MẸ TÔI

Suốt bao năm tháng qua, tôi vẫn nghĩ mẹ tôi là một người mẹ tuyệt vời, một người phụ nữ của gia đình. Vậy mà đến khi Mẹ đi về miền tiên cảnh, tôi mới ngộ ra rằng mình nghĩ về Mẹ mới được một nửa. Nửa kia – con người của xã hội – cũng rất cao đẹp, thế mà cứ ẩn khuất đi, nay mới hiển hiện lên, rõ mồn một.

me-toi1-1718695177.jpg
 

 

Tuổi thơ của tôi trôi qua đã lâu rồi, nhưng những kỷ niệm ấm áp về Mẹ luôn luôn sống động trong tôi. Trong kháng chiến chống Phap, bố tôi là bộ đôi, chinh chiến khắp miền Tây Bắc, Việt Bắc, thì mẹ tôi lo toan toàn bộ công việc gia đình. Hồi ấy, chúng tôi mới có 4 anh em trai “trứng gà trứng vịt”, mỗi đứa cách nhau một vài tuổi, khiến cho sự chăm sóc của Mẹ thêm vất vả. Nuôi dạy đã đành. Còn phải chạy giặc nữa. Có nhiều khi, cùng với gia đình bên Ngoại, chúng tôi phiêu dạt khi thì Tuyên Quang, lúc sang Phú Thọ. Những chuyến tản cư như thế, Mẹ, Bà, Bà Trẻ lại gồng gánh chúng tôi trên đôi quang gánh dân giã, cùng với lỉnh kỉnh đồ dùng. Tuổi thơ được ngồi trong thúng đong đưa cùng với những bước chân liêu xiêu của Mẹ, của các Bà, chúng tôi chỉ thấy thích thú, nào để ý đến những giọt mồ hôi ướt đầm lưng những người thân yêu của mình. Có hôm giặc Tây nhảy dù gần nơi ở, không kịp tản cư xa, gia đình tôi đìu ríu vào cánh rừng gần nhà. Mẹ tôi vốn đẹp – khuôn mặt trái xoan, da trắng hồng – nên rất sợ giặc Tây làm nhục. Khi ấy, Mẹ bôi nhọ nồi nhoè nhoẹt khuôn mặt để làm cho mình xấu đi, để nhỡ gặp Tây thì nó ghê, không lại gần. Nhưng tôi, mặc dù bé tí, nhưng đã quen nhìn gương mặt đẹp như tiên của Mẹ nên khóc váng lên, đòi Mẹ rửa mặt đi. Dỗ dành tôi mãi không được, Mẹ đành lấy nước rửa mặt sạch sẽ, trở lại làn da trắng hồng. Thấy tôi cười, Mẹ cũng cười, nhưng bây giờ tôi mới hiểu rằng khi ấy ẩn sau nụ cười tươi là sự lo âu. Tình yêu thương của người Mẹ đối với tôi đã thắng nỗi sợ giặc Tây là thế. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, thi thoảng bố tôi về thăm nhà vài hôm rồi lại trở lại mặt trận, chúng tôi sống hoàn toàn nhờ nhà ngoại và Mẹ. Các Bà, Cụ Ngoại tôi buôn gánh bán bưng, còn Mẹ thì nuôi gà, làm nương… nuôi chúng tôi khôn lớn. Hoà bình lập lại, về Hà Nội, gia đình đoàn tụ nhưng kinh tế lại eo hẹp. Chúng tôi đã có 8 anh em, đều được học hành tử tế. Chung hoàn cảnh với những cán bộ thời bao cấp, gia đình chúng tôi tăng gia sản xuất ngoài giờ hành chính để có thêm chút vật chất cho cuộc sống. Mẹ tôi được cái mát tay, nuôi lợn đàn nào cũng khoẻ mạnh, lớn nhanh. Chúng tôi lớn lên, lẽ ra bắt đầu giúp đỡ được Mẹ thì lại rời gia đình toả về các miền đất nước. Khi tôi ở chiến trường miền Nam thì bố tôi bắt đầu yếu đau, bệnh tật. Mẹ tôi lại trần lưng ra với lo toan cuộc sống. Mà Mẹ rất tài quản lý gia đình. Nhà có cô em thứ 7 tính tình chỉn chu, đảm đang, được Mẹ giao quản lý chi tiêu cho việc ăn uống của cả nhà. Không phụ lòng Mẹ, cô bé mười mấy tuổi ấy đã biết tính toán chi ly để chia số tiền ít ỏi của gia đình ra đủ 30 ngày trong tháng, mà ngày ngày đều được thay đổi món ăn. Khi nước nhà thống nhất, bố tôi mắc bệnh không đi lại được, đêm lại hay dậy. Suốt gần mười năm trời như thế, Mẹ chăm sóc bố, không một lời ca thán. Con cái Mẹ đều hiếu thảo, phụ giúp bố mẹ, nhưng không thể nào thay bà chăm ông được. Và đêm đêm, Mẹ không bao giờ yên giấc, lúc thì đỡ bố dậy cho đỡ ho, lúc lại cho bố tựa vào người… Kỷ niệm về Mẹ nhiều lắm, không thể kể ra hết được. Nhưng chỉ nói qua như vậy, cũng thấy Mẹ tôi đảm đang, hy sinh cho chồng con như thế nào.

