ĐỌC NGỜ VỰC ĐỂ LẤY LẠI NIỀM TIN

Truyện ngắn Phạm Việt Long có kết cấu chặt chẽ, mạch lạc. Cốt truyện cũng thường gọn gàng, đơn giản. Đằng sau mỗi câu chuyện giản dị là bức tranh đời sống tưởng yên ả nhưng luôn tiềm ẩn những bùng nổ và xung đột gắt gao.

ly-hoai-thu-1718928041.jpg

PGS.TS Lý Hoài Thu

 

Phạm Việt Long có cách đặt tên sách là lạ. Sau Bê trọc, Âm bảnNgờ vực[*]. Tập truyện này được tác giả “khai bút” và hoàn thành trong một khoảng thời gian dài, từ 1968 đến 2006. Nội dung đề tài được phản ánh trong tác phẩm của Phạm Việt Long là rất rộng: từ không gian rừng núi đến đồng bằng, nông thôn đến thành thị; từ cuộc sống thời chiến chuyển sang thời bình, từ bao cấp sang thời “mở cửa”... Với 11 truyện ngắn và 10 tản văn, dấu ấn sâu đậm nhất mà Ngờ vực của Phạm Việt Long lưu lại trong suy nghĩ và tình cảm của người đọc là cái tâm trong sáng, nhiệt thành nhưng cũng đầy ưu tư trăn trở trước những đổ vỡ niềm tin của con người trong vòng biến thiên của thời cuộc; là những tìm tòi, những nỗ lực sáng tạo trong việc lựa chọn hướng tiếp cận hiện thực và tạo giọng điệu cho riêng mình.

Là một phóng viên mặt trận, sau chiến tranh lại về “nằm vùng” tại một môi trường mới rất thuận lợi cho việc viết lách, Phạm Việt Long đã tích luỹ được một bề dày thực tế, một vốn sống phong phú và đầy đặn. Đi qua mỗi miền quê, đến với từng con người, thân phận, Phạm Việt Long đều có những quan sát, cảm nhận, suy ngẫm, đến một lúc nào đó, cái “tứ” truyện đã hình thành một cách dễ dàng. Những kỷ niệm về miền Tây Bắc cùng với nạn cháy rừng đã thôi thúc anh viết Ngọn lửa đốt nương. Những ám ảnh của chiến tranh, ước muốn lấy quá khứ để soi rọi hiện tại là động lực giúp anh sáng tác Hồi quang, Cơn mưa rừng năm ấy. Từ cái nhìn tâm linh để hướng tới những khái quát về đạo và đời, thiện và ác, phúc và hoạ... là các truyện Rắn thần, Hồn tường, Huyền thoại đầm Bạch Liên. Đối mặt với cái thường ngày xô bồ, tạp nham, thật giả, tốt xấu lẫn lộn khiến con người trở nên hoang mang là chủ ý của các truyện Ngờ vực, Bà mẹ và con chó nhỏ, Bà cục trưởng thích nhận thư. Trong số đó, Ngờ vực theo tôi là truyện ngắn đặc sắc nhất bởi chiều sâu tư tưởng, bởi sự đề cao giá trị chữ “Người” và cả “kỹ thuật” truyện ngắn. Không phải ngẫu nhiên anh đã chọn tác phẩm này đặt tên cho tập sách của mình.

