Tham nhũng vặt là gì, như thế nào?
Tham nhũng vặt là hành vi của những người có chức vụ, quyền hạn, lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó để nhũng nhiễu, gây khó khăn, nhằm vụ lợi từ tổ chức, doanh nghiệp và người dân với giá trị vật chất không lớn, nhưng xảy ra thường xuyên ở mọi lúc, mọi nơi.
Tham nhũng vặt là một bệnh lý nặng nề của xã hội Việt Nam, ảnh hưởng đến đời sống của hàng triệu người dân và gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã nói về tham nhũng vặt trong một số bài phát biểu của mình, trong đó nhấn mạnh: Tham nhũng vặt có thể xảy ra ở nhiều cấp. Đối với người dân nghèo, tham nhũng vặt là nạn rất lớn.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tham nhũng vặt là do công tác quản lý thiếu minh bạch, chặt chẽ; một số cá nhân, đơn vị chức năng, cán bộ, công chức thiếu ý thức và trách nhiệm trong công việc. Họ không đặt lợi ích của cộng đồng lên trên hết mà chỉ tập trung vào lợi ích cá nhân. Họ lợi dụng tính chất thiếu minh bạch, chặt chẽ của cơ chế quản lý để tham nhũng. Bớt xén, vòi vĩnh đã trở thành thói quen trong không ít cán bộ công quyền, là hành vi phản văn hóa đáng báo động. Để được “lót tay”, họ dùng nhiều thủ đoạn khiến người dân phải “móc túi mình” trao “phong bì” cho họ, như: "ngâm’’ hồ sơ, cố tình “dìm’ công việc vào “sự im lặng đáng sợ”, hạch sách, vặn vẹo về các thủ tục, giấy tờ theo lối “Hành chính – Hành là chính”, tự đặt ra các “lệ” theo kiểu “phép vua thua lệ làng”. Với việc có liên quan đến chi tiêu công, họ tìm cách nâng giá để ăn chênh lệch, thậm chí khai khống sự chi tiêu, đòi hỏi các doanh nghiệp “lại quả” mà có những trường hợp, số tiền “lại quả” ngang bằng, thậm chí cao hơn giá trị thật của công trình, vật dụng mà họ sử dụng ngân sách để xây dựng, mua sắm. Tất cả những điều này thành một thứ quy định ngầm, thành một thói quen xấu lan tràn mang tính khá phổ biến trong toàn xã hội, ở tất cả mọi cấp, mọi cơ quan. Thế nên mới có chuyện một số tổ chức muốn ‘tặng không” cho địa phương một số công trình, trong đó có công trình giao thông, tuy có lợi cho cộng đồng, nhưng cán bộ không được phần trăm nào, nên họ từ chối! Và cũng vì thế, nhiều công trình, vật phẩm xây dựng, mua sắm bằng ngân sách bị đội giá!
Tham nhũng vặt cũng có thể xảy ra trong các cuộc giao dịch thương mại, khi các bên thỏa thuận giá cả không công bằng, và một bên phải trả thêm tiền cho bên kia để hoàn thành giao dịch.
Các hoạt động bất hợp pháp khác, như cờ bạc, ma túy, buôn lậu, buôn bán hàng giả... cũng thường đi kèm với tham nhũng vặt.
Người dân cũng góp phần làm cho tham nhũng vặt phát triển, trong khá nhiều trường hợp, do sự thiếu nhận thức về đạo đức và trách nhiệm của mình. Hình như mỗi khi cần đến bàn tay công quyền, người dân đều nghĩ đến cái “phong bì”, nghĩ đến chuyện “lót tay”, thậm chí là chuyện “đi đêm”, tạo cho quan chức một số quyền lợi khi họ xử lý công việc, miễn là thuận lợi cho mình. Thế là, hình thành cái gọi là “văn hóa phong bì”, một “phong tục”, “quy trình” được người dân chấp nhận và thực thi mặc dù đó là hành vi phản văn hóa, vi phạm pháp luật! Lớn hơn nhưng cũng thuộc dạng tham nhũng vặt là các doanh nghiệp nhỏ muốn bán được hàng hoặc thắng thầu, liền tìm cách tiếp cận người có trách nhiệm để bàn bạc ăn chia, móc ngoặc… Loại tham nhũng này diễn ra ở cấp thấp, mang tính cục bộ nhưng tỏa rộng trong khắp các địa phương, ngành nghề.
Hành vi tham nhũng vặt, như đã nói ở trên, được cả người có chức trách và người dân “đồng tình” thực hành, cho nên ngày một lan rộng.