Hình ảnh của Mẹ đậm trong tôi như vậy, một người Mẹ tuyệt vời, một phụ nữ của gia đình.

 

me-toi-co-nho-1718695845.jpg
 

 

 

Nhưng, khi Mẹ về miền tiên cảnh rồi, một phẩm chất cao đẹp của Mẹ mới được hiển hiện lên qua các câu chuyện mà tôi nghe được từ những bạn bè, đồng nghiệp của Mẹ ôn lại lúc ngồi trước bàn thờ Mẹ. Đó là những việc làm bình dị nhưng có ý nghĩa sâu sắc để phục vụ cơ quan, để xây dựng Đảng. Mẹ tôi làm một cán bộ dược tá bình thường trong Tổ Y tế của cơ quan - Trường Ngoại ngữ. Bạn bè của Mẹ kể rằng khi ấy, Mẹ chịu khó chạy vạy, tính toán để có đủ thuốc phục vụ cán bộ, sinh viên của trường. Đáng kể là thời gian chiến tranh phá hoại, Trường sơ tán tận bên Lôi Châu (Hà Bắc cũ), thỉnh thoảng Mẹ lại về Hà Nội nhận thuốc cho Trường. Mẹ cùng cô Phúc đi một chiếc xe máy, nhiều đoạn phải chạy trên đường số Năm, qua sông Hồng bằng đò. Lúc ấy, máy bay giặc Mỹ luôn luôn rình mò oanh tạc, thả bom. Đi đi lại lại trên tuyến đường ấy nguy hiểm lắm. Có trận, hai chị em bị máy bay oanh tạc khá gần, may mà không hề hấn gì. Chừng ấy cũng đủ thử thách một con người, có dám đi dưới tầm máy bay địch để làm nhiệm vụ không. Nhất là đó lại là người phụ nữ tuổi không còn trẻ, sức không còn khoẻ, không tấc vũ khí trong tay. Nhưng Mẹ tôi không hề sợ sệt, không bỏ chuyến đi lấy thuốc nào. Nhờ vậy, Tổ Y tế của trường luôn luôn đủ thuốc phục vụ cho hàng ngàn cán bộ, sinh viên.