Truyện ngắn Phạm Việt Long có kết cấu chặt chẽ, mạch lạc. Cốt truyện cũng thường gọn gàng, đơn giản. Đằng sau mỗi câu chuyện giản dị là bức tranh đời sống tưởng yên ả nhưng luôn tiềm ẩn những bùng nổ và xung đột gắt gao: Đó là khung cảnh núi rừng Tây Bắc hùng vĩ, thanh bình nhưng tất cả rồi lại bị nhấn chìm trong “biển lửa” (Ngọn lửa đốt nương); là hình ảnh mặt Đầm Đại bao la, hiền hoà, thơ mộng nhưng bỗng chốc nổi sấm chớp, mưa gió đùng đùng bủa vây cuộc thi tài kén rể khốc liệt giữa hai chàng trai (Đầm Bạch Liên). Các truyện ngắn tiêu biểu khác như Ngờ vực, Bà mẹ và con chó nhỏ, Hồi quang, Cơn mưa rừng năm ấy... cũng đều mang màu sắc tương phản nhờ thủ pháp dựng cảnh theo “nguyên tắc” đối lập nói trên. Có lẽ đó là cách thức hữu hiệu để Phạm Việt Long làm nổi bật ý tưởng và tạo cho truyện ngắn của mình có được sự cô đúc cần thiết. Và nữa, Phạm Việt Long rất biết cách tạo điểm nhấn cho bức tranh đời sống bằng các chi tiết chọn lọc. Nếu hình ảnh “tắm suối” của người con gái Tây Bắc (Ngọn lửa đốt nương) hiện lên trinh trắng, hồn nhiên như một khuôn hình đẹp mang tính “xi nê”: “Y Chung lội từ từ, xa bờ dần dần, vừa lội vừa cuốn váy áo lên, để lộ làn da mịn màng, mướt mát. Khi nước ngập tới ngực thì váy áo chị đã được cuốn gọn trên đầu. Chị gọi như động viên tôi: - Cán bộ, xuống tắm đi! Nụ cười tươi rói và hồn nhiên vô tư biết bao! Tôi nhìn chị qua nụ cười trong trắng ấy”... thì chứng sợ mưa của ông Quang (Cơn mưa rừng năm ấy) là căn bệnh trầm kha bám riết, hành hạ khiến quãng đời sau chiến tranh của ông không một ngày, một giờ thanh thản: “Cứ mỗi khi trời đổ mưa trong đêm là ông cảm thấy sắp đổ gục dưới cái gánh nặng vô hình kia... Lúc ấy, dù là mưa khi ông đang yên ấm trong nhà hay đang rong ruổi trên đường, dù là mưa sầm sập hay mưa lâm thâm, ông vẫn như nghe tiếng gió gào thét và tiếng rừng quằn quại cùng tiếng kêu thảng thốt của một người con gái: “Ơ cán bộ ơi, cán bộ đừng làm thế”... Nếu hình ảnh Trần Đơn, người chồng ghen tuông nông nổi trong Ngờ vực bước vào nhà thấy “vợ anh đang đỡ một người đàn ông ngồi dậy. Anh ta cởi trần, người rớm máu, một cách tay bị nẹp gỗ” như đốm sáng nhỏ loé lên xua tan những ý nghĩ đen tối về sự thuỷ chung của người vợ thì chi tiết những chiếc phong bì gặp nước mưa, mủn ra “để lộ phía trong một tập thư khá dày màu xanh xanh, nhìn rõ con số 100 và hình tổng thống nước Mỹ” đã lột tả được thói đạo đức giả và lòng tham lam của một người đàn bà có quyền lực, trơ tráo và rất biết cách ăn hối lộ...

