GẶP HIỀN NHÂN VĂN HÓA NGUYỄN HỮU OANH

Lần đầu tiên tôi gặp Nguyễn Hữu Oanh là khi ông đến Văn phòng Bộ Văn hóa – Thông tin nhờ đăng ký gặp Bộ trưởng để báo cáo về việc xây dựng di tích lịch sử - văn hóa ở Hải Dương. Ông là Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân, phụ trách Văn xã của tỉnh này. Cảm nhận đầu tiên của tôi về ông, đó là một người hiền hậu, chân thật.

nguyen-huu-oanh-1719158586.jpg
 

Câu chuyện của ông trao đổi với nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, lúc đó là Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin, khiến tôi vừa ngạc nhiên, vừa khâm phục. Ông chăm chắm xin gặp Bộ trưởng, chỉ để tập trung thuyết phục Bộ trưởng một vấn đề. Nào ngờ, lại gặp người tâm đắc. Đó là chuyện về cụ Nguyễn Trãi không có nơi thờ tự, phải “ngồi ghé” nơi nhà Tổ chùa Côn Sơn, mà chỉ được ghé một bức tranh chân dung, chứ không có tượng. Nghe ông Oanh trình bày, Nhà thơ Bộ trưởng xúc động nói trong sự ngạc nhiên đến sững sờ: “Chết thật. Tôi cứ tưởng Cụ Nguyễn Trãi có đền thờ rồi. Thế giới người ta phong Cụ là danh nhân văn hóa từ năm 1980, mà giờ anh em mình mới bàn làm đền thờ cho Cụ là muộn, anh ạ. Nhưng tôi với các anh quyết tâm phải làm thôi. Cuộc đời Cụ đã quá đau khổ rồi!”. Được lời như cởi tấm lòng. Nguyễn Hữu Oanh nở nụ cười rạng rỡ, trông mới hồn hậu làm sao! Cuộc bàn nhanh chóng chuyển thành hành động. Nhà thơ Bộ trưởng về Hải Dương cũng ông Nguyễn Hữu Oanh đi khảo sát thực địa, chọn địa điểm dựng đền thờ Cụ Nguyễn Trãi. Sau đó, nhiều lần ông Oanh lặn lội lên đồi cao rừng rậm, cùng đội ngũ cán bộ kỹ thuật thám sát địa chất, rồi lại lần mò ra phố ra phường tìm người tài nhờ thiết kế kiến trúc và xây dựng. Tiếp đó là đi lo kinh phí. May sao, có lẽ nhờ hồn thiêng của cụ Nguyễn Trãi, ông Oanh đi tới cửa nào, cửa ấy mở toang tới đó. Không những vậy, ông Nguyễn Xuân Thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư lúc ấy, còn hứa sẽ lo đủ vồn để làm nơi thờ tự cụ Nguyễn Trãi thật khang trang, uy nghi, xứng với tầm vóc của Cụ. Xong đền, đến chuyện tạc tượng cụ Nguyễn Trãi, cũng là chuyện của tâm huyết, lòng kính trọng tiền nhân, tinh thần trách nhiệm với lịch sử. Như sự run rủi, sau bao trăn trở về việc làm sao tạc được bức tượng của Nguyễn Trãi, người của lịch sử 600 năm trước, thì hôm chuẩn bị duyệt mẫu tượng, ông Oanh có tờ báo Phụ nữ Thủ đô và lại giở đúng trang có tấm hình của Cụ kèm theo bài viết “Đi tìm bức chân dung Nguyễn Trãi”, nói rõ tên và địa chỉ của họa sĩ, lý do có bức họa chân dung này. Mừng như lạc vào cõi tiên, Nguyễn Hữu Oanh cho sao thành 24 bản, trao cho các vị lãnh đạo và những thành viên Hội đồng duyệt mẫu tượng. Giáo sư Trần Quốc Vượng vừa xem xong bài báo đã reo lên: “Nguyễn Trãi hiện về đây rồi. Cứ thế này mà làm tượng Ngài thôi, không phải bàn cãi gì nữa!” Dựa vào bức chân dung cụ Nguyễn Trãi, nhà điêu khắc Trần Phụng đã miệt mài tạc nên bức tượng toát lên thần thái của Cụ.

