ, người ta cũng lợi dụng triệt để dư luận, lấy dư luận làm hậu thuẫn cho việc xử lý lẫn nhau. Những kẻ tiêu cực nhân danh tích cực thường rất già mồm, tìm mọi cách chiếm lĩnh mặt trận tuyên truyền, từ báo ngày tới báo tuần, từ báo in đến báo điện tử. Xem lại hàng loạt bài báo viết về những “tội lỗi” của công ty Sa Ba và giám đốc Triệu Hà, Minh thấy lờ mờ một sự thực là người ta muốn hại Hà, đổ vấy mọi tội lỗi cho Hà. Điểm nóng của công ty là chi nhánh trong thành phố Hồ Chí Minh. Triệu Hà, giám đốc công ty kiêm giám đốc chi nhánh tại thành phố Hồ Chí Minh được miêu tả trên mặt báo là một kẻ độc đoán, chuyên quyền, vi phạm luật lao động. Phối hợp với mặt trận dư luận là những lá đơn tố cáo gửi đi rất nhiều nơi. Thế là Bộ chỉ đạo tập đoàn phải kiểm tra, xử lý những vấn đề của chi nhánh. Trong buổi họp lãnh đạo, vừa có người gợi ý cử tổng giám đốc Lý Ngồ Ngộ dẫn đoàn kiểm tra vào thành phố, anh ta đã giãy nảy lên: “Tôi bận chỉ đạo kinh doanh chung. Tôi thấy nên cử chị Minh đi”. Con người “chất bao cấp” ấy chẳng suy tính thiệt hơn, vui vẻ nhận lời làm trưởng đoàn kiểm tra của tập đoàn. Chị không mảy may biết rằng, đây là một tảng đá lớn mà chị sắp húc đầu vào.