Hôm chuẩn bị làm lễ 49 ngày của Mẹ, tôi tiếp vợ chồng chị Phi đến thắp hương Mẹ. Chị Phi làm cùng Tổ Y tế với Mẹ mấy chục năm ròng. (Phải nói thêm rằng Mẹ có nhiều bạn thân, chung thuỷ trọn đời trong tình bạn chân thành. Có người là bạn hơn 50 chục năm rồi vẫn thân thiết như hồi mới thân nhau. Có người yếu sức không tự đi được mà vẫn nhờ ngưòi dìu đến đưa tiễn mẹ tôi về nơi an nghỉ cuối cùng. Tình bạn của Mẹ cũng là một tấm gương mà chúng tôi luôn noi theo nên chúng tôi cũng có rất nhiều bạn tốt). Những năm qua, tôi vẫn thường gặp chị Phi tới thăm hỏi Mẹ và cũng có nhận xét rằng chị thật là tình nghĩa, luôn nhớ đến người đã về hưu. Nhưng hôm nay, tôi mới được nghe câu chuyện của chị về Mẹ, khiến tôi phải suy nghĩ day dứt. Chị kể rằng chính Mẹ đã kiên trì bồi dưỡng, động viên chị suốt mười năm ròng và ‘’dắt” bằng được chị vào Đảng. Thời ấy, việc vào Đảng là thiêng liêng lắm, phải phấn đấu mãnh liệt lắm. Chị Phi là nhân viên trẻ mới vào nghề, thấy Mẹ quan tâm dìu dắt nên rất hay tâm sự với Mẹ. Mẹ khuyên chị rằng tuổi trẻ phải phấn đấu, mà sự phấn đấu phải thể hiện bằng việc trở thành Đảng viên. Khốn nỗi trong đơn vị có những đồng chí hết sức nghiêm khắc, bắt ne bắt nét từng ly từng tí một. Có lần đi làm muộn 5 phút cũng bị ghi sổ, khi được Chi bộ xem xét đưa vào diện đối tượng lại bị loại vì 5 phút đi muộn ấy. Có lần thì do chuyên môn non, nên xử lý một ca cấp cứu chưa kịp thời. Lại bị loại lần nữa. Mỗi lần bị loại là cả năm trôi qua. Chi Phi thấy nản, tâm sự với Mẹ tôi rằng thôi thế thì thôi, chẳng phấn đấu làm gì nữa. Mẹ tôi vừa nghiêm khắc phê bình, vừa ngọt ngào khuyên bảo: không được buông xuôi, có vất vả mới là phấn đấu, còn một chút khuyết điểm cũng phải sửa, sửa thành người tiên tiến mới được. Và Mẹ dìu dắt chị cả về tác phong lẫn chuyên môn. Lần này qua, lần khác tới, chị Phi phấn đấu ngày một kết quả. Tới năm thứ 10 thì chị được kết nạp vào Đảng. Chị cứ nhắc đi nhắc lại với tôi mãi rằng mẹ tôi đã kiên trì giúp đỡ chị 10 năm để “dắt” chị vào Đảng! Tôi đã làm công tác Đảng nhiều năm, nhưng chưa bao giờ gặp một trường hợp kiên trì như Mẹ tôi, âm thầm như Mẹ tôi, vì Đảng như Mẹ tôi và đạt kết quả mỹ mãn như Mẹ tôi trong công tác xây dựng Đảng! Điều này khiến tôi nhớ lại những kỷ niệm với Mẹ nhưng là những kỷ niệm có liên quan đến vận mệnh của Tổ quốc. Bố mẹ tôi có thói quen để cho con cái tự lập. Bộ mẹ chỉ định hướng, khuyên bảo chứ không dắt tay chỉ việc hoặc thúc ép làm theo ý mình. Do vậy anh em chúng tôi biết sống tự lập, tự chủ. Vào năm 1968, đang làm phóng viên ở Sơn La thì tôi xung phong đi chiến trường miền Nam. Tôi về nhà báo tin, bố mẹ tôi không tỏ ra lo lắng, mà chỉ lẳng lặng thu xếp cho chuyến đi của tôi.

 

me-va-gia-dinh-co-nho-1718695892.jpg
 

 

 