Nhân vật trong truyện ngắn Phạm Việt Long đa dạng, nhiều màu vẻ nhưng rất dễ nhận diện tốt hay xấu, đáng trân trọng hay khinh bỉ, đen - trắng rõ ràng... Ngoài đời, Phạm Việt Long là một người thẳng thắn, nhạy cảm. Trong văn chương cái nhìn của anh trước con người là một cái nhìn trực diện. Chính vì vậy, hệ thống nhân vật trong truyện ngắn của anh không rối ren, phức tạp, đủ cho chúng ta hình dung về một “tiểu thế giới” những con người có tâm hay bất lương, có tài hay vô dụng, giàu lòng nhân ái hay vô đạo đức, cao thượng hay hèn hạ. Ngay những truyện viết về loài vật của anh cũng hàm ẩn và gợi lên được nhiều thói tật của con người... Thời kỳ đầu, theo “đà quán tính” chung của văn học, nhân vật trong tác phẩm của anh hiển thị với dáng dấp của tinh thần biểu dương hay phê phán, mà chủ yếu vẫn là biểu dương, nhân rộng những điển hình tốt của xã hội: Đó là hình ảnh người cán bộ phụ nữ vùng cao lăn lộn với phong trào và hết lòng chăm lo cho đời sống yên lành của dân bản (Ngọn lửa đốt nương); là tấm gương hy sinh thầm lặng của một cô gái dịu dàng, khiêm tốn bên cạnh những kẻ “công thần”, chỉ to mồm la lối đòi quyền lợi (Ánh sáng từ biên giới); là một tấm gương tiêu biểu xuất sắc của ý chí quyết tâm xoá bỏ nghèo nàn, lạc hậu, mang lại ấm no và giàu có cho nông dân, một con người dám làm, dám đương đầu với cơ chế lỗi thời, quan liêu (Thành hoàng làng). Càng về sau, cùng với thời gian và độ “chín” của ngòi bút, Phạm Việt Long tiếp cận với con người đa diện hơn. Nhân vật được chú ý khai thác nhiều và sâu hơn ở những diễn biến nội tâm và cả phần vô thức trỗi dậy ngoài sự kiểm soát của lý trí tỉnh táo. Các nhân vật như Quang (Cơn mưa rừng năm ấy), Quý (Hồi quang), Trần Đơn (Ngờ vực) đều là những “ca tư tưởng”, đều phải trả giá đắt cho những lỗi lầm quá khứ và đều phải sống quãng đời hiện tại đầy day dứt và đau khổ. Phạm Việt Long có thể tha thứ cho phần mềm yếu, thậm chí là mù quáng và hèn nhát của con người, song lại rất dữ dội và quyết liệt trước sự phản bội và man trá. Anh thẳng thừng vạch mặt những kẻ giành giật, chiếm đoạt tình yêu với mọi âm mưu và thủ đoạn, kể cả giết người bằng lối viết “giải huyền thoại” - giải thiêng - trong truyện ngắn Đầm Bạch Liên”. Anh dị ứng, khinh bỉ tột độ loại người miệng luôn nói chuyện nhân nghĩa nhưng bụng dạ thì bẩn thỉu, đê tiện (Bà cục trưởng thích nhận thư). Có thể thấy thông qua nhiều mảnh đời, nhiều cảnh ngộ, nhiều bước ngoặt số phận khác nhau, Phạm Việt Long đã gửi gắm nhiều tâm sự vui buồn, những trăn trở âu lo trước sự đen bạc của nhân tình thế thái, sự méo mó, băng hoại về nhân cách - Những vấn nạn trầm trọng của đời sống đương đại diễn ra với tốc độ “luỹ tuyến”... Tuy nhiên, điều đáng quí là Phạm Việt Long đã không đánh mất niềm tin về khả năng phục thiện, về phần tốt đẹp của con người. Tác phẩm của anh, vì vậy, ấm áp và giàu lòng tin yêu.

