“CHUYỆN PHỐ THỜI BAO CẤP”, SỰ HẤP DẪN NGHỆ THUẬT KHIẾN CHO TÍNH GIÁO DỤC NHẸ NHÀNG THẤM VÀO LÒNG KHÁN GIẢ

Bất cứ vở diễn hay bộ phim nào, xuất phát điểm đều là kịch bản văn học. Thế nhưng, khi đã ra mắt công chúng, tác giả kịch bản thường “ở ẩn”, ít người quan tâm đến. Riêng tôi, bao giờ cũng quan tâm đến kịch bản, bởi “có bột mới gột nên hồ”.

Khán giả xúc động, reo hò cổ vũ với "Chuyện phố thời bao cấp"

Ở “Chuyện phố thời bao cấp”, tôi nhận ra những khả năng của một nhạc sĩ, một nhà báo đã tạo ma lực trên bàn phím máy tính, giúp Trần Lệ Chiến viết ra một kịch bản văn học rất đời thường, chân thực, dung dị nhưng lại có sức hấp dẫn, với bề mặt sôi nổi và chiều sâu triết lý.

“Chuyện phố thời bao cấp” là câu chuyện xảy ra trong một gia đình “tứ đại đồng đường”, sinh sống trong một con phố cổ ở Hà Nội. Gia đình nhiều thế hệ, nên cuộc sống cũng chẳng mấy dễ dàng... Mỗi người một suy nghĩ, một công việc và quan niệm sống cũng có những đối ngịch. Nhìn ra xung quanh, hàng xóm cũng là những gia đình có điều kiện hoàn cảnh sống khác nhau, văn hóa khác nhau nên ít nhiều trong cuộc sống cũng có những mâu thuẫn không thể tránh khỏi. Thông qua âm nhạc, “Chuyện phố thời bao cấp” tái hiện Hà Nội những năm 1980 - cái thời bao cấp  khó khăn, thiếu thốn, nhưng người Hà Nội sống với nhau mộc mạc, chân thành. Thông qua đường dây kịch bản văn học đan cài với gần hai chục ca khúc, trong đó có cả những ca khúc nổi danh quốc tế, một thời đã làm quay cuồng biết bao trái tim yêu nhạc dân ta thời bao cấp, đều phục vụ cho mục đích “kể chuyện” về Hà Nội thời bao cấp. Đó không chỉ là những ca khúc rất hay mà chúng còn được dẫn dắt bởi những tình huống kịch, theo như quan sát của tôi, có thể chia những ca khúc trong chương trình thành 3 nhóm chủ đề:

Chủ đề về Hà Nội: đây là những bài hát ca ngợi vẻ đẹp, lịch sử, văn hóa, và con người của Hà Nội, thủ đô nghìn năm văn hiến của Việt Nam. Những bài hát này mang nhiều cảm xúc nhớ nhung, tự hào, và yêu thương đối với quê hương. Những bài hát thuộc cụm chủ đề này là: Kỷ niệm thành phố tuổi thơ, Hoa sữa, Nhớ mùa thu Hà Nội, Nhớ về Hà Nội.

Chủ đề về tình yêu: đây là những bài hát thuộc nhóm “ca khúc chính trị”, những bài hát này phản ánh về cuộc sống, về tình yêu tuổi trẻ những năm đầu đổi mới 1986 - đó là những cảm xúc ngọt ngào, vui tươi, nhưng cũng có lúc chợt buồn, gồm có: Bảy ngày đợi mong, Chuyện hẹn hò, Như khúc tình ca, Ơi! cuộc sống mến thương, Câu chuyện nhỏ của tôi, Em như tia nắng mặt trời.

Chủ đề về cuộc sống: là những giai điệu phản ánh cuộc sống và con người lúc bấy giờ, đan cài giữa bộn bề khó khăn, vất vả, nhưng cũng nhiều niềm vui và luôn ngời lên hy vọng, và những ước vọng về ột cuộc sống tốt đẹp hơn. Những bài hát này mang nhiều ý nghĩa nhân văn, hướng thiện như: Thành phố buồn, Mặt trời bé con, Tạm biệt chim én, River Babylon...