Theo lời ông Oanh kể, hôm làm lễ khánh thành Ức Trai Linh từ tại Côn Sơn, Chí Linh, Hải Dương, khi ông đọc xong văn tế, thì bát hương bùng cháy, cả núi rừng Côn Sơn bừng sáng, xa xa có tiếng sấm rền, sân đền lác đác vài hạt mưa rơi, rừng thông reo vi vu, trời thu trong xanh, gió thu nhè nhẹ, lòng người xốn xang, ai cũng cảm thấy Cụ Nguyễn Trãi đã nhẹ nhàng như một làn gió thoảng tới ngự trong đền …

Sau lần gặp ông Oanh ở Bộ Văn hóa – Thông tin, mãi cả chục năm sau, khi cả hai đã nghỉ hưu, tôi mới lại được gặp ông. Vẫn nụ cười hồn hậu, chân tình, ông đưa tôi về Hải Dương thăm các công trình văn hóa mà ông là người góp công quan trọng tạo dựng nên. Có tới 15 công trình văn hóa lớn như vậy. Từ công trình đầu tiên mà tôi kể ở trên, các công trình cứ nối tiếp nhau mọc lên, không những là nơi thờ tự, tưởng nhớ các bậc danh nhân văn hóa, anh hùng giữ nước, mà còn trở thành những điểm du lịch hấp dẫn khách trong nước và quốc tế, tạo công ăn việc làm, tạo thu nhập cho nhân dân và chính quyền địa phương. Tôi nghiệm ra, ông Oanh làm gì cũng xuất phát từ cái tâm giàu lòng biết ơn tổ tiên, cái trí sáng suốt, cái lực mạnh mẽ, biết dựa vào tập thể lãnh đạo, vào những trí thức giỏi giang và tâm huyết, vào những người dân chân chất và cần cù, cho nên ông luôn luôn thành công.

Nguyễn Hữu Oanh đã góp phần làm cho xứ Đông không còn "bị lãng quên" mà trở thành điểm đến hấp dẫn với những giá trị văn hóa và lịch sử đặc sắc.

Văn hiến Xứ Đông - Giới thiệu sách. Nguyễn Hữu Oanh - YouTube

Thế nhưng, “ai chiến thắng mà không hề chiến bại”? Bên cạnh những thành công rực rỡ, đôi khi ông cũng phải ấm ức, ngậm ngùi. Ấy là khi kinh tế thị trưởng đã tràn về xứ Đông vốn chân quê! Những khu công nghiệp mọc lên, một mặt tạo nên sự phát triển kinh tế, mặt khác lại làm cho người nông dân mất đất, mất nguồn sống và có khi, di tích lịch sử văn hóa bị đe dọa xâm hại. Một ví dụ điển hình là sự việc "Hối lộ thần linh" liên quan đến khu đất bên cạnh di tích Văn miếu Mao Điền. Khi ông biết có một nhóm người muốn "thôn tính" khu đất này, mở đầu bằng cách tổ chức một buổi biểu diễn nghệ thuật Nhật Bản ngay tại Văn miếu Mao Điền, ông đã phản đối nhưng không được cấp trên chấp thuận; ông bèn cáo ốm, không tham dự sự kiện đó (đúng kiểu sĩ phu Bắc Hà ngày xưa, đấu không được thì cáo ốm!). Nhóm người này đã thực hiện các thủ tục cúng bái nhằm "hối lộ thần linh" để đạt được mục đích của họ. Ông theo dõi từng đường đi nước bước của họ. Và ông nghĩ: Họ cúng bái mong hối lộ thần linh, thì mình cũng thành tâm bẩm báo thần linh ngăn cản họ. Rồi, không rõ vì sao, dự án khu công nghiệp ấy không được thực hiện theo mục đích ban đầu, mà bị đẩy ra xa, cách khu di tích Văn Miếu Mao Điền một ki lô mét! Tuy vẫn ngậm ngùi, nhưng Nguyễn Hữu Oanh cũng thầm cảm ơn thần linh thấu nghe lời thỉnh cầu của ông, không bị nhóm người nhiều tiền, lắm thế lực kia “hối lộ”, khiến họ không xâm chiếm được mảnh đất mà ông mất bao công sức, trí tuệ để phục dựng thành một trung tâm văn hóa của Xứ Đông.

Nguyễn Hữu Oanh có thể có chức vụ khá to trong hệ thống công quyền, nhưng tôi muốn dành tặng cho ông hai chữ “Hiền nhân” bởi ở ông toát lên dáng vẻ một con người nhân hậu… Năm 2006, khi được điều về Trung ương, ông đã cùng nhà sử học Dương Trung Quốc tư vấn cho Chính Phủ vận động các doanh nhân doanh nghiệp, điển hình là doanh nghiệp Xuân Trường, xây và tôn tạo 9 ngôi chùa trên 9 đảo lớn ở Trường Sa như một dấu mốc bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc. Khi về hưu rồi ông vẫn còn chăm lo cho gia đình Liệt sĩ nghèo. Hội do ông khởi xướng trong 10 năm đã hỗ trợ, xây dựng hơn 800 nhà tình nghĩa cho gia đình Liệt sĩ nghèo. Đúng ông là Hiền nhân văn hóa hiếm có ở nước ta.

 

Hà Nội, mùa hè nóng nhất – 2023 – PVL

 

Phạm Việt Long

Link nội dung: https://phamvietlong.vn/gap-hien-nhan-van-hoa-nguyen-huu-oanh-2681.html