Mỗi quan hệ giữa tham nhũng vặt với tham nhúng "lớn" và biện pháp chống tham nhũng
Tham nhũng vặt và tham nhũng "lớn" có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Cả hai đều có chung một nguyên nhân cơ bản, đó là sự thiếu minh bạch, chặt chẽ và tinh thần trách nhiệm trong công tác quản lý.
Do đó, để chống tham nhũng vặt và tham nhũng "lớn", cần thiết phải có một chính quyền minh bạch, trung thực và trách nhiệm, đồng thời phải tạo ra một môi trường xã hội lành mạnh, nơi mà công bằng và minh bạch được đảm bảo, và các hành vi tham nhũng sẽ không được tha thứ hay chấp nhận.
Để ngăn chặn tham nhũng vặt, cần áp dụng một số biện pháp cụ thể như sau:
Thu hồi tài sản tham nhũng không qua thủ tục kết tội: Một biện pháp quan trọng là đảm bảo tài sản tham nhũng được thu hồi một cách công bằng và minh bạch, mà không cần chờ đợi quyết định kết tội. Điều này đòi hỏi việc xây dựng quy trình rõ ràng và hiệu quả để thu hồi các tài sản liên quan đến hành vi tham nhũng.
Tăng cường giáo dục và nhận thức của người dân: Qua các chương trình giáo dục và thông tin công khai, cần nâng cao nhận thức của người dân về hậu quả của tham nhũng và vai trò của họ trong việc ngăn chặn tham nhũng. Đồng thời, cần đảm bảo rằng mọi người hiểu rõ quyền và trách nhiệm của mình để không tham gia hoặc chấp nhận hành vi tham nhũng, hình thành văn hóa chống tham nhũng.
Tăng cường giám sát và kiểm tra hành vi tham nhũng vặt: Cần thiết lập các cơ chế giám sát chặt chẽ và kiểm tra định kỳ các hoạt động và quy trình liên quan đến quản lý tài sản công, giao dịch tài chính, giải quyết các thủ tục hành chính và các quyết định quan trọng khác. Điều này giúp phát hiện sớm, ngăn chặn và xử lý các hành vi tham nhũng vặt.
Việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là biện pháp mới được thực hiện, đã cho thấy hiệu quả tích cực. Các cơ quan chức năng địa phương được giao trách nhiệm chính thức chống tham nhũng vặt, bởi vì các hành vi tham nhũng vặt thường xảy ra tại cấp địa phương. Các cơ quan này có trách nhiệm theo dõi và giám sát hoạt động của các quan chức cấp thấp, tiếp nhận và giải quyết khiếu nại của người dân về tham nhũng vặt.
Sáng 19.6.2023, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tổ chức hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh (ban chỉ đạo). Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì hội nghị. Báo cáo sơ kết 1 năm hoạt động của ban chỉ đạo cấp tỉnh cho biết đã có nhiều văn bản tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng ở địa phương. Các ban chỉ đạo đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo để sửa sai và xử lý nghiêm các vi phạm. Cụ thể, đã thanh tra việc thực hiện gói thầu và dự án liên quan đến Tập đoàn FLC và Công ty AIC, chính sách hỗ trợ đối với những người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và chấp hành pháp luật về trái phiếu doanh nghiệp. Công tác thanh kiểm tra đã chuyển 286 vụ việc có dấu hiệu tội phạm cho cơ quan điều tra, gấp gần 3 lần so với trước khi thành lập các ban chỉ đạo cấp tỉnh. Đồng thời, đã xử lý các khó khăn và vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án và vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Cụ thể, đã đưa 44 vụ án và 156 vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp vào diện theo dõi và chỉ đạo. Đã khởi tố 530 vụ án và 1.132 bị can liên quan đến tham nhũng. Xử lý kỷ luật 15 tổ chức Đảng và gần 80 cán bộ, công chức trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Công tác xử lý được thực hiện nghiêm túc và không có trường hợp ngoại lệ. |
Các biện pháp nói trên chỉ là một số ví dụ cụ thể để ngăn chặn tham nhũng vặt, vì đây là một quá trình phức tạp, đòi hỏi sự đồng lòng và nỗ lực từ tất cả các cấp, từ chính phủ, các cơ quan chức năng đến người dân. Chỉ thông qua việc thực hiện những biện pháp này một cách mạnh mẽ và kiên quyết, chúng ta mới có thể đạt được một xã hội công bằng, minh bạch và không tham nhũng.
Chính Trực
Link nội dung: https://phamvietlong.vn/tham-nhung-vat-thach-thuc-lon-2682.html