Vào tới thành phố Hồ Chí Minh, đoàn kiểm tra thuê khách sạn riêng, tự túc hoàn toàn, không nhận bất kỳ sự phục dịch nào của chi nhánh công ty. Chi tiết này được quan tâm đặc biệt bởi những kẻ đang đấu Triệu Hà. Họ bàn nhau ghi chép tỉ mỉ tên, loại, cấp của khách sạn, giá phòng và chụp cả ảnh đoàn trước cửa khách sạn... để làm tư liệu khi cần tung ra. Tư liệu này sẽ được sử dụng theo hai hướng khác nhau tuỳ thuộc vào thái độ của đoàn đối với sự vụ. Nếu thuận cho những kẻ đấu đá, tư liệu này sẽ làm bằng chứng nói rằng, đoàn kiểm tra rất trong sạch, tự thuê khách sạn, tự lo liệu các điều kiện phục vụ công tác, không làm phiền cơ sở. Nhưng nếu không thuận cho họ, thì lập tức tư liệu ấy sẽ là minh chứng cho thói ăn chơi xa hoa của đoàn - vào thành phố không đếm xỉa gì đến cơ sở, thuê riêng khách sạn tư nhân để tách khỏi sự kiểm soát của quần chúng, để tha hồ gặp gỡ, bàn mưu tính kế với “những kẻ tiêu cực”. Minh đâu có biết đã có sự tính toán như vậy. Đứng đầu nhóm “phản kháng” là Phó giám đốc chi nhánh Lan Hương. Hỗ trợ đắc lực là Phó phòng vừa bị huyền chức Thuý Hỏi. Đoàn làm việc căng sức suốt mấy ngày, gặp riêng tất cả những quần chúng nào có nguyện vọng trình bày quan điểm của mình hoặc cung cấp thông tin... Minh giật mình, hoá ra ở đây, sự thể cứ như trong phim Hàn Quốc. Nhóm của Thuý Hỏi ghê gớm lắm. Họ tìm cách nắm giữ thông tin để làm ăn riêng. Cứ có khách hàng nào kha khá là họ tìm cách tách riêng ra, mời về nhà lấy hàng của mình. Họ còn đột nhập máy tính của đồng nghiệp, xem trộm thư điện tử để nắm thông tin về nguồn hàng, khách hàng rồi xoá sạch những thư quan trọng. Thậm chí, họ còn nhờ chuyên gia tin học tạo ra những thư điện tử giả, cung cấp thông tin giả cho đối thủ. Còn Lan Hương, tuy làm Phó giám đốc, nhưng lại là thủ lĩnh của nhóm tiêu cực này. Triệu Hà đã theo dõi thấy một quy luật là cứ lần nào đi hội chợ quốc tế mà không có Lan Hương, thì lượng khách hàng đến với công ty khá, nhưng cứ có Lan Hương thì y như rằng lượng khách sút hẳn đi. Lần theo sổ sách, anh phát hiện ra khá nhiều khách quốc tế đã nhập hàng của Lan Hương theo danh nghĩa cá nhân. Biết vậy, nhưng chưa có bằng chứng xác đáng, Triệu Hà tức muốn nổ tung lồng ngực. Nhân một lần Lan Hương chỉ đạo nhóm của Thuý Hỏi nhập một đợt hàng bị hải quan giữ vì vi phạm quy định, Triệu Hà liền ra roi. Anh chỉ đạo cách chức Phó Trưởng phòng Thuý Hỏi, cảnh cáo Phó giám đốc Lan Hương. Thế là bùng lên một chiến dịch chống lại Triệu Hà. Ngón đòn dư luận cũng được sử dụng làm mũi xung kích. Cùng một lúc, trên gần chục tờ báo đăng tin, bài về những vi phạm của chi nhánh Sa Ba. Nào là trù dập người đấu tranh chống tiêu cực. Nào là nhập lậu hàng hoá, bị hải quan phạt hàng trăm triệu đồng. Nào là kế toán trưởng ăn chơi sa đoạ, ôm cả gái làng chơi... Công đoàn, Đảng uỷ khối lại bênh vực nhóm của Lan Hương. Nhóm này có lối ứng xử mềm mại, thường chi tiền ủng hộ công đoàn, Đảng uỷ những khi có sinh hoạt của các tổ chức này. Riêng Triệu Hà thì hơi cứng. Anh giữ nghiêm nguyên tắc tài chính, hơi chặt chẽ trong chi tiêu. Một đôi lần công đoàn, Đảng uỷ gợi ý anh ủng hộ kinh phí để tổ chức ngày hội thể thao hoặc thi tuyên truyền viên giỏi, anh từ chối. Thế là anh được mệnh danh “kẻ chống tổ chức”, bị ghi vào sổ đen. Làm việc với công đoàn, Đảng uỷ, Minh được nghe những nhận định căng thẳng: Anh Hà đã vi phạm pháp lệnh công chức, viên chức, trù dập cấp dưới. Anh Hà yếu kém trong quản lý, để xảy ra những vụ vi phạm pháp luật trong khi nhập hàng. Anh Hà buông lỏng quản lý cán bộ, để cho thuộc cấp ăn chơi sa đoạ! Toàn những tội tày đình. Minh nín lặng ghi nhận rồi về gặp những nhân chứng, xem lại hồ sơ. Quả thật, Hà có vi phạm về thủ tục hành chính khi kỷ luật cán bộ. Lẽ ra phải theo đúng trình tự như: buộc người vi phạm làm kiểm điểm, tổ chức kiểm điểm tại cơ sở, lập hội đồng kỷ luật... thì anh Hà chỉ họp lãnh đạo với người vi phạm rồi ra quyết định kỷ luật. Vi phạm các thủ tục hành chính là bệnh chung của lớp cán bộ vừa thoát thai khỏi chế độ bao cấp. Ngày xưa, mọi việc được tiến hành theo mệnh lệnh hành chính và mọi người tuân thủ một cách vô tư. Còn ngày nay, đất nước đang tăng cường sống và làm việc theo pháp luật, thì lối làm việc ấy đã lạc hậu. Chính vì vậy, rất nhiều kẻ tiêu cực đã thoát tội, còn khá nhiều người tích cực phải bó tay trong đấu tranh, thậm chí phải nhận kỷ luật, vì thói quen làm việc theo kiểu hành chính bao cấp, không tôn trọng các trình tự pháp luật. Triệu Hà chính là con người như vậy. Tuy nhiên, Hà không mắc các tội lỗi như báo và đơn viết. Sự vụ nhập hàng lậu, tội của đời giám đốc tiền nhiệm, đã được xử lý. Phó giám đốc Khang không ôm gái làng chơi. Tấm ảnh này do chính nguyên chủ tịch tập đoàn chụp lúc liên hoan cơ quan, anh chị em đùa bỡn ghép đôi, dúi anh Phó giám đốc chi nhánh vào chị văn thư công ty. Khi lên ảnh, hai người đang cười tít mắt, trông thật tình tứ. Tuy vậy, tay nghề của nguyên chủ tịch yếu, nên hình ảnh hơi mờ mờ, không rõ chân dung cô gái. Khi đăng lên báo thành ảnh đen trắng, càng mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm. Nếu cô văn thư không viết đơn phản đối thì mọi người vẫn tin rằng, đó là một gái làng chơi thứ thiệt.

Xem xét kỹ càng, báo cáo với lãnh đạo tập đoàn kỹ càng rồi, đoàn kiểm tra ra kết luận, xác định những thiếu sót của Triệu Hà, yêu cầu làm lại thủ tục kỷ luật những cán bộ cấp dưới. Đồng thời, những mánh khoé làm ăn man trá của nhóm Lan Hương bị lôi ra ánh sáng. Tập đoàn yêu cầu Triệu Hà xây dựng quy chế giao dịch chặt chẽ hơn, chống lại tình trạng móc mánh lôi hàng về cho tư nhân. Thế rồi, nhóm tiêu cực kéo nhau ra khỏi chi nhánh công ty, lập một công ty trách nhiệm hữu hạn làm ăn riêng. Trong nhóm, tất nhiên cầm đầu là Lan Hương và trợ thủ đắc lực, Thuý Hỏi...

