"HƠI ẤM RỪNG CHÒ" - BẢN HÙNG CA THẦM LẶNG CỦA CHIẾN TRANH QUA NGÒI BÚT PHẠM VIỆT LONG

Phạm Việt Long đã từng viết nhiều về chiến tranh, được bạn đọc đón nhận và yêu thích, như tiểu thuyết “Bê trọc” hay các truyện ngắn khác. Đọc “Hơi ấm rừng Chò” ta thấy nhà văn tiếp tục thành công với những hồi ức chân thực của người từng trải qua chiến tranh suốt những tháng năm tuổi trẻ. Tác phẩm càng có giá trị khi tác giả không mô tả bằng giọng văn hào sảng như ta thường thấy. Chiến tranh trong  “Hơi ấm rừng Chò” vì thế mà có tiếng nói riêng, mùi vị riêng, nỗi buồn riêng của nó.

mai-nhung-1719105992.jpg
 

Được đặt ở cuối và chiếm gần một nửa độ dày của “Phong Lan Về Trời”, truyện vừa “Hơi Ấm Rừng Chò” chính là “hồn cốt” của cả tập truyện. Vẫn là đề tài quen thuộc mà tác giả là người trong cuộc, Phạm Việt Long khai thác một góc khác của cuộc chiến tranh chống Mỹ, nơi không có những trận đánh lớn, những mặt trận hay chiến dịch được mở ra bởi đội quân hùng hậu của hai bên chiến tuyến. Không có những mệnh lệnh “tiến lên đánh chiếm” hay “lui binh”, không có anh hùng hay chiến công nào cả.

Những nhân vật trong truyện, theo sự phân công của tổ chức, chỉ âm thầm làm phần việc của mình ở hậu cứ: phát rẫy, trồng khoai, tỉa lúa, bắp và vô số công việc hậu cần, phục vụ cho đồng đội ở tuyến trước.

Họ ở tuyến sau, làm việc tại một đội sản xuất,  nhưng dường như chẳng có ngày nào được bình yên: Họ đói muối, sốt rét. Họ bị những trận B52 “rải thảm” và máy bay rải chất độc hoá học ngay trên đầu. Họ ốm đau trong hoàn cảnh thiếu thuốc, ở xa bệnh viện, có lúc đành để đồng đội kiệt sức dần rồi chết trên tay mình. Những chuyến xuống đồng bằng để mua thực phẩm, họ chứng kiến những cái chết khác, đột ngột, tang thương hơn: Một cậu giao liên cùng vượt đường vừa về đến trạm, hôm sau đã bị trúng đạn chết trong tức tưởi. Những cô gái trẻ măng, hồn nhiên tắm bên suối, những tân binh từ miền Bắc mới vào chưa mấy kinh nghiệm, lơ ngơ trong lúc hành quân... đều có thể bị máy bay HU1A của đối phương hạ sát.

Đọc “Hơi ấm rừng Chò” ta thấy lòng cuộn lên nỗi lo âu cùng các nhân vật. Đảm nhận “một núi” công việc luôn kề cận với các kiểu chết khác nhau, nhưng họ không thể chủ động chống trả quân địch. Họ không có vũ khí để tự vệ và không được phép để lộ mình, trong khi máy bay đủ loại của địch luôn rình rập, quần đảo, bằm nát cây cối, đất đai. Họ chỉ có lòng can đảm và sự nhẫn nại chịu đựng mọi thử thách khắc nghiệt nhất giữa sự sống và cái chết, khéo léo lẩn tránh mọi tai ương để hoàn thành công việc.

Cái khủng khiếp, tàn khốc của chiến tranh chỉ dịu đi khi tình yêu lãng mạn, tươi đẹp của các cặp đôi Hoài với Hải, Giáo với Nhơn... được nhen nhóm, nuôi dưỡng, nẩy nở. Nhưng hạnh phúc của Hải và Hoài thật ngắn ngủi. Vào một lần đi gùi hàng trong nhóm của Hoài, lúc bị “sự cố khó nói” của phụ nữ, Hải phải nán lại sau để thay đồ. Cô đi chậm một đoạn, liền bị “tàu rọ” của địch phát hiện và vây chặt, cấp tập nổ súng vào cô. Hải gục chết ngay trước tầm mắt của người yêu cô là Hoài và các đồng đội. Hình ảnh Hoài cõng người yêu trên lưng vượt qua bao nhiêu đèo dốc để đưa Hải về mai táng ở rừng Chò, nơi từng chứng kiến, che chở tình yêu của họ bao lâu nay, là cảnh tượng đau đớn, ám ảnh người đọc nhất. Vài ngày sau khi mai táng Hải xong, đến thăm mộ Hải, Hoài xót xa nghĩ và thầm nói với người yêu rằng, “từ nay rừng Chò sẽ luôn che chở cho em, Rừng Chò sẽ luôn toả hơi ấm bao bọc em, em ạ...” Có lẽ đó là lý do để giải thích vì sao, sức mạnh nào đã khiến Hoài có thể làm những việc tưởng như không ai có thể làm nổi ấy.

Sau bao nhiêu mất mát, câu chuyện có hậu khi nhắc đến Nhơn và Giáo. Nói về hạnh phúc của cặp đôi này, ngòi bút tinh tế của tác giả không ngần ngại mô tả những ham muốn rất người của họ. Tình yêu của Nhơn dành cho Giáo, như tiếng gào từ bên trong, thôi thúc cô kéo Giáo vào những cuộc giao hoan vốn bị cấm kỵ, nên phải che giấu trong nhiều tháng. Rất may là tình cảm mạnh bạo của Nhơn được bù đắp khi Giáo nhận ra sự nôn nóng gần gũi thân xác với Nhơn không chỉ là bản năng của nhục dục mà là tình yêu của anh đối với cô. Khi cả hai cùng thú nhận với tổ chức để xin làm đám cưới là lúc cái thai trong bụng Nhơn bắt đầu lớn dần, như một minh chứng cho sự thật: Tình yêu và sự sống luôn mạnh hơn chiến tranh, và có thể mạnh hơn cái chết.

Tác giả Phạm Việt Long đã từng viết nhiều về chiến tranh, được bạn đọc đón nhận và yêu thích, như tiểu thuyết “Bê trọc” hay các truyện ngắn khác. Đọc “Hơi ấm rừng Chò” ta thấy nhà văn tiếp tục thành công với những hồi ức chân thực của người từng trải qua chiến tranh suốt những tháng năm tuổi trẻ. Tác phẩm càng có giá trị khi tác giả không mô tả bằng giọng văn hào sảng như ta thường thấy. Chiến tranh trong  “Hơi ấm rừng Chò” vì thế mà có tiếng nói riêng, mùi vị riêng, nỗi buồn riêng của nó.

Mai Nhung

Link nội dung: https://phamvietlong.vn/hoi-am-rung-cho-ban-hung-ca-tham-lang-cua-chien-tranh-qua-ngoi-but-pham-viet-long-2674.html