Cách tạo ra những cụm chủ đề như thế khiến cho kịch bản văn học trở nên độc đáo và hấp dẫn. Nhạc sĩ Tuấn Nghĩa - Trần Cương và êkip đã thảo luận rất kỹ khi đưa ra quyết định lựa chọn các tác phẩm trải dài qua những xung đột và cởi những nút thắt trong từng tình huống kịch, dẫn dắt công chúng đi qua nhiều cung bậc cảm xúc thật dễ thương về một thời quá vãng của Hà Nội. Chúng không chỉ làm nổi bật những đặc trưng của thời bao cấp, mà còn thể hiện được những giá trị văn hóa, tinh thần và lịch sử của Hà Nội và dân tộc Việt Nam. Qua những tình tiết trong câu chuyện, ê kíp đã đưa khán giả trở về miền ký ức xa xưa như đang hiện hữu với chuyện xếp hàng đong gạo, chuyện ở máy nước công cộng hay quán trà đầu ngõ, chuyện giặt giũ, vo gạo rửa rau, buôn chuyện, nghe đài, nghe nhạc qua đài truyền thanh, nhảy tàu (bổ tàu), mất sổ gao; xếp hàng mua lương thực, thực phẩm, và cả chuyện tình yêu của những người trẻ... Những hỷ nộ ái ố trong cuộc sống được truyền tải qua những cung bậc cảm xúc của âm nhạc. Âm nhạc chính là liệu pháp tinh thần quan trọng không chỉ của người Hà Nội mà âm nhạc đã đồng hành với dân tộc, tiếp thêm sức mạnh cho mỗi người vững bước đường tương lại... Sau vài thập kỷ, giờ đây, chúng ta có thể trở về, chiêm nghiệm lại từ những trải nghiệm đã qua và cũng là dịp để giới trẻ hiểu và có thêm góc nhìn về Hà Nội những năm 1980 như thế. Các ca khúc xen với các cảnh diễn đã tạo nên những màn hoạt cảnh sinh động và cuốn hút, qua đó nổi lên các mâu thuẫn, xung đột rồi được hóa giải.

Có thể nói, Musical show “Chuyện phố thời bao cấp” là một cách sáng tạo độc đáo để kết hợp giữa âm nhạc và văn học, truyền tải thông điệp từ quá khứ tới hiện tại. Âm nhạc không chỉ là một phương tiện để truyền đạt cảm xúc, mà còn là một ngôn ngữ để diễn giải văn học, để tái hiện những hình ảnh, ý thơ, nhân vật, sự kiện trong mạch truyện văn học. Văn học cũng không chỉ là một nguồn cảm hứng cho âm nhạc, mà còn là một bối cảnh để âm nhạc được đan cài, dẫn giải, để gợi nhớ lại những ký ức, những giá trị văn hóa, tinh thần của một thời.

Để tạo nên một sân khấu sống động, chân thực về thời kỳ bao cấp, không thể không nhắc đến sự đóng góp của cả tập thể đạo diễn, diễn viên, nhạc công và ca sĩ. Trong đó có: NSƯT Đức Long; NSƯT Ánh Tuyết, ca sĩ Tôn Sơn, Tuấn Nghĩa, Quốc Chí, Nam Anh, Quang Thiện, Quang Trọng, Thanh Nhàn, Hà Uyên Linh, Mai Hằng, Hồng Giang… cùng biên đạo múa Vũ Khánh... bên cạnh những nghệ sĩ gạo cội như: NSƯT Chí Trung, Đức Khuê, Anh Thơ... Tất cả đã chứng minh được tài năng và sự nhiệt huyết của mình, góp phần làm nên thành công của show diễn. Đặc biệt, hầu hết các diễn viên đều có chuyên môn là kịch nói, nhưng lại có thể hát và nhảy múa, còn các diễn viên ca lại thể hiện được khả năng diễn xuất rất tài tình của mình. Điều này cho thấy sự nỗ lực, sự đa năng và đam mê của họ đã vượt lên tất cả, để mang đến cho khán giả những màn trình diễn ấn tượng, phong phú, hấp dẫn, làm say mê lòng người.

Cuối cùng, là đạo diễn. Tôi nhắc đến đạo diễn ở cuối bài, vì đó là điều quan trọng nhất, cần được ghi dấu ấn trong tâm trí người đọc. Đạo diễn là người có ý tưởng và đưa ra những quyết định sáng suốt đã chốt được tất cả những sáng tạo trong các bộ phận, từ kịch bản, âm nhạc, biên đạo múa, thiết kế sân khấu, đến sự phối hợp của các diễn viên, ca sĩ, nhạc công... Bằng nhiều thủ pháp khác nhau, đạo diễn Musical show “Chuyện phố thời bao cấp” là Nghệ sỹ Ưu tú Lê Ánh Tuyết, người có nhiều kinh nghiệm và uy tín trong lĩnh vực sân khấu,  đã làm sống dậy những ký ức, khơi gợi tình cảm, những giá trị văn hóa... kể chuyện cũ theo cách mới, trẻ trung, hấp dẫn.