Chuyện ở chi nhánh công ty Sa Ba là như vậy. Cơ quan đã phân định rõ đúng - sai, nhưng những người vi phạm không bị xử lý kỷ luật gì hết; họ đã tự nguyện ra đi. Thế nhưng, đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến những trận đòn ác hiểm đánh vào Minh trong thời gian tới.

*

Hôm ấy, mới sáng sớm, đã có điện thoại gọi Minh. Hoá ra là điện của chánh văn phòng Bộ. Anh này còn trẻ, tính tình điềm đạm, hỏi chị bằng giọng nhẹ nhàng:

- Cơ quan chức năng vừa bắt vụ mại dâm tại khách sạn Bạch Liên, chị có biết không?

Minh giật nảy mình. Lại có chuyện ô nhục ấy ư? Mới về nhận chức kiêm phó chủ tịch liên doanh, chị mới chỉ kịp tiếp xúc với đối tác một lần và một lần xuống ra mắt cán bộ nhân viên khách sạn, chưa kịp xem xét đến hoạt động của nó. Chị thật thà trả lời:

- Tôi cũng chưa biết chuyện này. Tôi sẽ tìm hiểu tình hình và báo cáo với Bộ ngay.

Liền đó, Minh gọi điện thoại cho Đản. Đản thản nhiên trả lời:

- Việc này là do em bố trí đấy mà. Chúng ta chủ động gài bẫy bắt vụ mại dâm đúng lúc con mụ tổng giám đốc từ Đài Loan sang.

Minh giận sôi lên:

- Chú làm ăn thế à? Tại sao không báo cáo cho tôi biết? Tại sao không báo cáo cho lãnh đạo tập đoàn biết? Việc tày đình như vậy mà chú tự ý thế sao? Chú thật là tự tiện, thật là vô kỷ luật, thật là...

- Thưa chị, chính vì là việc quan trọng, nên phải bí mật!

Minh điên tiết, quát vào máy:

- Bí mật với cả lãnh đạo hả? Chú nghĩ chú là ai mà lộng hành như vậy?

Rồi chị quăng máy đánh cụp xuống bàn.

Đản cười khẩy. “Con mẹ này dám quát ta à? Hãy đợi đấy. Ta mới là người có thực quyền ở cái liên doanh này. Trước kia, giám đốc kiêm chức phó chủ tịch liên doanh Lê Xuân Định đâu có dám quát nạt ta. Hàng tháng, lão chỉ nhận một nghìn đô rồi ngậm miệng mặc ta làm gì thì làm”. Nghĩ đến đây Đản thấy nhẹ lòng lại. Chả là, hàng tháng, lẽ ra chị Minh được hưởng một nghìn sáu trăm đô la như người tiền nhiệm, nhưng chị này đại khái quá, nói sao nghe vậy cho nên Đản chỉ đưa cho số tiền lương chính thức một nghìn đô la, còn tiền phụ cấp uỷ viên ban lãnh đạo sáu trăm đô, gã ém nhẹm. “Kệ mẹ mụ, dốt thì thiệt”. Căm Minh, Đản tìm hiểu sâu về gia đình chị, để có cơ hội là giở các ngón đòn đánh trộm sau lưng.

Gia đình Minh tuy êm ấm, nhưng có một nỗi đau. Đấy là chuyện cậu con trai cả bị di chứng viêm màng não. Bây giờ đã trưởng thành, đi làm, có vợ con, nhưng cậu Bạch này vẫn chưa thoát khỏi sự hành hạ của di chứng bệnh tật. Thỉnh thoảng, Bạch lại lăn đùng ra, sùi bọt mép. Nhìn con đau đớn, lòng Minh như có muối xát. Có bệnh thì vái tứ phương, Minh đã lặn lội lên hết miền núi Tây Bắc lại Nghệ An, vào Sài Gòn tìm thuốc cho con. Hễ nghe ai mách ở đâu có thuốc hay là Minh lần mò tới đó. Lòng người mẹ héo quắt lại trên các nẻo đường tìm thuốc tìm thầy cứu con. Chuyện này, Minh cũng tâm sự với Đản. Tuy cười thầm trong bụng: “Cho mày chết, con mụ đáo để!”, nhưng Đản lại tỏ ra ân cần: “Tội nghiệp thằng bé quá. Để em lo giúp chị!”. Ngay lập tức, gã vạch ra trong đầu kế hoạch gài bẫy chị Minh. Gã sẽ cử một đệ tử đưa chị Minh sang Trung Quốc mua thuốc. Trong quá trình này, tên đệ tử sẽ lừa chị vào tròng cả về kinh tế và chính trị. Khi ấy có mà chạy đằng trời. May thay, vì trời thương người có đức hay vì chị Minh có những người bạn tốt, cho nên, thật vô tình, chị thoát khỏi cái bẫy nguy hiểm chết người này, tuy chị có đi Trung Quốc và chị có bị phiền toái khá nhiều về chuyện này.

Phạm Việt Long

Link nội dung: https://phamvietlong.vn/nguoi-cua-thoi-bao-cap-trich-tieu-thuyet-gia-tu-2683.html