Khi tôi ở chiến trường, trong một lá thư gửi cho tôi, Mẹ viết: “Bây giờ mẹ khuyên con là phải cẩn thận, đừng xông pha nhiều, nếu là nhu cầu công tác thì không nói, nhưng ngoài ra thì phải giữ gìn cẩn thận”. Bây giờ nghiền ngẫm lại lời thư, mới thấy Mẹ tôi vĩ đại thế nào. Lo và thương cho con vô cùng vô tận, Mẹ khuyên con phải cẩn thận, đừng xông pha nhiều. Thế nhưng, e rằng lời khuyên sẽ làm nhụt chí con, Mẹ thêm rằng nếu là nhu cầu công tác thì không nói! Quả thực, suốt 7 năm sống trong chiến trường gian khổ, ác liệt, lời thư của Mẹ, của Bố đã là nguồn động lực mạnh mẽ cho tôi vượt qua mọi thử thách, tới ngày toàn thắng của dân tộc mới trở về gia đình. Suy nghĩ của Mẹ tuy không được bộc lộ qua những lời nói thống thiết, nhưng có chiều sâu thăm thẳm của tình thương yêu con cái và tinh thần trách nhiệm với Tổ quốc, thấm vào tôi như dòng máu của Mẹ tiếp cho tôi ngay từ khi tôi ở trong bụng Mẹ, nuôi lớn tôi từng ngày từng giờ. Mẹ cũng là người thành công trong việc nuôi dạy con cái. Không “quân phệt”, nhưng với những gì thuộc về nguyên tắc thì Mẹ làm mọi cách cho chúng tôi phải tuân theo. Việc ngủ trưa là một ví dụ. Mẹ thường bảo chúng tôi là ngủ trưa có lợi cho sức khoẻ cho nên Mẹ rèn giấc ngủ trưa cho chúng tôi từ tấm bé. Cho nên bây giờ cả 8 anh em chúng tôi đều quen ngủ trưa, nếu vì lẽ gì mà lhông ngủ trưa được thì rất mệt mỏi, chiều khó làm việc. Hồi ở chiến trường, hành quân thì hành quân, cứ đến trưa là tôi mắc võng nghỉ ngơi đôi chút. Không dám khoe, nhưng phải nói lên một sự thật rằng 8 anh em chúng tôi đều trưởng thành, là những cán bộ tốt của Đảng, Nhà nước, bằng hành động cụ thể của mình đã đóng góp một phần nhỏ so với nhân dân nhưng lớn so với bản thân cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, đồng thời cũng là những người con hiếu thảo, đoàn kết thương yêu nhau. Tôi chưa bao giờ thấy mẹ tôi khoe tham gia cuộc thi này, cuộc vận động nọ, cuộc học tập kia, được khen thưởng này nọ, thế nhưng những việc làm như thế của Mẹ cũng như việc Mẹ hiến dâng cho xã hội 8 công dân tốt chính là hành động thiết thực để xây dựng Đảng, để học tập và làm theo lời Bác Hồ…

Thật sung sướng được làm con của Mẹ, của Bố, những con người đã có một cuộc sống đẹp đẽ, đẹp đẽ trong sự bình dị nhưng có sức lan toả mạnh mẽ, có độ bền vượt thời gian. Lần nào cũng vậy, khi gặp một ai đó biết bố mẹ tôi, tôi đều được nghe những lời nói tốt đẹp về hai Người, thậm chí nhiều người còn bảo quý tôi vì tôi là con của ông Hoá bà Hạnh.. Khi tuổi đã cao, có lẽ đã mãn nguyện với cuộc sống, Mẹ tôi ra đi thật là thanh thản. Sớm 20 tháng 6 năm 2009, Mẹ kêu đau ngực, chú em tôi chỉ kịp đỡ Mẹ, xoa ngực cho Mẹ mấy phút, ô tô cấp cứu chưa kịp đến thì Mẹ đã ra đi. Khi ấy, đang nhăn mặt vì đau, Mẹ chợt im lặng và khuôn mặt giãn ra, thanh thản, đôi mắt nhẹ nhàng khép lại như ngủ. Ai cũng bảo ra đi như vậy là phúc lắm. Ngày Mẹ ra đi trời nắng như đổ lửa. Ngày làm lễ tang cho Mẹ, trời lại mưa sầm sập. Thế mà trước giờ cử hành tang lễ khoảng hơn một tiếng, trời bỗng tạnh ráo. Bầu không khí dịu lại sau cơn mưa khiến những người đến tiễn đưa mẹ tôi không bị nóng nung như máy ngày trước. Chắc trời thương Mẹ và biết rằng Mẹ không thích làm phiền mọi người cho nên đã cho một cơn mát mẻ và tạnh đúng lúc để mọi người khỏi ướt….

 

 

 

 

                                                                                               

 

Phạm Việt Long

Link nội dung: https://phamvietlong.vn/tien-si-pham-viet-long-da-co-duoc-trai-tim-khoe-manh-nhu-the-nao-2629.html