chuyen-pho-1719007274.jpg
 

Với tất cả những điều đã viết trên đây, vẫn chưa đủ nói lên sự thành công của vở diễn. Tôi dành đoạn viết cuối cùng để thể hiện điều đó. Ấy là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa kịch tác gia và đạo diễn để tạo nên kịch tính cho câu chuyện. Với tôi, đây thực sự là một vở kịch bằng âm nhạc. Lý do, tôi đã nêu ở trên, với các mâu thuẫn, xung đột trong quá trình của vở diễn. Nhưng, đây mới là điều then chốt: kịch phải có thắt nút và cởi nút. Người viết và người đạo diễn non tay, nhiều khi thắt nhẹ quá, mở cũng nhẹ quá, thiếu hấp dẫn. Có khi lại thắt quá chặt mà mở nửa vời, tạo nên sự hẫng hụt. Cũng có khi thắt nút mà quên mở nút, câu chuyện chả đi đến đâu. Cũng có khi, thắt nút xong, chưa diễn đến hết, người xem đã tự cởi nút được rồi! Trong “Chuyện phố thời bao cấp”, các điều đó đều không xảy ra. Nếu người xem để ý, thì cái nút được thắt ngay ở đầu vở diễn, khi đám cưới diễn ra và phải hủy hôn, chỉ vì không thống nhất với nhau được việc mở bản nhạc nào. Nghe có vẻ lãng xẹt - chỉ mở nhạc mà cũng mâu thuẫn, đi đến hủy hôn! Không đâu ạ, sự mở nhạc này là nhạc của phương Tây, trong đám cưới thời bao cấp - đóng cửa, thì là chuyện tầy đình rồi, là sự mâu thuẫn giữa cái cũ và cái mới, cái đóng cửa và cái hội nhập. Bởi thế mới dẫn đến nỗi chia loan, rẽ thùy, khiến cho đôi uyên ương Yến Mi - Quang Trọng đau khổ ngậm ngùi. Lúc này, kịch tác gia và đạo diễn giấu nút đi, với màn diễn chú rể đi bộ đội. Đây là thủ pháp nghệ thuật làm dịu lại mâu thuẫn, xung đột, nhưng lại tạo những bước chuyển động ngầm, khiến khán giả phải suy nghĩ… Rồi, thật bất ngờ, chú rể - anh bộ đội trở về trong vòng tay yêu thương cùng người con gái trọn vẹn tình yêu. Và thế là, mâu thuẫn hai gia đình được hóa giải, đám cưới diễn ra không thể nào sôi nổi hơn. Lúc ấy, thì nhạc Tây nhạc ta hòa lẫn, nhảy múa đủ các kiểu! Cái nút được cởi tài tình! Vở kịch kết thúc theo mô típ truyền thống với cái kết có hậu kiểu truyện cổ tích: trai anh hùng gặp gái thuyền quyên, người tốt phải được hưởng hạnh phúc. Còn nữa, kết thúc theo kiểu tái hiện có phát triển (lúc đầu là đám cưới, kết thúc lại là dám cưới). Điều này cực kỳ thú vị!

Nhưng, lớn hơn cả, đây không phải chỉ là đám cưới của một đôi trẻ yêu nhau, mà là đám cưới của sự hòa hợp giữa truyền thống dân tộc và đổi mới, mở cửa! Vở kịch khẳng định: nhất dịnh rồi chúng ta sẽ phải đổi mới và sẽ đổi mới thành công! Sự giáo dục diễn ra suốt quá trình vở diễn, thấm vào lòng người lúc nào không hay!

Khán giả xúc động, reo hò cổ vũ với "Chuyện phố thời bao cấp"

Musical show là một thuật ngữ tiếng Anh chỉ buổi biểu diễn âm nhạc kết hợp với các yếu tố như diễn xuất, nhảy múa, trang phục, ánh sáng, và thiết bị kỹ thuật. Nó có thể bao gồm vở nhạc kịch, chương trình ca nhạc truyền hình hoặc sự kiện âm nhạc đặc biệt. Ví dụ về musical show bao gồm "The Black Crook," vở nhạc kịch đầu tiên trên thế giới vào năm 1866, "The Voice," chương trình tìm kiếm tài năng ca hát truyền hình, và "Live Aid," sự kiện âm nhạc quy mô lớn gây quỹ cho nạn đói.

Ở Việt Nam, có nhiều ví dụ về musical show, nhưng vẫn chưa có một định nghĩa và format đặc trưng, vẫn còn tiềm năng để phát triển và thu hút nhiều khán giả hơn. “Chuyện phố thời bao cấp” là Musical show thứ 2 sau “Giấc mơ của Bờm” kịch bản Thiên Ân, Âm nhạc Trần Lệ Chiến, Đạo diễn Lê Ánh Tuyết..

 

Phạm Việt Long

Link nội dung: https://phamvietlong.vn/chuyen-pho-thoi-bao-cap-su-hap-dan-nghe-thuat-khien-cho-tinh-giao-duc-nhe-nhang-tham-vao-long-khan-gia-2661.html