Phần Tản văn tuy chỉ chiếm tỉ lệ 1/3 số trang của tập sách nhưng lại mang đến cho người đọc rất nhiều hứng thú, thể hiện được một khía cạnh độc đáo của bút pháp và hết sức nhất quán về phong cách. Ở truyện ngắn, Phạm Việt Long đã “theo đuổi” nhiều lối viết khác nhau: lối tả thực nghiêm ngặt bên cạnh sắc thái huyền thoại, cổ tích hư ảo; lối dựng truyện theo sự kiện, chi tiết bên cạnh kết cấu dựa theo những diễn biến, giai điệu tâm lý; giọng điệu của anh lúc nhẹ nhàng, bình thản khi căm phẫn, chua chát... còn ở phần tản văn, anh hoàn toàn tuân thủ nguyên lý áp sát hiện thực của ký (tản văn là một thể ký) và chất giọng hài hước, sắc sảo, dí dỏm rất có sức cuốn hút. Với 10 bài viết ngắn, mảng tản văn của tập sách đã tái hiện rõ mồn một bức tranh đầy rẫy sự khôi hài về những con người, sự việc gần gũi quanh ta. Những nghịch lý giữa thật và giả, giữa nội dung rỗng tuyếch và hình thức lố lăng, kệch cỡm, giữa bản chất thối tha và lời lẽ hoa mỹ... đã được khai thác một cách hiệu quả. Có cảm giác, với “tiểu thể loại” này, Phạm Việt Long chẳng phải “lao tâm khổ tứ”. Anh viết như chơi, chỉ cần tài quan sát, óc hài hước và khả năng “chớp” thật nhanh những chi tiết “đắt” là đã có một câu chuyện hấp dẫn. Tuy nhiên, “tông” giọng của anh cũng có sự cao thấp khác nhau. Đối với đời sống gia đình, anh hài hước một cách nhẹ nhàng thói lắm điều “khôn nhà dại chợ”, cò kè thường tình trong mua bán của đàn bà và rốt cục thiệt nhiều hơn lợi (Mong được mẹ khinh, Mèo một hột); anh nhìn thấy rất rõ những bi kịch của gia đình hiện đại: hôn nhân tan vỡ vì “Mợ nó đi Tây...” (Cái mũi thính) hay con cái trưởng thành vô cảm trước nỗi cô đơn của cha mẹ già (Đẻ xa). Đối với những hiện tượng bi hài, cười ra nước mắt ngoài xã hội, anh giễu cợt châm biếm một cách sâu cay hơn, sự bất bình, thái độ phê phán cũng mạnh mẽ hơn: Một chân dung “sếp” có tài diễn thuyết chuyên đi rao giảng những “lời vàng ý ngọc” nhưng lại sinh ra những đứa con vô phúc (Những ý kiến quí báu); Một tờ báo tung tin thất thiệt làm tổn hại thanh danh nhân phẩm phụ nữ mà không hề có một lời xin lỗi (Tại mình là người Việt); Một cơ quan hành chính “cấp Phường” sách nhiễu, gây khó dễ vì đương sự chưa nhập môn bài học “Đầu tiên”; Những vấn đề của văn hoá du lịch (Chỉ thương người Tây sang ta) thói sùng ngoại (Lá thư trong cổ áo) v.v và v.v... Nhưng đạt đến độ thâm thuý sâu xa hơn cả, đó phải là Dàn đồng ca. Một dàn đồng ca ô hợp có cả những ca sĩ hát lạc điệu, sai nhịp. Một “Dàn đồng ca đã lâm vào cảnh trống đánh xuôi, kèn thổi ngược... Khi cần xã hội tiến đều bước, Dàn lại hát theo kiểu đuổi bè, loạn xị ngậu. Khi cần xã hội tiến mạnh về tương lai, Dàn lại hát bằng cái giọng ẻo lả, rên rỉ. Khi cần đưa xã hội vào giấc ngủ êm đềm, Dàn lại hát lên những khúc hát chói tai như còi xe lửa rúc. Khi cần một không khí trong lành làm sạch tinh thần, thì Dàn lại hát bằng cái giọng đục ngầu, giống như nước cống làm bốc lên toàn mùi xú khí”...

Đọc văn xuôi Phạm Việt Long, người ta rất dễ tìm thấy một sự pha trộn giữa văn và báo, văn và điện ảnh, văn và nhạc... mặc dầu anh không cố tỏ ra mình đa tài, thông thái. Tuy nhiên, giá anh kết hợp nhuần nhị, hài hoà hơn giữa văn và báo, giá như anh xử lý khéo hơn, ít sự sắp đặt hơn trong cách kết thúc của một số truyện... Song, trong tương quan so sánh đó, bản lĩnh, tâm huyết, sự trải nghiệm và sức sáng tạo của người cầm bút mới thực sự làm nên đời sống và mang lại nhiều giá trị cho tập sách đáng trân trọng này./.

Hà Nội, 12 - 2007 - L.H.T

 

[*] Ng vc. Phm Vit Long, Nxb. Thanh niên 2006.

Lý Hoài Thu

Link nội dung: https://phamvietlong.vn/doc-ngo-vuc-de-lay-lai-niem-tin-2652.html